Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Tổng quan
Trước tiên, để làm rõ hơn về xơ vữa động mạch, chúng ta có thể bắt đầu từ việc tìm hiểu sự khác biệt giữa hai thuật ngữ: xơ cứng động mạch và xơ vữa động mạch.
Xơ cứng động mạch xảy ra khi các mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ tim đến phần còn lại của cơ thể (động mạch) trở nên dày và cứng hơn – đôi khi sẽ làm hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Các động mạch với “sức khỏe tốt” thường rất linh động và đàn hồi, nhưng theo thời gian, thành động mạch có thể trở nên cứng lại – thường được gọi là xơ cứng động mạch.
Xơ vữa động mạch là một loại của xơ cứng động mạch cụ thể.
Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của chất béo, cholesterol và các chất khác ở bên trong và trên thành động mạch. Sự tích tụ này về lâu về dài sẽ hình thành nên các mảng bám. Các mảng bám này ngày một lớn dần khiến cho diện tích lòng mạch bị thu hẹp, do đó cản trở sự lưu động của máu trong cơ thể. Hơn thế, các mảng bám này cũng có nguy cơ bị vỡ ra, dẫn đến việc hình thành các cục máu đông.
Mặc dù người ta hay nhắc đến xơ vữa động mạch như một vấn đề về tim, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở bất kì vị trí nào trong cơ thế. Xơ vữa động mạch là bệnh có thể điều trị được. Và một trong những biện pháp có thể làm giảm thiểu xơ vữa động mạch là tạo dựng một lối sống lành mạnh.
Triệu chứng
Xơ vữa động mạch nhẹ thường không xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện khi động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn đến mức nó không thể cung cấp đủ máu cho các cơ quan và mô trong cơ thể. Đôi khi cục máu đông có thể chặn hoàn toàn dòng chảy của máu, hoặc thậm chí khiến cho mạch máu bị vỡ ra gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Các triệu chứng của xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng phụ thuộc vào việc động mạch nào đang bị ảnh hưởng. Ví dụ:
- Nếu bạn bị xơ vữa động mạch ở động mạch tim, bạn có thể có các triệu chứng, chẳng hạn như đau ngực hay nặng ngực (đau thắt ngực).
- Nếu bạn bị xơ vữa động mạch ở các động mạch dẫn đến não, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như đột ngột tê hoặc yếu ở tay hoặc chân, nói khó hoặc nói lắp, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc cơ mặt bị xệ xuống. Những dấu hiệu này đang báo hiệu cho một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), nếu không được điều trị, các triệu chứng này sẽ dẫn tiến triển thành đột quỵ.
- Nếu bạn bị xơ vữa động mạch ở tay hoặc chân, bạn có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của các bệnh động mạch ngoại biên, chẳng hạn như đau chân khi đi bộ hoặc giảm huyết áp tại một chi bị ảnh hưởng.
- Nếu bạn bị xơ vữa trong các động mạch dẫn đến thận, bạn có khả năng cao bị huyết áp hoặc suy thận.
Khi nào tôi biết mình cần phải đến bệnh viện?
Nếu bạn cho rằng mình đang bị xơ vữa động mạch, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến các triệu chứng ban đầu của việc giảm lưu lượng máu dẫn đến việc không đủ nuôi toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như đau ngực (đau thắt ngực), đau hoặc tê chân.
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch trở nên nặng nề hơn và ngăn ngừa cơn đau tim, đột quỵ hoặc một số trường hợp khẩn cấp cần can thiệp y tế khác.
Nguyên nhân
Xơ vữa động mạch là một bệnh tiến triển chậm, có thể bắt đầu ngay khi còn nhỏ. Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ, nhưng chứng xơ vữa động mạch có thể bắt đầu với những tổn thương lớp bên trong của động mạch. Nguyên nhân dẫn đến những tổn thương này có thể do:
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol máu
- Tăng triglycerides – một loại chất béo trong máu
- Hút thuốc và sử dụng những sản phẩm khác của thuốc lá
- Đề kháng insulin, béo phì hoặc đái tháo đường
- Tình trạng viêm không rõ nguyên nhân hoặc do các bệnh như viêm khớp, lupus ban đỏ, bệnh vẩy nến hoặc bệnh viêm ruột
Một khi lớp lót bên trong động mạch bị tổn thương, các tế bào máu và một số chất khác thường tích tụ ở vị trí bị thương và lớp lót bên trong của động mạch.
Theo thời gian, chất béo tích tụ (mảng bám) từ cholesterol và các sản phẩm tế bào khác, làm vị trí tổn thương dày lên và cứng lại, thu hẹp lòng mạch. Khi đó, các cơ quan và mô được nuôi dưỡng bởi những động mạch này không nhận đủ máu để hoạt động bình thường.
Cuối cùng, các mảng chất béo tích tụ có thể bị tách ra khỏi vị trí ban đầu và đi vào máu.
Hơn nữa, vỏ bọc của các mảng bám có thể bị vỡ, giải phóng cholesterol và các chất khác vào trong máu. Điều này có thể kéo theo việc tạo ra các cục máu đông, có thể chặn dòng máu đến một bộ phận cụ thể trong cơ thể, chẳng hạn như việc xảy ra cơn đau tim khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Cục máu đông cũng có thể di chuyển đến các bộ phận khác, ngăn chặn dòng chảy của máu đến các cơ quan khác.
Nguy cơ
Sự xơ cứng của các động mạch xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh sự lão hóa, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol
- Tăng nồng độ protein C phản ứng (CRP), một dấu hiệu khi xuất hiện tình trạng viêm trong cơ thể
- Đái tháo đường
- Béo phì
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm khác từ thuốc lá
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh về tim sớm
- Thiếu luyện tập thể dục
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
Biến chứng
Các biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch phụ thuộc vào động mạch bị tắc nghẽn. Ví dụ:
- Bệnh động mạch vành. Khi xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch gần tim, bạn có thể phát triển các bệnh về động mạch vành, gây ra các cơn đau ngực (đau thắt ngực), đau tim hoặc suy tim.
- Bệnh động mạch cảnh (động mạch dẫn máu lên não). Khi xơ vữa động mạch thu hẹp các động mạch đến não, bạn có thể các phát triển các bệnh liên quan đến động mạch cảnh, có thể gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ
- Bệnh động mạch ngoại biên. Khi xơ vữa động mạch thu hẹp các động mạch ở tay hoặc chân, bạn có thể phát triển các vấn đề về tuần hoàn ở tay và chân được gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Điều này có thể khiến bạn kém nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài, làm tăng nguy cơ bị bỏng hoặc bị tê cóng. Trong một số trường hợp, tuần hoàn kém ở tay hoặc chân có thể gây chết mô (hoại tử).
- Phình động mạch. Xơ vữa động mạch cũng có thể gây ra chứng phình động mạch, một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Phình mạch có thể làm biến dạng thành động mạch của bạn. Hầu hết những người bị chứng phình động mạch đều không có triệu chứng. Khi xảy ra các cơn đau và cảm giác nhói ở khu vực phình mạch, báo hiệu một trường hợp cần có sự can thiệp của y tế. Một khi túi phình bị vỡ ra bạn có thể phải đối mặt với tình trạng xuất huyết trong nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù đây thường là một vấn đề xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, nhưng nó cũng có thể xảy ra tình trạng rò rỉ chậm. Nếu cục máu đông trong túi phình bị vỡ, có nguy cơ những cục máu đông này có thể làm tắc động mạch ở một điểm xa nào đó trong cơ thể.
- Bệnh thận mãn tính. Xơ vữa động mạch có thể làm cho các động mạch đến thận bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu, kéo theo giảm lượng oxy đến thận. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận của bạn, khiến việc thanh lọc và loại trừ các chất thải không được thực hiện một cách hiệu quả.
Phòng ngừa
Việc thay đổi hướng đến một lối sống lành mạnh được khuyến nghị để góp phần trong việc điều trị cũng như ngăn ngừa các bệnh do xơ vữa động mạch. Bao gồm:
- Bỏ hút thuốc
- Ăn các thực phẩm lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì ở mức cân nặng phù hợp
- Kiểm tra và duy trì huyết áp ở mức ổn định
- Kiểm tra và duy trì ổn định lượng cholesterol và lượng đường trong máu
Trên đây là thông tin về Xơ vữa động mạch mà nhà thuốc online Medigo muốn chia sẻ đến bạn. Hãy luôn nhớ rằng những sự thay đổi lớn được tạo ra từ những hành động nhỏ, việc đi từng bước một sẽ dễ dàng hơn việc bước một bước dài. Và ghi nhớ những thay đổi nào bạn có thể quản lý được về lâu về dài.
Nguồn tài liệu: Health Line
Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm