lcp

Phá cố chỉ


Phá cố chỉ hay còn gọi là Bổ cốt chỉ, đậu miêu, bồ cốt chi, bà cố chỉ, cố tử, hồ phi tử, thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Fabaceae. Phá cố chỉ là một loại dược liệu quý được trồng nhiều ở một số tỉnh nước ta. Phá cố chỉ là dược liệu có vị đắng cay, tính ôn, không độc, có tác dụng làm tăng bạch cầu trong máu, chữa đái dầm, đi tiểu nhiều lần, di tinh, liệt dương.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Phá cố chỉ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Phá cố chỉ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Phá cố chỉ, Bổ cốt chỉ, đậu miêu, bồ cốt chi, bà cố chỉ, cố tử, hồ phi tử.
  • Tên khoa học: Psoralea corylifolia L., Cullen corylifolium (L.) Medik.
  • Họ:  Fabaceae (Đậu).
  • Công dụng: Thông tiểu tiện, ỉa chảy, di tinh, bổ, ra nhiều mồ hôi, đau lưng (Hạt sắc uống).

Mô tả cây Phá cố chỉ

Cây nhỏ mọc hằng năm, cao 0,3-1m. Trên thân có lông trắng, lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, đáy lá tròn, mép có răng cưa dài 6-9cm, rộng 5- 7cm, cuống lá dài 2-4cm, có lá kèm.

Hoa mọc thành chùm dài 6-10cm ở kẽ lá, cành hoa màu vàng nâu nhạt. Quả hình trứng màu đen dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình thận hay hình trứng dẹt dài 5mm, rộng 3mm có màu nâu đen hay đen. Trên mặt hạt có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm, mùi thơm, vị cay.

Phá cố chỉ

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây nguồn gốc ở Ấn Độ. Có mọc ở Việt Nam nhưng ít khai thác.

Gần đây, ta di thực từ Trung Quốc, cây mọc khỏe. Gieo hạt vào mùa xuân, phủ ít đất lên. Sau nửa tháng cây mọc, mỗi cây trồng cách nhau 10-29cm. Vào mùa thu quả chín hái về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch vỏ và đất cát là được. Khi dùng để nguyên hoặc sao, hoặc tẩm muối rồi mới sao khô.

Phá cố chỉ

Bộ phận sử dụng của Phá cố chỉ

Hạt của cây ở dạng khô.

Phá cố chỉ

Thành phần hóa học

Trong hạt phá cố chỉ có khoảng 20% chất dầu, một ít tinh dầu trong đó có psoralen, isopsoralen (angelixin), ancaloit, glucozit và 9,2% chất nhựa.

Hoạt chất là tinh dầu, có tác dụng đối với vi trùng streptocoe trên da, dùng chữa bệnh bạch biến vì nó kích thích sự bài tiết các sắc tố đen.

Tác dụng của Phá cố chỉ

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, phá cố chỉ có vị cay, đắng, tính đại ôn, vào 3 kinh tỳ, thận và tâm bào. Có tác dụng bổ mệnh môn tướng hỏa nạp thận khí, là thuốc cường tráng dùng chữa các chứng ngũ lao, thất thương, cốt tủy thương bại, phụ nữ khí huyết xấu, trụy thai, tỳ thận hư hàn, đái són, lưng gối lạnh đau. Phàm những bệnh âm hư hỏa động đi tiểu ra huyết, máu đỏ, đại tiện táo kết không dùng được.

Phá cố chỉ là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi dân gian, làm thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh.

Phụ nữ dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, khí hư. Hạt ngâm rượu, dùng bôi ngoài da chữa bệnh bạch biến. Ấn Độ dùng làm thuốc chữa hủi, bệnh ngoài da.

Liều dùng: Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

Theo y học hiện đại

Nghiên cứu hiện đại cũng đã chỉ ra nhiều công dụng tuyệt vời của phá cố chỉ:

Trên hệ tim mạch: Dược liệu này thể hiện rõ khả năng làm giãn động mạch vành. Nó ức chế chất kích thích làm co động mạch vành do thùy sau tuyến yên sản xuất ra. Thực nghiệm trên chuột cũng cho thấy chiết xuất từ phá cố chỉ kích thích tim co bóp mạnh hơn, đồng thời cải thiện chức năng đông máu của động mạch vành.

Đối với hệ miễn dịch: Phá cố chỉ thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu hạt làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, dược liệu này cũng thể hiện khả năng ức chế tốt đối với một số tác nhân gây bệnh như trực khuẩn lao, tụ cầu vàng - trắng.

Trên cơ trơn: Thử nghiệm trên chuột Hà Lan cho thấy chiết xuất phá cố chỉ có thể làm hưng phấn cơ trơn nhưng lại làm mềm giãn tử cung của loại động vật này.

Chống lại sự phát triển của tế bào ung thư: Tinh dầu phá cổ chỉ thể hiện đặc tính kháng ung thư. Nó ức chế sự tăng sinh của các tế bào Sarcoma-180 và Hela gây ung thư.

Làm tăng sắc tố da: Phá cố chỉ kích thích các mạch máu giãn nở, tăng cường dinh dưỡng đến nuôi da, đồng thời làm tăng sắc tố da.

Ngăn ngừa thụ thai, tăng trọng lượng tử cung.

Liều lượng và cách dùng Phá cố chỉ

Liều lượng thông thường được khuyến cáo là 6 – 15g một ngày. Có thể dùng dược liệu phá cố chỉ dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, dung dịch bôi ngoài da hay chế viên hoàn uống tùy theo bệnh lý mắc phải.

Bài thuốc chữa bệnh từ Phá cố chỉ

Chữa giảm bạch cầu trong máu

Phá cố chỉ tán bột, trộn mật để làm hoàn, kích thước mỗi viên cỡ 6g. Mỗi lần uống 1-3 viên x 3 lần/ngày. Mỗi liệu trình dùng trong 4 tuần liên tục.

Chữa tinh khí dễ ra

Dùng phá cố chỉ và thanh diêm với liều lượng bằng nhau. Sao vàng, nghiền bột mịn. Để trị bệnh mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần hòa 6g với nước cơm uống.

Trị đái dầm ở trẻ em do bàng quang hư hàn

Chuẩn bị phá cố chỉ số lượng lớn. Đem sao vàng, tán bột mịn. Mỗi tối lấy 1,5g pha với nước nóng uống.

Chữa suy nhược cơ thể, hư lao

Lấy 480g phá cổ chỉ đổ ngập rượu vào ngâm trong 1 đêm. Bỏ ra ngoài nắng to phơi, sau đó trộn thêm vào 1 thăng mè. Cho thuốc vào chảo nóng sao cho đến khi hạt mè hết nổ thì ngưng. Rây lấy phá cố chỉ, bỏ mè.

Công đoạn cuối cùng, lấy phá cổ chỉ tán bột, nấu chung với giấm và vo thành viên hoàn. Uống thuốc với rượu nóng, muối loãng khi bụng đang đói.

Điều trị tiêu lỏng nhiều lần trong ngày do tỳ thận hư suy

Chuẩn bị 240g phá cố chỉ sao vàng, 120g nhục đậu khấu nghiền bột mịn, và táo giã nhuyễn. Trộn các thành phần làm thành viên hoàn to cỡ đầu ngón tay út. Ngày uống 50 – 70 viên lúc đói bụng. Nên sử dụng nước cơm để uống thuốc.

Chữa tiểu tiện nhiều lần do thận khí hư hàn

Chuẩn bị các nguyên liệu gồm 300g phá cố chỉ ( chưng rượu ), 300g hồi hương ( sao với muối ). Tất cả tán thành bột mịn, trộn chung với hồ làm thành viên hoàn nhỏ kích thước tương đương với hạt ngô. Mỗi lần uống 100 viên x 1 lần/ngày. Uống chung với nước muối pha loãng.

Ngoài ra, có thể lấy bột thuốc ướp chung với thận heo. Đem nướng chín ăn 2 – 3 lần trong tuần.

Chữa đau lưng do thận hư

Cách 1: Tán 30g phá cố chỉ thành bột mịn. Mỗi ngày lấy 9g uống chung với rượu nóng

Cách 2: Kết hợp 30g phá cố chỉ với 3g mộc hương. Tán bột, uống với liều lượng như trên.

Chữa suy nhược thận khí, phong lạnh, đau lưng do khí huyết sung đột, mạnh gân cốt, dưỡng nhan, đen tóc

Chuẩn bị 1 thang thuốc gồm 480g phá cố chỉ, 480g đỗ trọng, 20 quả hồ đào nhục, 30g tỏi. Phá cố chỉ đem sao với rượu, đỗ trọng bỏ vỏ, cắt lát mỏng sao chung với một ít nước cốt gừng, quả hồ đào bỏ vỏ, tán bột mịn, tỏi giã nát.

Tất cả trộn trung, làm hoàn viên kích thước to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 viên lúc đói bụng, uống chung với rượu nóng. Trường hợp không uống được rượu có thể thay thế bằng giấm nhạt.

Chữa dương vật cương cứng không dịu xuống được, tự chảy tinh khí ra ngoài

Kết hợp 2 nguyên liệu gồm phá cố chỉ và phỉ tử mỗi vị 30g. Tán bột mịn cất vào hũ dùng dần. Mỗi lần dùng 9g bột thuốc đem sắc với 2 bát nước cho cạn còn 1 bát. Chia 3 lần uống trong ngày. Dùng đều đặn cho đến khi khỏi bệnh thì ngưng.

Chữa đau lưng khi mang thai

Dùng 60g phá cố chỉ và hồ đào nhục. Phá cố chỉ tán bột mịn, cất trong hũ thủy tinh có nắp đậy kín để dùng dần. Khi bị đau lưng, bà bầu có thể lấy nửa trái hồ đào nhục nhai nuốt với rượu nóng kết hợp uống thêm 6g phá cố chỉ. Dùng thuốc khi đói bụng.

Lưu ý khi sử dụng Phá cố chỉ

Do có tác dụng hoạt huyết mạnh, phá cố chỉ không thích hợp cho những đối tượng sau:

  • Người bị viêm loét dạ dày tá tràng
  • Viêm loét đại tràng và các chứng viêm ở đường tiêu hóa khác
  • Phụ nữ bị rong kinh, băng huyết
  • Trĩ xuất huyết
  • Đái ra máu
  • Người bị yếu xương
  • Người có thể âm hư hỏa vượng

Bảo quản Phá cố chỉ

Bảo quản dược liệu trong hũ kín hoặc túi ni lông, để nơi thoáng mát, không có nước hoặc không khí ẩm.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Phá cố chỉ. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm