lcp

Corticoid là gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc Corticoid

4.3

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Corticoid là một loại thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Một số lưu ý cần biết:

1. Khái niệm

Corticoid (có tên gọi đầy đủ là Corticosteroid) là nhóm thuốc kháng viêm gần giống với hormon cortisol – một loại hormone do tuyến thượng thận sản xuất. Các loại thuốc nhóm corticoid hoạt động theo cơ chế chống viêm và ức chế miễn dịch. 

Viêm là một phản ứng của cơ thể mà trong đó bạch cầu và các hóa chất khác được phóng thích khác nhằm chống lại các tác nhân lạ như virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ miễn dịch không hoạt động như bình thường, gây ra quá trình viêm chống lại cơ thể và gây ra tổn thương. Các biểu hiện ra ngoài của chứng viêm bao gồm: sưng, nóng, đỏ và đau.

2. Cơ chế kháng viêm của Corticoid

Bạn có thể hiểu đơn giản cơ chế hình thành phản ứng viêm của cơ thể đó là: Phospholipid màng của các tế bào bị tổn thương sẽ giải phóng ra acid Arachidonic, sau đó acid này sẽ nhờ các enzym để chuyển thành các Prostaglandin và Leucotrien - là các chất gây viêm

Tác dụng chống viêm của Glucocorticoid có được là do ức chế sự hình thành viêm ở giai đoạn sớm, ngay từ giai đoạn giải phóng các acid arachidonic từ các Phospholipid của màng tế bào. Tác dụng này còn được tăng cường nhờ tác dụng giảm tính thấm thành mạch, ức chế sự di chuyển của bạch cầu đến tổ chức viêm và ức chế các phản ứng miễn dịch – dị ứng. Do đó Glucocorticoid không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn ngăn chặn sự xuất hiện viêm.

Tác dụng trên hệ miễn dịch: Glucocorticoid ảnh hưởng chủ yếu lên các đáp ứng miễn dịch kiểu tế bào (lympho T) nhiều hơn kiểu miễn dịch dịch thể (lympho B).

Glucocorticoid còn ức chế sự sản xuất ra các interferon miễn dịch – một sản phẩm của Iympho T hoạt hoá. Thực chất tác dụng trên hệ miễn dịch của Glucocorticoid nhằm ngăn cản việc phản ứng quá mức của cơ thể trước một tác động của yếu tố ngoại lai để bảo vệ cơ thể. Tác dụng này được áp dụng trong ghép cơ quan để ngăn cản sự thải ghép hoặc điều trị các bệnh liên quan đến cơ chế miễn dịch như bệnh thận hư nhiễm mỡ, Lupus ban đỏ, hen hoặc phối hợp trong xử lý sốc quá mẫn do thuốc.Mặt trái của tác dụng này là giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó tăng khả năng nhiễm trùng, nhiễm nấm.

3. Nhóm thuốc Corticoid được chỉ định khi nào?

Corticoid được các bác sĩ ứng dụng điều trị trong rất nhiều trường hợp:

Dị ứng và hô hấp:

  •  Cơn hen cấp từ TB – nặng
  • Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Viêm mũi dị ứng
  • Viêm da dị ứng
  • Mề đay
  • Dị ứng thuốc và thực phẩm
  • Polyp mũi
  • Viêm phổi quá mẫn 

Khớp/miễn dịch

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Đau da cơ do thấp khớp
  • Viêm đa cơ/ viêm da cơ
  • Viêm nút quanh động mạch

Nhãn khoa 

  • Viêm màng bồ đào
  • Viêm giác mạc – kết mạc

Da liễu

  • Bệnh bọng nước tự miễn Pemphigus  vulgaris
  • Viêm da tiếp xúc cấp, nặng

Nội tiết

  • Suy thượng thận
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh

Tiêu hóa

  • Viêm loét đại tràng
  • Bệnh Crohn
  • Viêm gan tự miễn

Khác 

  • Đa xơ cứng
  • Cấy ghép cơ quan
  • Hội chứng thận hư
  • Viêm gan mạn tính thời kỳ hoạt động

…..

Lưu ý rằng: Thuốc kháng viêm corticoid là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ. Bạn không nên tự ý mua dùng các loại thuốc corticoid

4. Phân loại

Phân loại theo đường dùng:

thuốc kháng viêm corticoid
  • Đường dùng toàn thân: uống hoặc tiêm truyền
  • Đường dùng tại chỗ: Kem bôi da, Thuốc nhỏ mắt, Thuốc nhỏ tai, Thuốc nhỏ mũi, Dạng hít qua mũi, miệng (tác động trên phổi).

Phân loại theo mức độ mạnh của Corticoid: mỗi hoạt chất trong nhóm này lại có độ mạnh yếu khác nhau, và còn phụ thuộc vào dạng bào chế, nồng độ có trong chế phẩm

Các thuốc thuộc nhóm Corticoid là

  • Hydrocortison
  • Cortison
  • Prednisone
  • Prednisolone
  • Methyl- prednisolone
  • Triamcinolone
  • Dexamethason
  • Betamethason


 

5. Tác dụng phụ

Tùy vào đường dùng thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng và loại hoạt chất nhóm corticoid bạn sử dụng mà sẽ có những tác dụng phụ khác nhau cần phải lưu ý. 

Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc corticoid ngắn hạn (7-14 ngày)

  • Kích ứng dạ dày, viêm loét dạ dày
  • Tăng cảm giác ngon miệng
  • Khó ngủ
  • Mụn trứng cá, rậm lông, các nốt xuất huyết và bầm tím trên da. 
  • Về mặt tinh thần, người bệnh thường trở nên nóng nảy và khả năng chú ý kém, nặng hơn có thể xuất hiện cơn hưng phấn hoặc trầm cảm. 
  • Hạ kali máu. 
  • Tăng huyết áp.
  • Yếu cơ gốc chi. 

Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc kháng viêm corticoid trong thời gian dài (trên 14 ngày): 

  • Suy tuyến thượng thận 
  • Loãng xương, hoại tử đầu xương vô trùng. 
  • Loét dạ dày, gan nhiễm mỡ. 
  • Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp glaucoma.
  • Tăng đông máu, rối loạn mỡ máu. 
  • Tăng huyết áp
  • Tăng đường huyết
  • Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím
  • Chậm lớn ở trẻ em
  • Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ).
thuốc kháng viêm corticoid

Suy thượng thận là tác dụng phụ đáng lo ngại nhất khi dùng corticoid kéo dài

Suy tuyến thượng thận thường xảy ra khi bệnh nhân ngưng thuốc đột ngột sau một thời gian dài điều trị với corticoid. Các dấu hiệu suy thượng thận Suy nhược/ mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu (thường vào buổi sáng), tăng cân chậm và/hoặc tăng  trưởng chậm ở trẻ em, đau cơ, đau khớp, triệu chứng trên tâm thần kinh, hạ huyết áp, hạ đường huyết. Nếu trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy tuyến thượng thận cấp và hạ huyết áp, nguy cơ tử vong cao nếu như không kịp thời bù cortisol.

6. Đối tượng đặc biệt

Corticoid đường uống là dạng corticoid thường xuyên gây ra tác dụng phụ, cần được thận trọng hoặc không nên dùng trong một số trường hợp, cụ thể như sau: 

  • Nhiễm trùng lan rộng 
  • Có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi – chẳng hạn như trầm cảm hoặc nghiện rượu. 
  • Một số bệnh lý nền như các vấn đề về gan, suy tim, tăng huyết áp và tiểu đường. 
  • Đang dùng một số thuốc khác có thể tương tác nghiêm trọng với corticosteroid (thuốc chống đông, chống nấm azol, kháng virus…). 
  • Phụ nữ đang cho con bú, trẻ em chậm lớn và người già cũng là những đối tượng cần thận trọng khi dùng các loại thuốc kháng viêm corticoid đường uống.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần hỏi về khả năng mang thai do việc sử dụng GC trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ hở hàm ếch ở trẻ.

7. Một số lưu ý để hạn chế tác dụng phụ khi dùng corticoid 

Để hạn chế nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng viêm corticoid, bạn cần tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ và đặc biệt lưu ý thêm một số vấn đề sau: 

Sử dụng corticoid liều thấp và ngắt quãng. 

Uống thuốc vào buổi sáng để hạn chế nguy cơ ức chế trục HPA, suy thượng thận

Ưu tiên dùng corticoid tại chỗ (nếu có thể). 

Đối với các loại thuốc corticoid bôi ngoài da chỉ nên bôi một lớp mỏng lên vùng da cần điều trị, tránh vùng bị trầy xước, có vết thương hở

Dùng corticoid trong thời gian ngắn nhất có hiệu quả. Nếu đã dùng corticoid trong thời gian dài thì dùng theo chế độ cách ngày và khi ngưng sử dụng, cần giảm liều từ từ. Điều này cho phép tuyến thượng thận của bạn có đủ thời gian để điều chỉnh. 

Bổ sung calci và vitamin d để dự phòng nguy cơ loãng xương, cẩn thận tránh để bị ngã

Với người có chỉ định dùng corticoid  dài ngày cần đánh giá nguy cơ gãy xương để có giải pháp quản lý phù hợp.

Chế độ lành mạnh (tăng protein, hạn chế glucid, đường, chất béo); hạn chế muối, bổ sung kali, calci

Ngừng hút thuốc; hạn chế sử dụng rượu bia

Tích cực tập luyện thể chất

ĐẶC BIỆT: Không ngừng GC nếu không có sự cho phép của bác sĩ

Medigo app hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm kiến thức tổng quan hữu ích về nhóm thuốc kháng viêm Corticoid.

Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO

Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.

Đánh giá bài viết này

(3 lượt đánh giá).
4.3
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm