lcp

Kẽm sulfat


Kẽm sulfat có tên khác là Zinc sulfate, anhydrous là thuốc thuộc nhóm vitamin và khoáng chất có tác dụng điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt kẽm của cơ thể

Chỉ định của kẽm sulfat

Kẽm sulfat được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt kẽm, một khoáng chất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển các mô cơ thể

Chống chỉ định kẽm sulfat

Mẫn cảm với kẽm sulfate hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng khi dùng kẽm sulfat

Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân suy thận.

Ở bệnh nhân sử dụng kẽm sulfate đường tiêm tĩnh mạch hoặc điều trị mạn tính, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đồng, kẽm, phosphatase kiềm trong huyết thanh.

Sản phẩm đường tiêm có thể chứa nhôm. Dùng liều cao, kéo dài hoặc suy giảm chức năng thận làm tăng khả năng nhiễm độc nhôm (nhiễm độc thần kinh trung ương và xương...)

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Phân loại C thai kỳ theo FDA.

Hiệu quả và an toàn của kẽm sulfate chưa được chứng minh ở phụ nữ có thai. Kẽm sulfate có thể qua nhau thai. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Thời kỳ cho con bú

Kẽm sulfate tiết được qua sữa mẹ. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Không xác định tần suất: Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, kích ứng dạ dày.

Liều lượng và cách dùng kẽm sulfat

Người lớn (≥ 19 tuổi)

Bổ sung kẽm với liều lượng tính theo dạng kẽm nguyên tố.

Đường uống:

  • Nam: 11 – 34 mg/ngày.
  • Nữ: 9 – 34 mg/ngày.
  • Phụ nữ có thai: 11 – 40 mg/ngày.
  • Phụ nữ cho con bú: 12 – 40 mg/ngày.

Đường tiêm tĩnh mạch:

Bệnh nhân chuyển hóa ổn định phải dinh dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch (TPN): 2,5 – 4 mg/ngày.

Bệnh nhân có trạng thái dị hóa cấp tính qua TPN: 2 mg/ngày.

Bệnh nhân mất chất lỏng từ ruột non: 12,2 mg kẽm/lit dịch ruột non bị mất hoặc bổ sung 17,1 mg kẽm/kg phân hoặc đầu ra hồi tràng.

Trẻ em

Đường uống:

  • 0 – 6 tháng: 2 – 4 mg/ngày.
  • 7 – 12 tháng: 3 – 5 mg/ngày.
  • 1 – 3 tuổi: 3 – 7 mg/ngày.
  • 4 – 8 tuổi: 5 – 12 mg/ngày.
  • 9 – 13 tuổi: 8 – 23 mg/ngày.

Đường tiêm tĩnh mạch:

  • Trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ dưới 5 tuổi: 100 μg/kg/ngày.
  • Trẻ sinh non (nặng dưới 1,5 kg), trẻ nặng ≤ 3 kg: 300 μg/kg/ngày.

Uống thuốc với nhiều nước. Tốt nhất nên uống thuốc 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, nếu bị kích ứng dạ dày, có thể uống cùng với thức ăn.

Với dạng tiêm tĩnh mạch, không dùng tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch mà phải pha loãng và dùng như 1 thành phần của dung dịch dinh dưỡng tiêm truyền.

Quá liều và xử trí quá liều

Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, mất nước, bồn chồn, tiêu chảy, đauNgưng thuốc, cho bệnh nhân uống các chất làm dịu như sữa, sử dụng các tác nhân tạo phức (natri calci edetat).

Do kẽm sulfate có tính ăn mòn, tránh rửa dạ dày và gây nôn.

Tương tác với các thuốc khác

Tương tác với các thuốc khác

Kẽm sulfate có thể ức chế sự hấp thu đồng.

Khi dùng đồng thời kẽm sulfate và tetracyclin có thể làm giảm sự hấp thu của cả 2 thuốc, nên dùng 2 thuốc này cách nhau ít nhất 3 giờ.

Kẽm có thể làm giảm sự hấp thu của kháng sinh nhóm quinolon (ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin, norfloxacin, ofloxacin).

Muối calci có thể làm giảm hấp thu kẽm.

Dùng đồng thời kẽm và sắt, penicillamine, trientine làm giảm hấp thu của các thuốc này.

Tránh phối hợp thuốc chứa cation đa hóa trị (như Zn2+…) với baloxavir, bictegravir do làm giảm nồng độ huyết thanh của các thuốc này. Nếu phải phối hợp, khuyến cáo dùng baloxavir, bictegravir ít nhất 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi uống kẽm.

Thuốc chứa cation đa hóa trị có thể làm giảm nồng độ huyết thanh của các dẫn xuất bisphosphonate. Tránh dùng thuốc uống có chứa cation đa hóa trị (như Zn2+…) trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng tiludronate/clodronate/etidronate; 60 phút sau khi uống ibandronate; 30 phút sau uống alendronate/risedronate.

Thuốc lợi tiểu thiazid có thể làm tăng đào thải đến 60% kẽm qua nước tiểu.

Tương tác với thực phẩm

Tránh dùng kẽm sulfate với thực phẩm có nhiều calci, phospho (sữa, pho mát, sữa chua, kem, đậu, các loại hạt, bơ đậu phộng, bia, nước ngọt, ca cao nóng…) do làm giảm sự hấp thu kẽm.

Để hấp thu tối ưu, không dùng cùng lúc mà uống kẽm ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi ăn thực phẩm giàu chất xơ.

Dược lý

Dược lực học

Kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu tham gia vào nhiều hệ thống enzyme. Thiếu hụt kẽm có thể gây ảnh hưởng nhận thức, suy giảm vị giác và khứu giác, vết thương kém lành. Khi thiếu hụt kẽm nghiêm trọng sẽ dẫn đến tổn thương da, rụng tóc, tiêu chảy, dễ nhiễm trùng và chậm phát triển ở trẻ em.

Dược động học

Hấp thu

Kẽm hấp thu qua đường tiêu hóa (chủ yếu ở tá tràng, hồi tràng) và hấp thu tốt ở điều kiện pH < 3. Thức ăn làm giảm độ hấp thu nhưng cũng giảm khả năng gây kích ứng dạ dày.

Phân bố

Kẽm được phân bố khắp cơ thể với nồng độ cao nhất ở tóc, mắt, xương, tuyến tiền liệt. Thuốc có nồng độ thấp hơn ở gan, thận, cơ. Trong máu, nồng độ kẽm khoảng 70 – 110 μg/dl và 80% kẽm được tìm thấy ở hồng cầu.

Sau khi hấp thụ kẽm liên kết với protein metallothionein trong ruột. 50% kẽm trong huyết tương liên kết lỏng lẻo với albumin, 7% liên kết với acid amin (chủ yếu là histidine và cysteine) và phần còn lại liên kết chặt chẽ với α2 – macroglobulin và các protein khác.

Chuyển hóa

Chưa có báo cáo.

Thải trừ

90% thuốc đào thải qua phân, phần còn lại thải trừ qua nước tiểu và mồ hôi. Thời gian bán thải của kẽm là 3 giờ.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Quản lý chuyên môn. Cửa hàng trưởng tại Nhà Thuốc 247 - Hàng Bông, Hà Nội

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Hiện là cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà thuốc, chuyên môn sâu tư vấn về thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cung cấp thông tin và đào tạo kiến thức về thuốc cho Dược sĩ tư vấn.