Cúc hoa vàng là gì? Tác dụng và vị thuốc từ Cúc hoa vàng
Cúc hoa vàng có tên khoa học là Chrysanthemum indicum L và có tên gọi khác là cam cúc hay kim cúc. Hoa cúc có nhiều tác dụng trong làm đẹp, thanh nhiệt và an thần. Là một loại dược liệu được dùng nhiều trong cả Tây y lẫn Đông y. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng của loại thảo dược này.
Mô tả dược liệu Cúc hoa vàng
Đặc điểm sinh thái
Cúc hoa vàng là loại cây thân thảo. Cây có thể sống hàng năm hoặc sống lâu năm. Cây có nhiều cao khoảng 20-50cm. Thây cây cúc hoa vàng mọc thẳng, bề mặt vỏ nhẵn và có khía dọc.
Lá cây có hình bầu dục, được chia thành nhiều thùy sâu và mép lá có răng cưa nhọn không đều nhau. Mặt trên của lá có màu lục đen sẫm, mặt dưới của lá có màu nhạt. Cuống lá ngắn, lá mọc so le nhau và có tai ở gốc.
Cúc hoa vàng dễ sống và dễ trồng
Cụm hoa cúc móc thành đâu trên một cuống dài. Cuống hoa có thể ở ngọn cây hoặc mọc ra ở kẽ lá. Đường kính của của cụm hoa từ 1 đến 1.5cm. Bao chung lá bắc là những vảy thuôn dài, mép là khô. Cánh hoa ở ngoài rìa có hình lưỡi nhỏ màu vàng. Hoa ở giữa lại có hình ống và không có mào lông. Tràng hoa có hình lưỡi dài hơn tràng hoa có hình ống. Thùy hoa có hình tam giác nhọn và cũng có màu vàng. Quả bế của hoa cúc vàng dài khoảng 1mm. Vỏ của quả mỏng, phía trong có 1 hạt, không nội nhũ.
Cúc hoa vàng là một cây ưa sáng, ưa ẩm. Hoa được trồng ở vườn, ở công viên hoặc trên cánh đồng. Cây ra hoa hàng năm và rất hiếm khi có hạt. Vào mùa đông, cây bị rụng lá hoặc hơi lụi tàn. Lúc này người ta sẽ cắt bỏ phần thân cành, giữ lại gốc để làm giống hoa trồng vào năm sau.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận được dùng để làm thuốc của Cúc hoa vàng là bông hoa.
Thu hái, sơ chế, bảo quản
- Thu hái
Người ta sẽ thu hoạch vào đầu tháng 10 cho đến tháng 2 năm sau. Khi hái cần chọn những đóa nguyên vẹn, màu tươi sáng, thơm. Không hái cả cành, cuống và lá là loại tốt.
Thu hoạch cúc hoa vàng bắt đầu từ tháng 10
- Sơ chế
Hoa cúc vàng sau khi thu hái về đem quây cót rồi sấy diêm sinh độ 2 – 3 giờ, thấy hoa chín mềm là được. Nếu hoa còn sống sẽ dễ bị hỏng. Sau khi hoa chín thì đem nén chặt cho tới khi ra nước đen. Sau đó đem hoa để phơi 3 đến 4 nắng nữa là được. Nếu trời không có năng thì đem sấy diêm sinh. Cứ 5 đến 6kg hoa tươi thu được 1kg hoa khô.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sử dụng hoa tươi. Đây là những bông hoa mới chớm nở, hái về. Sau đó đem phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong râm.
- Bảo quản
Cúc hoa vàng là một loại dược liệu dễ bị mốc, mọt. Do vậy, hoa không nên phơi nắng nhiều vì dễ làm mất hương vị, làm nát cánh hoa và biến đổi màu. Hơn nữa, không nên sấy quá nóng, chỉ nên đem hong gió cho khô để không bị ẩm.
Thành phần hóa học
Trong dược liệu cúc hoa vàng sẽ có chứa một số thành phần như:
- Carotenoid (chrysanthemoxanthin)
- Tinh dầu có pinen, sabinen, myrcen, terpinen, p cymen, cineol, thuyon, chrysanthenon, borneol, linalyl acetat, bornyl acetat, cadinen, caryophyllen oxit cadinol, chrysanthetriol.
- Sesquiterpen: angeloyl cumambrin B, arteglasin…
- Flavonoid: acaciin, glucopyranosid, acacetın, galactopyrianosid, chrysanthemin.
- Acid amin: adenin, cholin,stachydrin.
- Một số thành phần khác gồm: indicumenon, Sitos -terol, amyrin, friedelin, sesamin, Vitamin A (W. Tang và cs, 1992, Trung dược từ hải III 1997. Tài nguyên cây thuốc Việt Nam 1993)
- Trong hạt có chứa 15,80% dầu béo.
Tác dụng của Cúc hoa vàng
Y học hiện đại
Theo y học hiện đại thì cúc hoa vàng sẽ có những tác dụng như:
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước hoa cúc có tác dụng ức chế cầu trùng vàng, liên cầu trùng dung huyết Bêta, lỵ trực trùng Sonnei và trực trùng thương hàn.
- Tác dụng dễ tiêu và nhuận tràng.
- Trị tăng huyết áp: Hoạt tính của hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp do khả năng ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm và ức chế adrenaline. Tuy nhiên lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh không bị ảnh hưởng.
- Tác dụng làm mờ sẹo và chống phát ban: Trong hoa cúc vàng có vitamin A sẽ giúp kích thích sản sinh collagen , tái tạo cấu trúc da. Nhờ đó dược liệu này có tác dụng làm giảm sẹo. Đối với các vết bỏng, tình trạng phát ban dùng loại dược liệu này cũng rất hiệu quả.
- Có tác dụng hạ sốt do bị cảm lạnh: Một bài thuốc kết hợp cúc hoa vàng với 5 vị thuốc khác có tác dụng làm hạ sốt ở 80% số bệnh nhân.
- Có tác dụng an thần: Dược liệu này dùng để trị tình trạng suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng. Cúc hoa vàng được dùng để làm giảm hưng phấn và an thần.
Dược liệu cúc hoa vàng có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh
Y học cổ truyền
Cúc hoa vàng trong Y học cổ truyền có vị ngọt, tính bình, hơi hàn. Dược liệu quy kinh vào Phế Can Tỳ. Loại thảo dược này có một số công dụng như:
- Trị cảm lạnh, sốt, đau mắt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, tăng huyết áp, cảm cúm, viêm mũi.
- Dùng lá cây Cúc hoa bôi ngoài để trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương ứ huyết.
- Đem thảo dược sao cám để làm tăng tác dụng hỗ trợ tuyến tiêu hóa: kém ăn, tiêu chảy lâu ngày.
Một số vị thuốc từ Cúc hoa vàng
Chữa trị ho, sốt và bệnh cảm mạo
Dùng bài thuốc Tang cúc ẩm bao gồm các vị thuốc như cúc hoa vàng và lá dâu mỗi loại 6g, liên kiều, bạc hà, cam thảo và cát cánh mỗi loại 4g. Đem thang thuốc này đi sắc với 600ml nước. Khi nước cô lại còn 200ml đem chia thành 3 lần uống trong ngày.
Chữa trị hoa mắt, chóng mặt, mắt khô tròng
Dùng bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm bao gồm Cúc hoa vàng, cát cánh và hạnh nhân mỗi loại 8g, bạc hà, cam thảo và đạm trúc điệp 4g cùng với 12g lá dâu, 6g liên kiều. Tất cả đem sắc uống trong ngày.
Chữa trị hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ và mũi tắc
Dùng bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng hoàn có cúc hoa vàng, thục địa, đan bì, phục linh và trạch tả mỗi loại 12g, 20g kỷ tử, 32g thục địa cùng với sơn thù và hoài sơn mỗi loại 16g. Tất cả đem sấy khô, tán thành bột nhỏ rồi đem đi luyện mật. Cuối cùng viên lại bằng hạt ngô. Dùng mỗi lần 16 đến 20 viên, mỗi ngày có thể dùng 3 đến 4 lần. Nếu dùng để sắc uống, cần phải giảm bớt một phần 6 lượng thuốc.
Chữa tình trạng hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc
Bài thuốc cúc hoa trà điều tán bao gồm: Lấy lượng bằng nhau của các vị thuốc như cúc hoa vàng xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm . Tất cả đem tán nhỏ và trộn đều. Mỗi lần uống 4-6g, dùng thuốc sau bữa ăn, dùng nước chè để chiêu thuốc.
Cúc hoa vàng được sử dụng trong nhiều bài thuốc
Chữa trị cảm sốt
Cúc hoa vàng và địa liền mỗi loại 5g, cúc tần, lá tre, kinh giới, tía tô và cát cánh mỗi vị 20g cùng với 30g bạc hà. Đem tất cả tán thành bột mịn rồi đem viên. Mỗi ngày uống thuốc 2-4 lần. .
Chữa trị cảm phong hàn
Cúc hoa vàng và địa liền mỗi loại 5g, thục địa, hạt thảo quyết minh, kinh giới, bạc hà và tía tô mỗi loại 20g, cúc hoa vàng, thương truật, chỉ từ, hoàng cầm, kỳ tử, đại táo, long nhãn, viễn chí mỗi loại 12g kết hợp với 8g xác ve sầu. Dùng tất cả vị thuốc này đem sắc uống. Mỗi tuần uống 5 thang thuốc. Thời gian trị bệnh từ 1-2 tháng.
Chữa trị suy nhược thần kinh
Cúc hoa vàng, chi tử, mạn kinh táo nhân, bá tử nhân mỗi vị lấy 12g kết hợp với 16g sài hồ. Đem tất cả sắc uống, mỗi ngày một thang.
Lưu ý khi sử dụng Cúc hoa vàng
Để an toàn khi dùng cúc hoa vàng, bạn cần lưu ý:
- Những người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy thì không nên dùng loại dược liệu này.
- Người bị dương hư hoặc đầu đau mà sợ lạnh cũng nên kiêng dùng cúc hoa vàng.
- Không được dùng loại thảo dược này cho người mang thai, tiêu chảy mất nước nặng, tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh…
- Cúc hoa không được dùng chung với Bạch truật và Địa cốt bì.
Cúc hoa vàng là một loại thảo dược dễ trồng, dễ chăm sóc. Cây có hoa đẹp, có nhiều tác dụng trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm