Sơn đậu căn
Sơn đậu căn hay còn gọi là Cây quảng đậu; Khổ đậu; hòe Bắc Bộ, thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Fabaceae. Sơn đậu căn có chứa hoạt chất kháng viêm, giảm sưng đau tương tự như thuốc kháng viêm không steroid, vì vậy được dùng nhiều để chữa đau họng, sưng viêm họng, đau răng, mụn nhọt độc, trị vết thương do động vật cắn như rắn cắn hoặc còn dùng trong điều trị ung thư.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Sơn đậu căn sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Sơn đậu căn cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Sơn đậu căn, Cây quảng đậu; Khổ đậu; hòe Bắc Bộ.
- Tên khoa học: Sophora tonkinensis Gagnep.
- Họ: Fabaceae (Đậu)
- Công dụng: chữa sưng họng, sưng mộng răng, ngộ độc, kiết lỵ, táo bón; còn dùng trị ung thư vì có khả năng ức chế sự phân liệt của tế bào ung thư và trị rắn cắn, nhọt độc (Rễ).
Mô tả cây Sơn đậu căn
Cây nhỏ, cao vài mét, mọc thành bụi, phân cành nhiều. Rễ mập phân nhánh. Thân hình trụ tròn. Thân, lá, hoa đều có lông mềm màu vàng. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 15-31 lá chét mọc đối, hình bầu duc dài 3-4 cm, rộng 1-2 cm, gốc tròn hoặc hơi bằng, đầu nhọn, mặt trên nhẵn hơi bóng, mặt dưới hơi có lông.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và ngọn thân thành chùm dựng đứng, dài 8-10 cm gồm nhiều hoa màu vàng nhạt, lá bắc dễ rụng, đài hình chuông có lông ở mặt ngoài, có răng ngắn, tràng có móng ngắn, cánh thìa tù, nhị hơi dính nhau ở gốc, bầu có lông.
Quả đầu có lông mềm, thắt lại giữa các hạt, hạt màu đen bóng.
Mùa hoa quả: tháng 6 – 8.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố
Dược liệu Sơn đậu căn phân bố nhiều ở Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Inđônêxia. Dược liệu này được tìm thấy trong những rú bụi, các quần hệ thứ sinh, savan, từ thấp đến 1800m.
Ở Việt Nam, dược liệu mọc chủ yếu ở Đồng Nai và Lâm Đồng.
Thu hái
Dược liệu Sơn đậu căn được thu hái vào mùa thu hàng năm.
Chế biến
Theo Kinh nghiệm Việt Nam: Sau khi thu hái, mang dược liệu rửa sạch, tiến hành ủ mềm từ 4 – 5 ngày, sau đó thái lát mỏng từ 1 đến 2 ly. Ngoài ra người dùng có thể mài ra uống hoặc ngậm vào miệng.
Theo Trung y: Lấy phần rễ khô của dược liệu ngâm nước. Sau 4 – 5 ngày, vớt dược liệu ra ngoài để rửa sạch và loại bỏ hết tạp chất. Rễ ro chẻ đôi, rễ nhỏ cắt khúc, u độ từ 4 – 5 ngày cho mềm, sau đó tiến hành thái lát mỏng từ 1 – 2 ly phơi khô. Khi dược liệu khô, trộn lẫn rễ nhỏ và rễ to với nhau mà dùng.
Bộ phận sử dụng của Sơn đậu căn
Bộ phận dùng của cây sơn đậu là rễ (vỏ rễ).
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của rễ cây sơn đậu là matrin, oxymatrin, anagyrin, methylcytisin.
Ngoài ra, còn có pterocarpin, 1 – trifolirhizin, 1-maackitain – β – D – glucosid, 1-maackiain.
Nhiều hơp chất khác cũng được đề cập đến là sophoranon, sophoradin, sophora nochromen, sophoradochromen,…
Tác dụng của Sơn đậu căn
Theo y học cổ truyền
Rễ sơn đậu có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh tâm, phế, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, tiêu thũng, giảm đau, sát trùng.
Theo y học hiện đại
Dự phòng loét do căng thẳng, stress, ức chế chuyển động của dạ dày và giảm tiết acid
Hoạt chất oxymatrin khi được đưa vào cơ thể sẽ phát huy tác dụng ức chế sự tạo loét hình thành bởi indomethacin hoặc thắt môn vị. Tác dụng này có mối liên hệ mật thiết với khả năng ức chế tiết acid trọng dạ dày – tá tràng.
Hoạt chất oxymatrin khi được đưa vào đại tràng sẽ làm giảm quá trình tiết acid dịch vị trên cơ thể của chuột cống trắng. Đồng thời giảm chuyển động của dạ dày được tạo ra bởi stress thực nghiệm. Tác dụng bảo vệ vết loét và tổn thương do stress của oxymatrin có thể do khả năng ức chế chuyển động của dạ dày và giảm tiết acid.
Thành phần Matrin trong vị thuốc chỉ có khả năng ức chế yếu quá trình tiết acid dịch vị. Tuy nhiên sau khi tiêm tĩnh mạch, thành phần này lại mang đến hiệu quả cao trong việc dự phòng loét do căng thẳng, stress.
Làm thuốc chống hen
Hoạt chất Oxymatrin trong Sơn đậu căn được sử dụng để làm thuốc chống hen. Kết quả nghiên cứu trên cơ thể của chuột cống trắng cho thấy, hoạt chất này xuất hiện với nồng độ cao ở nước tiểu, mật và các mô. Tuy nhiên khi uống Oxymatrin chuyển hóa thành matrin.
Hoạt chất oxymatrin không có tác dụng ức chế hen khi tiêm tĩnh mạch ở chuột trắng. Tuy nhiên hoạt chất có thể làm giảm triệu chứng hen khi uống.
Tác dụng chống ung thư
Cả oxymatrin và Matrin đều có khả năng chống tế bào ung thư đối với sarcom 180. Bên cạnh đó hoạt chất matrin còn có khả năng ức chế hoạt động và những ảnh hưởng của u báng Ehrlich trên cơ thể của chuột nhắt trắng. Kết quả thực nghiệm ở động vật cho thấy, hoạt chất Oxymatrin có tác dụng bảo vệ tế bào và chưc năng của gan.
Tiến hành tiêm bắp Oxymatrin với liều 3.6 mg/kg có ý nghĩa đối với quá trình tăng hoạt tính của GPT huyết thanh, sự tiêu glycogen và hoạt tử gan đối với chuột nhắt trắng và thỏ gây ra bởi D-glucosamin hoặc carbon tetraclorid.
Chất Matrin khi được đưa vào cơ thể có tác dụng làm giảm miễn dịch in vivo. Trong quá trình nuôi cấy ở nồng độ natrin khá cao, sự tạo interleukin-2 và sự tăng sinh tế bào lách chuột giảm 50%.
Ức chế quá trình tăng thân nhiệt gây ra bởi men
Oxymatrin với liều 100 – 150 mg/kg trọng lượng /ngày tiêm bắp trong 2 – 4 tuần không tác động và không gây tổn hại đến các cơ quan thận, tim mạch, lá lách. Uống hoặc tiêm phúc mạc Matrin với liều 20 – 30 mg/kg trọng lượng có khả năng ức chế quá trình tăng thân nhiệt gây ra bởi men trên cơ thể của chuột cống trắng nhưng với một cạc phụ thuộc vào liều.
Tác dụng hạ nhiệt, giảm viêm
Tác dụng hạ nhiệt của hoạt chất matrin thông qua sự phong bế thụ thể dopaminergic hoặc được trung gian bởi quá trình giải phóng dopamine.
Khi tiến hành tiêm bắp matrin với liều 25 ng/kg trọng lượng trên cơ thể của chuột cống trắng, tình trạng viêm bàn chân chuột do caragenin sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tiêm bắp cho thỏ với liều matrin hàng ngày 15 và 25 mg/kg trọng lượng trong 8 ngày sẽ cải thiện tốt tình trạng viêm tai thỏ xuất hiện do dầu ba đậu.
Hoạt tính chống viêm ở chuột nhắt trắng không bị ảnh hưởng khi cắt nhỏ tuyến thượng thận. Như vậy hoạt chất matrin có tác dụng liên quan đến tuyến thượng thận – trục dưới đồi và mang những đặc tính của thuốc chống viêm không steroid.
Tác dụng ức chế viêm mắt hình thành bởi protein của thể thủy tinh và tác dụng giảm đau
Matrin có khả năng ức chế viêm mắt hình thành bởi protein của thể thủy tinh. Không giống corticoid, matrin không có khả năng thúc đẩy tốt quá trình phục hồi áp suất trong mắt đối với thỏ. Ngoài ra hiệu số điện thế qua thể mống mắt – mi ở vật thí nghiệm là thỏ cũng không thể thay đổi.
Những kết quả thí nghiệm nêu trên cho thấy, chất matrin có thể được điều chế thành một loại thuốc điều trị viêm mắt hiệu quả và an toàn hơn so với corticosteroid.
Ngoài ra thí nghiệm trên cơ thể của chuột nhắt cũng cho thấy, matrin khi được đưa vào cơ thể sẽ kéo dài rõ rệt thời gian phản ứng của vật thí nghiệm đặt trên tấm sưởi điện. Chính vì thế, matrin cũng được sử dụng để làm thuốc giảm đau.
Liều lượng và cách dùng Sơn đậu căn
Liều dùng
Dùng trong: Dùng từ 6 – 12 gram/ngày.
Dùng ngoài: Sử dụng thuốc với liều dùng tùy chỉnh.
Cách sử dụng
Dùng trong: Vị thuốc Sơn đậu căn được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh. Người dùng có thể sử dụng vị thuốc bằng cách nấu lấy nước uống, tán thành bột, làm thành viên hoàn.
Dùng ngoài: Tán thành bột và bôi trực tiếp vào vị trí có vết thương.
Bài thuốc chữa bệnh từ Sơn đậu căn
1. Bài thuốc từ dược liệu Sơn đậu căn điều trị viêm họng, sốt cao, nuốt đau, viêm amidan
Nguyên liệu:
12 gram vị thuốc Sơn đậu căn
12 gram Kim ngân hoa
4 gram Hoàng liên
8 gram Hoàng bá.
Cách thực hiện:
Rửa sạch tất cả vị thuốc, cho vào ấm lớn nấu cùng với 600ml nước lọc
Nước thuốc cạn còn 300ml thì tắt lửa, chắt lấy nước thuốc
Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau, uống trong ngày và uống trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ
Uống 1 thang/ngày.
2. Bài thuốc điều trị viêm amidan cấp tính bằng dược liệu Sơn đậu căn
Nguyên liệu:
9 gram Sơn đậu căn
9 gram Xạ can
9 gram Kinh giới
9 gram Ngưu bàng tử
6 gram Phòng phong
6 gram Cam thảo
6 gram Kim ngân hoa.
Cách thực hiện:
Rửa sạch nguyên liệu, sau đó sắc thuốc cùng với ba chén nước lọc đến khi cạn còn một chén thì tắt lửa
Chắt lấy nước thuốc, không sử dụng bã
Chia nước thuốc vừa thu được thành 3 phần. Uống trong ngày và uống trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ
Sử dụng một thang thuốc mỗi ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
3. Bài thuốc từ dược liệu Sơn đậu căn chữa bệnh viêm amidan mãn tính
Nguyên liệu:
15 gram vị thuốc Sơn đậu căn
5 gram Kim ngân hoa
10 gram Sinh cam thảo.
Cách thực hiện:
Rửa sạch tất cả vị thuốc
Cho các vị thuốc vào ấm lớn nấu cùng với 600ml nước lọc
Nước thuốc cạn còn 300ml thì tắt lửa
Chắt lấy nước thuốc, không dùng bã
Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau, uống trong ngày và uống trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ
Uống 1 thang/ngày. Áp dụng liên tục từ 3 – 4 tuần.
4. Bài thuốc từ Sơn đậu căn điều trị mụn ngứa, rết, rắn, côn trùng cắn
Nguyên liệu:
Dược liệu Sơn đậu căn.
Cách thực hiện:
Rửa sạch, phơi khô và tán vị thuốc thành bột mịn
Bảo quản thuốc bột trong lọ thủy tinh và đặc ở những nơi khô ráo
Khi cần lấy một lượng vừa đủ thuốc bột trộn cùng với nước đun sôi để nguội để tạo thành một hỗn hợp đặc sệt
Vệ sinh vết thương sạch sẽ, sau đó bôi trực tiếp thuốc vào vị trí này
Để thuốc khô tự nhiên trên da
Sử dụng nước ấm để vệ sinh lại vùng da bệnh
Thực hiện từ 1 – 2 lần/ngày. Sau 2 ngày sẽ nhận thấy vết thương lành lại.
5. Bài thuốc điều trị đau họng, viêm họng cấp bằng dược liệu Sơn đậu căn
Nguyên liệu:
3 gram Sơn đậu căn
10 gram Xạ can
7 gram Cát cánh
10 gram Nhân sâm
2 gram Cam thảo.
Cách thực hiện:
Rửa sạch tất cả nguyên liệu
Sắc thuốc cùng với ba chén nước lọc
Tắt lửa khi lượng nước thuốc trong ấm cạn còn một chén
Chắt lấy nước thuốc, không sử dụng bã
Chia nước thuốc vừa thu được thành 3 phần. Uống thuốc trong ngày và uống trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ
Sử dụng một thang thuốc mỗi ngày, liên tục từ 1 – 2 tuần.
6. Bài thuốc trị sưng lợi răng từ vị thuốc Sơn đậu căn
Nguyên liệu:
12 gram Sơn đậu căn
12 gram Bạch cương tằm
12 gram Chi tử
6 gram Kinh giới
6 gram Bạc hà
8 gram Cam thảo dây
8 gram Huyền sâm
8 gram Cát cánh.
Cách thực hiện:
Rửa sạch tất cả vị thuốc đã chuẩn bị
Cho thuốc vào ấm và sắc cùng với 700ml nước lọc
Khi nước thuốc trong ấm cạn còn 300ml thì tắt lửa
Chắt lấy nước thuốc, không sử dụng bã
Chia nước thuốc thành 3 phần. Uống trong ngày và uống trước mỗi bữa ăn 1 giờ đồng hồ
Sử dụng một thang thuốc mỗi ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
Lưu ý khi sử dụng Sơn đậu căn
Chống chỉ định người có tỳ vị hư hàn, bị đái tháo đường.
Bảo quản Sơn đậu căn
Sau khi chế biến, người dùng cần bảo quản dược liệu Sơn đậu căn ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc và tránh ánh nắng trực tiếp.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Sơn đậu căn. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm