Quy bản là gì? Tác dụng và vị thuốc từ quy bản
Rùa là một loại động vật sống dưới nước. Thịt rùa chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và phần quy bản lại được dùng để điều chế thành dược liệu trị bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dược liệu quy bản cũng như tác dụng và cách dùng của loại dược liệu này.
Tìm hiểu về quy bản
Quy bản có tên khoa học là Carapax Testudinis, họ Rùa - Testudinidae. Quy bản còn có tên gọi khác là mai rùa, yếm rùa, quy giáp, kim quy hay cao yếm rùa.
Rùa sống ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tập trung nhiều nhất tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó sinh sống ở nơi có nhiều nước như các vùng biển và ao hồ. Ở Việt Nam, rùa sinh sống tại những nơi có nhiều ao hồ.
Đặc điểm sinh thái
Rùa là một loại động vật thường sống ở dưới nước. Loại động vật này có thể sống ở cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Rùa có 4 chân, đuôi ngắn, có mai để bảo vệ phần lưng và yếm để bảo vệ phần bụng. Phần mai rùa cũng như yếm rùa rất cứng. Khi gặp nguy hiểm, rùa sẽ rụt cả đầu, chân và đuôi vào trong mai rùa. Thức ăn của chúng là cá con hoặc sâu bọ. Chúng có thể nhịn ăn trong một thời gian dài. Tuổi thọ trung bình của rùa có thể đến hơn 100 tuổi. Có hai loại rùa thường gặp:
- Rùa ở núi hay còn được gọi là Sơn quy: Có loài rùa nhỏ bằng bàn tay. Ở giữa yếm rùa có hình chữ vương chéo, rất mỏng, soi thấy trong vàng đậm. Đây là loài rùa quý nhất, thường được gọi là Kim quy hay Kim tiền quy. Có một loại khác lớn hơn, yếm rùa có màu vàng nhạt và dày. Đây loài thuộc hạng vừa. Còn nếu yếm có màu đen thì không dùng làm thuốc.
- Rùa ở nước hay còn được gọi là thủy quy: Rùa có yếm hoa, dày và không dùng làm thuốc.
Hiện nay có rất nhiều loài rùa đang sinh sống ở Việt Nam
Tóm lại, yếm rùa dùng để làm cao là phải chọn rùa có yếm mỏng, có màng bọc bên ngoài. Các miếng yếm dính vào nhau. Còn loại yếm rùa có màu đen, bị vụn nát mất màng hoặc lẫn lộn thứ yếm rùa khác là xấu.
Bộ phận dùng của quy bản
Quy bản phần mai và yếm của con rùa. Hai bộ phận này của rùa liền nhau nhờ các cầu xương.
Thu bắt, sơ chế và bảo quản
Thu bắt
Rùa có thể thu bắt quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào hai mùa thu và đông. Thời gian này rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 12.
Sơ chế
- Huyết bản: Sau khi bắt rùa, tách lấy phần mai và yếm loại bỏ thịt còn sót lại và đem phơi khô. Phần thu được gọi là huyết bản. Phần này bóng láng, không bóc da và có thể còn vết máu.
- Thông bản: Sau khi bắt rùa về đem luộc qua. Sau đó tách lấy mai và yếm, cạo sạch thịt còn sót lại rồi phơi khô. Đây được gọi là thông bản. Loại này có màu sẫm hơn, da bị lóc. Mặt trong của thông bản có màu trắng tro hoặc màu vàng nhạt, không bóng.
Phần yếm rùa đã được làm sạch phơi khô
Bảo quản quy bản
Quy bản cần để nơi khô ráo và thoáng mát.
Thành phần hóa học
Trong quy bản có chứa một số thành phần như chất keo, chất béo và muối canxi. Nếu đem thủy phân quy bản sẽ có được các chất sau:
- Glycocole 19.36%
- Alanin 2.95%
- Leuxin 3.6%
- Ttyrosin 13.59%
- Xystin 5.19%
- Axit glutamic
- Histidin
- Lysin
- Acginin
- Tryptophan không có (Bio Ilinlie. 783).
Tác dụng của quy bản
Y học hiện đại
Quy bản có tác dụng nâng ngưỡng đau đã được thử nghiệm trên chuột cống. Thuốc có công dụng gây mô hình âm hư thể cường giáp, độ dính huyết tương giảm rõ. Ngoài ra dược liệu này còn có tác dụng điều chỉnh 2 chiều hiệu suất tổng hợp DNA.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, quy bản có vị ngọt, mặn và tính hàn. Quy vào kinh Tâm, Can, Thận, Tỳ. Công dụng của dược liệu là bổ tâm, thận, điều dưỡng huyết và mạnh gân xương, dưỡng âm.
Dùng để trị:
- Chứng âm hư nóng âm ỉ trong xương, lao nhiệt và cơ thể suy nhược.
- Chân tay hay lưng gối bị đau nhức, mỏi.
- Tình trạng ho lâu ngày, di tinh, khí hư, phụ nữ bạch đới, băng huyết.
Một số vị thuốc từ quy bản
Chữa trị kinh nguyệt ra quá nhiều, kéo dài, rong kinh: Thang thuốc bao gồm quy bản đã được tẩm giấm nướng hoặc cao, hoàng cầm, bạch thược, thung căn bì và hoàng bá. Tất cả đem đi tán bột rồi trộn với mật làm viên. Dùng thuốc uống với nước giấm pha nhạt .
Hoặc quy bản, hoàng cầm và bạch thược mỗi loại đều 40g, cùng với 40g hoàng bá, 10g chế hương phụ. Tất cả đem đi tán bột để làm viên hoàn. Mỗi lần dùng uống từ 10 đến 15g với 3 lần/ ngày.
Chữa trị nóng trong xương, lao nhiệt, sốt về chiều, mồ hôi trộm: Lấy hoàng bá và tri mẫu mỗi loại đều 16g, thục địa và quy bản mỗi loại đều 24g. Đem tất cả tán bột. Thêm tủy xương heo và mật trộn với thuốc để làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 8 - 12g thuốc, một ngày 2 lần với nước gừng hoặc nước muối nhạt. Uống thuốc lúc đói .
Chữa bệnh ho lâu ngày: Quy bản đem sao cát cho giòn rồi tán nhỏ 100g, 100g đảng sâm đem sao thơm tán nhỏ. Trộn đều hai vị thuốc lại với nhau. Mỗi ngày uống 3 lần với 1 - 2g/ lần.
Chữa trị suy nhược thần kinh: Lấy quy bản, đương quy, bạch thược, sài hồ mỗi loại 12g, gừng tươi 3 lát, bạch linh và bạch truật mỗi loại 10g. Thêm cam thảo 4g, bạc hà 8g. Đem thang thuốc này đi sắc uống.
Chữa trị di tinh, mộng tinh: Thang thuốc này bao gồm: 10g cao quy bản, 16g thục địa, 12g hoài sơn cùng với phá cố chỉ đã sao với rượu, thỏ ty tử và rau má mỗi loại 8g, vỏ rễ cây đơn đỏ và kiếm thực đã sao mỗi thứ 6g. Cao quy bản đem hơ nóng chảy, thục địa đem giã nhuyễn. Còn các dược liệu khác thì đem phơi khô, tán nhỏ. Tất cả dược liệu đã được sơ chế đem trộn đều với nhau. Cho thuốc trộn vào với mật ong để làm thành viên mỗi viên 2g. Uống một ngày 10 viên với 2 lần/1 ngày.
Cao quy bản có trong bài thuốc trị di tinh, mộng tinh
Lưu ý khi sử dụng quy bản
- Không nên dùng quy bản cho những người bị hàn thấp, tỳ vị hư hàn. Cụ thể người bệnh có các triệu chứng tay chân lạnh, lạnh bụng, tiêu lỏng, ăn uống không tiêu, suy nhược.
- Phụ nữ đang mang thai không nên dùng.
Quy bản là một vị thuốc đã được sử dụng rất lâu đời trong dân gian. Tuy nhiên, để thuốc phát huy hết công dụng và an toàn cho sức khỏe. Bạn nên dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh những tác dụng không mong muốn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm