lcp

Khoai Lang


Khoai lang hay còn gọi là Mẳn van, Phiên chư,... thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae) có danh pháp khoa học là Ipomoea batatas (L.) Poir.. Trong y học, Khoai lang được dùng phổ biến trong điều trị táo bón. Ngoài tác dụng nhuận tràng, Khoai lang còn là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch, đái tháo đường, thiếu hụt vitamin A, điều hòa huyết áp và cải thiện trí nhớ…

Mặc dù là một loại thực phẩm phổ biến, song việc dùng Khoai lang sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Khoai lang cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Khoai Lang

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Khoai lang, Mẳn van, Phiên chư, Cam thự, Mằn bửng (Tày), Bụm blec (Kho)
  • Tên khoa học: Ipomoea batatas (L.) Poir.
  • Họ: họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
  • Công dụng: Nhuận tràng. Chữa táo bón (Lá, ngọn non luộc ăn).

Mô tả cây Khoai lang

Là một loại cỏ sống lâu năm thân mọc bò, dài 2-3m, rễ mẫm thành củ, màu đỏ, trắng hay vàng.

Lá có nhiều hình, thường hình tim xẻ 3 thuỳ, có cuống dài.

Hoa màu tím nhạt hay trắng, mọc thành xim ít hoa ở đầu cành. Rất ít khi thấy quả và hạt .

Khoai Lang

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây khoai lang được trồng ở nhiều nước nhiệt đới để lấy củ.

Thu hoạch: Đào lấy củ hoặc cắt lấy lá. 

Chế biến

Khoai lang chiên: Gọt vỏ, thái lát mỏng và chiên giòn.

Khoai lang nướng: Gọt vỏ, cắt thành lát hoặc dạng que và nướng chín hoặc chiên. Ngoài ra có thể nướng cả củ khoai đến khi chín mềm là được.

Khoai lang luộc, hấp: Có thể hấp cả củ, bao gồm cả vỏ đến khi chín mềm.

Bánh mì nướng khoai lang: Cắt khoai thành lát mỏng, nướng, đặt lên bánh mì, thêm bơ, nướng lại.

Khoai lang nghiền: Gọt vỏ, luộc, và nghiền với sữa hoặc các loại gia vị.

Bộ phận sử dụng của Khoai lang

Củ khoai lang được dùng làm thực phẩm và dược liệu. Lá cũng được sử dụng.

Khoai Lang

Thành phần hóa học

Có chứa 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza.

Khi còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1 % chất béo, các diattaza, tro có Mn, Ca, Cu, các vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375 pentozan. Khi đã phơi khô (chỗ mát) chứa inozit, gôm, dextrin, axit chlorogenic, phytosterol, carotin, adenin, bctain, cholin.

Trong dây khoai lang có adenin, betain, cholin, trong ngọn dây khoai lang đỏ có một chất gần giống insulin, ở lá già không có chất này. Do đó người bị đi đái đường có thể dùng dây khoai lang mà ăn.

Qua tác dụng nhuận tràng của lá khoai lang, chúng tôi cho rằng có thể có chứa chất nhựa tẩy, định lượng chúng tôi thấy tỷ lệ chừng 1,95-1,97%.

Tác dụng của Khoai lang

1. Ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin A

Khoai lang có tác dụng gì? Vì chứa lượng beta carotene cao nên khoai lang là một nguồn cung vitamin A tuyệt vời cho cơ thể. Sau khi ăn khoai lang, beta carotene có trong khoai sẽ được gan chuyển thành vitamin A, mỗi phân tử beta carotene tạo ra hai phân tử vitamin A.

Cơ thể chúng ta cần vitamin A để có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau và tăng khả năng chống nhiễm trùng về sau.

2. Tác dụng của khoai lang làm giảm căng thẳng

Khoai lang có lượng magie cao, một khoáng chất quan trọng để cơ thể hoạt động tốt. Ngoài ra, magie còn có một công dụng tuyệt vời là giúp giảm lo lắng và căng thẳng.

Người bị thiếu magie có liên quan mật thiết đến nguy cơ rơi vào căng thẳng, trầm cảm và lo lắng cao hơn. Do đó, việc ăn khoai lang có thể giúp bổ sung lượng magie, hỗ trợ điều trị trầm cảm và các hành vi liên quan đến lo lắng.

3. Lợi ích khoai lang giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường

Một số nghiên cứu, việc tiêu thụ khoai lang giúp giảm thiểu sự xuất hiện của tình trạng kháng insulin. Loại củ này có chỉ số đường huyết thấp, có nghĩa là chúng giải phóng đường vào máu rất chậm, so với các loại thực phẩm giàu tinh bột khác. Sự giải phóng ổn định này giúp kiểm soát lượng đường trong máu của một người. Do đó, lợi ích của khoai lang là có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Ngoài ra, trong loại củ này có magie và hàm lượng chất xơ cao rất quan trọng trong việc quản lý và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

4. Tác dụng của khoai lang giúp quản lý cân nặng

Trong khoai lang chứa một lượng chất xơ có thể lên men và hòa tan nên có thể cung cấp cho cơ thể một cơ chế tự duy trì và tự điều chỉnh cân nặng một cách tự nhiên. Các chất xơ như pectin không chỉ đem lại hiệu quả trong việc giảm lượng thức ăn mà còn làm tăng hoạt động của các hormone trong cơ thể. Do đó, việc tiêu thụ khoai lang sẽ dẫn đến lượng chất xơ cao hơn, giúp giảm cân hiệu quả.

5. Thúc đẩy hoạt động chống viêm

Không chỉ có chứa một lượng vitamin tốt có đặc tính chống viêm tuyệt vời mà khoai lang còn có nồng độ choline cao. Choline là một chất dinh dưỡng rất tuyệt vời. Một trong những lợi ích tốt nhất của choline là làm giảm phản ứng viêm của cơ thể nên dẫn đến tình trạng viêm ít hơn. Ngoài ra, khoai lang còn chứa anthocyanin, chất quan trọng để ngăn ngừa và giảm viêm trong các tế bào ung thư ruột kết, giảm sự tăng sinh tế bào ở một số tế bào ung thư.

Do có chứa choline và anthocyanin mà khoai lang trở thành một thực phẩm thiết yếu trong việc giúp giảm và ngăn ngừa viêm.

6. Tác dụng khoai lang giúp tăng cường trí nhớ

Khoai lang chứa anthocyanin, một chất có tính chống oxy hóa mạnh. Do đó, công dụng của khoai lang có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ hiệu quả.

7. Hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư

Ăn khoai lang có tốt không? Khoai lang tím đặc biệt hiệu quả trong việc chống ung thư. Các thành phần có trong khoai lang tím có thể ức chế sự phát triển của các bệnh ung thư cụ thể như ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư ruột kết. Nồng độ anthocyanin cao trong khoai lang tím là lý do giải thích vì sao loại củ này có ích trong hoạt động chống ung thư trong ung thư vú và ung thư dạ dày.

Chiết xuất từ ​​khoai lang có thể tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt, đảm bảo rằng ung thư không lan rộng hoặc phát triển đến bất kỳ bộ phận nào khác của tuyến tiền liệt.

8. Tác dụng của khoai lang giúp bảo vệ vết loét

Tình trạng loét xảy ra khi các mô bị viêm bong ra và có thể gây đau đớn rất nhiều. Chiết xuất từ ​​khoai lang rất tốt cho việc bảo vệ các mô đường tiêu hóa khỏi những vết loét do việc dùng thuốc aspirin gây ra. Vì vậy, khoai lang có thể được sử dụng trong việc quản lý và điều trị loét đường tiêu hóa.

9. Công dụng của khoai lang: Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Khi quá trình oxy hóa diễn ra trong cơ thể có thể làm xuất hiện các biến chứng như xơ vữa động mạch, dẫn đến sự phát triển của nhiều bệnh tim mạch.

Các chất chiết xuất từ ​​khoai lang chứa hàm lượng polyphenol cao, sẽ ngăn chặn quá trình oxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch. Loại củ này cũng chứa các chất xơ hòa tan có liên quan mật thiết đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, anthocyanin, chất xơ, polyphenol… có trong những củ khoai lang rất hữu ích trong việc chống lại các bệnh về tim mạch.

10. Tác dụng của khoai lang cải thiện tóc và da

Loại củ này rất giàu vitamin A, C và E tốt cho tóc và da.

Vitamin E có khả năng làm tăng sự phát triển và tăng mật độ tóc ở những người bị rụng tóc nhiều. Nguyên do là loại vitamin này có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp giảm một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng rụng tóc là stress oxy hóa.

Vitamin C được sử dụng phổ biến trong điều trị các vấn đề về da liễu như điều trị tăng sắc tố và lão hóa da. Vitamin C cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen, một loại protein cấu trúc quan trọng của da. Loại vitamin này cũng có đặc tính chống viêm nên giúp quản lý các vấn đề về da như mụn trứng cá và giúp vết thương nhanh lành.

11. Chứa thuộc tính kháng khuẩn

ác chất chiết xuất từ ​​những củ khoai này có chứa đặc tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn gây bệnh thương hàn và viêm phổi. Hàm lượng chất xơ trong khoai lang có thể giúp làm giảm sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm. Đây là lý do tại sao khoai lang được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị các loại nhiễm trùng và nhiều bệnh khác nhau.

12. Tác dụng của khoai lang hỗ trợ tiêu hóa

Nhiều người biến đến tác dụng của khoai lang là giúp cải thiện các vấn đề tiêu hóa và sức khỏe đường ruột do loại củ này có hàm lượng chất xơ cao. Việc tiêu thụ khoai lang có thể làm tăng lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể giúp quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường. Loại củ này cũng rất hữu ích trong việc ngăn ngừa táo bón. Do đó, bạn hoàn toàn có thể thêm khoai lang vào thực đơn cho trẻ để con được hưởng lợi ích tuyệt vời này.

13. Tác dụng của khoai lang giúp điều hòa huyết áp

Vì rất giàu kali và magie nên việc tiêu thụ khoai lang có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Việc cơ thể được hấp thụ lượng kali cao hơn dẫn đến huyết áp thấp hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề mạch vành hoặc đột quỵ.

Ngoài ra, magie là một khoáng chất có công dụng giảm huyết áp do đó giúp ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp hiệu quả.

14. Tác dụng của khoai lang giúp cải thiện thị lực

Vitamin A có trong khoai lang giúp cải thiện thị lực. Loại vitamin này không chỉ rất quan trọng trong sự hình thành các sắc tố khác nhau chịu trách nhiệm cho sự hấp thụ ánh sáng của mắt mà cũng duy trì cấu trúc thích hợp của võng mạc.

Tình trạng thiếu vitamin A sẽ dẫn đến thị lực kém và cũng có thể là nguyên nhân gây mù lòa. Ngoài ra, tình trạng này cũng liên quan đến các bệnh về mắt như loét giác mạc, khô giác mạc và viêm kết mạc.

Vitamin A, C và E có trong loại củ này rất tốt trong việc cải thiện thị lực tốt hơn và ngăn ngừa các vấn đề về mắt.

Liều lượng và cách dùng Khoai lang

Ngoài công dụng thực phẩm, làm nguyên liệu chế tinh bột khoai, ta có thể dùng khoai lang làm thuốc nhuận tràng: Phân mềm, không lỏng, không đau bụng. Ngày uống nước sắc, ăn cả lá với liều 60-100g lá tươi hoặc 30-40g lá khô, hoặc dùng củ.

Lưu ý khi sử dụng Khoai lang

Những người mắc bệnh tim và cần dùng thuốc chẹn Beta nên tránh sử dụng Khoai lang. Điều này là do thuốc chẹn beta khiến nồng độ Kali tăng cao. Bên cạnh đó tiêu thụ thêm khoai lang có thể làm tăng cao đột ngột lượng Kali trong cơ thể.

Những người có vấn đề về thận nên tránh sử dụng Khoai lang. Bởi vì Kali dư thừa trong máu cần được loại bỏ. Nếu thận hoạt động không tốt, lượng Kali thừa trong cơ thể có thể gây tử vong.

Tiêu thụ quá nhiều Khoai lang có thể làm cho da và móng tay hơi chuyển sang màu cam.

Bảo quản Khoai lang

Bảo quản nơi khô thoáng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các cách chế biến cây Khoai lang. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thực phẩm cũng như dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.