lcp

Mật ong


Mật ong (Mel) là mật hoa được ong thợ lấy từ các loài hoa mang về tổ chế biến mà thành. Từ lâu, mật ong được xem là thần dược thiên nhiên với nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Không chỉ biết đến với công dụng làm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, mật ong còn góp mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh thường gặp như: ho, cảm cúm, viêm loét dạ dày, bệnh ngoài da,...Để tìm hiểu rõ hơn về những tác dụng khác của mật ong cũng như đặc tính, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Mật ong

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Mật ong, Phong mật, Phong đường, Bách hoa cao, Bách hoa tinh
  • Tên khoa học: Mel
  • Họ: họ Ong (Apidae)
  • Công dụng: Tác dụng thanh nhiệt, bổ trung, nhuận táo, hoạt trường, giải độc hết đau. Dùng chữa tỳ vị hư nhược, táo bón, ho, đau bụng, giải độc ở đầu, dùng ngoài chữa lở miệng vết thương bỏng.

Mô tả Mật Ong

Chất lỏng đặc sánh, hơi trong và dính nhớt, có màu trắng đến màu vàng nhạt hoặc vàng cam đến nâu hơi vàng. Khi để lâu hoặc để lạnh sẽ có những tinh thể dạng hạt dần dần tách ra. Mùi thơm, vị rất ngọt.

  • Độ nhớt của nó phụ thuộc vào nhiều loại chất và do đó thay đổi theo thành phần của nó. Trong đó hàm lượng nước quyết định chính tới độ nhớt của mật ong.
  • Mật ong bình thường có hàm lượng nước từ 18,8% trở xuống sẽ hút ẩm từ không khí có độ ẩm trên 60%.
  • Màu sắc trong mật ong lỏng thay đổi từ trong và không màu (như nước) đến màu hổ phách sậm hoặc đen. Các màu của mật ong về cơ bản là tất cả các sắc thái của màu vàng và hổ phách. Màu sắc thay đổi theo nguồn gốc thực vật, và điều kiện bảo quản.

Phân biệt mật ong thật, giả: Người ta thường làm giả mật ong bằng mật mía, nước thủy phân tinh bột, hoặc siro. Mật ong của những con ong ăn đường hoặc mật mía có tỷ lệ sucrose cao.

  • Cách 1: Lấy một cọng hành tươi nhúng vào mật ong. Nếu cọng hành héo đó là mật ong thật. Mật càng đặc thì cọng hành héo càng nhanh.
  • Cách 2: Cho 1 ít mật ong vào cốc nước nguội. Nếu bạn thấy mật không tan, mật tròn vo rồi rơi xuống đáy cốc thì là mật ong thật. Trường hợp mật ong tan ngay sau khi rơi xuống thì là mật giả.
  • Cách 3: Nhỏ 1 giọt mật ong vào giấy thấm dầu. Nếu mật thật sẽ loang chậm hơn trên giấy thấm dầu so với mật ong giả.
  • Cách 4: Cho mật ong vào tủ lạnh. Thấy mật cô đặc, quánh lại dẻo giống kẹo kéo thì là mật ong thật. Trường hợp mật có cô lại nhưng lắng cặn đường và cứng ngắt là mật ong giả, pha trộn.
  • Cách 5: Phết mật ong lên bánh mì. Mật ong pha trộn sẽ làm bánh mì mềm hơn, còn mật ong nguyên chất sẽ làm bánh mì bị cứng và giòn. 
  • Cách 6: Sử dụng giấm. Khi mật ong được pha với giấm có hiện tượng nổi bọt thì có thể loại này đã bị nhiễm các tạp chất khác. 
  • Cách 7: Kiểm tra nhiệt Khi đun nóng, mật ong sẽ nguyên chất sẽ bị đông lại, còn loại pha tạp chất sẽ có hiện tượng nổi bong bóng. 

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Mật ong phân bố khá rộng rãi ở một số địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh…. Ngoài việc khai thác mật hay sáp ong tự nhiên, nhiều công ty được thành lập nuôi ong để lấy mật theo quy mô công nghiệp. 

Mật ong được tạo ra quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân, hạ. Sang thu đông mật vừa ít lại vừa ảnh hưởng tới đời sống của con ong vì phải để ong có thức ăn qua mùa rét lạnh không có hoa. Hàng năm Việt Nam thường lấy mật vào tháng 3, 6 đôi khi vào cả tháng 9.

Mật ong do ong mật (chi Apis) tạo ra. Con ong thu mật, dùng vòi hút mật hoa vào dạ dày của mình, mang về, chuyển mật cho con ong tiếp nhận, mật lại được giữ lại trong dạ dày ong tiếp nhận một thời gian. Từ dạ dày của ong tiếp nhận lại được tiết ra thêm men, các acid hữu cơ, các kháng sinh và chúng chuyển từ ô đựng mật này sang ô đựng mật khác để cho nước bay hơi nhanh. Để thu được 1 kg mật, ong phải thu thập từ khoảng 10 triệu bông hoa, cần vận chuyển khoảng 120-150 ngàn chuyến bay, với quãng đường bay khoảng 360-450 ngàn km. Ong mật là loài ong làm mật nhiều hơn lượng mật mà nó cần dùng đến trong mùa đông. Khi nguồn thực phẩm cho ong bị thiếu, người nuôi ong có thể bổ sung dinh dưỡng cho ong bằng cách cho ong ăn lại phấn hoa hoặc đường.

Có nhiều loại mật ong có sẵn, khác nhau dựa trên nguồn thực vật, phương pháp khai thác và là mật ong thô hay đã được tiệt trùng. 

  • Mật ong thô: lấy trực tiếp từ tổ ong, không qua chế biến, thanh trùng.
  • Mật ong thanh trùng: sau khi thu hoạch cần được qua khâu lọc bỏ tạp chất, ấu trùng và một số tạp chất. 
mật ong

Bộ phận sử dụng

Ngoài mật ong, ong mật cho ta các sản phẩm quý khác như sữa ong chúa, phấn hoa, keo ong, sáp ong và nọc ong. Những sản phẩm này rất quý trong phòng bệnh, chữa bệnh, hiếm có một nhà máy dược phẩm nào có thể sản xuất được nhiều dược phẩm quý như vậy, do đó, người ta nói “Con ong là Dược sĩ có cánh”.

tác dụng của mật ong

Thành phần hóa học

Mật ong có thành phần hoá học rất phức tạp, thành phần cụ thể của mật phụ thuộc vào hoa mà ong hút mật. Mật ong có khoảng 100 chất khác nhau có giá trị tốt đối với cơ thể con người, bao gồm:

  • Hàm lượng nước từ 18-20%.
  • Hàm lượng đường chủ yếu là fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31,0%). Các carbohydrate khác trong mật ong gồm maltose, sucrose và carbohydrat hỗn hợp. 
  • Trong mật ong, các vitamin và chất khoáng chỉ xuất hiện ở dạng vết.
  • Mật ong cũng chứa một lượng rất nhỏ các hợp chất chức năng như chất chống oxy hóa, bao gồm chrysin, pinobanksin, vitamin C, catalase và pinocembrin.

Thành phần của mật ong thông dụng:

  • Fructose: 38,2%
  • Glucose: 31,3%
  • Sucrose: 1,3%
  • Maltose: 7,1%
  • Nước: 17,2%
  • Các loại đường có khối lượng phân tử cao hơn: 1.5%
  • Tro: 0,2%
  • Các chất khác: 3,2%

Tác dụng của Mật Ong

Theo y học cổ truyền

  • Tính vị: Mật ong có vị ngọt, tính bình.
  • Quy kinh: Mật ong được quy vào kinh Tỳ, Phế và Đại trường.
  • Công năng: Mật ong giúp bổ tỳ vị, chỉ khát, dưỡng huyết, tăng sinh lực, giúp ăn ngon miệng, thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế,… Bên cạnh đó, mật ong còn có khả năng giải độc Xuyên ô và Phụ tử; điều hòa các vị thuốc.
  • Chủ trị: Mật ong có tác dụng trị các chứng ho mãn tính, ho thông thường, ho ra máu, vết thương trầy xước ngoài da, viêm loét dạ dày, đau dạ dày,… Đồng thời, mật ong còn giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe sau khi hết ốm.
  • Kiêng kỵ: Sôi bụng, ỉa chảy hay đầy bụng, không nên dùng.

Theo y học hiện đại

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: bổ sung mật ong chất lượng cao trong chế độ ăn uống có thể cải thiện các khía cạnh khác nhau của sức khỏe tim mạch do giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như giảm huyết áp tâm thu.
  • Thúc đẩy chữa lành vết thương: mật ong có đặc tính kháng khuẩn làm giảm sự phát triển của vi sinh vật, do đó mật ong có thể hỗ trợ chữa lành vết loét và điều trị các bệnh về da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, viêm da và mụn rộp. 
  • Chất chống oxy hóa: mật ong chất lượng cao - được chế biến tối thiểu, không đun nóng và tươi - chứa nhiều hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học quan trọng và chất chống oxy hóa, chẳng hạn như flavonoid và axit phenolic.
  • Có thể giúp giảm ho ở trẻ em: mật ong có thể là một lựa chọn thay thế diphenhydramine, với bằng chứng cho thấy rằng nó là một lựa chọn điều trị hiệu quả. Một đánh giá của một số nghiên cứu về mật ong và trị ho ở trẻ em cho thấy mật ong có vẻ hiệu quả hơn diphenhydramine đối với các triệu chứng ho. Nó cũng có thể giúp giảm thời gian ho. Tuy nhiên, không bao giờ cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong vì nguy cơ ngộ độc.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Sử dụng mật ong và bột quế hàng ngày giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn và vi rút. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mật ong có các loại vitamin và sắt với lượng lớn. Thường xuyên sử dụng mật ong làm tăng cường độ trắng các tiểu thể trong máu để chống lại các bệnh do vi khuẩn và vi rút gây ra.

Lưu ý khi sử dụng Mật Ong

Các đối tượng liệt kê dưới đây tuyệt đối không được mật ong:

  • Các đối tượng dị ứng hay mẫn cảm một số thành phần có trong mật ong tuyệt;
  • Người bị tỳ vị hư hàn (tiêu chảy), thường xuyên bị đầy bụng;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi;
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Đối tượng bị rối loạn chức năng tiêu hóa;
  • Người vừa mới phẫu thuật;
  • Bệnh nhân bị huyết áp thấp hoặc đường máu thấp;
  • Đối tượng bị xơ gan;
  • Bệnh nhân tiểu đường.

Mật ong có liên quan đến các lợi ích sức khỏe tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ do hàm lượng đường và calo cao. Vào năm 2014, WHO đã công bố một số khuyến nghị nêu bật tầm quan trọng của việc giảm lượng đường ăn mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên sử dụng mật ong để thay thế các dạng đường khác và thưởng thức nó ở mức độ vừa phải.

Tác dụng phụ của mật ong

Hãy nhớ rằng không bao giờ được cho trẻ dưới một tuổi sử dụng mật ong nguyên chất vì nguy cơ ngộ độc mật ong ở trẻ sơ sinh, một căn bệnh nghiêm trọng gây ra bởi độc tố từ một chủng vi khuẩn cụ thể có tên là Clostridium botulinum. Sau một tuổi, hệ tiêu hóa thường phát triển đủ để chống lại các độc tố có hại tiềm ẩn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

Mật ong là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. Mật ong là một sản vật quý của tự nhiên, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Mật ong quen thuộc với con người ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều ứng dụng trong đời sống và y dược. 

Để đảm bảo thành phần và công dụng của mật ong, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề như lựa chọn mật ong rừng nguyên chất, cơ sở sản xuất uy tín, bảo quản mật ong bằng đồ đựng thủy tinh hoặc vật dụng không gây phản ứng oxy hóa với thành phần của mật, không dùng mật ong trong nhiệt độ cao vì rất dễ gây biến chất.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.