Estrogen: Tác dụng và 5 lợi ích của nó
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Estrogen là gì?
Estrogen là một loại hormone chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng trong cơ thể của bạn. Ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nó giúp phát triển và duy trì hệ thống sinh sản và các đặc điểm như ngực và lông mu.
Tiến sĩ Kollikonda cho biết: “Estrogen là một loại hormone được tiết ra bởi buồng trứng. Trong độ tuổi sinh sản, nó giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt."
Chức năng của estrogen là gì?
Mức độ estrogen của bạn tăng lên khi bạn bước vào tuổi dậy thì. Sau đó, mỗi tháng khi mức độ estrogen của bạn tăng lên, niêm mạc tử cung của bạn sẽ sẵn sàng cho quá trình thụ tinh. Khi mức độ của estrogen giảm xuống, kinh nguyệt sẽ bắt đầu.
Khi bạn già đi, mức độ estrogen của bạn bắt đầu giảm, dẫn đến mãn kinh, đánh dấu giai đoan kết thúc của quá trình sinh sản.
Tiến sĩ Kollikonda cho biết: “Khi chúng ta già đi, chức năng buồng trứng suy giảm và số lượng túi trứng giảm trong buồng trứng. “Điều đó làm giảm mức độ estrogen và đó là quá trình lão hóa bình thường ”.
Lợi ích của estrogen
Trước đây, estrogen được biết đến chủ yếu về những lợi ích mang lại cho hệ thống sinh sản.Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng estrogen còn giúp ích cho hầu hết các hệ thống cơ quan.
Bảo vệ trái tim của bạn
Estrogen có lợi cho tim thông qua việc giữ cho các mô tim mạch khỏe mạnh. Nó cũng giúp giữ huyết áp của bạn ở mức ổn định. Và khi mức độ estrogen của bạn cao, nó sẽ giúp giữ cho chất béo trung tính trong máu ở mức thấp, làm tăng HDL cholesterol (loại tốt) và giảm LDL cholesterol (loại xấu).
Mối liên hệ giữa estrogen và tim của bạn vẫn đang được nghiên cứu. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh tim gia tăng ở những người đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng hai bên trước khi mãn kinh
Bảo vệ bộ não của bạn
Estrogen bảo vệ não của bạn bằng cách giúp duy trì lưu lượng máu thích hợp. Nó cũng bảo vệ chống lại tình trạng viêm và các bệnh tật liên quan. Nó thậm chí còn hỗ trợ trong việc cải thiện trí nhớ và các kỹ năng vận động tốt.
Nếu bạn đã trải qua tình trạng “sương mù não” - cảm thấy khó tập trung hoặc mất khả năng suy nghĩ - thì có thể là nguyên nhân là do mức độ estrogen thấp.
Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng sương mù não tăng lên sau khi mãn kinh, mặc dù không hoàn toàn rõ ràng liệu điều đó có liên quan đến nồng độ estrogen hay không.
Một nghiên cứu cho thấy rằng cá nhân có lượng estrogen không bị sụt giảm trong thời gian dài thì sức khỏe não của họ càng tốt khi họ già đi.
Cải thiện khối lượng cơ và mật độ xương của bạn
Hormone cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương và cải thiện khối lượng cơ. Nó giúp bảo vệ chống lại chứng loãng xương, một tình trạng mà xương trở nên yếu và dễ gãy do mất mô.
Tiến sĩ Kollikonda cho biết: “Trong thời kỳ mãn kinh, khối lượng xương giảm do lượng estrogen giảm và làm cho chúng trở nên yếu và dễ gãy hơn”.
Tác động tích cực đối với tâm trạng của bạn
Những thay đổi tâm trạng mà bạn có ngay trước chu kỳ kinh nguyệt có thể là do sự thay đổi nồng độ của estrogen.
Hormone này được biết là giúp duy trì mức serotonin đều đặn (những “hormone tạo cảm giác dễ chịu”) và giúp tăng hiệu quả của endorphin. Nó thậm chí có thể hỗ trợ trong việc bảo vệ các dây thần kinh và gia tăng sự phát triển của dây thần kinh.
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem mức độ thấp hay mức độ cao của estrogen có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn hay không.
Cải thiện đời sống tình dục
Estrogen rất quan trọng đối với đời sống tình dục của bạn. Hormone giữ cho âm đạo của bạn được bôi trơn để quan hệ tình dục trở nên thú vị và dễ dàng hơn.
Khi mức độ estrogen thấp, thành âm đạo của bạn mỏng đi và sản xuất ít chất bôi trơn hơn.
Tiến sĩ Kollikonda nói: “Trong thời kỳ mãn kinh, độ đàn hồi của âm đạo sẽ giảm xuống. "Tình dục có thể gây nên đau đớn cho phụ nữ”. Rất may, việc sử dụng các loại kem hoặc thuốc bôi âm đạo có thể hữu ích trong trường hợp trên.
Bạn có nên dùng estrogen không?
Xét nghiệm máu có thể xác nhận xem mức độ estrogen của bạn có thấp hay không, nhưng bạn không được coi là đã mãn kinh cho đến khi bạn không có chu kỳ kinh nguyệt trong suốt một năm. Trong thời gian này, bạn có thể gặp:
- Nóng bừng.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Tâm trạng lâng lâng.
- Khô âm đạo.
Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hormone thay thế, giúp bổ sung estrogen. Progesterone, một loại hormone khác hỗ trợ hệ thống sinh sản, cũng có thể được bổ sung nếu bạn chưa cắt bỏ tử cung.
Estrogen có thể được bổ sung thông qua thuốc uống, miếng dán, gel, kem hoặc thuốc xịt. Có nhiều mức độ estrogen khác nhau mà bạn có thể sử dụng. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để có được liều lượng phù hợp.
Trong khi có những lo ngại về việc liệu pháp hormone thay thế có thể gây tăng nguy cơ ung thư vú, đái tháo đường và bệnh tim mạch, nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng estrogen có thể có lợi nếu liệu pháp hormone thay thế được bắt đầu sớm hơn so với việc bắt đầu muộn hơn.
Tiến sĩ Kollikonda cho biết: “Nếu bạn đang bị bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm, thì có lý thuyết cho rằng bạn cần bắt đầu liệu pháp hormone thay thê ngay khi bạn đang trong thời kỳ mãn kinh”. “Tại thời điểm đó, lợi ích nhiều hơn rủi ro.”
Nhưng nếu bạn đợi 10 năm sau khi mãn kinh mới bắt đầu liệu pháp hormone thay thế, thì nguy cơ ung thư vú, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ và bệnh tim mạch sẽ tăng lên.
Mặc dù điều quan trọng là phải biết những rủi ro, Tiến sĩ Kollikonda nói rằng việc trao đổi với bác sĩ của bạn có thể giúp xác định con đường tốt nhất cho tình trạng mà bạn đang gặp phải Bà nói: “Nếu bạn đang có các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của bạn bị giảm sút, thì tốt hơn là bạn nên bổ sung estrogen.
Nguồn: Health.clevelandclinic.org
Biên dịch: Ds Lư Nguyễn Cẩm San
Đánh giá bài viết này
(9 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm