Tạo giác là gì? Tác dụng và vị thuốc từ tạo giác
Tạo giác tuy lạ mà quen, thường được các bà các mẹ dùng để gội đầu. Nói đến đây chắc hẳn bạn cũng phần nào đoán được đây là loại thảo dược nào rồi. Tạo giác chính là quả bồ kết chín khô với nhiều công dụng điều trị bệnh vô cùng hữu ích. Mời bạn tìm hiểu thêm về vị thuốc tạo giác trong bài viết sau của Medigo nhé.
Tìm hiểu về tạo giác
Tạo giác (Fructus Gleditschiae) là quả ở dạng chín khô của cây bồ kết (tên khoa học: gleditschia australis Hemsl), thuộc họ vang (Caesalpiniaceae). Tạo giác còn được gọi với nhiều cái tên khác như huyền đao, ô tê, tạo giác giáp, trư nhi nha tạo, tạo giáp, man khét…
Cây bồ kết thường được trồng và mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc của Việt Nam. Đặc biệt ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) sản xuất và thu hoạch đến 40 tấn bồ kết mỗi năm. Ngoài ra loài cây này cũng được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền nam Trung Quốc và một số tỉnh khác như Quý Châu, Tứ Xuyên, Trung Nam, Hoa Đông, Hoa Bắc…
Tạo giác là quả ở dạng chín khô của cây bồ kết
Đặc điểm sinh thái
Bồ kết là loài cây thân gỗ có chiều cao từ 5 – 10m, thân cây có nhiều gai to và cứng, phân nhánh. Lá cây mọc so le, thường 2 lần kép lông chim, gồm 3 – 4 cặp lá chét bậc nhất, mỗi lá chét lại có từ 6 – 8 cặp lá chét bậc hai, mặt trên của phiến lá có lông bao phủ, gốc lá lệch, đầu lõm hoặc tròn, mép có khía răng cưa nhỏ, cụm hoa mọc thành chùm ỏ ngọn hoặc nách lá.
Hoa gồm 5 cánh có lông ở mặt trong, hoa lưỡng tính hay hoa cái có 5 nhị, phủ lông sét, bầu dính; hoa đực gồm 10 nhị không kèm bầu. Quả bồ kết là loại quả giáp cứng, rộng 15 – 20mm, dài 1 – 12cm, hình dạng thẳng hoặc hơi cong lưỡi liềm, quả mỏng, khi chín chuyển màu nâu đen. Bên trong quả có từ 10 – 12 hạt màu vàng nâu nhạt, quanh hạt sẽ thấy có chất cơm màu vàng nhạt.
Bộ phận dùng của tạo giác
Quả chín khô, đã bỏ hột của cây bồ kết. Quả được lựa chọn là loại quả chắc cứng, không sâu mọt, thịt dày.
Thu hái, sơ chế và bảo quản
Mùa quả bồ kết chín là từ tháng 10 – 11. Khi đó người ta sẽ thu hoạch để mang về sấy hoặc phơi khô. Khi mới hái quả bồ kết sẽ có màu hơi vàng hoặc xanh, phơi lâu ngày chuyển thành màu đen bóng. Một số cách bào chế như sau:
- Theo Trung y: Ngâm quả bồ kết trong nước để qua đêm, loại bỏ vỏ ngoài, tẩm mỡ sữa nướng nhiều lần cho thấu, bỏ hột
- Kinh nghiệm dân gian của Việt Nam: Tẩm nước quả tạo giác cho mềm, cạo sạch vỏ đen, tước bỏ hai sống và lấy hết hột bên trong rồi sấy khô. Tiếp đó sao qua hoặc vùi trong tro nóng đến khi giòn, nghiền thành bột mịn hoặc hoàn thành viên.
Quả bồ kết dễ bị mọt, nếu chưa được bào chế thì cần phơi thường xuyên, nếu bào chế rồi thì cần đậy kín, để ở nơi thoáng mát khô ráo.
Cách thu hái, sơ chế và bảo quản tạo giác (quả bồ kết)
Thành phần hóa học
- Theo G. Herman-I. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Y học tạp chí số 1-1961, 26-29: Từ quả bồ kết Việt Nam chiết được chất saponin tinh khiết không mùi, khi thủy phân kết tinh được chất sapogenin dạng tinh thể hình kim tụ hình ngôi sao, tan trong cồn, ête, clorofoc, không tan trong nước.
- Nhật dược chí số 29 năm 1929: Một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chiết được bồ kết Nhật Bản cùng loài chất saponin cấu tạo tritecpenic, đặt tên là gleditsaponin. Khi thủy phân cho ra glucoza, gleditsapogenin và arabinoza.
- Năm 1963, nhà nghiên cứu Bùi Đình Sang đã thử nghiệm trên bồ kết Việt Nam và chiết được các chất gồm men perozydaza, saponin cùng 2 chất khác có tinh thể.
- Năm 1969, nhà nghiên cứu Ngô Thị Bích hải đã tìm thấy ở bồ kết Việt Nam 7 hợp chất tritecpen và 8 chất flavonoid. Ngoài ra còn có một chất saponin mới có tên australozit.
Tác dụng của tạo giác
Theo y học cổ truyền
- Tạo giáp có vị cay, mặn, tính ôn, quy vào kinh Phế, Đại trường.
- Tác dụng: Trừ phong, tiêu đờm, thông khiếu, nhuyễn kiên, sát trùng.
- Chủ trị: Đờm suyễn, họng nghẹn, đau cổ, trúng phong, ích tinh.
- Nước bồ kết còn được dùng để gội đầu, giặt các loại quần áo bằng len, lụa có màu không bị phai ố.
Theo y học hiện đại
- Qua thử nghiệm cho thấy quả tạo giác có công dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như phẩy khuẩn tả, trực khuẩn mủ xanh, phó thương hàn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn shigella, tràng cầu khuẩn…
- Khi thử nghiệm trên mèo với nước sắc tạo giáp đưa trực tiếp vào dạ dày nhận thấy công dụng long đờm, tăng cường phân tiết niêm mạc đường hô hấp.
- Nước sắc quả bồ kết 0.25% khi dùng trên chuột cống trắng thì thấy tử cung được kích thích co bóp.
Ngoài ra quả bồ kết cũng chứa độc tính, gây ra một số tác dụng phụ:
- Chứa chất saponin triterpen, chất này khó được ruột và dạ dày hấp thụ, gây kích thích cục bộ niêm mạc dạ dày, đi ngoài, nôn mửa, chảy nước mũi nước miếng.
- Khi dùng quá liều lượng có thể làm niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương, dẫn đến ngộ độc toàn thân do được hấp thu qua ruột, gây ra các triệu chứng như rét run, chóng mặt, đau đầu, thậm chí co giật, hôn mê, khó thở và tử vong vì liệt hô hấp.
- Chất gpedit sapogenin liều 40 – 47mg/1kg thể trọng được tiêm vào tĩnh mạch thỏ gây tử vong (theo Nhật dược chí 1928, 48: 146).
Công dụng trị ho, tiêu đờm của quả bồ kết
Một số vị thuốc từ tạo giác
- Trị chứng thở khò khè, ho nhiều đờm, hen suyễn: 1g sinh khương, 2g cam thảo, 4g táo đen, 1g quế chi, 1g bồ kết. Sắc với 600ml nước đến khi cạn còn 200ml, chia làm 3 phần uống hết trong ngày.
- Trị sâu răng, nhức răng: Tạo giáp nghiền thành bột mịn, đắp trực tiếp vào chân răng, khi chảy dãi ra thì nhổ đi.
- Trị rụng tóc, chốc đầu ở trẻ nhỏ: Quả tạo giáp đốt thành than và nghiền mịn, rửa sạch vùng da đầu bị chốc rồi đắp trực tiếp than bồ kết lên.
- Chữa hôn mê bất tỉnh, cấm khẩu do trúng phong: Bạc hà và quả tạo giác mỗi vị thuốc lượng bằng nhau, nghiền thành bột và thổi vào mũi gây hắt hơi, như vậy sẽ giúp bệnh nhân hồi tỉnh.
- Chữa không trung tiện được, bí đại tiện: 1/4 quả tạo giáp nướng thật vàng, không sống và không cháy quá, bỏ hết hạt và nghiền bột mịn. Dùng ống thông có bôi dầu hoặc vaseline ở đầu, chấm vào bột tạo giáp, cho vào sâu trong hậu môn từ 3 – 4cm, lặp lại từ 3 – 4 lần, bệnh nhân sẽ đi ngoài được sau 2 – 5 phút.
- Trị trúng thử hôn mê: 30g cam thảo sao sơ, nghiền bột, 30g tạo giác đốt tồn tính. Dùng 3g/lần, pha với nước nóng và cho bệnh nhân uống.
- Trị sưng đau họng: 1 chùm bồ kết, cạo bớt vỏ ngoài, tẩm với dấm gạo và nướng 7 lần, không được cháy quá, sau đó nghiền bột mịn. Mỗi lần lấy một ít bột thổi vào họng đến khi nhổ ra đờm dãi.
Lưu ý khi sử dụng tạo giác
- Liều dùng tham khảo từ 0,5 – 1g/ngày theo các dạng sắc thuốc, đốt ra than hoặc dạng thuốc bột.
- Nếu không phải thực tà nguy cấp thì không nên dùng
- Không dùng cho phụ nữ có thai
- Dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, nôn mửa
Như vậy có thể thấy tạo giác là vị thuốc dễ kiếm, dễ sử dụng nhưng vẫn tồn tại độc tính. Vì vậy nếu dùng để điều trị bệnh thì bạn đọc cần tuân thủ đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ. Đừng quên tham khảo thêm các loại dược liệu khác trên Medigo nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm