lcp

Levocarnitine


Tên chung quốc tế: Levocarnitine

Mã ATC: A16AA01

Loại thuốc:  Thuốc tác động trên hệ chuyển hóa

Dạng thuốc và hàm lượng:

Viên nén, viên nang 150 mg, 300 mg

Hỗn dịch uống 30%.

Tiêm tĩnh mạch 200 mg/ml (5ml)

Dược lý

Dược lực học

Levocarnitine là chất dinh dưỡng tự nhiên đóng vai trò thiết yếu trong chuyển hóa năng lượng cơ thể. Ở người, các nhu cầu chuyển hóa sinh lý được đáp ứng bằng cả việc tiêu thụ thực phẩm có chứa carnitine và quá trình tổng hợp nội sinh trong gan và thận từ lysine với methionine đóng vai trò là chất cho methyl. Chỉ có đồng phân L là có hoạt tính sinh học, đóng vai trò thiết yếu trong chuyển hóa lipid cũng như chuyển hóa các thể xeton dưới dạng chuỗi-axit amin phân nhánh.

Levocarnitine giúp vận chuyển các acid béo vào trong nhà máy năng lượng của tế bào tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình oxy hóa các axit béo, tạo ra năng lượng giúp cho cơ thể hoạt động.

Levocarnitine rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho nhiều cơ quan trong cơ thể như cơ, tim, gan và các tế bào miễn dịch. Nếu không có Levocarnitine, các acid béo không thể đến được nơi sản xuất năng lượng, khi đó cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng, còn chất béo thì trở nên thừa và tích tụ lại.

Dược Động Học

Hấp thu
Sinh khả dụng tuyệt đối là khoảng 15-16% sau khi uống và hiệu chỉnh nồng độ levocarnitine nội sinh trong huyết tương. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 3,3–3,4 giờ sau khi uống.

Phân bố
Tỷ lệ và mức độ phân bố từ huyết tương vào hồng cầu dường như là nhỏ hoặc không đáng kể. Hầu như levocarnitine không liên kết với protein huyết tương hoặc albumin.

Chuyển hóa
Được vi khuẩn chuyển hóa chủ yếu thành TMAO và γ-butyrobetaine trong đường tiêu hóa.

Thải trừ
Ở người lớn khỏe mạnh, khoảng 9% liều lượng bài tiết trong nước tiểu dưới dạng levocarnitine (không được điều chỉnh cho bài tiết nội sinh qua đường nước tiểu) sau khi uống. Khoảng 58–65% liều dùng được bài tiết (dưới dạng levocarnitine và các chất chuyển hóa) trong nước tiểu và phân trong vòng 5 –11 ngày sau khi uống thuốc có gắn phóng xạ. Khoảng 4 – 8 liều dùng được dán nhãn phóng xạ được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng levocarnitine và <1% trong phân dưới dạng carnitine toàn phần. TMAO bài tiết chủ yếu qua nước tiểu (8 – 49% liều dùng được dán nhãn phóng xạ) và γ-butyrobetaine bài tiết chủ yếu qua phân (0,44 – 45% liều dùng được dán nhãn phóng xạ).

Khoảng 76% liều dùng bài tiết qua nước tiểu trong vòng 24 giờ sau khi tiêm IV trực tiếp.

Thời gian Levocarnitine bán thải biểu kiến là khoảng 17,4 giờ.

Các chất chuyển hóa có khả năng gây độc, TMA và TMAO, có thể tích tụ ở những bệnh nhân có chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng hoặc ở những bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối đang lọc máu.

Chỉ định của Levocarnitine

Levocarnitine điều trị tình trạng thiếu carnitine toàn thân nguyên phát hoặc thứ phát.

Điều trị cấp tính hoặc mãn tính ở những bệnh nhân bị thiếu hụt carnitine thứ phát do chuyển hóa bẩm sinh.

Điều trị thiếu hụt carnitine ở bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối phải lọc máu (rối loạn carnitine liên quan đến lọc máu).

Chống chỉ định của Levocarnitine

Không dùng Levocarnitine trong trường hợp quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.

Thận trọng khi dùng Levocarnitine

Việc sử dụng Levocarnitine cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng insulin hoặc đường uống hạ đường huyết có thể dẫn đến hạ đường huyết. Nồng độ đường huyết ở những đối tượng này phải được theo dõi thường xuyên để điều chỉnh hạ đường huyết ngay lập tức nếu cần.

Đối với dạng bào chế dung dịch uống 30% có chứa đường sucrose. Điều này phải được xem xét khi điều trị bệnh nhân tiểu đường hoặc bệnh nhân đang theo chế độ ăn kiêng để giảm lượng calo.

Tính an toàn và hiệu quả của Levocarnitine uống chưa được đánh giá ở bệnh nhân suy thận. Sử dụng mãn tính Levocarnitine đường uống ở những bệnh nhân có chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) đang lọc máu có thể dẫn đến sự tích tụ của các chất chuyển hóa có khả năng gây độc, trimethylamine (TMA) và trimethylamine-N-oxide (TMAO), vì các chất chuyển hóa này thường được bài tiết qua nước tiểu.

Bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp như không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc suy sucrase-isomaltase không nên dùng thuốc này.

Rất hiếm có báo cáo về INR tăng lên ở những bệnh nhân được điều trị đồng thời với Levocarnitine và thuốc coumarinic.

Thời kỳ mang thai

Không có kinh nghiệm sử dụng cho bệnh nhân mang thai bị thiếu hụt carnitine toàn thân nguyên phát.

Thời kỳ cho con bú

Levocarnitine là một thành phần bình thường của sữa mẹ. Việc sử dụng bổ sung Levocarnitine ở bà mẹ cho con bú chưa được nghiên cứu.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp
Buồn nôn và nôn thoáng qua, đau quặn bụng, tiêu chảy, mồ hôi có mùi tanh.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo mãn tính có thể gặp phản ứng tại chỗ tiêm, đau đầu, đau, tiêu chảy, hội chứng cúm, viêm họng, nhiễm trùng, tăng huyết áp, nôn, đau bụng, hạ huyết áp, chóng mặt, ho nhiều, đau ngực, tăng calci huyết, (điều trị bằng đường tiêm), chấn thương do tai nạn.
Ít gặp
Nhịp tim nhanh (tĩnh mạch: 6% đến 9%), đánh trống ngực (tiêm tĩnh mạch: 3% đến 8%)
Bệnh mạch máu (tĩnh mạch: 6%), phù ngoại vi (tĩnh mạch: 5% đến 6%)
ECG bất thường (tĩnh mạch: 3% đến 6%), rung nhĩ (tiêm tĩnh mạch: 2% đến 6%)
Lệ thuộc thuốc (tiêm tĩnh mạch: 6%), chóng mặt (tiêm tĩnh mạch: 6%)
Trầm cảm (tiêm tĩnh mạch: 5% đến 6%), phát ban da (tiêm tĩnh mạch: 5%)
Giảm cân (tiêm tĩnh mạch: 8%), rối loạn tuyến cận giáp (tiêm tĩnh mạch: 6%)
Tăng cân (tiêm tĩnh mạch: 3% đến 6%), rối loạn tiêu hóa (tiêm tĩnh mạch: 2% đến 9%)
Melena (tiêm tĩnh mạch: 6%), chán ăn (tiêm tĩnh mạch: 5% đến 6%), rối loạn tiêu hóa (tiêm tĩnh mạch: 3% đến 6%)
Xuất huyết (tĩnh mạch: 9%), phản ứng quá mẫn (tiêm tĩnh mạch: 6%)
Giảm thị lực (tiêm tĩnh mạch: 6%), bệnh mắt (tiêm tĩnh mạch: 3% đến 6%)
Suy thận (tiêm tĩnh mạch: 6%), viêm phế quản (tiêm tĩnh mạch: 3% đến 5%).
Hiếm gặp
Đau quặn bụng, phản vệ, co thắt phế quản, phù mặt, phù thanh quản, nhược cơ (bệnh nhân tăng urê huyết), co giật, mày đay.

Liều lượng và cách dùng Levocarnitine

Người lớn
Dạng viên nén: 990mg 2 hoặc 3 lần mỗi ngày, tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng.

Dạng hỗn dịch uống: Ban đầu, 1g mỗi ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần (dùng mỗi liều cách nhau ít nhất 3 hoặc 4 giờ), tăng liều từ từ trong khi đánh giá khả năng dung nạp và đáp ứng điều trị.

Phạm vi liều levocarnitine khuyến cáo thông thường cho bệnh nhân 50kg là 1-3 g mỗi ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần (dùng mỗi liều cách nhau ít nhất 3 hoặc 4 giờ).

Dang tiêm truyền:

Dùng liều bolus trong 2 đến 3 phút hoặc truyền. Liều nên được dùng sau mỗi 3 đến 4 giờ, nhưng không bao giờ ít hơn 6 giờ một lần (ví dụ: 4 liều/ngày).

Đối với bệnh nhân thẩm phân máu: Dùng một liều bolus trong vòng 2 đến 3 phút vào đường trở về tĩnh mạch sau mỗi lần thẩm phân.

Trẻ em
Dạng uống:

Trẻ em (≤18 tuổi): Ban đầu, 50 mg/kg mỗi ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần (dùng mỗi liều cách nhau ít nhất 3 hoặc 4 giờ), tăng liều từ từ trong khi đánh giá sự dung nạp và đáp ứng điều trị. Phạm vi liều khuyến cáo thông thường là 50–100 mg/kg mỗi ngày, tổng liều hàng ngày tối đa là 3 g.

Liều lượng chính xác dựa trên tình trạng lâm sàng.

Thận trọng khi tăng liều levocarnitine và chỉ khi các cân nhắc về lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy việc tăng liều là có lợi.

Dạng tiêm:

Thiếu carnitine: Có thể không pha loãng (200 mg/mL) khi tiêm qua đường tĩnh mạch trong 2 đến 3 phút hoặc pha loãng hơn nữa và được dùng như truyền IV.

ESRD (bệnh thận mạn giai đoạn cuối) khi chạy thận nhân tạo: Có thể tiêm tĩnh mạch không pha loãng (200 mg/mL) đẩy vào đường trở về của tĩnh mạch trong 2 đến 3 phút.

Độc tính của Axit Valproic: Có thể truyền tĩnh mạch không pha loãng (200 mg/mL) trong 2 đến 3 phút hoặc pha loãng hơn và truyền IV.

Đối tượng khác
Suy thận: Không điều chỉnh liều lượng. Tuy nhiên, độ an toàn và hiệu quả của carnitine đường uống chưa được đánh giá ở bệnh nhân suy thận. Dùng liều cao đường uống cho bệnh nhân có chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bệnh nhân ESRD đang lọc máu có thể dẫn đến tích tụ các chất chuyển hóa có khả năng gây độc.

Suy gan: Không điều chỉnh liều lượng Levocarnitine.

Tương tác thuốc

Thuốc kháng vitamin K (ví dụ, warfarin): Levocarnitine có thể tăng tác dụng chống đông máu của thuốc kháng vitamin K.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Võ Văn Việt

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Võ Văn Việt đã có hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả, cung cấp thông tin về dược phẩm, sức khỏe cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng thuốc đạt chất lượng đến tay người bệnh.