Ngũ gia bì gai: Đặc điểm, công dụng và bài thuốc trị bệnh
Ngũ gia bì gai là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, có vị đắng hơi cay và tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ cơ thể. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Ngũ gia bì gai cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cây Ngũ gia bì gai, Tam diệp ngũ gia, Tam gia bì, Xuyên gia bì, Thích gia bì.
- Tên khoa học: Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss., Eleutherococcus trifoliatus (L.) Hu
- Họ: họ Nhân sâm (Araliaceae)
- Công dụng: Bổ, phong thấp, đau nhức gân xương, kích thích tiêu hóa. Còn chữa bệnh giun sán, đau bụng, yếu chân, tê chân.
Mô tả cây Ngũ gia bì gai
Ngũ gia bì thuộc loại cây nhỏ, cao 2 – 3 m, thân cây có nhiều gai.
Lá kép chân vịt, mọc so le, gồm 3 – 5 lá chét, thường là 3, hình bầu dục hoặc thuôn, gốc tròn, đầu nhọn, dài 5 – 8cm, rộng 2 – 4cm, lá chét giữa lớn hơn, mép khía răng to, gân lá có gai, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng; cuống lá kép dài 4 – 7cm, có gai.
Học mọc ở đầu cành, màu vàng xanh, mọc chủ yếu vào đầu mùa hạ. Quả mọng, khi chín có màu đen, hình cầu, đường kính khoảng 2.5mm. Toàn cây có tinh dầu thơm.
Vỏ thân, vỏ rễ Ngũ gia bì là những cuộn ống nhỏ, hình lòng máng, dài ngắn không đều, dày chừng 1mm – 3mm, vỏ ngoài vàng nâu nhạt, hơi bóng, có một số đoạn rách nứt, để lộ lớp trong màu nâu thẫm, mặt trong màu xám trắng, bằng phẳng, có những điểm vàng nâu.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Chi Acanthopanax (Decne. et Planch.) Miq. có khoảng hơn 10 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á, bao gồm Viễn Đông Nga, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Một số loài có ở vùng Nam và Đông – Nam Á. Ngoài ra, còn có ở Lào, Ấn Độ và Philippin. Ngũ gia bì gai mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang. Ngũ gia bì gai thuộc loại cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng núi đá vôi ẩm, dọc theo các bờ suối hoặc còn sót lại ở các bờ nương rẫy. Độ cao phân bố phổ biến từ 400 đến 1.500m. Ngũ gia bì gai thích nghi với vùng có khí hậu ẩm mát thuộc nhiệt đới núi cao.
Thu hoạch vỏ rễ, vỏ thân vào mùa hạ, mùa thu. Ủ cho thơm, phơi trong bóng râm, chỗ thoáng gió hoặc sấy nhẹ ở 50 độ C đến khô. Khi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống.
Bộ phận sử dụng của Ngũ gia bì gai
Vỏ rễ hoặc vỏ thân thu hái vào mùa thu đông đã được rửa sạch, phơi hay sấy khô. Mảnh vỏ cuộn hình lòng máng, dài 10 – 20 cm, chiều rộng 0,5 – 1 cm, dày khoảng 1 – 3 mm. Mặt ngoài có lớp bần mỏng, màu vàng nâu nhạt có nhiều đoạn rách nứt, để lộ lớp trong màu nâu thẫm. Mặt cắt ngang lởm chởm. Chất nhẹ, giòn, hơi xốp. Mùi thơm nhẹ.
Thành phần hóa học
Vỏ ở thân có chứa từ 9 – 15 tinh dầu, vỏ rễ và vỏ cành chứa saponin triterpene. Ngoài ra còn có diterpen glycosid, phenylpropanoid, acid oleanolic.
Tác dụng của Ngũ gia bì gai
Theo y học cổ truyền:
- Ngũ gia bì gai có vị đắng, cay, tính mát, vào 3 kinh can, phế, thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, hoạt lạc, chỉ thống, dưỡng huyết.
- Hạ khí bổ ngũ lão, minh mục và thất thương (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
- Mạnh gân xương (theo Bản Thảo Cương Mục).
- Mạnh gân xương và trừ phong thấp (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Phúc thống, ích khí, chủ tâm phúc sán khí, trị ung nhọt lở loét và trẻ em không đi được (theo sách Bản Kinh).
- Minh mục (làm sáng mắt), trị chứng trúng phong, bổ ngũ lao thất thường, hạ khí, khớp xương co cứng (theo Nhật hoa tử bản thảo).
- Ích tinh, tăng trí nhớ, bổ trung và mạnh gân xương (theo Danh Y Biệt Lục).
- Trừ thấp, ích tinh, tiêu thủy, hóa đờm, dưỡng thận, trừ phong (theo Bản Thảo Tái Tân).
- Cường gân cốt, trừ phong thấp và tiêu phù.
- Trị nam tử dương nuy (chứng rối loạn cương dương), tiểu khó, âm nang lở chảy nước, nữ nhân ngứa âm hộ, hư gầy, lưng đau, tê yếu chân tay, thuốc bổ trung ích tinh, tăng trí nhớ và mạnh gân xương (theo sách Danh y biệt lục).
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng giảm mệt mỏi, chống suy nhược được đánh giá tốt hơn nhân sâm (theo Trung Dược Học).
- Thảo dược có tác dụng tăng thể lực, trí lực và chống lão suy, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, tăng chức năng tuyến sinh dục và xúc tiến tổ chức tái sinh (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng tăng sức chịu đựng của cơ thể trong những điều kiện như rối loạn nội tiết, thiếu oxy, nhiệt độ cao, tăng huyết áp, nhiễm độc, phóng xạ,… (theo Trung Dược Học).
- Thảo dược có khả năng điều chỉnh quá trình ức chế và hưng phấn của trung khu thần kinh nên có tác dụng an thần rõ rệt. Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh của thảo dược không ảnh hưởng đến giấc ngủ (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch bao gồm tăng nhanh sự hình thành các kháng thể, tăng khả năng thực bào của hệ tế bào nội bì võng, kháng tế bào ung thư, tăng trọng lượng của lách, kháng virus và cân bằng các phản ứng của hệ miễn dịch (theo Trung Dược Học).
- Thảo dược có tác dụng giãn mạch nhằm hạ huyết áp và tăng lưu lượng máu động mạch vành (theo Trung Dược Học).
- Ngũ gia bì có tác dụng chống ung thư (theo Trung Dược Học).
- Dược liệu có tác dụng chống viêm đối với phản ứng viêm cấp và mãn tính (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng cầm ho, long đờm và giảm cơn ho do suyễn.
Lưu ý khi sử dụng Ngũ gia bì gai
- Người âm hư hỏa vượng nhưng không có thấp nhiệt không nên dùng bài thuốc từ ngũ gia bì.
- Ngũ gia bì là tên gọi của nhiều dược liệu khác nhau, cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
- Kỵ các loại thuốc từ Tây y như Clopiogrel, Aspirin và Dipyridamode
Ngũ gia bì gai là một cây thuốc quý, trước đây được trồng rất nhiều nhưng vì khai thác bừa bãi quá mức dẫn đến số lượng sụt giảm nghiêm trọng. Cây cần được nhân giống và bảo vệ nghiêm ngặt ở Việt Nam. Cây chủ yếu được sử dụng để ngâm rượu và làm thuốc bổ. Sản phẩm từ Ngũ gia bì gai dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm