lcp

Muồng Trâu


Muồng trâu hay còn được gọi là Muồng lác, Cây lác… thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae) với tên khoa học là Cassia alata L. Trong y học, Muồng trâu có tác dụng để chữa táo bón, các bệnh ngoài da như chàm, hắc lào, nấm da, dị ứng da…

Là loài cây mọc hoang nhưng đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh, Muồng trâu hiện được trồng tại nhiều nơi không chỉ để làm cảnh mà còn dùng để làm dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cối xay cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Muồng trâu.

Tên khác: Muồng lác, Tâng hét, Cây lác, Muồng xức lác.

Tên khoa học: Cassia alata L.

Họ: Vang (Caesalpiniaceae).

Mô tả cây Muồng trâu

Muồng trâu là một cây nhỏ, cao khoảng 1,5 m hay hơn. Thân cây mập, cành nằm ngang, có lông rất nhỏ và có khía.

Lá mọc so le, kép lông chim, kích thước lớn, dài 30 – 40 cm, gồm 8 – 12 đôi lá chét mọc đôi, hình chữ nhật hoặc hình bầu dục tròn ở hai đầu, lá chét dài 5 – 13 cm, rộng 2,5 – 7 cm, to dần về phía ngọn, hai mặt nhẵn, cuống lá to, hơi có cánh, có lá kèm thẳng, nhọn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và ngọn thành bông to, lá bắc rụng sớm, cuống cụm hoa mập, hoa màu vàng nâu nhạt, lá đài 5 không bằng nhau, thuôn, nhẵn, cánh hoa 5, thắt lại ở gốc thành mống ngắn và hẹp, nhị 6 – 7, 2 nhị to có bao phấn 10 mm, những nhị trung bình có bao phấn 5 mm, những nhị nhỏ có bao phấn bằng nhau dài 4 mm, bầu có cuống, vòi nhụy ngắn.

Quả dẹt, có cánh ở hai bên dìa, dài 8 – 16 cm, rộng 1,5 – 1,7 mm, hạt nhiều, dẹt, hình quả trám.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố

Muồng trâu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau lan rộng khắp các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Ở châu Á, cây phân bố ở Ấn độ, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Malaysia.

Ở Việt Nam, Muồng trâu phân bố ở nhiều tỉnh thành như ở Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quãng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh… Cây còn được trồng ở các vườn cây thuốc.

Thu hoạch và chế biến

Lá và thân cành thu hái vào mùa hạ, thu hái trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô.

Rễ thu hái vào mùa thu, phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Muồng trâu

Lá và thân cành, thu hái trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô. Rễ thu hái vào mùa thu, phơi khô.

Thành phần hóa học

Trong lá, quả, gỗ Muồng trâu chứa các dẫn chất chất anthraquinon với tỷ lệ 2,2% trong quả, 3,4% trong lá.

Trong lá và hạt Muồng trâu còn chứa các flavonglucosid. Lá chứa 1 flavonglucosid có hoạt tính chống viêm khá mạnh là kaempferol-3-O-sophorosid. Hạt chứa 2 chất flavonglucosid là chrysoeriol-7-O-(2’’-O-β-D-mannopyranosyl)- β-D-allopyranosid và rhamnen-3-O-(2’’-O-β-D-mannopyranosyl)- β-D-allopyranosid.

Trong hạt Muồng trâu còn có khoảng 15% protein, 60% acid béo không no và các chất vô cơ như Ca, Mg, Na, Mn, trong đó Ca chiếm tỉ lệ cao nhất.

Rễ Muồng trâu chứa sitosterol.

Tác dụng của Muồng trâu

Theo y học cổ truyền

Muồng trâu có vị hơi đắng, mùi hắc, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Điều trị giun

Trong thử nghiệm lâm sàng trên người nhiễm giun, đã nghiên cứu áp dụng lá Muồng trâu phối hợp với hạt Trâm bầu để điều trị giun đũa. Tác dụng tẩy của lá Muồng trâu đã làm tăng kết quả điều trị giun của hạt Trâm bầu, tỷ lệ ra giun đạt từ 50 – 60%.

Tác dụng kháng nấm

Tính kháng nấm in vitro bằng phương pháp pha loãng đã được nghiên cứu và chứng minh Muồng trâu có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nấm Trichophyton rubrum, T. gypseum, Ephidermophyton inguinale. Tính kháng nấm của dược liệu phụ thuộc vào nồng độ, nồng độ càng cao thời gian duy trì tính kháng nấm càng lâu.

Cao lỏng Muồng trâu có tác dụng ức chế yếu các vi nấm gây bệnh ngoài da được lấy trực tiếp từ bệnh phẩm của bệnh nhân và cấy trong môi trường Sabouraud. Những vi nấm gây bệnh ngoài da thường gặp ở Việt Nam là Microsporum canis, M. gypseum, M. ferrugineum, Ephidermophyton floccosum, Trichophyton mentagrophytes, T. rubrum, T. tonsurans, T. conceniricum, T. violaceum, T. schonleini.

Trong thử nghiệm trên người bệnh, lá Muồng trâu dưới dạng thuốc mỡ đã được nghiên cứu trên lâm sàng về tính chất an toàn và hiệu quả điều trị nấm.

Tác dụng lợi tiểu và chống viêm.

Lá Muồng trâu đã được nghiên cứu dược lý cho thấy có tác dụng lợi tiểu và chống viêm.

Tác dụng hạ đường huyết

Cao lá Muồng trâu đã được nghiên cứu trên chuột cống trắng gây đái tháo đường với streptozotocin bằng cách cho uống và kết quả được so sánh với glybenclamid. Cao này không có tác dụng trên đường huyết của chuột bình thường nhưng làm hạ đường huyết trên chuột gây tăng đường huyết với streptozotocin.

Liều lượng và cách dùng Muồng trâu

Chữa táo bón

Dùng lá, cành, rễ, sắc uống. Ngày dùng 4 – 12 g để nhuận tràng, 20 – 40 g để tẩy xổ.

Chữa phù thũng, đau gan, vàng da

Dùng lá, cành, rễ, sắc uống thường xuyên như chè.

Chữa bệnh tokelo, hắc lào, herpes loang vòng

Dùng lá Muồng trâu giã nát lấy nước cốt bôi ngày hai lần sau khi đã rửa sạch, cạo cho tróc vảy hắc lào, hoặc lấy lá tươi vò nát xát vào.

Chữa bệnh ghẻ

Dùng lá Muồng trâu nấu nước tắm và xát vào chỗ ghẻ lở.

Bài thuốc chữa bệnh từ Muồng trâu

Chữa táo bón

Cách 1: Dùng 20 g lá Muồng trâu, đun với 1 lít nước. Uống 1 ly trước khi đi ngủ.

Cách 2: Dùng các loại dược liệu như Muồng trâu 20 g, Chút chít 20 g, Đại hoàng 4 – 6 g. Sắc uống trong ngày.

Chữa hắc lào

Cách 1: Lá Muồng trâu tươi đem giã nát, lấy nước bôi lên vùng da bị hắc lào. Thêm ít muối hoặc dịch quả chanh sẽ tác dụng mạnh hơn.

Cách 2: Lá Muồng trâu đem nghiền nát, thêm vào nước đun sôi có pha natri fluorid, để yên trong 24 giờ rồi lọc qua vải. Thêm vào bã ít cồn 90o, ngâm 24 giờ, rồi ép lấy cồn. Trộn lẫn cồn và nước lại, cô tới độ cao mềm. Do có natri fluorid nên cao mềm lá Muồng trâu có thể dùng lâu không bị mốc. Cao này cũng có thể chế thuốc mỡ 1/5.

Chữa thấp khớp

Muồng trâu 40 g, Vòi voi 30 g, Tang ký sinh 20 g, Quế chi 20 g, Dứa dại 20 g, rễ Cỏ xước 20 g. Sắc uống mỗi ngày một thang, trong 7 - 10 ngày.

Chữa viêm thần kinh tọa

Muồng trâu 24 g, cây Lức 20 g, Thần thông 12 g, rễ Nhàu 12 g, Kiến cò 12 g, Đỗ trọng 8 g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa ban trái (ban chẩn)

Lá Muồng trâu, đọt Tre non, Ké đầu ngựa, Mùi tàu, cây Lức, mỗi vị 8 g, Hương bài 10 g, Mức hoa trắng 6 g, vỏ Quýt 4 g, Đãng tâm 2 g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa nấm ngoài da, dị ứng da

Dùng lá Muồng trâu: Sắc đậm đặc để tắm hoặc đắp lên vùng da bị bệnh hoặc bào chế thuốc dán đắp trực tiếp lên da.

Dùng cuống lá và quả khô (không hạt): Sử dụng 5 – 20 g, ngâm trong 1 lít nước đun sôi, uống 1 tách vào buổi tối.

Chữa đau cổ viêm họng

Dung dịch nước ép lá Muồng trâu nghiền nát, lọc và pha loãng, dùng để súc miệng.

Lưu ý khi sử dụng Muồng trâu

Khi sử dụng các bài thuốc từ Muồng trâu cần lưu ý:

  • Cần thận trọng dùng cho phụ nữ mang thai.
  • Không nên sử dụng trong một thời gian dài.
  • Không nên sử dụng lá Muồng trâu cho những người có tỳ vị hư hàn (thường bị lạnh bụng, tiêu chảy) vì sẽ dễ bị tiêu chảy.

Bảo quản Muồng trâu

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Muồng trâu. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Muồng trâu là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để tận dụng hết giá trị của dược liệu đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.