lcp

Eucalyptol


Eucalyptol là một hợp chất hữu cơ tự nhiên, trong điều kiện nhiệt độ phòng là một chất lỏng không màu. Nó là một ete vòng đồng thời là một monotecpenoit. Eucalyptol là thành phần trong nhiều loại nước súc miệng và thuốc ho.

Thông tin chung Eucalyptol

  • Tên thường gọi: Eucalyptol
  • Tên khác: Cajeputol, Cineol, cCineole, Cucalyptol, Eucapur, Zineol 
  • Công thức: C10H18O
  • ID CAS: 470-82-6
  • Điểm sôi: 176–177°C (449–450 K)
  • Khối lượng phân tử: 154,249 g/mol
  • Mã ATC: R05CA13

Chỉ định của Eucalyptol

Sát trùng đường hô hấp, răng, miệng.

Trị các chứng ho, đau họng, sổ mũi, cảm cúm...

Giảm các triệu chứng của nghẹt mũi, cảm thông thường,các trường hợp cảm cúm, viêm mũi.

Giảm các triệu chứng của bong gân cơ nhẹ và chuột rút.

Chống chỉ định Eucalyptol

Không dùng cho trường hợp mẫn cảm với bắt kỳ thành phần nào của thuốc.

Trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao.

Không nên dùng trong các trường hợp ho do hen suyễn và khi bệnh nhân bị suy hô hấp (do tính chất ức chế hô hấp của Eucalyptol).

Thận trọng khi dùng Eucalyptol

Không thoa vào vùng mắt và vùng vết thương hở

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân hen suyễn và suy hô hấp.

Dạng dầu xoa: Ngừng việc sử dụng ngay khi có hiện tượng phỏng, rộp da.

Để xa tầm tay trẻ em

Không dùng thuốc khi đã quá hạn dùng hoặc biến màu.

Thai kỳ

Cần thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Khi được sử dụng thuốc Eucalyptol như một chất xoa bóp, nó có thể gây mẫn cảm da và chàm.

Ít gặp

Dị ứng, suy hô hấp.

Hiếm gặp.

Kích ứng niêm mạc miệng, rối loạn tiêu hóa, táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, co thắt phế quản, dị ứng da, ức chế hô hấp.

Liều lượng và cách dùng Eucalyptol

Người lớn

  • Dạng uống

Trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người lớn uống 1 viên/lần: Ngày uống 2- 4 viên hoặc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

  • Dạng xịt

Mở nắp bảo vệ theo chiều thẳng đứng. Đặt ngón trỏ lên đầu vòi phun, ấn 2 - 3 lần trong không khí để phá màng bảo vệ bên trong của đầu phun.

Đưa nhẹ nhàng vòi phun vào bên mũi.Ấn nhanh đầu phun 2-3 lần mỗi bên mũi.

Lau sạch, khô vòi phun, đậy nắp bảo vệ. Không dùng thuốc quá 4 tuần sau khi mở nắp.

  • Dạng tinh dầu

Rắc một vài giọt vào khăn tay và hít vào theo yêu cầu.

Hít hơi từ những giọt dầu tràn vào bát nước nóng 'hít hơi' và hơi ẩm được hít vào.

Nhỏ 2-3 giọt dâu vào một tách nước ấm (50 ° C) và uống lúc còn ấm, dùng 2 lần trong ngày.

  • Dầu xoa

Xoa bóp ngoài da tại chỗ đau.

Cảm cúm (có thể cho 5-10 giọt dầu vào 250 mL nước nóng trong bình xông và xông), sổ mũi, nghẹt mũi: Xoa hai bên thái dương, cổ, sau gáy, mũi.

Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn: Xoa hai bên thái dương, cổ, nhân trung, mũi.

Ho tức ngực: Xoa trước ngực, cổ, sau lưng. Ăn không tiêu, đau bụng: Xoa vùng bụng

  • Ống hít

Dùng hít đường mũi ngày 5-7 lần.

  • Thuốc xông mũi

Xông mũi: Đổ một muỗng cà phê thuốc vào một chén hoặc ly nước nóng 70oC-80oC đậy miệng chén hoặc ly bằng một phễu giấy.

Đặt mũi vào phễu, cẩn thận hít hơi vào mũi từ từ và chậm lúc nước còn nóng, tiếp tục hít cho đến khi hết hơi thuốc.

Ngày xông mũi 3 lần mỗi lần 1 muỗng cà phê thuốc.

Trẻ em

Dạng thuốc không thích hợp để chia liều cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Không sử dụng ống hít cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ có tiền sử động kinh hoặc co giât do sốt cao.

Đối tượng khác

Nếu cơn ho không thuyên giảm sau khi đã được điều trị bằng liều thông thường, không nên tự ý tăng liều sử dụng.

Quá liều và xử trí quá liều

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng ngộ độc bởi Eucalyptol ở đường tiêu hóa như nóng thượng vị, buồn nôn, nôn và giảm CNS gồm có hôn mê, chứng xanh tím, mất điều hòa, thu hẹp đồng tử, hư tổn phổi, mê sảng, đôi khi xảy ra co giật. Một số ị trường hợp tử vong đã được báo cáo.

Cách xử lý khi quá liều

Sau khi uống phải làm trống dạ dày bằng cách hút và rửa. Có thể cho uống đồ uống có mùi thơm. Nên truyền một lượng lớn chất lỏng với điều kiện chức năng thận còn đầy đủ.

Các ảnh hưởng của việc hít phải quá nhiều nên được điều trị bằng cách đưa ra nơi không khí trong lành

Tương tác với các thuốc khác

Dược lý

Dược lực học

Eucalyptol là thành phần chính trong tinh dầu bạch đàn hoặc tinh dầu tràm có tác dụng sát trùng đường hô hấp, trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, chữa ho, cảm cúm, nhức đầu, ngạt mũi, kích thích tiêu hóa.

Dược động học

Eucalyptol được đào thải chủ yếu qua đường hô hấp sau khi phân tán trong huyết tương.

Bảo quản

Đựng trong lọ kín, bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Lê Trương Quỳnh Ly

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Lê Trương Quỳnh Ly đã có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng với chuyên môn sâu về cung cấp thông tin thuốc qua các bài viết chuyên môn, cập nhật các thông tin dược phẩm, các loại thuốc đang lưu hành, đảm bảo cung ứng thuốc đúng chất lượng, đúng giá.