lcp

Cây Khôi Là


Lá khôi là dược liệu quý và được sử dụng rộng rãi trong phạm vi nhân dân. Vị thuốc này thường được dùng để chữa chứng viêm loét dạ dày tá tràng, dị ứng, nổi mề đay mẩn ngứa và làm giảm chứng ghẻ lở ngoài da.

Thông tin chung

Tên thường gọi: Khôi, Lá khôi, Khôi tía, Chẩu mã thái (Tày)

Tên khoa học: Ardisia sylvestris Pitarrd.

Họ: Đơn nem - Myrsinaceae

Công dụng: Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng thượng vị, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua

Mô tả cây lá Khôi

Cây khôi là một loại cây nhỏ, mọc thẳng đứng, cao chừng 1,5 – 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh hay không phân nhánh, gần trên ngọn có nhiều lá.

Lá mọc so le, phiến lá nguyên, mép có răng cưa nhỏ và mịn, dài 25-40cm, rộng 60-10cm, mặt trên màu xanh mịn, mặt dưới màu tím, 2 mặt đều có lông mịn như nhung; gân nổi hình mạng lưới, có loại 2 mặt đều màu xanh.

Hoa mọc thành chùm, dài 10-15cm, hoa rất nhỏ, đường kính 2-3mm, màu trắng pha hồng tím 5 lá đài 5 cánh hoa.

Quả mọng, khi chín màu đỏ.

Mùa hoa: tháng 5-7, mùa quả: tháng 7-9

Có nhiều cây khôi khác nhau, có thứ như mô tả ở trên, có thứ hai mặt lá đều xanh. Kinh nghiệm thường chỉ dùng loại có lá mặt trên xanh như nhung, mặt dưới tím.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây khôi mọc hoang tại những khu rừng rậm miền thượng du các tỉnh Thanh Hóa (Thạch Thành-Ngọc Lặc-Lang Chánh), Nghệ An (Phủ Qùy), Ninh Bình (Nho Quan), Hà Tây (Ba Vì).

Hiện nay cây khôi được nhân dân các vùng núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…. trồng nhiều vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang hiệu quả chữa bệnh.

Thu hái: Thường hái lá và ngọn vào mùa hạ, phơi nắng cho tái rồi phơi và ủ trong râm.

Chế biến: Sau khi thu hái, đem lá Khôi đi rửa sạch sẽ, phơi nắng cho mềm và để trong bóng râm. 

Bộ phận sử dụng của lá Khôi

Bộ phận sử dụng của Khôi là lá, rễ - Folium et Radix Ardisiae Silvestris.

Thành phần hóa học

Chưa được nghiên cứu. Mới đây viên đông y và bộ môn dược lý Trường Đại học Y Dược thí nghiệm sơ bộ nhưng mới thấy có ít tanin và glucozit

Tác dụng của lá Khôi

Tính vị: Vị chua, tính hàn

Quy kinh: Vào tỳ vị

Công dụng: Bình can, giảm can khí uất – nguyên nhân chính gây ra bệnh dạ dày. Vì thế nó được xem là một vị thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả trong dân gian.

Sơ bộ nghiên cứu trên thỏ, chuột bạch và khỉ thấy có một số kết quả sau đây:

  • Làm giảm độ axit của dạ dày khỉ
  • Làm giảm nhu động ruột cô lập của thỏ.
  • Làm yếu sự co bóp của tim.
  • Làm giảm sự hoạt động bình thường trên chuột bạch.

Bệnh viện 108 thí nghiệm dùng lâm sàng (mới trên 5 bệnh nhân) thì 4 người giảm đau 80-100%, dịch vị giảm xuống bình thường.

Viện đông y áo dụng lá khôi chữa khỏi một số trường hợp đau dạ dày (dùng riêng hay phối hợp với nhiều loại thuốc khác) đã sơ bộ nhận định như sau:

  • Với liều 100g lá khôi trở xuống uống hằng ngày thì có thể từ đỡ đau đến hết đau, bệnh nhân ăn ngủ được.
  • Nhưng với liều 250g/ngày thì làm bệnh nhân mệt mỏi, người uể oải, da tái xanh, sức khỏe xuống dần nếu tiếp tục uống.

Tóm lại về mặt lâm sàng, kết quả chưa hoàn toàn tốt.

Liều lượng và cách dùng lá Khôi

Ngày dùng 40-80g sắc uống phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc chữa bệnh từ lá Khôi

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng thượng vị, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua:

Lá khôi 10g, Chút chít 10g, Bồ công anh 12g, Nhân trần 12g, Lá khổ sâm 12g. Tán bột mỗi ngày uống 30g với nước sôi để nguội.

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng thượng vị, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua:

Lá khôi 20g, Khổ sâm 16g, Hậu phác 8g, Cam thảo nam 16g, Bồ công anh 20g, Hương phụ 8g, Uất kim 8g. Sắc uống mỗi ngày một tháng.

Chữa đau dạ dày hay đau vùng thượng vị, đói no cũng đau, hay ợ hơi, ợ chua:

Lá khôi 25g, Mẫu lệ 20g, Ô tặc cốt 15g, Thảo quyết minh 20g. Đem tất cả các vị thuốc này sao vàng hạ thổ, tán bột mịn, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê.

Lưu ý khi sử dụng lá Khôi

Nên uống đúng và đủ liều lượng thì sẽ có được kết quả tốt, không nên lạm dụng, dùng lá khôi quá liều ( hơn 250g/ngày) thì cơ thể người bệnh sẽ suy nhược, da dẻ xanh xao.  

Những bài thuốc dân gian với cây khôi chỉ giúp ích khi mức độ bệnh lý còn nhẹ và các triệu chứng chưa trở nên trầm trọng. 

Cần kiên nhẫn, không bỏ dở nửa chừng bởi cần thời gian để vị thuốc khôi thấm vào cơ thể và phát huy công dụng.  

Kể cả khi điều trị bất kỳ bệnh lý gì cũng không nên lạm dụng rượu, bia và thuốc lá.  

Uống đủ lượng nước mỗi ngày ( 2-2,5 lít) . 

Bảo quản lá Khôi

Khi lá đã khô, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.