lcp

Ô tặc cốt


Ô tặc cốt hay còn gọi là Mặc ngư cốt (Bản Thảo Cương Mục), Hải nhược bạch sự tiểu lại (Bản Thảo Đồ Kinh), Bạch long, Nhu cốt, Ô tặc giáp, mặc ô ngư, Ô ngư (Hòa Hán Dược Khảo), Ô tặc cốt. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Nang mực, Mai mực, thuộc họ Mực với danh pháp khoa học là Sepiidae. Trong những năm gần đây, Ô tặc cốt ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Loại thực phẩm này không chỉ là nguyên liệu dùng để chế nên các món ăn ngon và hấp dẫn mà còn là một vị thuốc Đông y khá độc đáo. Trong y học, Dược liệu này có tác dụng cầm máu, trung hòa axit dạ dày,… nên được ứng dụng trong bài thuốc trị xuất huyết trĩ/ đường tiêu hóa và đại tiện ra máu.

Tuy nhiên, việc dùng Ô tặc cốt sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Ô tặc cốt cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Mặc ngư cốt (Bản Thảo Cương Mục), Hải nhược bạch sự tiểu lại (Bản Thảo Đồ Kinh), Bạch long, Nhu cốt, Ô tặc giáp, mặc ô ngư, Ô ngư (Hòa Hán Dược Khảo), Ô tặc cốt. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Nang mực, Mai mực.
  • Tên khoa học: Sepiella maindroni de Rochchebrune.
  • Họ:  Mực (Sepiidae).
  • Công dụng: Trị đau dạ dày, thừa dịch vị, Di tinh, khí hư (đới hạ), Rong kinh, tiêu ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, loét hạ chi mãn tính, xuất huyết do ngoại thương.

Mô tả dược liệu Ô tặc cốt

Mực là động vật thân mềm sinh sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Động vật này có cơ thể dạng thủy động học và có màng vây. Đầu mực có các xúc tu, có vai trò bắt mồi và tự vệ. Khi bị tấn công, mực thường tiết chất màu đen trong túi mực.

Mai mực hình bầu dục và dẹt, mép mỏng, giữa dày . Lưng cứng, màu trắng hay trắng ngà, hai bên có rìa màu vàng đậm hơn. Trên mặt lưng có u hạt nổi lên, xếp thành những đường vân hình chữ U mờ. Mặt bụng màu trắng, xốp, có những đường vân ngang nhỏ, dày đặc. Vị hơi mặn và chát. Mùi hơi tanh.

Ô tặc cốt

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Miền biển Việt Nam nơi nào cũng có Mực. Khai thác vào tháng 3-9, là thời kỳ mực bơi vào gần bờ để sinh đẻ

Phân biệt. Ở nước ta có nhiều loại Mực, nhưng thường dùng nang thì chỉ lấy ở các con Mực Nang như mực Ván Sepia Subaculeate, mực Cơm Sepia Andreana Tte. Strup, phân bố rất nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình.

Chế biến mai mực tương đối đơn giản, thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột.

Kinh nghiệm xưa: Khi dùng Ô tặc cốt cần phải sao vàng để dùng (Bản Thảo Chú). Khi dùng Ô tặc cốt phải lấy nước nấu 3 giờ rồi đem ra nướng cho vàng, bỏ vỏ cứng ngoài đi, nghiền nhỏ bỏ vào nước lã mà phi rồi lọc sạch phơi khô để dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

Kinh nghiệm hiện nay: Rửa sạch sấy khô, cạy vỏ cứng ở ngoài. Ngâm nước gạo hai ngày một đêm, thay nước hàng ngày. Rửa lại cho sạch, luộc kỹ một giờ. Sấy khô. Khi dùng sao qua tán bột hoặc sao với bơ để dùng (Trung Dược Học).

Ô tặc cốt

Bộ phận sử dụng của Ô tặc cốt

Mai mực.

Ô tặc cốt

Thành phần hóa học

Ô tặc cốt có chứa các thành phần hóa học như iod, natri clorua, chất keo, phosphate, carbonate calci, một số chất hữu cơ,…

Tác dụng của Ô tặc cốt

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị mặn, se và hơi ấm

Quy kinh: Can và thận

Công dụng: Liễm huyết, chỉ huyết đồng thời có tác dụng ức chế chất chua trong dịch vị và thấm thấp.

Theo y học hiện đại

Có tác dụng cầm máu do có chứa pectin. Ngoài ra thành phần này còn có khả năng bảo vệ vết loét dạ dày, thúc đẩy quá trình đông máu và hạn chế xuất huyết cơ quan tiêu hóa. Hỗ trợ sửa chữa các khiếm khuyết trong cấu trúc xương và thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo tế bào xương tổn thương. Axit carbonat có khả năng trung hòa acid dạ dày. Từ đó cải thiện các triệu chứng do dạ dày tăng tiết dịch vị quá mức. Có khả năng hấp thụ chất nhầy và vi khuẩn gây hại.

Liều lượng và cách dùng Ô tặc cốt

Uống 6 – 12g/ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Dùng ngoài rắc bột mai mực lên vết thương.

Bài thuốc chữa bệnh từ Ô tặc cốt

Liễm huyết cầm máu:

Bài 1: Thang cố xung: ô tặc cốt 16g, xuyến thảo 8g, tông thán 6g, ngũ bội 6g, long cốt 12g, mẫu lệ 12g, địa du 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng khi đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, phụ nữ băng huyết, chảy máu phổi, dạ dày.

Bài 2: ô tặc cốt, phấn hoa tùng, liều lượng bằng nhau. Nghiền riêng từng vị, rây, trộn đều, thêm ít băng phiến, rắc lên vết thương, ấn hay buộc chặt. Trị chảy máu do chấn thương.

Giảm chua, giảm đau: Dùng khi loét dạ dày, tá tràng, ợ chua dạ dày quá nhiều, đau dạ dày:

Bài 1: ô tặc cốt 8 phần, diên hồ sách 1 phần, khô phàn 4 phần. Các vị nghiền chung thành bột mịn, thêm 6 phần mật làm hoàn. Ngày 3 lần, mỗi lần 12g, uống sau bữa ăn.

 Bài 2 - Bột ô bối: ô tặc cốt 85%, bối mẫu 15%. Các vị nghiền thành thuốc bột. Mỗi lần uống 4g, uống trước bữa ăn.

Thu thấp, thu mụn nhọt:

Bài 1: ô tặc cốt, liều lượng vừa đủ, nghiền thành bột mịn, đắp vào chỗ đau (người có hoả độc nhiều thì thêm hoàng bá, hoàng liên). Dùng khi loét lâu không lành.

Bài 2: ô tặc cốt, băng phiến. Các vị nghiền thành bột thật mịn. Chấm lên khoé mắt. Trị  kéo màng.

Cố kinh chỉ đới:

Bài 1: ô tặc cốt 63g, than quán chúng 30g, tam thất 8g. Các vị nghiền chung thành bột mịn. Mỗi lần 12g, chiêu với nước đun sôi. Trị bạch đới.

Bài 2: ô tặc cốt 16g, lộc giác sương 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, bạch chỉ 12g, bạch thược 12g, bạch vĩ 12g, mẫu lệ 12g, sơn dược 16g. Các vị nghiền thành bột, làm hoàn. Mỗi lần 8g, ngày uống 8 – 12g hoặc sắc uống. Trị xích bạch đới.

Lưu ý khi sử dụng Ô tặc cốt

Người âm hư nhiệt nhiều không được dùng ô tặc cốt.

Uống thuốc quá lâu, uống nhiều dễ bị táo bón, nên dùng thêm thuốc nhuận tràng.

Bảo quản Ô tặc cốt

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Ô tặc cốt. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm