lcp

Dầu đậu nành là gì? Lợi ích đối với sức khỏe và cách dùng hiệu quả


Dầu đậu nành được chiết xuất từ hạt đậu nành và cung cấp hàm lượng dưỡng chất dồi dào. Ngày nay, các sản phẩm dầu ăn từ đậu nành đang được sử dụng vô cùng rộng rãi nhờ những lợi ích tuyệt vời mà chúng mang lại. Vậy dầu đậu nành chứa những thành phần dinh dưỡng gì và có công dụng ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu nhé.

Giới thiệu chung về đậu nành

Đậu nành còn có nhiều tên gọi khác như đỗ tương, đậu tương, hoàng đậu miêu… Nó có danh pháp khoa học là Glycine max, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Phần lớn đậu nành trồng ở các nước Nam Á, Đông Nam Á… (kể cả Việt Nam) đều có xuất xứ từ Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Đến nay, đậu nành được trồng rộng rãi khắp thế giới, từ những vùng ôn đới ấm đến, nhiệt đới ở cả Bắc và Nam bán cầu. Đậu nành được dùng để chế biến nhiều sản phẩm như nước tương, sữa đậu nành, đậu phụ, protein đậu nành, bột đậu nành… và cả dầu đậu nành. Vậy đậu nành giá bao nhiêu? Hiện nay hạt đậu nành được bán với giá từ 43.000 – 53.000 đồng/kg.

Dầu đậu nành

Đậu nành còn có nhiều tên gọi khác như đỗ tương, đậu tương

Tổng quan về dầu đậu nành

Dầu đậu nành là gì?

Dầu đậu nành (hay dầu đậu tương) là dầu thực vật ăn được, chiết xuất chủ yếu từ hạt đậu nành. Các hạt đậu bị nứt sẽ được mang đi xử lý nhiệt với các loại dung môi khác nhau. Người ta sẽ pha trộn và tinh chế dầu thô để nó trở thành sản phẩm ăn được.

Một trong những lý do khiến dầu đậu tương được nhiều người ưa chuộng đó là nó có điểm bốc khói khá cao, lên đến 230 độ C, tức là cao hơn dầu ô liu nguyên chất và dầu hạt cải. Điểm bốc khói được hiểu là mức nhiệt độ mà ở đó chất béo bị oxy hóa và bắt đầu phân hủy, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Với điểm bốc khói cao, dầu đậu tương được sử dụng phổ biến khi nấu nướng ở nhiệt độ cao như áp chảo, chiên, nướng, rang…

Các ứng dụng của dầu đậu nành

Ngày nay, dầu đậu tương được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng để sản xuất những sản phẩm như:

  • Dầu ăn
  • Dùng làm nguyên liệu trong nước sốt salad, sốt thịt nướng, sốt mayonnaise
  • Bơ thực vật dùng trong bánh nướng
  • Là một chất nhũ hóa
  • Tạo độ giòn cho vỏ bánh
Dầu đậu nành

Dầu ăn đậu nành có nhiều ứng dụng khác nhau

Các thành phần dinh dưỡng của dầu đậu nành

Trung bình, trong 100ml dầu đậu tương người ta tìm thấy các thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • 16g chất béo bão hòa
  • 23g chất béo không bão hòa đơn
  • 58g chất béo không bão hòa đa

Trong đó có các acid béo thiết yếu gồm: 23% acid oleic, 51% acid linoleic, 7 – 10% acid alpha-linolenic... có nhiệm vụ duy trì cấu hình lipid được kiểm soát. Bên cạnh đó còn có các acid béo bão hòa như 10% acid palmitic, 4% acid stearic cũng như hàm lượng dồi dào vitamin E và vitamin K. Nhờ có các thành phần dinh dưỡng và sinh hóa nói trên, dầu đậu tương mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Những lợi ích quan trọng của dầu đậu nành đối với sức khỏe

Nâng cao sức khỏe tim mạch

Khi sử dụng dầu đậu tương trong chế độ ăn uống thông thường, dầu đậu tương sẽ góp phần kiểm soát lượng cholesterol ở mức tối ưu nhờ tỷ lệ acid béo phù hợp của loại dầu này. Các acid béo omega 3 của dầu đậu tương có khả năng trung hòa tác hại của cholesterol.

Đặc biệt, lượng beta-sitosterol thực vật có trong dầu còn giúp ngăn chặn tích trữ cholesterol ở ruột, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Dầu đậu tương cũng giúp phòng chống nguy cơ mắc đột quỵ, đau tim, xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch khác.

Tăng cường sức khỏe thị lực

Trong dầu đậu nành người ta cũng tìm thấy rất nhiều acid béo omega 3 lành mạnh. Chúng giúp bảo vệ màng tế bào, kể cả những bộ phận dễ bị tổn thương trên da và mắt. Ngoài ra, các acid béo lành mạnh còn góp phần đẩy lùi các gốc tự do – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Không dừng lại ở đó, dầu đậu tương còn cung cấp lượng vitamin E phong phú giúp tăng cường hoạt động của võng mạc và nâng cao sức khỏe thị lực nói chung.

Dầu đậu nành

Dầu ăn đậu nành giúp tăng cường sức khỏe đôi mắt

Cải thiện chức năng xương

Các nghiên cứu đã cho thấy, việc dùng dầu đậu nành hàng ngày sẽ góp phần ngăn ngừa loãng xương, giúp ích cho sự phát triển của xương. Đó là nhờ hàm lượng dồi dào vitamin K và canxi có trong loại dầu này.

Ở phụ nữ, các isoflavone phong phú có trong sterol thực vật có khả năng mô phỏng lại hoạt động của hormone estrogen, chúng chống lại sự phát triển của các gốc tự do đồng thời kết nối với những thụ thể estrogen trong xương, từ đó thúc đẩy việc phục hồi xương, giảm thiểu nguy cơ loãng xương.

Tăng cường trí não

Các acid béo lành mạnh cùng hàm lượng dưỡng chất phong phú của dầu đậu tương là nguồn cung cấp các loại EPA và DHA – những chất thiết yếu đối với sức khỏe não bộ. Chế độ ăn uống có dầu đậu nành sẽ giúp cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức, tăng cường sức khỏe hệ thần kinh. Không những vậy, dầu làm từ đậu tương còn được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh về thoái hóa mạch máu não và thần kinh.

Giúp làn da khỏe mạnh

Dầu đậu nành rất giàu vitamin E, vì vậy nó có công dụng như chất chống oxy hóa mạnh có khả năng chống lại các gốc tự do và bảo vệ làn da. Không những vậy còn giúp đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa, giảm mụn, sạm da và các vết thâm.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa cùng các loại axit linoleic, isoflavone dồi dào có trong dầu đậu tương còn góp phần nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh hơn. Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm kem và gel dưỡng da từ đậu nành giúp tăng cường độ ẩm và bảo vệ da trước tác hại của tia UV.

Dầu đậu nành

Dầu đậu nành giúp làn da khỏe đẹp hơn

Tốt cho hệ miễn dịch

Trong dầu đậu tương người ta tìm thấy nhiều đạm thực vật mang đến nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch. Sử dụng dầu đậu tương hợp lý và thường xuyên sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Một số lưu ý khi sử dụng dầu đậu nành

  • Dầu đậu tương có thể dùng được trong nhiều món ăn khác nhau như trộn salad, chiên, nướng, xào… Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên kết hợp dầu đậu tương với quả óc chó, hạt lanh, cá hồi… để tăng cường acid béo omega 3.
  • Được dùng để pha loãng các loại tinh dầu khác trước khi bôi lên tóc, da…
  • Nên sử dụng dầu đậu tương với hàm lượng vừa phải tùy từng khẩu phần ăn.
  • Nên đa dạng hóa nguồn chất béo thay vì chỉ sử dụng duy nhất dầu đậu nành
  • Những người bị dị ứng với các chế phẩm từ đậu nành hoặc thực vật họ Đậu khi sử dụng dầu đậu tương có thể bị kích ứng.
  • Mặc dù có điểm bốc khói tương đối cao nhưng dậu đậu nành đã để qua đêm hay được chế biến nhiều lần cũng không nên được tái sử dụng.
Dầu đậu nành

Một số lưu ý khi sử dụng dầu đậu tương để nấu ăn

Có thể thấy dầu đậu nành xứng đáng được mệnh danh là “thực phẩm vàng” cho sức khỏe nhờ những lợi ích mà nó mang lại. Mong rằng bài viết này đã cung cấp những kiến thức hữu ích để bạn hiểu hơn về dầu đậu tương và những công dụng của loại dầu thực vật này. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.