lcp

Hạt Mã Tiền


Mã tiền hay còn được gọi là Phan mộc miết, Mắc sèn sứ, Củ chi … thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) với tên khoa học là Strychnos pierriana A.W.Hill. Trong y học, Mã tiền có tác dụng thông kinh hoạt lạc giảm đau, mạnh gân cốt, tán kết tiêu sưng... 

Là một loài cây chỉ phân bố tại một số nơi trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng từ lâu Mã tiền đã được sử dụng làm bài thuốc trong y học trong dân gian. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Mã tiền cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Hạt Mã Tiền

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Mã tiền.

Tên khác: Phan mộc miết, Mắc sèn sứ, Củ chi…

Tên khoa học: Strychnos pierriana A.W.Hill. hoặc Strychonos nux vomina L.

Họ: Mã tiền (Loganiaceae).

Mô tả cây Mã tiền

Hiện nay, ở Việt Nam có hai loại mã tiền:

Cây mã tiền là một cây có chiều cao trung bình, mọc thẳng vỏ có màu xám, đối với cây non mới mọc có nhiều gai. Lá mọc đối, có lá kèm, phiến lá có hình bầu dục, cuồng ngắn, hai đầu hơn nhọn, gân lá có hình lông chim. Hoa có màu hồng, nhỏ, hợp thành xim hình tán đều, lưỡng tính, tràng và đài hoa có 5 cánh, đài hình phễu với 5 răng hình ba cạnh.

Hạt hình đĩa dẹt, hơi dày lên ở mép; các hạt có kích thước và hình dạng không đồng đều, có hạt hơi méo mó, cong không đều, đường kính hạt từ 1,2cm đến 2,5cm, dày 0,4cm đến 0,6cm, màu xám nhạt đến vàng nhạt. Mặt hạt phủ một lớp lông tơ bóng mượt mọc ngả theo chiều từ tâm hạt tỏa ra xung quanh. Rốn hạt là một lỗ chồi nhỏ ở giữa một mặt hạt. Sống noãn hơi lồi chạy từ rốn hạt đến lỗ noãn (là một điểm nhỏ cao lên ở trên mép hạt). Hạt có nội nhũ sừng màu vàng nhạt hay hơi xám, rất cứng. Cây mầm nhỏ nằm trong khoảng giữa nội nhũ phía lỗ noãn. Hạt không mùi, vị rất đắng.

Còn có một số loại mã tiền đang được trồng ở miền Bắc nước ta chủ yếu là dây leo, chưa xác định rõ được tên khoa học. Các loại mã tiền này có đường kính thân từ 10 - 15cm, chiều dài thân khoảng 30 - 40m.

Hạt Mã Tiền

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Hiện nay, Mã tiền (hạt) mới xuất hiện tại miền Nam nước ta, chiết hạt mã tiền để lấy strychnin. Ở Việt Nam, Mã tiền có nhiều nhất ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Đắk Lắk.

Mã tiền sinh sống và phát triển tốt ở môi trường nhiệt đới, nhiệt độ khoảng 24 - 26 độ C.

Một số cách chế biến Mã tiền phổ biến được dùng ở nước ta:

  • Dùng nước vo gạo để ngâm hạt một ngày đêm cho tới khi hạt mềm, bóc vỏ rồi thái mỏng, sấy khô sau đó tán nhỏ.
  • Dùng dầu vừng đun sôi với hạt mã tiền cho tới khi hạt mã tiền nổi lên trên thì lấy ra ngay (nếu để quá lâu, hạt sẽ bị cháy và mất công dụng). Hạt đã mềm nên dễ dàng thái nhỏ đem phơi khô được sử dụng làm thuốc.
  • Dùng nước thường hay nước vo gạo ngâm hạt mã tiền cho tới mềm. Sau khi hạt đã mềm, bóc hết vỏ, tách riêng từng phần lông, vỏ và nhân, không để chung. Sao từng phần vỏ, lông và nhân sau đó tán nhỏ từng thành phần riêng. Dùng cách này để chữa bệnh chó dại.
  • Thu hoạch hạt Mã tiền vào mùa đông, hái những quả già, tách ra lấy hạt, loại bỏ cơm quả, hạt lép, non, phơi nắng hay sấy ở nhiệt độ 50°C đến 60°C cho đến khô.

Bộ phận sử dụng của Mã tiền

Hạt, thu hái từ quả chín, phơi hoặc sấy khô dùng chiết xuất strychnin.

Hạt Mã Tiền

Thành phần hóa học

Trong hạt mã tiền có nhiều thành phần, 15% manan, 85% ga-lactan. 4 - 5% chất béo, một heterozìt gọi là loganozit hay loganin (1,5%), có nhiều alkaloid nhưng nhiều nhất là strychnin, bruxin, ngoài ra còn có vomixin, struxin, colubrin α và β.

Tác dụng của Mã tiền

Theo y học cổ truyền

Hạt mã tiền có tính khô, hàn, có đại độc, vào các kinh can, tỳ với công năng thông kinh hoạt lạc giảm đau, mạnh gân cốt, tán kết, tiêu sưng. Dùng điều trị nhiều bệnh về xương khớp như phong thấp, tê, bại liệt; viêm khớp dạng phong thấp, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh, sưng đau do chấn thương, nhọt độc sưng đau.

Theo y học hiện đại

Tác dụng trị liệu có được của mã tiền chủ yếu là do strychnin.

Tác động trên hệ thần kinh trung ương và ngoại vi

Mã tiền có tác dụng kích thích với liều nhỏ, liều cao có thể gây co giật.

Tác động trên hệ tuần hoàn và tim mạch

Có tác dụng tăng huyết áp, gây co mạch máu nhỏ ở ngoại vị.

Tác động trên hệ tiêu hóa

Tăng bài tiết dịch vị, tăng co bóp dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột nhanh hơn. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài thì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn co bóp dạ dày và tốc độ làm trống dạ dày.

Liều lượng và cách dùng Mã tiền

Người lớn dùng liều 0,05g/lần, 3 lần/ngày, liều tối đa 0,10g/lần, 3 lần/ngày.

Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Trẻ em từ 3 tuổi trở lên, dùng 0,005 g vào mỗi tuổi. Dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Không dùng quá liều quy định. Dùng liều cao có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như: Chân tay vận động quá mức, co giật, khó thở, nặng thì có thể hôn mê.

Cồn mã tiền: Mỗi lần uống 8 đến 10 giọt, tối đa 30 giọt.

Cao mã tiền: Mỗi lần uống 10 đến 15mg, tối đa 50mg. Nitrat strychnin uống mỗi lần từ (0,0005 - 0,001g), hoặc tiêm 1ml dung dịch 0,1%.

Bài thuốc chữa bệnh từ Mã tiền

Điều trị tê thấp, đau nhức, sưng khớp

Bào chế dưới dạng viên hoàn với các thành phần sau: Bột mã tiền chế 50 g, bột hương phụ tứ chế 13 g, bột mộc hương 8 g, bột địa liền 6 g, bột thương truật 20 g, bột quế chi 3 g, tá. Mỗi ngày uống 4 viên, tối đa 6 đến 8 viên. Chia theo từng đợt điều trị, mỗi đợt uống khoảng 50 viên rồi ngưng.

Lưu ý khi sử dụng Mã tiền

Một số lưu ý khi sử dụng mã tiền (hạt):

  • Không dùng mã tiền (hạt) phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Mã tiền rất độc. Khi bị ngộ độc có triệu chứng như ngáp, nước dãi chảy nhiều, nôn mửa, sợ ánh sáng, mạch nhanh và yếu.

Bảo quản Mã tiền

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Mã tiền. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Mã tiền là loài cây mọc tự nhiên và là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.