Thuốc kháng viêm là gì? Các loại thuốc kháng viêm hiện nay
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Thuốc kháng viêm là gì?
Thuốc kháng viêm là thuốc dùng để làm giảm triệu chứng viêm của cơ thể (bao gồm các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau) bằng cách ức chế quá trình tổng hợp ra các chất hóa học trung gian gây viêm. Thuốc chống viêm có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng trong cơ thể con người. Tuy nhiên, thuốc kháng viêm không thể tiêu diệt hoàn toàn tất cả các loại vi khuẩn vì có một số loại vi khuẩn mạnh, có khả năng lây lan và phát triển nhanh chóng.
Thuốc kháng viêm được chia thành 3 loại:
- Thuốc kháng viêm không Steroid là nhóm thuốc nhóm thuốc không có nhân steroid, với cơ chế ức chế enzym COX, ngăn hình thành các chất trung gian gây viêm trong cơ thể, từ đó có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm. Ngoài ra, các NSAIDs còn có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống kết tập tiểu cầu.
- Thuốc kháng viêm Steroid hay còn gọi là Corticoid là thuốc có chứa cortisol hoặc các dẫn xuất của cortisol (loại hormone do tuyến thượng thận sản xuất). Corticoid giúp làm giảm tình trạng viêm và làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Thuốc kháng viêm dạng men có bản chất là enzym, có nguồn gốc từ các men tự nhiên do một số tuyến hoặc vi sinh vật tiết ra, ví dụ như: men Chymotrypsin thủy phân protein được sản xuất bởi tuyến tụy, serrapeptase là một men phân giải protein chiết xuất từ một chủng vi khuẩn không gây bệnh thuộc loài serrati,...
2. Chỉ định của thuốc kháng viêm
2.1 Thuốc kháng viêm không Steroid
Thuốc kháng viêm không Steroid hay còn được gọi là NSAIDs thường được dùng để:
- Làm giảm những cơn đau nhẹ và trung bình như do căng cơ, bong gân, đau đầu, đau nửa đầu, đau bụng kinh, đau răng,...
- Hạ sốt
- Điều trị bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, xơ cứng bì toàn thể...), thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, các bệnh lý phần mềm do thấp như viêm khớp vai, viêm lồi cầu xương cánh tay...
2.2 Thuốc kháng viêm Steroid
Thuốc kháng viêm Steroid (Corticoid) có tác dụng kháng viêm cực mạnh, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Thuốc Corticoid được sử dụng điều trị một số bệnh như:
- Các bệnh viêm đường ruột (như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…)
- Bệnh tự miễn (như lupus, hội chứng thận hư nguyên phát, viêm gan tự miễn,…)
- Bệnh cơ và khớp (như viêm khớp dạng thấp, đau đa cơ do thấp)
- Dị ứng và hen suyễn.
- Điều trị thay thế cho những người mà cơ thể không tự tạo được steroid tự nhiên như trong bệnh Addison (một dạng của suy tuyến thượng thận mạn)
- Điều trị một số bệnh ung thư
2.3 Thuốc kháng viêm dạng men
Thuốc kháng viêm dạng men hiện nay được sử dụng khá phổ biến trong nhiều bệnh do có tác tác dụng tiêu viêm, giảm phù nề, giảm sưng tốt. Thuốc kháng viêm dạng men được dùng trong các trường hợp:
- Điều trị hỗ trợ phù nề sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Giảm sưng trong viêm mũi xoang.
- Dùng ngoài: Loại bỏ tế bào chết từ vết bỏng
3. Danh sách các loại thuốc kháng viêm
3.1 Thuốc kháng viêm không Steroid
- Ibuprofen là thuốc chống viêm không kê đơn được sử dụng phổ biến nhất ở trẻ em, là loại duy nhất được chấp thuận sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. ibuprofen có tác dụng chống viêm và giảm đau tốt, ít độc tính hơn Aspirin.
- Aspirin tác dụng giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân nhưng không hạ thân nhiệt ở những người bình thường, có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, cải thiện tình trạng đau trong các bệnh như đau cơ, bong gân, đau răng, đau do chấn thương, viêm khớp, thấp khớp,.. aspirin có thể sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi, nhưng trẻ em từ 17 tuổi trở xuống khi bị thủy đậu hoặc cúm nên tránh dùng aspirin và các sản phẩm có chứa aspirin.
- Piroxicam thường dùng để giảm đau, kháng viêm các bệnh viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp.
- Diclofenac có tác dụng chống viêm, giảm đau và hay được chỉ định để điều trị các bệnh liên quan tới khớp, tác dụng chống viêm khớp mạn tính rất tốt và giữ được lâu do thuốc tích lũy nhiều ở dịch bao khớp trong.
- Celecoxib được sử dụng để giảm triệu chứng viêm giảm cơn đau của các bệnh nhân mắc các bệnh viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp hay bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, thuốc còn chỉ định để giảm đau cấp tính hay trong trường hợp bệnh nhân bị thống kinh nguyên phát.
- Naproxen có tác dụng giảm đau nhẹ đến vừa trong các bệnh lý đau do viêm như xương khớp, đau bụng kinh, đau đầu, cơn gout cấp, đau sau phẫu thuật.
3.2 Thuốc kháng viêm Steroid
- Methylprednisolon được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nguy hiểm, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch.
- Dexamethason làm giảm phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể (phản ứng viêm) và giảm những triệu chứng đi kèm.
- Prednisolon được chỉ định trong kháng viêm, dị ứng và ức chế miễn dịch đối với một số bệnh lý.
- Hydrocortison có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, chống ngứa và ức chế miễn dịch.
3.3 Thuốc kháng viêm dạng men
- Enzym Chymotrypsin dùng hỗ trợ trong phẫu thuật lấy đục thủy tinh thể trong bao ở người từ 20 - 60 tuổi, dùng trong điều trị phù nề sau chấn thương, phẫu thuật, bỏng.
- Alphachymotrypsin được sử dụng trong điều trị giảm sưng và hạn chế tình trạng phá hủy mô.
- Serratiopeptidase giúp cơ thể phân huỷ protein nên giúp giảm viêm và được chỉ định cho tất cả các tình trạng viêm, phù nề.
4. Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm
Các thuốc kháng viêm thường chỉ làm giảm các triệu chứng viêm (giới hạn hoặc làm chậm lại quá trình viêm bằng cách ức chế việc sản xuất các chất trung gian gây viêm) mà không loại bỏ được các nguyên nhân gây viêm hay thay đổi tiến triển phát triển của bệnh lý. Vì vậy, để điều trị bệnh hiệu quả,
cần xác định tác nhân gây viêm, phối hợp linh hoạt các biện pháp điều trị để chữa viêm.
Ngoài các lưu ý chung, mỗi loại thuốc kháng viêm đều có các lưu ý riêng khi sử dụng như dưới đây:
4.1 Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm không Steroid
Hầu hết các loại thuốc kháng viêm không Steroid là thuốc kê đơn, chỉ có 1 số ít là thuốc không kê đơn nên cần cẩn trọng khi sử dụng, nên sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu sau vài ngày sử dụng thuốc mà tình trạng viêm, đau không giảm hoặc có bất cứ nghi ngờ nào, nên đến gặp bác sĩ ngay. Khi gặp bác sĩ cần nói rõ về thuốc kháng viêm bạn đã sử dụng, tiền sử bệnh, nhất là những bệnh về mạch, thận và dạ dày.
4.2 Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm Steroid
Đây là thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên khi dùng cần tuân thủ một số quy định sau:
- Uống đúng thời gian chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng.
- Không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ khi gặp các triệu chứng như bệnh cũ hoặc có các triệu chứng giống bệnh của người khác.
4.3 Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm dạng men
Bản chất thuốc kháng viêm dạng men là enzym nên nó dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thuốc dễ bị biến chất, giảm tác dụng khi tiếp xúc với các yếu tố này. Vì vậy, cần bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, tránh ẩm.
5. Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm
5.1 Thuốc kháng viêm không Steroid
Thuốc chống viêm không Steroid gây ra rất nhiều tác dụng không mong muốn trên cơ thể:
- Tăng nguy cơ xuất huyết do tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu của nhóm NSAID
- Hệ tiêu hoá: gây ra bệnh loét dạ dày tá tràng hoặc nặng hơn là xuất huyết dạ dày
- Có nguy cơ bị ứ nước tại thận, nồng độ kali trong máu tăng và viêm thận kẽ khi sử dụng
- Thuốc NSAID tạo cơn hen giả ở người bình thường hoặc tăng tần suất xuất hiện cơn hen ở bệnh nhân hen phế quản
- Khiến người dùng bị ban da, mề đay hay gan có thể bị ngộ độc
- Nếu phụ nữ mang thai điều trị bằng NSAID trong 3 tháng đầu hoặc dùng lâu dài trong thời kỳ mang thai và lúc chuyển dạ thì thai nhi có thể dị tật hoặc xuất hiện chảy máu khi sinh
5.2 Thuốc kháng viêm Steroid
Thuốc chống viêm Steroid có tác dụng kháng viêm cực mạnh, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như:
- Thuốc gây ra nguy cơ bị tăng đường huyết hoặc khiến bệnh đái tháo đường trở nên nặng hơn
- Bệnh nhân có thể bị mỏi cơ, nhược cơ hoặc thậm chí teo cơ
- Xương của người dùng corticoid lâu dài có thể dễ bị gãy hơn do gây xốp xương, loãng xương
- Gây ra rối loạn chuyển hoá mỡ, loét dạ dày tá tràng, vết thương dễ nhiễm trùng hoặc chậm tăng sinh các mô sẹo trong quá trình hồi phục
- Gây nguy cơ bị tăng huyết áp và phù khi điều trị lâu ngày
- Bệnh nhân có khả năng mắc chứng suy thượng thận cấp khi ngừng sử dụng thuốc Corticoid đột ngột
- Ngoài ra nếu sử dụng lâu có thể gặp các tác dụng phụ khác như mất ngủ, đục thuỷ tinh thể,...
- Nếu dùng thuốc tại chỗ bệnh nhân có thể bị teo da, rạn da, ban đỏ, mụn mủ, viêm da,...
5.3 Thuốc kháng viêm dạng men
Thuốc chống viêm dạng men có thể gây một số tác dụng phụ cho bệnh nhân như:
- Trên mắt: thuốc có thể gây tăng nhãn áp, thậm chí là phù giác mạc hay viêm màng bồ đào.
- Có thể gặp các phản ứng dị ứng như ban da, nổi mẩn đỏ hay thậm chí shock phản vệ do thuốc có tính kháng nguyên.
4. Kết luận
Các loại thuốc kháng viêm nhóm NSAID thường được sử dụng để giảm đau cấp tính nhanh chóng và hiệu quả nhanh. Trong khi đó, thuốc kháng viêm Steroid thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị. Thuốc kháng viêm dạng men thì chỉ chủ yếu được dùng để điều trị phù nề sau phẫu thuật, bỏng.
Việc sử dụng thuốc kháng viêm trong thời gian dài luôn cần được bác sĩ chỉ định. Lạm dụng thuốc kháng viêm sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hy vọng với bài viết này, Medigo app đã giúp bạn có được những kiến thức cần thiết về thuốc kháng viêm là gì, các nhóm thuốc kháng viêm và cách sử dụng thuốc kháng viêm một cách an toàn và hiệu quả.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(9 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm