Khiếm thực là cây gì? Tác dụng và bài thuốc từ Khiếm thực
Khiếm thực, còn có tên gọi khác là Kê đầu thực, Nhạn đầu, ô đầu...là một loại thảo dược thủy sinh được dân gian sử dụng phổ biến làm thuốc cầm tiêu chảy, di tinh, bạch đới. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra Kê đầu thực có tác dụng kiểm soát đường huyết, chống oxy hóa và ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường loại 2. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về loại thảo dược này cũng như các công dụng và bài thuốc hữu hiệu từ Khiếm thực.
Mô tả Khiếm thực
Khiếm thực có nhiều tên gọi khác như Kê Đầu Thực, Kê Đầu, Nhạn Đầu, Vỉ Tử, Thủy Lưu Hoàng, Thủy Kê Đầu, Cư Tắc Liên, Đại Khiếm Thực, Hộc Đầu, Hồng Đầu, Kê Đầu Bàn. Thảo dược này có tên khoa học là Semen euryales Ferox, thuộc họ Súng (Nymphaeaceae)
Đặc điểm sinh thái
Khiếm thực là một cây thuốc có hoa thuộc họ Súng, thuộc loại cây sống một năm, mọc phổ biến ở các đầm ao. Cây có hoa với hình dáng và màu sắc thu hút nên cũng được nhiều người trồng làm cây cảnh.
Lá cây có hình tròn rộng và nổi trên mặt nước. Mặt trên lá có màu xanh còn mặt dưới có màu tím. Cành chứa hoa thường nổi hẳn lên mặt nước, đầu mỗi cành sẽ có một hoa, hoa có màu tím tía, có các gai nhọn bao quanh bên ngoài, hoa nở buổi sáng và héo đi vào buổi chiều.
Quả có hình cầu, là chất xốp màu tím hồng, mặt ngoài có gai. Phần đỉnh quả còn đài sót lại, hạt chắc có hình cầu, màu đen, thịt trắng ngà.
Cây khiếm thực thường được tìm thấy ở các ao đầm tại các tỉnh Trung Quốc giáp với Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Nó cũng được tìm thấy ở Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, miền đông nước Nga. Các tài liệu cho thấy loài cây này chưa thấy mọc ở Việt Nam nên các vị thuốc từ Khiếm thực đều phải nhập khẩu.
Bộ phận dùng
Bộ phận cây Khiếm thực dùng làm thuốc là hạt lấy từ quả chín đã sấy hoặc phơi khô.
Vị thuốc khiếm thực là hạt có hình cầu, đa phần là hạt vỡ. Hạt hoàn chỉnh sẽ có đường kính từ 5 – 8mm. Vỏ hạt có màu đỏ nâu, 1 đầu có phần màu trắng vàng chiếm khoảng 1/3 hạt. Sau khi bỏ đi lớp vỏ lụa sẽ thấy hạt có màu trắng và chất tương đối cứng.
Thu hái và chế biến
Khiếm thực được thu hái vào khoảng tháng 9 - tháng 10 hàng năm. Quả chín sau khi hái về sẽ đem đi xay vỡ, sẩy lấy hạt rồi đem xay bỏ phần vỏ để lấy nhân hạt làm thuốc.
Dược liệu được sơ chế theo một số cách thông dụng của y học cổ như sau:
- Theo Dược Tài Học: Khiếm thực được sao theo cách sau: cho cám vào nồi (dùng 5kg cám cho 50kg khiếm thực) rang nóng và đợi đến khi khói bay lên thì cho khiếm thực vào. Sao đến khi màu hạt hơi vàng thì lấy ra và sàng bỏ cám rồi để nguội là được.
- Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược: sơ chế loại bỏ hết tạp chất, mốc mọt và thứ thịt màu đen trong hạt rồi đem đi sao vàng, tán nhỏ và bảo quản trong hộp để dùng dần.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Đem phơi dược liệu Khiếm thực thật khô rồi chưng cho tín. Sau đó bỏ vỏ lấy phần nhân hạt và tán thành bột.
Thành phần hoá học
Dược liệu Khiếm thực (hạt) chứa nhiều tinh bột, 4.4% protid, 0.2% chất béo, Hydrat Carbon, 0.009% Calcium, 0.11% Phosphor, 0,0004% Fe, 0.006% Vitamin C. Ngoài ra còn chứa nhiều loại vitamin B và Carotene.
Tác dụng của Khiếm thực
Theo y học cổ truyền: Khiếm thực có vị ngọt chát, tính bình, quy vào các kinh tỳ, thận. Dược liệu có tác dụng bổ thận, cố tinh, chỉ tả, ngừng đới hạ, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt. Được dùng để điều trị chứng mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, di niệu, đới hạ, bạch trọc, tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày.
Theo y học hiện đại: Hạt Khiếm thực có tác dụng chống oxy hóa do trong thành phần chứa glucoside. Ngoài ra còn giúp kiểm soát chỉ số đường huyết và chống lại bệnh ung thư, bảo vệ các cơ quan như gan, tim, thận, tụy.
Bài thuốc từ Khiếm thực
Dưới đây là một số bài thuốc hữu hiệu từ Khiếm thực:
Trị mất ngủ, di mộng tinh: chuẩn bị 10g Khiếm thực, 40g hạt sen và 20g ohujc thần. Tất cả đem đun với nước trên lửa nhỏ đến khi vị thuốc mềm ra. Cho thêm đường vừa ăn, bỏ bã phục thần và sử dụng, ngày dùng 1 thang.
Trị thận hư, tỳ hư, đại tiện lỏng, đái dầm, di tinh: chuẩn bị 20g Khiếm thực, 15g hạt kim anh, 100g gạo lứt và đường phèn vừa đủ. Đầu tiên bỏ nhân hạt kim anh rồi sắc chung với Khiếm thực, sắc xong bỏ bã lấy nước. Sau đó cho gạo lứt vào nấu thành cháo, cho thêm đường phèn vừa ăn. Ngày chỉ dùng 1 thang, Có thể chia thành nhiều lần ăn.
Trị viêm phế quản mãn tính, ho suyễn ở người già: chuẩn bị 50g khiếm thực, 10 táo nhân, 10g cùi hồ đào nghiền cả vỏ và 100g gạo tẻ. Tất cả cho vào nồi, cho thêm nước và nấu thành cháo. Cho thêm đường phèn vừa ăn, chia làm 2 lần ăn trong ngày
Trị khí nhược, thận hư, tiểu tiện đục: 15g Khiếm thực, 10g phục linh đem giã nát rồi sắc với nước cho mềm ra, Sau đó cho gạo tẻ vừa đủ vào, nấu thành cháo. Mỗi ngày dùng 1 thang như vậy liên tục 5-7 ngày.
Chữa thận hư, khí hư, di tinh, tiểu không tự chủ: chuẩn bị 30g Khiếm thực, 10g ngân hạnh, 30g gạo nếp. Tất cả cho vào nồi hầm thành cháo. Mỗi ngày dùng 1 thang, dùng duy trì 7-10 ngày.
Trị viêm ruột mãn tính, thần kinh suy nhược: chuẩn bị Khiếm thực và kim anh tử 1 lượng bằng nhau, đem đi tán thành bột mịn, cho thêm mật vào và vo thành viên. Mỗi lần uống 4g, ngày uống 2-3 lần.
Trị chứng đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, ăn uống kém, tỳ hư: Khiếm thực dùng 1 lượng tùy ý đem đi sao vàng rồi tán thành bột mịn để uống. Uống chung với nước sắc ích trí nhân và phá cố chỉ mỗi vị 6g. Mỗi lần dùng 8g, ngày dùng 2 lần.
Trị chứng tiêu chảy lâu ngày, tỳ hư bất vận, ăn uống kém: chuẩn bị 30g khiếm thực, 30g biển đậu, 30g liên nhục, 30g bạch truật, 30g phục linh, 30g sơn dược, 8g nhân sâm và 30g hạt ý dĩ. Tất cả đem đi tán thành bột mịn. Uống với nước sôi ấm, mỗi lần dùng 6g, ngày dùng 2-3 lần. Có thể thêm ít đường để dễ uống hơn.
Chữa đái tháo đường: lấy 30g Khiếm thực, 80-120g gan heo đem hầm chung với nước cho đến khi nhừ rồi ăn ngay. Dùng ngày 1 thang.
Trị đới hạ do thấp nhiệt: chuẩn bị Khiếm thực, hoàng bá bà xa tiền tử mỗi vị 12g. Tất cả cho vào nồi sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ trong 30 phút. Thuốc chia làm 2 lần uống trong ngày, dùng ngày 1 thang.
Trị đới hạ do tỳ thận hư: đem 12g Khiếm thực và 12g sơn dược cho vào nồi sắc cùng với 400ml nước cho đến khi còn 100ml. Uống mỗi ngày 1 thang, duy trì liên tục khoảng 5 ngày.
Trị tiêu chảy mãn tính do tỳ hư: Khiếm thực, Đảng sâm, Phục linh, Bạch truật mỗi vị 15g. Cho tất cả vào ấm sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn 300ml là được. Chia thành 2-3 lần uống trong ngày, duy trì liên tục 3-5 ngày.
Chữa tiêu chảy ở trẻ do tỳ hư: chuẩn bị 10g khiếm thực, 10g sơn dược, 10g đảng sâm, 10g bạch linh, 10g trần bì, 10g ý dĩ nhân, 6g bạch truật, 6g thần khúc, 6g trạch tả, 3g cam thảo. Tất cả đem sắc với nước rồi cho trẻ uống khi còn ấm. Dùng ngày 1 thang
Trị chứng hoạt tinh: chuẩn bị 80g khiếm thực, 80g liên tử, 40g mẫu lệ, 40g long cốt, 80g sa uyển tật lê. Đầu tiên đem liên tử tán bột và nấu thành hồ. Các vị thuốc còn lại đem tán bột rồi trộn chung với hồ liên tử và vo thành viên. Uống thuốc với nước ấm, mỗi ngày dùng khoảng 16-20g.
Trị chứng bạch đới do thấp nhiệt: chuẩn bị 10g Khiếm thực, 10g xa tiền tử, 10g bạch quả, 15g sơn dược, 6g hoàng bá. Cho tất cả vị thuốc vào ấm sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột dùng uống với nước ấm. Ngày dùng 1 thang.
Trị bạch đới nhiều ở phụ nữ: chuẩn bị 12g khiếm thực, 12g đảng sâm, 12g sơn dược, 12g phục linh, 12g bạch truật, 12g táo nhân, 12g kim anh, 6g ngũ vị tử, 6g viễn chí, 4g cam thảo. Tất cả vị thuốc cho vào ấm sắc với nước trong vòng 20 phút. Thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng khi còn ấm, ngày 1 thang.
Bài thuốc bổ thận cố tinh: chuẩn bị 10g khiếm thực, 10g kim anh tử, 3 con chim sẻ, bột mì và rượu trắng vừa đủ. Đầu tiên làm sạch chim sẻ, khiếm thực rửa sạch, kim anh tử bóp vụn. Sau đó bắc chảo lên bếp cho nóng, cho 2 thìa dầu ăn vào và cho các nguyên liệu vào xào sơ qua. Đổ rượu trắng vào, nêm gia vị vừa ăn rồi hầm cho đến khi chim sẻ nhừ thì cho thêm 1 ít bột mì vào tạo độ sệt rồi tắt bếp. Ăn khi còn ấm nóng.
Lưu ý khi sử dụng Khiếm thực
Người bị cảm cúm mới phát, đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng Khiếm thực.
Chỉ nên dùng liều lượng vừa đủ, ăn quá nhiều vị thuốc không những không bổ tỳ mà còn gây ra tiêu hóa kém.
Trên đây là những thông tin tham khảo về Khiếm thực, các công dụng và bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc này. Dù mang nhiều lợi ích sức khỏe và có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý thường gặp nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng trước khi dùng Khiếm thực cho các bài thuốc chữa bệnh.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm