lcp

Mạch Môn là gì? Tác dụng và bài thuốc từ Mạch Môn


Mạch môn hay còn được gọi là Mạch môn đông, Lan tiên, Tóc tiên, Duyên giới thảo, Xà thảo, Phiéc kép phạ (Tày), thuộc họ Mạch môn đông với danh pháp khoa học là Convallariaceae. Mạch môn là cây thân thảo với phần rễ củ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, thậm chí được cho là trị bệnh hiệu quả. Trong y học, Mạch môn có tác dụng chữa viêm phế quản, sốt nóng, thiếu sữa, ho, tiêu đờm, táo bón.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Mạch môn sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Mạch môn cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

mạch môn

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Mạch môn, Mạch môn đông, Lan tiên, Tóc tiên, Duyên giới thảo, Xà thảo, Phiéc kép phạ (Tày).
  • Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl.
  • Họ: Mạch môn đông (Convallariaceae).
  • Công dụng: Mạch môn có tác dụng chữa viêm phế quản, sốt nóng, thiếu sữa, ho, tiêu đờm, táo bón.

Mô tả Mạch môn

Mạch môn (Rễ) có chiều cao khoảng 10 - 40cm, thuộc loại rễ củ, dạng chùm. Rễ dạng hình thoi, hai đầu hơi nhỏ lại, chiều dài từ 1,5 - 3,5cm, đường kính phần giữa từ 0,2 - 0,8cm. Mặt ngoài rễ có màu vàng nâu hoặc trắng ngà đồng thời nhiều nếp nhăn dọc nhỏ; trong mờ; một đầu thấy lõi giữa nhỏ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ mỏng màu nâu nhạt, phần ruột trắng ngà, có lõi nhỏ ở chính giữa. Rễ có mùi thơm thoang thoảng, khi ăn vị ngọt dịu, sau đó hơi đắng. Do có chứa nhiều chất nhầy nên ăn vào sẽ gây dính răng.

Lá được mọc từ gốc, chiều dài khoảng 15 - 40cm, chiều rộng từ 1 - 4mm.

mạch môn là gì

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Mạch môn (Rễ) là một loại cỏ sống lâu năm, ưa ẩm, sinh trưởng tốt dưới bóng cây và được trồng bằng nhánh, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, ở nước ta cây mọc hoang dại tại nhiều tỉnh thành, chủ yếu ở Phùng (Hà Tây), Nghĩa Trai (Hưng Yên), Ninh Hiệp (Hà Nội).

Thu hoạch và chế biến: thu hoạch rễ củ vào vào cuối hạ, tầm tháng 6 và tháng 7 khi cây được 2 – 3 năm. Đào rễ, lấy củ sau đó cắt bỏ hết rễ, rửa sạch đem phơi nắng, nếu củ to thì cắt làm đôi, củ nhỏ để nguyên phơi hoặc sấy cho khô.

Bộ phận sử dụng của Mạch môn

Bộ phận sử dụng được của Mạch môn (Rễ) là rễ củ.

tác dụng của mạch môn

Thành phần hóa học

Mạch môn (Rễ) có chứa một số thành phần như sau:

  • Đường.
  • Stigmasterol, beta- sitosterol, beta- D – glucoside.
  • Chất nhầy.
  • Tinh dầu.
  • Gần đây còn phân lập được saponin steroid là Ophiopogonin A,B,C,D...

Tác dụng của Mạch môn

Theo y học cổ truyền

Tính vị

Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (theo Đông Dược Học Thiết Yếu, Trung Dược Đại Từ Điển).

Vị ngọt, tính bình (theo Bản Kinh).

Vị hơi đắng, tính hàn (theo Y Học Khởi Nguyên).

Quy kinh

Quy vào kinh Vị, Phế, Tâm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu, Trung Dược Đại Từ Điển).

Quy vào kinh thủ Thiếu âm và Thái âm (theo Bản Thảo Mông Thuyên).

Quy vào kinh thủ Thái âm Phế (theo thang Dịch Bản Thảo).

Quy vào kinh Thiếu âm, túc Dương minh, thủ Thái âm (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

Chủ trị

Vị lạc mạch tuyệt, uống lâu nhẹ người, chống lão hóa, trị khí kết ở bụng và ngực, người gầy đoản khí, không đói (theo Bản Kinh).

Giải phiền khát, trị phế nguy, tiết tinh, trị nhiệt độc, trì phù thũng mặt và tay chân, nôn ra mủ (theo Dược Tính Bản Thảo).

Trị tâm phế hư nhiệt (theo Bản Thảo Diễn Nghĩa).

Trị khát nước, ho ra máu, táo bón sau khi sinh và ở người cao tuổi, miệng khô (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Trị mắt vàng, hư lao nhiệt, phiền khát, người nặng, dưới ngực đầy, miệng khô (theo Danh Y Biệt Lục).

Trị đầu đau, ngũ lao thất thương (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Trị hồi hộp, hay quên, phế nhiệt phế táo, hư suyễn, hư lao, tỳ vị táo, tâm khí bất túc, lo sợ, tinh thần tán loạn, hơi thở ngắn, ho ra máu, sốt khi về chiều, táo bón (theo Bản Thảo Hối Ngôn).

Theo y học hiện đại

Dược liệu có tác dụng bảo vệ bệnh thiếu máu cơ tim, chống rối loạn nhịp tim, tăng huyết lượng động mạch vành và cải thiện lực co bóp cơ tim. Trên thực nghiệm còn cho thấy dược liệu này có tác dụng an thần (theo Trung Dược Học).

Dược liệu có tác dụng ức chế mạnh trực khuẩn đại trường, tụ cầu trắng và trực khuẩn thương hàn (theo Trung Dược Học).

Bột mạch môn có khả năng ức chế E.coli và Staphylococcus albus (theo Chinese Hebral Medicine).

Thực nghiệm trên thỏ cho thấy tiêm bắp nước sắc có tác dụng tăng/ hạ đường huyết (theo Trung Dược Học).

Tác dụng nội tiết: Cồn hoặc nước sắc từ mạch môn tiêm cho thỏ nhận thấy tăng lượng dự trữ Glycogen (theo Chinese Hebral Medicine).

Liều lượng và cách dùng Mạch môn

Sắc uống ngày dùng từ 6 - 12g, ít khi dùng đơn độc mà thường kết hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc chữa bệnh từ Mạch môn

Bài thuốc trị viêm họng mạn, viêm phế quản mạn, lao phổi và hội chứng phế có kèm ho khan: Dùng bán hạ chế 6g, cam thảo 4g, đại táo 4 quả, mạch môn 20g, đảng sâm 12g, ngạch mễ 20g. Đem sắc uống cho đến khi hết bệnh.

Bài thuốc trị chảy máu cam: Dùng mạch môn bỏ lõi 20g, sinh địa 20g đem sắc uống. 

Bài thuốc trị Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên và họng lở loét: Dùng hoàng liên 20g, mạch môn 40g, đem tán nhuyễn, trộn mật ong làm hoàn. Viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 20 viên uống với nước sắc mạch môn.

Bài thuốc trị hư lao, cốt chưng, lao nhiệt, khách nhiệt và Tâm Phế có hư nhiệt: Dùng ngũ vị tử, miết giáp, địa hoàng, thiên môn, mạch môn, sa sâm, thanh hao, ngưu tất, thược dược, ngô thù du. Đem các vị tán bột, trộn mật làm viên.

Bài thuốc trị khát uống nước không ngừng: Dùng mạch môn bỏ lõi 120g, ô mai nhục 20 quả. Đem sắc thuốc với 1 thăng nước, còn lại 7 hộc, chia đều uống hết trong ngày.

Bài thuốc trị chứng hư thoát, mạch nhanh, ra mồ hôi nhiều, tim suy, huyết áp hạ: Dùng nhân sâm 8g, mạch môn 16g, ngũ vị tử 6g đem sắc uống. Nếu thấy bứt rứt, khó chịu thì dùng hoàng kỳ, đương quy mỗi thứ 8g, mạch môn 20g, chích thảo, ngũ vị tử mỗi thứ 4g đem sắc uống.

Bài thuốc trị họng đau, ho ít đờm, Phế và Vị bị táo nhiệt, họng khô: Dùng mạch môn 1kg, thiên môn 1kg đem nấu thành cao. Sau đó thêm mạch nha 0.5kg khuấy đều. Mỗi lần dùng 1 – 2 thìa canh trước khi ăn, dùng trong vòng 3 ngày.

Bài thuốc trị tâm phiền, khát, đơn độc phát ban, nhiệt bệnh làm tổn thương phần âm, tinh hồng nhiệt, thần trí mê muội: Dùng huyền sâm 20g, sinh địa 24g, đan sâm 16g, liên kiều 16g, mạch môn 12g, tê giác 4g, tinh tre 12g, kim ngân hoa 16g, hoàng liên 4g, đem sắc uống.

Bài thuốc trị chảy máu cam không cầm, thổ huyết: Dùng mạch môn bỏ lõi 480g nghiền nát và vắt lấy nước cốt. Thêm mật ong vào, khuấy đều và chia thành 2 lần uống.

Bài thuốc trị răng chảy máu: Dùng mạch môn sắc uống.

Bài thuốc trị tiêu khát: Dùng hoàng liên, mạch môn sắc uống.

Bài thuốc trị vinh khí muốn tuyệt: Dùng chích thảo 80g, mạch môn 40g, táo 2 quả, hàng mễ ½ hộc, trúc diệp 10 lá. Đem các vị sắc với 2 thang nước, còn lại 1 thăng. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

Bài thuốc trị táo bón, phiền khát, bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, hư nhiệt: Dùng ngọc trúc 20g, đương quy 12g, sinh địa 12g, phục linh 8g, thiên hoa phấn 8g, chích thảo 4g, mạch môn 12g, hà thủ ô 16g, thục địa 16g, hoài sơn 16g, nữ trinh tử 8g, bạch thược 8g. Đem các vị sắc uống.

Bài thuốc trị ho khan, họng đau, táo nhiệt hại phế và đờm dính: Dùng thạch cao 10g, cam thảo 4g, a giao 3g, tỳ bà diệp 4g, mạch môn 5g, tang diệp 12g, mè đen 4g, hạnh nhân 3g, đem sắc uống.

Bài thuốc trị táo bón do âm hư: Dùng sinh địa 20g, mạch môn 20g với huyền sâm 12g đem sắc uống.

Lưu ý khi sử dụng Mạch môn

  • Phế và Vị có nhiệt bên trong, không nên dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Tỳ Vị hư hàn, có thấp hoặc tiêu chảy, kiêng dùng (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Bệnh nhân tiêu chảy, thận trọng khi dùng (theo Trung Dược Học).

Bảo quản Mạch môn

Đậy kín và để nơi khô thoáng, tránh ẩm.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Mạch môn cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.