Sắt là gì? Sắt có vai trò gì đối với sức khỏe
Chúng ta thường biết cần bổ sung sắt cho các đối tượng như trẻ sinh non, trẻ trên 6 tháng tuổi, người đang mang thai, người bị mất máu,... Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ vì sao cần bổ sung sắt mà không phải khoáng chất khác. Vậy sắt là gì? Vai trò của sắt đối với sức khỏe con người? Phải làm gì khi bị thiếu sắt?
Sắt là gì?
Sắt là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn với ký hiệu là Fe. Sắt cũng là một loại khoáng chất quan trọng đối với cơ thể con người. Nó được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu với tên gọi là hemoglobin. Sắt còn có trong các tế bào cơ với tên gọi là myoglobin.
Ngoài ra, 6% sắt trong cơ thể người nằm trong một số protein. Khoảng 25% sắt lại được lưu trữ dưới dạng ferritin.
Vai trò của sắt đối với sức khỏe con người
Sắt có vai trò tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin - chất vận chuyển oxy cho các tế bào của cơ thể và myoglobin - một loại chất dự trữ oxy cho cơ thể.
- Sắt là thành phần của một số chất xúc tác sinh học rất quan trọng hay còn được gọi là enzyme oxy hóa khử. Chẳng hạn như peroxidase, catalase và các cytochrome.
- Sắt còn có vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng oxy hoá, vận chuyển oxy, hô hấp của ty lạp thể và làm bất hoạt các gốc oxy có hại.
- Sắt có đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu
- Giúp vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp (Hb)
- Giúp dự trữ oxy cho cơ (myoglobin)
- Giúp vận chuyển electron (cytochrom, mitochondrial dehydrogenase)
- Hỗ trợ quá trình hô hấp tế bào (catalase, peroxydase)
- Sắt là thành phần quan trọng của một số men quan trọng
- Sắt giúp sự phát triển và tập trung trí não ở trẻ tốt hơn.
Khi cơ thể được đáp ứng đủ sắt sẽ giúp:
Đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
Sắt tham gia chủ yếu vào quá trình hình thành hồng cầu, tăng cường sự tập trung cho não bộ. Do đó, sắt đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai và thai nhi. Trong quá trình mang thai thì một lượng máu lớn từ người mẹ đem đi nuôi em bé. Nếu bổ sung đầy đủ sắt trong giai đoạn trước và trong khi mang thai sẽ giúp có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Ngăn chặn ngộ độc chì
Khi thiếu sắt thì người bệnh có nguy cơ hấp thụ chì ở đường tiêu hóa cao hơn. Từ đó người thiếu sắt dễ bị ngộ độc chì.
Giúp cơ thể khỏe mạnh
Khi thiếu sắt sẽ khiến người bệnh bị thiếu máu, đau đầu, chóng mặt. Đây là khoáng chất ảnh hưởng đến các hoạt động chuyển hoá của tế bào do thiếu hụt các men chứa sắt.
Một số dấu hiệu khi bị thiếu sắt
Khi thiếu sắt, cơ thể người bệnh sẽ có một số dấu hiệu sau đây:
- Da nhợt nhạt, thiếu sức sống
Đây là biểu hiện thường thấy nhất khi bị thiếu sắt. Cơ thể thiếu sắc đồng nghĩa với việc thiếu máu. Lượng hemoglobin trong cơ thể không đủ sẽ làm cho da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, thiếu sức sống. Da có thể bị nhợt nhạt ở vùng mặt, chân răng và nướu, móng tay, mặt trong của môi, mí mắt hoặc toàn bộ cơ thể.
- Cơ thể luôn mệt mỏi
Khi không có đủ hemoglobin sẽ ảnh hưởng tới việc vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào trong cơ thể không được đảm bảo. Khi đó, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Do đó sẽ dẫn tới tình trạng quá sức khiến cơ thể mệt mỏi bất thường.
- Thường xuyên bị chóng mặt và đau đầu
Sắt rất quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy lên não. Khi thiếu sắt sẽ khiến não không được cung cấp đủ oxy, các mạch máu bị giãn ra. Sau đó xuất hiện tình trạng bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
- Móng tay dễ bị gãy
Sắt là một loại khoáng chất giúp tạo hồng cầu mang oxy tới móng. Nếu không được bổ sung đủ sắt cho cơ thể, móng tay sẽ dễ bị khô, gãy.
- Tóc và da bị khô
Da và tóc bị khô, gãy rụng cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị thiếu sắt.
Bổ sung sắt đầy đủ cho một cơ thể khỏe mạnh
Khi bị thiếu sắt sẽ khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, công việc và cuộc sống thường ngày. Do đó, cần bổ sung sắt đầy đủ để có một cơ thể khỏe mạnh. Sau đây là một số cách giúp bổ sung sắt hiệu quả:
Sử dụng những thực phẩm giàu sắt
Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu sắt mà bạn có thể bổ sung hàng ngày trong bữa ăn của gia đình như:
- Một số loại động vật có vỏ như nghêu, sò,ốc, trai, ngao, hến,.. đều rất bổ dưỡng và có chứa nhiều sắt.
- Các loại rau như cải bó xôi, măng tây, bông cải xanh cũng có nhiều sắt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
- Gan, tim, thận và não động vật.
- Các loại hạt họ đậu như đậu lăng, đậu nành, đậu Hà Lan.
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt dê.
- Các loại hạt như hạt, hạnh nhân, bí ngô, diêm mạch, hạt điều…
- Một số loại thực phẩm khác như gà tây, đậu phụ, cá ngừ, socola đen…
Sử dụng thực phẩm chức năng
Đối với một số đối tượng như phụ nữ mang thai, người mới ốm dậy, người thiếu máu cần bổ sung sắt qua thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, không được sử dụng sắt bừa bãi mà cần có sự chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ.
Một số điều cần lưu ý khi bổ sung sắt?
Khi bổ sung sắt, bạn phải cần lưu ý đến một số thực phẩm giúp hấp thụ sắt tốt và tránh những loại thực phẩm khiến cản trở hấp thu sắt. Sau đây là một số lưu ý giúp bạn bổ sung sắt cho cơ thể tốt hơn:
- Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C kết hợp với các thực phẩm có chứa sắt.
- Nấu chín các loại rau củ để có thể cải thiện được lượng sắt có sẵn.
- Tránh uống các loại trà, cà phê, sữa hoặc canxi hoặc các thuốc ức chế hấp thụ sắt tại thời điểm đang bổ sung sắt.
- Chỉ dùng thực phẩm bổ sung sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh sử dụng bừa bãi gây hại cho cơ thể.
- Nói chuyện với bác sĩ về chế độ ăn uống và các loại thuốc bạn đang sử dụng.
- Sử dụng các viên thuốc chứa sắt có thể gây ra tình trạng táo bón. Bạn nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của mình. Ngoài ra cần uống nhiều nước và vận động nhiều hơn.
Tóm lại, sắt là một khoáng chất quan trọng tạo ra các tế bào hồng cầu. Thiếu sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, giảm tập trung. Do đó, bạn cần bổ sung sắt đầy đủ cơ thể để đảm bảo bản thân luôn khỏe mạnh.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm