lcp

Rau Bợ: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Rau bợ hay còn được gọi là Cỏ bợ, Cỏ chữ điền, Rau tần, Tần thái, Tứ diệp thảo, thuộc họ Rau bợ nước với danh pháp khoa học là Marsileaceae. Trong y học, Rau bợ có tác dụng chữa viêm thân phù sỏi tiết niệu, đái ra máu, đái đường, bệnh về thần kinh, các chứng sưng đau như viêm gan, viêm kết mạc, viêm lợi, đau răng, đinh nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Rau bợ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Rau bợ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Rau bợ, Cỏ bợ, Cỏ chữ điền, Rau tần, Tần thái, Tứ diệp thảo.
  • Tên khoa học: Marsilea quadrifolia L.
  • Họ: Rau bợ nước (Marsileaceae)
  • Công dụng: Rau bợ có tác dụng chữa viêm thân phù sỏi tiết niệu, đái ra máu, đái đường, bệnh về thần kinh, các chứng sưng đau như viêm gan, viêm kết mạc, viêm lợi, đau răng, đinh nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.

Mô tả Rau bợ

Rau bợ là một loài cỏ mọc hoang dưới nước hoặc những nơi ẩm ướt.

Cây thân thảo, mảnh, cao 15 - 20cm. Cây mọc bò, thân có nhiều mấu, mỗi mấu mang 2 lá và rễ phụ. Cuống lá dài khoảng 5 - 15cm. Lá có 4 lá chét, hình tam giác ngược, gốc thuôn hẹp, mép nguyên, đầu bằng rộng, hai mặt nhẵn. Lá chét Rau bợ xếp chéo chữ thập, rũ xuống vào ban đêm.

Bào tử quả rất bé, mọc 2 - 3 cái ở cùng một gốc cuống lá; bên trong chia thành nhiều ô ngang chứa các bào tử nang nhỏ sẽ cho nguyên tản đực và bào tử nang lớn sẽ cho nguyên tản cái. Đầu bào tử tròn, có lông dày và răng nhỏ ở gần gốc.

Mùa hoa quả: Tháng 5 - 6.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Rau bợ nước phân bố chủ yếu ở các nước nằm trong vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới như Trung Quốc, một số nước châu Âu và châu Mỹ. Cây ưa sáng, sinh trưởng tốt nơi đầm lầy ẩm thấp, đồng ruộng, ao hồ... Rễ và thân rễ cây ngập trong bùn, còn lá vươn lên khỏi mặt nước.

Ở Việt Nam, Rau bợ mọc hoang khắp nơi, từ vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi, nơi độ cao có thể lên đến 1000m.

Thu hoạch và chế biến: Thu hái quanh năm. Có thể dùng tươi nấu canh, làm rau sống ăn hoặc phơi khô để dùng dần.

Bộ phận sử dụng của Rau bợ

Toàn cây, thu hái quanh năm.

Thành phần hóa học

Trong Rau bợ có chứa các hoạt chất: 4,6% protid, 1,6% Glucid, 76 mg% Vitamin C, 0,72mg% caroten. Lá cây rất mọng nước (chứa 84,2% nước).

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đỗ Tất Lợi và nghiên cứu Reinhold cùng các cộng sự vào năm 1968, trong cây còn chứa cyclaudenol (C31H52O).

Tác dụng của Rau bợ

Theo y học cổ truyền

Rau bợ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, quy vào hai kinh can và thận; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, trấn tính, nhuận gan, sáng mắt.

Trong Y học cổ truyền, Rau bợ nước chữa đái tháo đường, đái ra máu, viêm thận gây phù, sỏi tiết niệu, bệnh về thần kinh như điên cuồng sốt cao, suy nhược thần kinh, động kinh, các chứng sưng đau như viêm kết mạc, viêm lợi, viêm gan, đau răng, đinh nhọt, tắc tia sữa, sưng vú, bạch đới, khí hư và rắn độc cắn.

Ngoài ra, Rau bợ còn thường được nhân dân ta dùng làm rau ăn sống, xào, luộc hoặc nấu canh.

Theo y học hiện đại

Tác dụng lợi tiểu

Rau bợ phơi khô chiết bằng nước với tỷ lệ 1:2 rồi cho chuột cống uống với liều 4 ml/100g, thấy làm tăng 20% lượng nước tiểu so với đối chứng. Phân tích nước tiểu thấy lượng K+ tăng cao, đây có thể là nguyên nhân gây lợi tiểu.

Liều lượng và cách dùng Rau bợ

Cây hái tươi hoặc phơi khô, sao vàng, pha trà uống hoặc sắc với nước; mỗi ngày dùng khoảng 20 - 30g. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác hoặc đơn độc; cũng có thể làm rau ăn sống hoặc nấu canh.

Bài thuốc chữa bệnh từ Rau bợ

Trị nóng trong người, sinh mụn nhọt

Rửa sạch khoảng 18 - 20g Rau bợ tươi, giã nát vắt lấy nước cốt. Khi giã, nên thêm chút nước rồi hòa vào 1 bát nước. Chia lượng thuốc nước thành 3 lần và uống trong ngày, bã đắp chỗ mụn (theo Hoa hạ kỳ phương).

Trị bí tiểu, tiểu nóng

Phơi khô tự nhiên nửa cân Rau bợ còn cuống. Mỗi ngày dùng 16g Rau bợ, sắc với 3 bát nước đến khi còn 1 bát. Chia thuốc đã sắc thành 3 lần uống, dùng cách nhau 3 giờ và liên tục trong 2 - 3 ngày thì sẽ khỏi. Số Rau bợ khô còn lại 3 ngày sắc uống 1 lần, liều lượng như trên đến khi bệnh dứt hẳn (theo Hoa hạ kỳ phương).

Trị bạch đới

Dùng 20g Rau bợ đã phơi khô tự nhiên trong mát rồi sắc với 3 bát nước đến khi còn lại 1 bát. Chia thuốc làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần cách nhau 3 - 4 giờ, uống khi thuốc còn nóng. Đồng thời nấu 1 nồi nước cùng với khoảng 32g Rau bợ khô, pha thêm nước để chỉnh nhiệt độ phù hợp, đổ ra chậu, ngâm và rửa kỹ cửa mình (âm hộ). Có thể tăng lượng Rau bợ dùng để nước thuốc đậm đặc hơn và cũng tăng tác dụng (Hoa hạ kỳ phương).

Trị sưng vú (vú và núm vú bị sưng đau)

Rửa sạch một nắm Rau bợ tươi, giã nát, trộn với 1 ít nước để vắt lấy nước cốt. Hòa nước cốt này vào 1 ly nước đun sôi để nguội, rồi chia thành 2 lần và uống trong ngày. Phần bã dùng để đắp lên chỗ bị sưng đau. Lặp lại liều này trong khoảng 2 - 3 ngày thì sẽ khỏi (theo Dã Thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp).

Trị tắc tia sữa

Sắc 30g Rau bợ khô với nửa siêu nước, đến khi còn 1 bát và chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần uống cách nhau 4 giờ. Bọc bã vào trong vải và chườm, vuốt xuôi từ trên vú xuống khi còn đang nóng (theo Đắc hiệu phương).

Trị bỏng

Rửa sạch lá Rau bợ tươi, giã nát đắp lên chỗ bị bỏng (theo kinh nghiệm dân gian).

Trị đái tháo đường, tiêu khát

Tán nhỏ Rau bợ khô và thiên hoa phấn với lượng bằng nhau, hòa vào sữa rồi uống.

Trị sưng lở, nổi mẩn do nhiệt

Giã nát Rau bợ tươi rồi xoa lên chỗ sưng lở, nổi mẩn hoặc vắt lấy nước uống.

Trị sỏi thận, sỏi bàng quang

Giã nát Rau bợ tươi, thêm nước, gạn lấy nước uống. Dùng mỗi lần 1 bát vào buổi sáng, trong 5 ngày liên tiếp. Có thể phối hợp với cây ngải cứu và cây phèn đen, mỗi vị 10g cùng 20g ngọn non cây dứa dại.

Lưu ý khi sử dụng Rau bợ

Cây rau bợ thường sống ở nơi có nhiều bùn đất nên trước khi dùng phải rửa thật cẩn thận và sạch sẽ.

Chỉ nên sử dụng phần thân hoặc lá non để ăn hoặc chữa bệnh.

Nên ngâm qua nước muối để khử mùi tanh của bùn.

Nếu bạn có các biểu hiện như lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng, khó tiêu thì không nên dùng vì cây rau bợ có tính hàn.

Bảo quản Rau bợ

Cất giữ thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Rau bợ cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.