Hà Thủ Ô Đỏ
Hà thủ ô đỏ hay còn gọi là Hà thủ ô, Giao đằng,... thuộc họ Rau răm (Polygonaceae) có danh pháp khoa học là Fallopia multiflora(Thumb.) Haraldson. Trong y học hiện đại, Hà thủ ô đỏ được dùng trong các bệnh cholesterol hoặc lipid trong máu cao (hyperlipidemia). Trong y học dân gian, Hà thủ ô đỏ lại được dùng như một vị thuốc bổ, chữa bạc tóc sớm hoặc dùng để nhuận tràng…
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc sử dụng Hà thủ ô đỏ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Hà thủ ô đỏ cũng như tác dụng, cách dùng, cách bảo quản, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: hà thủ ô đỏ, thủ ô, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình, măn đăng tua lình, mằn nắng ón
- Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thumb.) Haraldson hay Polygonum multiflorum Thunb.
- Họ: Rau răm (Polygonaceae)
- Công dụng: Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, hạ huyết áp, chống xơ cứng động mạch, làm giảm lượng đường trong máu, tăng cường miễn dịch, máu, làm giãn mạch máu, tốt cho tim mạch, thúc đẩy chức năng tuyến thượng thận, và thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, bảo vệ tim và mạch máu não, bảo vệ gan, tăng trưởng tóc, chống lão hóa, và kháng khuẩn.
Mô tả cây Hà thủ ô đỏ
Dạng cây thảo leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, thân dài tới 5-7m, mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía, không lông.
Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ.
Lá mọc so le, có cuống dài, phiến lá giống lá rau muống, có gốc hình tim hẹp, chóp nhọn dài, mép nguyên.
Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm nhiều chuỳ ở nách lá hay ở ngọn.
Quả bế hình ba cạnh, màu đen.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Cây có nguồn gốc từ Châu Á, thường mọc hoang ở các vùng đồi núi. Hiện tại được trồng làm thuốc. Ở Việt Nam cây hà thủ ô mọc hoang ở các vùng rừng núi như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn…
Thu hoạch: Thu hoạch vào mùa đông khi cây đã tàn lụi.
Chế biến: Đỗ đen giã nát cũng ngâm với Hà thủ ô đã thái miếng trong một đêm, sáng đem đồ lên rồi phơi nắng trong một đêm lại ngâm với Đỗ đen, lại đồ và phơi, làm 9 lần.
Củ Hà thủ ô ngâm nước vo gạo 24 giờ, rửa lại rồi cho vào nồi, cứ 10g Hà thủ ô, cho 100g Đỗ đen và 2 lít nước.
Nấu đến khi gần cạn. Đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước Đỗ đen thì tẩm, phơi cho hết.
Đồ, phơi được 9 lần là tốt nhất.
Bộ phận sử dụng của Hà thủ ô đỏ
Rễ củ hà thủ ô đỏ. Rễ củ hình tròn, dài, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to.
Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành.
Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ.
Thành phần hóa học
Nhóm thứ nhất Anthranoid
Anthranoid, chiếm tới tỉ lệ 1,7% là những thành phần gây tăng nhu cầu ruột, và làm cho phân bị nát lỏng, có lợi cho trường hợp viêm đại tràng thể nhiệt, phân bị táo bón. Trong các thành phần loại này bao gồm chrysophanol: C15H10O4,, emodin: C15H10O5,rhein: C15H8O6, chrysophanol anthron: C15H12O3, rhapontin: C21H24O9, 2, 3, 5, 4 Tetrahydroxystiben – O-↓ – D – glucosid.
Nhóm thứ hai (tannin)
Tannin là những thành phần, đưa lại vị chát cho các vị thuốc Đông dược nói chung. Nó có lợi cho các trường hợp viêm đại tràng thể hư hàn, đại tiện nát lỏng, song bất lợi cho các trường hợp viêm đại tràng thể nhiệt, đại tiện táo bón.
Ngoài ra, trong vị thuốc còn có các chất đạm (1,1%), chất béo (3,10%), tinh bột (45,2%), chất vô cơ (4,5%), các chất tan trong nước lên tới 26,4%. Một chất khá quan trọng có trong Hà Thủ Ô, đó là hợp chất lexitin, một phosphatid, là sự kết hợp của acid glycerophosphoric với một phân tử cholin và hai phân tử acid béo.
Tác dụng của Hà thủ ô đỏ
Theo y học cổ truyền
Tính vị: vị đắng, ngọt, se và hơi ấm
Quy kinh: Vào 2 kinh can và thận.
Công năng: Bổ máu và nhuận tràng, giải độc.
Chỉ định và phối hợp:
Hội chứng Thiếu máu biểu hiện như da nhợt nhạt, hoa mắt, Chóng mặt, Mất ngủ, sớm bạc tóc, đau và yếu vùng lưng và đầu gối: Dùng phối hợp hà thủ ô với sinh địa hoàng, nữ trinh tử, câu kỷ tử, thỏ ty tử và tang ký sinh.
Táo bón do khô ruột: Dùng phối hợp hà thủ ô với đương quy và hoạt ma nhân.
Sốt rét mạn tính do suy yếu cơ thể: Dùng phối hợp hà thủ ô với nhân sâm, đương quy dưới dạng hà nhân ẩm.
Lao hạch: Dùng phối hợp hà thủ ô với hạ khô thảo và xuyên bối mẫu.
Theo y học hiện đại
Nghiên cứu của y học hiện đại xác nhận rằng hà thủ ô đỏ có tác dụng hạ huyết áp, chống xơ cứng động mạch, làm giảm lượng đường trong máu, tăng cường miễn dịch, máu, làm giãn mạch máu, tốt cho tim mạch, thúc đẩy chức năng tuyến thượng thận, và thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, bảo vệ tim và mạch máu não, bảo vệ gan, tăng trưởng tóc, chống lão hóa, và kháng khuẩn.
Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol. Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin.
Làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu.
Thuốc giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có ý nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm.
Thuốc có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột. Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín.
Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm.
Liều lượng và cách dùng Hà thủ ô đỏ
Điều trị bệnh trong đông y thường dùng vị thuốc hà thủ ô đã qua bào chế. Tùy vào mục đích sử dụng mà liệu lượng và cách dùng cũng khác nhau.
Bài thuốc chữa bệnh từ Hà thủ ô đỏ
1. Chữa ho gà
Kết hợp 6 – 12g hà thủ ô đỏ với 1,5 – 3g cam thảo. Sắc lấy 300ml nước đặc chia làm 4 – 6 lần uống. Trường hợp bị tiêu chảy sau khi uống thuốc thì gia thêm các vị kha tử, giới tử xác.
2. Trị huyết hư, rụng tóc, râu tóc bạc sớm, táo bón, hay khát nước
Dùng 20g hà thủ ô chế, 20g huyền sâm và 20g địa hoàng. Sắc thuốc với 600ml cho cạn còn 1/2. Gạn ra, để thuốc nguội chia 3 lần uống. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
3. Chữa bạc tóc
Dùng 30g hà thủ ô chế, 15g tần quy, 30g sao tùng thục địa, 30g hoàng kì, 1 lít rượu trắng ngon. Các vị thuốc cho vào bình thủy tinh ngâm chung với rượu trắng trong nửa tháng. Khi sử dụng lấy 1 ly nhỏ ( khoảng 15 ml) uống mỗi ngày 2 – 3 lần.
4. Điều trị tinh trùng yếu, tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu ở người già
Áp dụng bài thuốc chứa các thành phần gồm: 20g hà thủ ô, 16g thiên tinh, 16g tầm gửi dâu, 16g cỏ xước. Sắc uống đều đặn mỗi ngày 1 thang.
5. Chữa tổn thương thần kinh
Sắc 30g hà thủ ô đỏ lấy nước đặc. Chia làm 2 phần uống vào buổi sáng và buổi chiều trong 1 tháng liên tục.
6. Bồi bổ khí huyết, tăng sức mạnh cho gân cốt
Kết hợp hà thủ ô trắng với hà thủ ô đỏ lượng đều nhau. Cả hai đem ngâm trong nước vo gạo 3 đêm. Sau đó cho vào chảo nóng sao khô, tán nhuyễn, trộn với mật vo viên hoàn kích thước bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 50 viên, uống chung với một ly rượu nhỏ vào lúc đói bụng.
7. Điều trị bệnh sốt rét
Người trưởng thành dùng 18g hà thủ ô với 1,5g cam thảo sắc trong 2 giờ liền. Gạn nước chia 3 lần uống trước các bữa ăn sáng, trưa, tối.
Trẻ nhỏ bị sốt rét cũng có thể dùng bài thuốc này nhưng cần giảm liều lượng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
9. Bổ máu, điều kinh
Dùng 1 rổ lớn rễ và lá hà thủ ô kết hợp với nửa kg đậu đen. Tất cả cho vào cối giã nát, đổ ngập nước vào ninh nhừ. Sau đó lọc lấy nước cốt cho trở lại vào nồi tiếp tục nấu trên lửa nhỏ để cô đặc thành cao lỏng. Cuối cùng cho thêm 1/2 lít mật ong nguyên chất vào hỗn hợp nấu sôi trở lại, tắt bếp.
Để cho cao thuốc nguội rồi cho vào hũ, đậy kín nắp lại dùng nhiều lần. Mỗi lần dùng 2 thìa cà phê. Có thể uống trực tiếp hoặc pha với nước đun sôi để nguội uống.
Lưu ý khi sử dụng Hà thủ ô đỏ
Trong vị thuốc Hà Thủ Ô có hai thành phần chính: các anthranoid có tác dụng gây tăng nhu cầu động ruột và gây tiêu chảy. Thành phần thứ hai là tannin, lại có tác dụng làm se ruột, gây táo bón. Như vậy, hai thành phần này luôn có tác dụng đối lập nhau. Vì thế, để dùng được tốt vị Hà Thủ Ô đỏ, người ta phải chú ý đến chế biến vị thuốc này, loại hết phần tannin, để không bị táo bón, bằng cách ngâm với nước vo gạo, và chế biến với các phụ liệu nói trên. Nếu việc chế biến không đạt yêu cầu, sẽ xảy ra hiện tượng vừa bị táo, lại vừa lỏng phân. Và dĩ nhiên, kết quả điều trị sẽ không đạt yêu cầu.
Bảo quản Hà thủ ô đỏ
Dược liệu được đóng vào bịch hoặc bảo quản trong hũ có nắp đậy kín, để nơi khô ráo sẽ không bị ẩm mốc và giữ được lâu hơn.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Hà thủ ô đỏ. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm