lcp

Tam Thất Nam 


Tam thất nam hay còn được gọi là Tam thất gừng, Khương tam thất, Cẩm địa la… thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) với tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep. Trong y học, Tam thất nam có tác dụng làm giảm đau nhức xương khớp, cầm máu, giúp điều hòa băng huyết, chữa tiêu sưng, hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp…

Là một loài cây mọc hoang nhưng Tam thất nam đã được sử dụng làm bài thuốc trong y học từ rất lâu trong dân gian. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Tam thất nam cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Tam thất nam.

Tên khác: Tam thất gừng, Khương tam thất, Cẩm địa la, Thiền liền tròn, Ngải máu, Ngải năm ông.

Tên khoa học: Stahlianthus thorelii Gagnep.

Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả cây Tam thất nam

Tam thất nam là cây thảo không có thân, cao từ 10 đến 20 cm. Thân rễ to, nạc, nằm ngang, chứa nhiều chất dự trữ. Thân dày bao bởi những vết của lá đã rụng, thường phân nhánh mang nhiều củ nhỏ bằng quả trứng chim xếp thành chuỗi, có nhiều ngấn ngang. Rễ con dạng sợi chỉ. Củ rễ hình tròn thuôn một đầu, mặt ngoài của củ có vằn ngang màu đen, trong đó có chất bột trắng ngà như màu củ tam thất.

Lá cây tam thất gừng là lá đơn, mọc cách từ 3 – 5 cái. Lá xếp thành 2 hành thường hướng lên trên, đôi khi nằm ngang gần như song song với mặt đất. Lá mọc thẳng từ thân rễ sau khi cây ra hoa, có cuống dài và bẹ phát triển. Bẹ lá mở đến gốc, phần dưới bẹ lá thường ôm chặt lấy nhau tạo thành thân giả. Cuống lá dài, có khi dài tới 25cm, hình lòng máng sâu. Phiến lá nguyên, hình mác thuôn dài, đầu nhọn. Thông thường mặt dưới lá có màu lục, lục pha nâu hoặc pha nâu tím, mép nguyên, lượn sóng. Mặt trên lá có màu xanh, đôi khi có đốm trắng loang lổ.

Cụm hoa dạng bầu, mọc ở gốc, nằm ở bên lá, gồm một lá bắc hình ống dài 3 – 3,5 cm, thắt lại ở đầu rồi phân thành 2 thùy rộng, trong đó có 4 – 5 hoa màu trắng, hồng vàng. Cuống hoa dài từ 6 đến 8 cm, ở phía cuối có lá bắc hình ống, bao lấy hoa. Hoa từ 4 – 5 cái, có lá bắc và lá bắc con dạng màng; dài hình ống nhẵn, có 3 răng. Tràng hoa màu trắng, họng vàng. Tràng có hình ống dạng thùy thuôn, thùy sau có mũi nhọn ngắn, nhị không có chỉ nhị, trung đới kéo dài thành bản mỏng, nhị lép dạng cánh, cánh môi lõm chia 2 thùy. Bầu nhẵn, chia 3 ô. Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Tam thất nam phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. 

Ở Việt Nam, cây mọc hoang (ở Tây Nguyên) và được trồng rải rác trong nhân dân ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ (như Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Tây và Hải Dương với diện tích không đáng kể) và một số tỉnh phía Nam (như Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng….)

Tam thất nam thường sống ở những nơi đất ẩm, có thể hơi chịu bóng. Cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện trồng xen ở vườn gia đình hay vườn thuốc nam của các trạm y tế xã. Hàng năm, phần trên mặt đất của cây tàn lụi vào mùa đông. Đến khoảng tháng 3 năm sau, hoa xuất hiện trước khi cây ra lá, quả ít gặp. Tam thất nam có tốc độ đẻ nhánh khỏe. Từ một củ con trồng ban đầu, sau một năm có thể tạo thành khóm lớn gồm khoảng 10 nhánh. Tuy nhiên, sau 2 – 3 năm không được thu hoạch, các củ cải (củ con trồng ban đầu) sẽ bị thối rữa.

Tam thất nam được trồng ven hàng rào, bờ ao, chân đồi, ven suối, khe đá, tán rừng nguyên sinh, rậm thường xanh, nhiệt đới, rải rác thành từng nhóm sinh trưởng trên đất ẩm giàu mùn. Cây mọc khỏe, sống nhiều năm, ít sâu bệnh, có thể trồng dưới bóng cây. Củ đẻ nhánh như gừng.

Cây được nhân giống bằng củ mầm. Thời vụ trồng vào tháng 2 đến tháng 3. Nếu trồng nhiều, người dân cần cày bừa và lên luống. Nếu trồng ít, người dân có thể bỏ hốc cách nhau 40 đến 50 cm. Mỗi hóc có thể trồng một mầm hoặc một đoạn củ dài mang nhiều mầm. Phân bón chủ yếu là phân chuồng, mùn, rác mục làm cho đất tơi xốp. Cây không cần chăm sóc nhiều. Củ có thể thu dần, củ già thu trước, củ non để lại cho già. Ở miền núi, mùa đông cây ngừng sinh trưởng.

Vào mùa đông – xuân, thu hái những củ già trước. Bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận sử dụng của Tam thất nam

Bộ phận sử dụng của cây Tam thất nam là rễ củ, thu hái vào mùa đông đến mùa xuân năm sau. Sau khi thu hái, rễ củ được bảo quản bằng cách phơi khô.

Thành phần hóa học

Tam thất nam có chứa các chất:

Thorechalcone A, Flavonoid, Propenone, Crotepoxid, Desoxytingtanoxide, Methoxybenzoyl benzoat, Acid Sandaracopimaric.

Tác dụng của Tam thất nam

Theo y học cổ truyền

Theo đông y, tam thất nam có vị cay, đắng nhẹ, tính ôn, có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thủng, hành khí chỉ thống.

Theo y học hiện đại

Tam thất nam có tác dụng:

  • Điều trị chấn thương, phong thấp, đau nhức xương.
  • Điều trị thổ huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt quá nhiều.
  • Điều trị trùng độc cắn và rắn cắn.
  • Điều trị hành kinh chậm, máu xấu lởn vởn không tươi.
  • Điều trị ăn kém tiêu, nôn trớ…

Liều lượng và cách dùng Tam thất nam

Tam thuốc nam được dùng theo kinh nghiệm dân gian, chữa đau nhức xương, kinh nguyệt quá nhiều, chảy máu cam, đau bụng khi hành kinh hoặc ăn uống kém tiêu, nôn mửa. 

Liều dùng: Ở dạng thuốc sắc, mỗi ngày chỉ nên sử dụng 12g. Đối với thuốc bột, liều lượng tối đa mỗi ngày là 6 – 10g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Tam thất nam

Chữa kinh nguyệt không đều, người gầy da xanh sạm, rong huyết kéo dài sau khi sinh, kém ăn, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi

Dùng tam thất nam và hồi đầu với lượng bằng nhau, tán nhỏ. Dùng mỗi lần 2 đến 3g đun sôi với nước để nguội, ngày 2 – 3 lần. Dùng liên tục 5 đến 7 ngày cho đến khi cải thiện triệu chứng.

Lưu ý khi sử dụng Tam thất nam

Phụ nữ có thai không nên sử dụng.

Cần phân biệt củ của Tam thất nam và Tam thất bắc vì 2 dược liệu này mang các tác dụng khác nhau. Củ của Tam thất nam bằng quả trứng chim. Vỏ nhẵn, cứng, có màu trắng xám. Bên trong lõi củ có màu trắng ngà. Còn Tam thất bắc có củ màu vàng nâu. Bề mặt củ sần sùi, có nhiều vết sẹo và u nhỏ lồi ra. Lõi củ có màu vàng xám hoặc xám đen. Phần vỏ và phần lõi có đường phân tách rõ ràng.

Bảo quản Tam thất nam

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Tam thất nam. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Tam thất nam là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để sử dụng vị thuốc đạt được hiệu quả tốt đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh được những tác dụng không mong muốn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.