lcp

Cơn ho của con bạn nói lên điều gì và giải pháp điều trị

4.9

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI Nguyễn Minh Bảo

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Nhi Khoa

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho và cha mẹ thường khó xác định nguyên nhân gây ho và khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa. Làm cách nào để phân biệt được cơn ho từ các nguyên nhân khác nhau để có thể điều trị đúng cách. Sau đây Medigo app sẽ giúp các bậc phụ huynh nhận biết được các loại nguyên nhân phổ biến gây ra cơn ho của trẻ

1. Ho là gì?

ho ở trẻ em

Ho là một phản xạ của cơ thể để làm sạch đường thở

Ho là một phản xạ của cơ thể để làm sạch đường thở khỏi các chất nhầy và các chất kích thích như khói bụi, lông động vật, các dị vật khác... Rất hiếm khi ho là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng nào. Hầu hết các cơn ho sẽ hết trong vòng 3 tuần và không cần điều trị.

Về bản chất, ho chỉ là triệu chứng không phải là bệnh lý. Trẻ em xuất hiện triệu chứng ho là tình trạng rất phổ biến, tuy nhiên để tìm được và phân biệt các nguyên nhân gây ho để điều trị hiệu quả thì cha mẹ cần nắm rõ các thông tin sau đây.

2. Phân loại ho

2.1 Tình trạng ho cấp tính và ho mạn tính

  • Ho cấp tính khi thời gian kéo dài nhỏ hơn 3. Điều trị không phải lúc nào cũng cần thiết đối với tình trạng ho cấp tính vì đây có thể là do nhiễm vi rút và bệnh sẽ tự thuyên giảm trong vòng vài tuần.
  • Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài hơn 3 tuần chưa được chữa khỏi. Cơn ho mạn tính có thể xuất hiện cả ban ngày và ban đêm, gây ra ảnh hưởng lớn đến người bệnh. Bệnh nhân ho mạn tính kéo dài dai dẳng có thể bị nôn mửa, chóng mặt, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến xương sườn.

2.2 Ho khan và ho có đờm

  • Ho khan là ho không có đờm, thường gây ngứa họng. So với ho có đờm, ho khan không có triệu chứng nào khác ngoài ho, bệnh nhân thường cảm thấy bình thường, không có cảm giác nặng ngực, khó thở. Trong trường hợp bệnh nặng, ho khan có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng
  • Ho có đờm (ho đàm) là một dạng ho đặc biệt có đặc trưng là “nặng” ngực. Khi bệnh nhân bị ho có đờm, họ có thể bị cảm giác nghẹt và không thở được, thường làm bệnh nhân lo sợ. Dạng ho này đi kèm với khạc chất nhầy hay đờm dãi. Các triệu chứng của ho có đờm thường xuất hiện nhiều khi người bệnh nói chuyện và đi lại.

3. Phân biệt các nguyên nhân gây ho ở trẻ em và hướng dẫn điều trị

3.1 Cảm lạnh

ho ở trẻ em

Dấu hiệu ho khi cảm lạnh

Dấu hiệu: Cảm lạnh thông thường thường gây ra những cơn ho có đờm (ho kèm theo chất nhầy hoặc đờm)

Hướng dẫn điều trị: Nếu con bạn bị cảm lạnh, không quá cần thiết phải dùng thuốc đặc hiệu. Cho trẻ uống đủ nước, vệ sinh mũi họng sạch sẽ (hút mũi cho trẻ sơ sinh) và nghỉ ngơi nếu cần. Nếu đang trong độ tuổi đi học, trẻ có thể tiếp tục đến trường khi ho nhưng không bị sốt trong 24 giờ mà không cần dùng thuốc. Thuốc ho và cảm lạnh không được khuyên dùng thường xuyên cho trẻ em, vậy nên hãy cân nhắc kỹ khi sử dụng cho trẻ.

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: Giọng của con bạn trở nên khàn đặc và ho có đờm nặng lên

3.2 Dị ứng

ho ở trẻ em

Dị ứng ở trẻ em

Dị ứng theo mùa thường không ảnh hưởng đến trẻ dưới 2-3 tuổi. Các triệu chứng của dị ứng theo mùa bao gồm: Ngứa, chảy nước mắt, sổ mũi, ho và nghẹt mũi, hắt hơi và đôi khi đau họng. Tuy nhiên, dị ứng thường không gây mệt mỏi, đau nhức cơ thể hoặc sốt.

Hướng dẫn điều trị: Bác sĩ có thể đề nghị hoặc kê đơn thuốc chống dị ứng phù hợp tùy thuộc vào độ tuổi và triệu chứng của con bạn.

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: Con bạn đang dùng thuốc điều trị dị ứng theo mùa mà các triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng, không thuyên giảm.

3.3 Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

Virus hợp bào hô hấp, thường được gọi là RSV, là một loại virus có thể gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.

ho ở trẻ em

Virus hợp bào hô hấp

Virus RSV lây lan qua các con đường

  • Dịch họng, dịch mũi từ người bị nhiễm virus.
  • Vị trí các mô hở, bề mặt hở, quần áo và đồ dùng của người bị nhiễm virus.
  • Tiếp xúc với tay chưa được rửa sạch của người bị nhiễm virus.

Phân biệt trẻ nhiễm virus RSV với bệnh cảm lạnh: Ngoài các triệu chứng giống bệnh cảm lạnh, trẻ bị nhiễm virus RSV có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Hay cáu gắt, khó chịu, quấy khóc
  • Thể trạng mệt mỏi, buồn ngủ, lờ đờ, thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Giảm sự hứng thú đối với môi trường xung quanh, giảm tìm tòi, khám phá.
  • Trẻ biếng ăn, lười ăn, bú kém.

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: Con bạn khó thở và thở nhanh. Phân biệt khó thở và thở rít, khó thở thì bạn không thể nghe thấy mà phải cảm nhận được trẻ đang trong cơn khó thể. Bạn có thể nhận thấy lồng ngực của trẻ hóp vào và xương sườn lên xuống theo từng hơi thở. Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào trong những dấu hiệu kể trên, hãy liên hệ ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

3.4 Viêm tiểu phế quản

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm tiểu phế quản là virus RSV, nhưng các loại virus khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. 

ho ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh như sổ mũi, ho nhẹ, sốt. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể nặng lên: Thở khò khè, khó thở, ho nhiều, ho dữ dội, nôn mửa khi ho, Sốt cao kéo dài (sốt trên 3 ngày)

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: Khó thở sau khi ho, Trẻ bỏ ăn, ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ li bì cả ngày, ngủ cả khi trẻ bú, thường xuyên quấy khóc, có dấu hiệu mất nước: khô môi, khô miệng, không đi tiểu trong 6-8 giờ, dễ cáu gắt, sốt cao…

3.5 Viêm phổi

ho ở trẻ em

Viêm phổi ở trẻ em

Trẻ em có các triệu chứng viêm phổi khác với viêm phổi ở người lớn và các triệu chứng có xu hướng rất khó phát hiện, nhưng viêm phổi thường đi kèm với sốt cao. Các triệu chứng của viêm phổi cũng sẽ thay đổi theo độ tuổi và nguyên nhân gây viêm phổi.

Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết trẻ bị viêm phổi dựa vào các triệu chứng đường hô hấp như: Ho và sốt, kèm theo thở nhanh. Khi bị viêm phổi, ban đầu trẻ ho khan, sau đó là tình trạng ho có đờm. Tuy nhiên, khi trẻ nhỏ hoặc thể trạng yếu có khi không ho hoặc ít ho. 

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: con bạn bị ho thường xuyên kèm theo sốt cao và/hoặc thở nhanh hoặc khó thở.

3.6 Hen suyễn

Theo báo cáo của Beyond ABC, hen suyễn là căn bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến gần 1/10 trẻ em. Các cơn hen suyễn có thể khởi phát bởi một số yếu tố như: tập thể dục, không khí lạnh, trạng thái phấn khích, tiếp xúc với các yếu tố môi trường, như khói thuốc lá, bụi nhà, lông chó mèo và ô nhiễm không khí.

ho ở trẻ em

Đường dẫn khí của người bị hen suyễn

Phân biệt các mức độ cơn hen suyễn:

  • Cơn hen suyễn nhẹ: Biểu hiện bởi các cơn ho như: ho gà, nói không bị hụt hơi 
  • Cơn hen suyễn vừa: Xuất hiện cơn ho khi trẻ gắng sức, tiếng nói ngắt quãng (trẻ bị hụt hơi khi nói).
  • Cơn hen suyễn nặng: Thường có triệu chứng khó thở, ho khi nghỉ ngơi, cánh mũi phập phồng; trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thì không thể bú được.

Liên hệ cho bác sĩ nhi khoa nếu: Con bạn ho kèm theo thở khò khè, thường nghe thấy âm thanh the thé giống như tiếng huýt sáo khi thở ra.

3.7 Ho gà

ho ở trẻ em

Triệu chứng của ho gà

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan qua đường hô hấp (ho và hắt hơi), tuy nhiên có thể phòng ngừa bằng vaccin. Mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên có hơn 90% các trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vaccin cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng tiến triển nặng và càng xuất hiện nhiều biến chứng.

Liên hệ ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu: Con bạn xuất hiện một loạt các cơn ho ngắn, dữ dội, đôi khi sau đó là một hơi thở the thé nghe như tiếng rít.

Medigo app vừa chia sẻ cách để phân biệt được cơn ho của trẻ từ các nguyên nhân khác nhau và hướng dẫn điều trị đối với từng trường hợp cụ thể. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về các loại ho, nguyên nhân và phương pháp điều trị để con bạn có một sức khỏe tốt hơn.

+ Nguồn tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết này

(11 lượt đánh giá).
4.9
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm