Anh túc xác: Quả của hoa anh túc “gây nghiện” dựa vào vẻ đẹp lẫn tác dụng
Cây thuốc phiện chắc hẳn là cái tên gọi khá quen thuộc đối với nhiều bạn đọc vì đây là loại cây gây nghiện, cấm trồng trọt và buôn bán trái phép tại Việt Nam. Cây anh túc là tên gọi khác của cây thuốc phiện, chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định cần thiết trong y khoa. Anh túc xác có tên gọi khác là túc xác có nghĩa là quả cây thuốc phiện sau khi lấy hạt và nhựa rồi phơi hoặc sấy khô. Vậy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu anh túc xác này và thành phần anh túc xác có gì mà nguy hiểm nhé!
1. Tìm hiểu chung về anh túc xác
1.1. Tên gọi
Ngoài tên cây hoa anh túc, loại cây này có tên gọi quen thuộc hơn là cây thuốc phiện, a phiến, anh tử tức, cù túc xác.
Anh túc xác là tên dược liệu của bộ phận quả cây anh túc.
Cây thuốc phiện có nhiều tên gọi khác nhau đều dựa vào thành phần gây nghiện của nó
Tên khoa học của anh túc xác là Fructus Papaver somniferum L. thuộc họ thuốc phiện Papaveraceae. Đây là một loại cây có thành phần gây nghiện, có thể sử dụng làm thuốc nhưng cần phải có chỉ định của chuyên gia.
1.2. Đặc điểm cây anh túc
Cây thuốc phiện là loại cây sống hàng năm hoặc 2 năm. Thân cây nhẵn có phủ phấn trắng, thân thẳng cao từ 0,7 - 1,5m, ít phân nhánh.
Lá có hình trứng dài từ 6 đến 50cm, rộng từ 3,5 - 30cm, đầu phía cuống nhọn hoặc hơi hình tim. Lá mọc so le nhau, lá ở dưới cuống ngắn trong khi đó lá phía trên không có cuống, ôm vào thân cây.
Hoa anh túc có vẻ đẹp quyến rũ, độc đáo nhờ cánh hoa có màu sắc sặc sỡ và nhụy hoa khác lạ
Hoa mọc đơn độc ở đầu thân hoặc đầu cành, cuống dài từ 12 - 14cm, đài hoa có hai lá màu xanh,, lá đài dài 1,5 - 2cm. Tràng có 4 cánh, dài từ 5 - 7cm, có màu trắng hoặc hồng hay tím. Hoa nở từ tháng 4 đến tháng 6.
Quả là một nang hình cầu hoặc hình trụ dài từ 4 - 7cm, đường kính 3 - 6cm. Khi chín quả có màu vàng xám, cuống quả phình to ra, đỉnh quả còn lại núm. Trong quả chín có nhiều hạt nhỏ, hơi giống hình thận, trên mặt có vân hình mạng nhỏ dài từ 0,5 - 1mm màu xám trắng hoặc xám đen.
Toàn cây đều có nhựa mủ màu trắng, để lâu chuyển thành màu đen.
Khi thu hoạch quả để làm anh túc xác, sẽ quan sát thấy mặt quả có vết ngang dọc tùy theo cách lấy nhựa, mỗi vết gồm 3 - 4 đường. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
Nhựa quả anh túc được thu hoạch khi quả còn xanh
1.3. Phân bố, thu hoạch cây thuốc phiện
Cây anh túc được trồng nhiều ở các vùng cao, vùng có khí hậu lạnh như Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng,...
Một số nước khác có trồng cây anh túc như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Tư, Bungari,...
Nhựa được chích lúc quả còn xanh, anh túc xác được hái sau khi quả chín.
1.4. Thành phần hóa học có trong anh túc xác
Anh túc xác có chứa acid tartric, acid meconic, acid citric, morphin, papaverin, nacotin, và một chất có tên gọi là papaverrozin.
Trong quả chín có chứa nhiều alkaloid hơn quả non. Lượng morphin có trong quả chín có thể tới 0,5%. Trong khi đó morphin ở quả non chưa chín chỉ có khoảng 0,02-0,05%, nacotin và codein vào khoảng 0,0113-0,0116. Vỏ quả chín chứa 0,018% nacotin và codein.
Các thành phần kể trên có thể thay đổi tùy theo nguồn gốc cũng như cách thu hái cây thuốc phiện.
2. Tác dụng của anh túc xác
Trong Đông y, anh túc xác được sử dụng trong một số bài thuốc với công dụng giúp chữa tiêu chảy, kiết lỵ mạn tính hoặc các bài thuốc chữa ho.
Thuốc phiện chính là nhựa từ quả cây anh túc
Trong Tây y, thuốc phiện là dịch rỉ lấy bằng cách rạch quả nang chưa chín của cây anh túc, có chứa morphin, codein và một số alkaloid khác có tác dụng giảm đau.
Morphin có tác dụng giảm đau nhờ thay đổi cảm nhận đau và một phần tăng ngưỡng đau. Đôi khi chúng tác động quá mạnh lên thần kinh trung ương gây ức chế hô hấp, gây cảm giác buồn nôn và nôn. Morphin được chỉ định để giảm đau trong các trường hợp đau nhiều hoặc đau không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau khác. Morphin còn có thêm một số tác dụng khác như giảm nhu động ruột dạ dày, làm giãn mạch ngoại vi.
3. Một số bài thuốc Đông y cổ truyền có chứa anh túc xác
3.1. Bài thuốc Lục thần thủy
Với thành phần gồm: Anh túc xác 25g, Đại hoàng 20g, Bạch đậu khấu 10g, Bột long não 16g, Đại hồi 8g, Cao lương khương 4g, Quế thông 4g, Can khương 4g, Hồ tiêu 4g, Hậu phác 4g, menthol 4g, Cồn 75 độ vừa đủ 1000ml
Bài thuốc này có công dụng giúp chữa nôn mửa, người bị tiêu chảy, ăn không tiêu, người chân tay lạnh bị cảm gió.
Liều lượng sử dụng:
- Người lớn uống 1,5ml một lần.
- Trẻ từ 3 - 5 tuổi uống 0,5ml một lần
- Trẻ từ 6 - 10 tuổi uống 1 ml một lần
- Một ngày uống 2 lần
Khi sử dụng cần pha với nước nóng, lần thứ 2 uống sau lần trước từ 3 đến 4 giờ. Nếu sử dụng 1 lần đã cải thiện tình trạng thì có thể ngưng sử dụng.
Chống chỉ định với trẻ dưới 3 tuổi, người bị kiết lỵ, phụ nữ có thai, người táo bón.
3.2. Bài thuốc chữa ho
Công thức gồm Bách bộ 900g, Anh túc xác 90g, Đường kính 90g, Nước vừa đủ 1000ml.
Bách bộ và anh túc xác đem thái nhỏ, đun thật kỹ với nước. Thêm đường kính vừa đun vừa khuấy.
Bài thuốc này có công dụng giúp chữa các chứng ho mùa lạnh, ho kéo dài lâu ngày. Bên cạnh đó Bách bộ còn giúp nhuận tràng, tẩy giun.
Liều sử dụng:
- Người lớn uống từ 15 - 30ml (1 - 2 muỗng lớn) 1 lần, ngày uống 3 lần.
- Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi uống liều bằng 1/3 người lớn.
- Trẻ em từ 7 đến 10 tuổi uống liều bằng 1/2 người lớn.
- Trẻ từ 11 đến 15 tuổi uống liều bằng 2/3 người lớn.
Chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi do có chứa anh túc xác.
*Các bài thuốc kể trên chỉ giúp giới thiệu cho người đọc hiểu thêm về dược liệu, không tự ý sử dụng khi chưa có hướng dẫn của chuyên gia y tế.
4. Lưu ý khi sử dụng anh túc xác
Vì thành phần có tác dụng gây nghiện cũng như có thể để lại tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng do đó cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng, không tự ý sử dụng.
Không sử dụng cho trẻ dưới 3 tuổi vì morphin có tác dụng ức chế hô hấp.
Không sử dụng dài ngày để tránh gây nghiện.
Kết luận
Không thể phủ nhận công dụng của cây hoa anh túc, nhưng việc dùng cây này để làm thuốc, nghiên cứu hay điều trị bệnh cần được các cơ quan chức năng quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Mọi người không nên tự ý sử dụng nếu không có giấy phép hoặc chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo dựa trên tư liệu y khoa. Theo quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam, việc cố ý gieo trồng, thu hoạch, buôn bán, và sử dụng cây anh túc là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm