Amisulpride
Tên chung quốc tế: Amisulpride
Mã ATC: N05AL05
Loại thuốc: Thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc chống nôn.
Dạng thuốc và hàm lượng:
- Dung dịch tiêm tĩnh mạch (5 mg/ 2 ml).
- Viên nén 200mg, 400mg.
Dược lý
Dược lực học
Amisulpride là một chất đối kháng chọn lọc thụ thể dopamine D2 và D3 không có ái lực với các phân nhóm thụ thể dopamine khác. Amisulpride là một thuốc chống loạn thần không điển hình, hoạt động như một chất đối kháng tại các thụ thể dopamine trong hệ limbic. Amisulpride không có ái lực với các thụ thể serotonin, alpha-adrenergic, H1-histamine, cholinergic và sigma.
Amisulpirid chẹn thụ thể D2, D3, tiền synap, gây phóng thích dopamin, có hiệu quả đối với các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.
Amisulpride cũng là một chất chống nôn có tác dụng ngăn ngừa và làm giảm buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Nó chủ yếu hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu dopamine trong vùng kích hoạt thụ thể hóa học, là vùng não chuyển các kích thích đến trung tâm nôn mửa.
Dược động học
Hấp thu
Sau khi uống, amisulpride được hấp thu nhanh chóng với sinh khả dụng tuyệt đối là 48%. Amisulpride có hai đỉnh hấp thu, sau khi uống 1 giờ và sau khi uống 3 – 4 giờ.
Sau khi tiêm tĩnh mạch, nồng độ đỉnh trong huyết tương của amisulpride đạt được vào cuối thời gian truyền và nồng độ trong huyết tương giảm 50% trong vòng khoảng 15 phút.
Ở những bệnh nhân khỏe mạnh dùng amisulpride tiêm tĩnh mạch, Cmax trung bình (SD) là 200 (139) ng/ ml ở liều 5 mg và 451 (230) ng/ ml ở liều 10 mg.
Ở những bệnh nhân đang phẫu thuật, Cmax trung bình (SD) dao động từ 127 (62) đến 161 (58) ng/ ml ở liều 5 mg. Ở liều 10 mg, nó là 285 (446) ng/ ml.
Phân bố
Sau khi uống, thể tích phân phối là 5,8 L/ kg.
Sau khi truyền tĩnh mạch, thể tích phân bố trung bình của amisulpride được ước tính là 127 đến 144 L ở bệnh nhân phẫu thuật và 171 L ở người khỏe mạnh.
Liên kết với protein huyết tương dao động từ 25% đến 30% trong khoảng nồng độ từ 37 đến 1850 ng/ ml. Amisulpride phân bố vào hồng cầu.
Chuyển hóa
Amisulpride ít bị chuyển hóa và các chất chuyển hóa của nó trong huyết tương phần lớn không thể phát hiện được. Chuyển hóa amisulpride không liên quan đến enzym cytochrom P450.
Thải trừ
Sau khi tiêm tĩnh mạch, khoảng 74% amisulpride được bài tiết qua nước tiểu. Khoảng 23% liều dùng được thải trừ qua phân.
Khoảng 22 đến 25% amisulpride dùng đường uống được bài tiết qua nước tiểu, hầu hết dưới dạng thuốc gốc không thay đổi.
Sự đào thải là hai pha. Thời gian bán thải của amisulpride khoảng 12 giờ sau khi uống. Thời gian bán thải trung bình khoảng 4-5 giờ ở cả người khỏe mạnh và bệnh nhân đang phẫu thuật dùng amisulpride tiêm tĩnh mạch.
Chỉ định của Amisulpride
Tiêm tĩnh mạch: Ngăn ngừa buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.
Uống: Điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
Chống chỉ định Amisulpride
Tiêm tĩnh mạch: Quá mẫn cảm với amisulpirid, chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả ở bệnh nhi.
Uống:
- Tình trạng hôn mê;
- Thần kinh trung ương ức chế;
- U mạch vành ở tuyến thượng thận;
- Tăng tiết quá mức epinephrin;
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- U phụ thuộc prolactin như ung thư vú;
- U prolactin tuyến yên;
- U tế bào ưa crom;
- Trẻ em dưới 18 tuổi;
- Phụ nữ có thai;
- Phụ nữ cho con bú;
- Không phối hợp với các thuốc sau vì nguy cơ gây xoắn đỉnh: Quinidin, disopiramid, amiodaron, sotalol, bepridil, cisaprid, sultoprid, thioridazin, erythromycin tiêm tĩnh mạch, vincamin tiêm tĩnh mạch, iralofantrin, pentamiding, sparfloxacin, levodopa.
Thận trọng khi dùng Amisulpride
Tiêm tĩnh mạch: Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, hội chứng QT dài (ở bạn hoặc một thành viên trong gia đình); suy tim sung huyết; hoặc là mất cân bằng điện giải (chẳng hạn như kali hoặc magiê trong máu thấp).
Uống:
- Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị bệnh tim mạch, có thể cần thiết phải đo điện tâm đồ, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ hoặc có tiền sử bệnh tim mạch.
- Amisulpride làm kéo dài đoạn QT, có nguy cơ gây loạn nhịp thất nặng như xoắn đỉnh nếu trước đó bệnh nhân đã bị chậm nhịp tim (dưới 55 nhịp/ phút), giảm kali huyết hoặc đoạn QT kéo dài bẩm sinh.
- Sử dụng thận trọng ở bệnh Parkinson (có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh), động kinh (và trong tình trạng có thể dẫn đến co giật), trầm cảm, nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt hoặc dễ bị tăng nhãn áp góc đóng.
- Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị bệnh hô hấp nặng và ở những bệnh nhân có tiền sử bị vàng da hay rồi loạn tạo máu, xét nghiệm công thức máu nếu có nhiễm trùng hoặc sốt không rõ nguyên nhân).
- Nhạy cảm với ánh sáng có thể xảy ra khi sử dụng liều lượng cao, bệnh nhân nên tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
- Hội chứng thần kinh ác tính (sốt cao, cứng cơ, không ổn định, tăng CPK,...) có thể xảy ra. Khi bị sốt cao, đặc biệt là khi dùng liều cao, phải ngưng dùng tất cả các loại thuốc tâm thần.
- Khi muốn ngưng sử dụng, nên giảm liều dần dần, tránh ngưng đột ngột.
- Bệnh nhân tâm thần phân liệt nên theo dõi sức khỏe thể chất (bao gồm đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch) ít nhất một lần/ năm.
Thời kỳ mang thai
Chống chỉ định.
Thời kỳ cho con bú
Không nên cho con bú trong vòng 48 giờ sau khi dùngamisulpride. Nếu bạn sử dụng máy hút sữa trong thời gian này, hãy vắt hết sữa mà bạn thu được. Đừng cho em bé bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Rất thường gặp
Đối với những bệnh nhân rối loạn hệ thần kinh, triệu chứng ngoại tháp có thể xảy ra như: Run rẩy, tăng trương lực, giảm chức năng vận động, tăng tiết nước bọt, bồn chồn bất an, rối loạn vận động.
Những triệu chứng này thường nhẹ ở liều lượng tối ưu và có thể khỏi mà không cần ngưng Amisulpride khi dùng thuốc trị bệnh Parkinson.
Tỷ lệ xảy ra các triệu chứng ngoại tháp phụ thuộc vào liều dùng, nguy cơ rất thấp ở những bệnh nhân với các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế sử dụng liều 50 - 300mg/ ngày.
Thường gặp
Đường tiêm tĩnh mạch: Đau tại chỗ tiêm truyền, tăng prolactin huyết thanh, ớn lạnh và hạ kali máu, chướng bụng.
Đường uống:
- Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm rối loạn ngoại tháp, mất ngủ, lo lắng và tăng cân;
- Loạn trương lực cơ, chóng mặt, rối loạn vận động, nhức đầu, giảm vận động, buồn ngủ, run;
- Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khô miệng, khó tiêu, tiết nước bọt, buồn nôn, nôn;
- Phản ứng hung hăng, kích động, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, căng thẳng, rối loạn chức năng cực khoái, cố gắng tự tử.
Ít gặp
Động kinh, rối loạn vận động chậm…
Hiếm gặp
Hội chứng ác tính an thần kinh.
Không xác định tần suất
Đường tiêm tĩnh mạch: Rối loạn trương lực cơ, rối loạn ngoại tháp, hội chứng ác tính an thần kinh, co giật, buồn ngủ, kích động, lo lắng, trạng thái bối rối, mất ngủ.
Đường uống: Hội chứng chân không yên có/ không có chứng bồn chồn akathisia.
Liều lượng và cách dùng Amisulpride
Người lớn
Tiêm tĩnh mạch: Buồn nôn/ nôn sau phẫu thuật:
- Dự phòng: 5 mg tiêm truyền tĩnh mạch trong 1 đến 2 phút MỘT LẦN.
- Điều trị: 10 mg tiêm truyền tĩnh mạch trong 1 đến 2 phút) MỘT LẦN.
Uống: Cơn loạn thần cấp:
- 400mg – 800mg/ ngày chia 2 lần uống. Điều chỉnh liều dùng theo đáp ứng của bệnh nhân. Liều tối đa 1200mg/ngày.
- Đối với các bệnh nhân chủ yếu là triệu chứng âm, nên dùng liều trong khoảng 50 – 300mg/ngày.
- Đối với các bệnh nhân có cả 2 loại triệu chứng âm và dương, nên điều chỉnh liều để kiểm soát tối ưu triệu chứng dương.
- Dùng duy trì ở liều thấp nhất có hiệu quả.
- Nếu dùng liều từ 300mg/ngày trở xuống: Uống 1 lần/ngày.
- Nếu liều dùng trên 300mg/ngày: Chia làm 2 lần/ngày.
Đối tượng khác
Tiêm tĩnh mạch:
- Rối loạn chức năng thận nhẹ đến trung bình (mức lọc cầu thận ước tính [eGFR] 30 mL / phút / 1,73 m3 trở lên): Không khuyến cáo điều chỉnh.
- Rối loạn chức năng thận nặng (eGFR dưới 30 mL / phút / 1,73 m2): Không nên dùng.
Uống:
- Bệnh nhân suy thận:
- Độ thanh thải creatinin 30 – 60ml/phút: Uống ½ liều
- Độ thanh thải creatinin 10 – 30 ml/phút: Uống 1/3 liều.
- Độ thanh thải creatinin <10 ml/phút: Phải đặc biệt thận trọng.
- Bệnh nhân suy gan: Thuốc chuyển hóa qua gan ít nên không cần thiết phải giảm liều.
Người cao tuổi:
Cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc. Ở người cao tuổi bị mất trí nhớ, thuốc có thể làm tăng một ít nguy cơ tử vong và tăng nguy cơ đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ.
Hơn nữa, bệnh nhân lớn tuổi dễ bị hạ huyết áp tư thế hoặc tăng/ giảm thân nhiệt trong thời tiết nóng hoặc lạnh. Không khuyến cáo dùng thuốc để điều trị triệu chứng loạn thần nhẹ và trung bình ở người cao tuổi. Nên giảm liều khởi đầu và theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị.
Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác
Chống chỉ định phối hợp: Những thuốc sau đây có thể gây xoắn đỉnh:
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm IA ví dụ: quinidine, disopyramide, procainamide.
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm III ví dụ: amiodarone, sotalol.
- Các thuốc khác như bepridil, cisaprid, sultopride, thioridazine, erythromycin IV, vinecamine IV, halofantrine, pentamidine, sparfloxacin.
- Levodopa: Do có đối kháng lẫn nhau về hiệu ứng giữa levodopa va các thuốc an thần kinh. Amisulpride có thể gây phản tác dụng của những thuốc chủ vận với thụ thể dopamine (ví dụ: Bromocriptine, ropinirole).
Thận trọng khi phối hợp sử dụng: Những thuốc tăng cường nguy cơ xoắn đỉnh:
- Thuốc chậm nhịp tim chậm như chẹn beta, chẹn kênh canxi (ví dụ: Diltiazem và verapamil, clonidine, guanfacine); digitalis.
- Thuộc hạ kali máu: Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc nhuận tràng kích thích, amphotericin B, glucocortocoids, tetracosactides.
- Thuốc an thần như pimozide, haloperidon; thuốc chống trầm cảm imipramine; lithium.
Lưu ý khi phối hợp:
Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương bao gồm chất gây nghiện (narcotics), thuốc gây mê, thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine H1 có tác dụng an thần, nhóm barbiturate, nhóm thuốc an thần benzodiazepine, thuốc giải lo âu, clonidine và các thuốc cùng họ.
Thuốc trị cao huyết áp và các thuốc hạ huyết áp khác do hiệp đồng tác dụng trên việc hạ huyết áp, có thể gây hạ huyết áp tư thế.
Tương tác với thực phẩm
Tránh uống rượu. Amisulpride có thể làm tăng tác dụng của rượu.
Có thể dùng cùng hoặc không với thức ăn. Bữa ăn nhiều chất béo không ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của thuốc, bữa ăn giàu carbohydrate làm giảm nồng độ và hấp thu thuốc.
Tương kỵ thuốc
Tương thích: 5% dextrose, natri clorid 0,9%, và nước để tiêm.
Quá liều và xử trí
Quá liều và độc tính
Amisulpride tiêm tĩnh mạch được sử dụng bởi một chuyên gia y tế tại cơ sở y tế, nên khó có thể xảy ra quá liều. Tuy nhiên, các triệu chứng quá liều có thể bao gồm nhịp tim chậm, run, cử động cơ không tự chủ, ngất xỉu hoặc co giật.
Triệu chứng quá liều (uống): Buồn ngủ, hôn mê, hạ huyết áp và triệu chứng ngoại tháp.
Cách xử lý khi quá liều
Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Theo dõi bệnh nhân và có biện pháp nâng đỡ thể trạng phủ hợp. Nếu có triệu chứng ngoại tháp nặng, nên dùng các thuốc kháng cholinergic.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 20 °C - 25 °C, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm