Thổ phục linh là gì? Tác dụng và vị thuốc từ thổ phục linh
Thổ phục linh là vị thuốc quý đa công dụng, trị được nhiều chứng bệnh như đau nhức xương khớp gây ra do phong thấp, trị giun sán, chống viêm, hạ huyết áp… Sau đây Medigo sẽ giải mã những tác dụng tuyệt vời từ loại dược liệu thổ phục linh và mách bạn một số bài thuốc trị bệnh vô cùng hữu hiệu.
Tìm hiểu về thổ phục linh
Thổ phục linh là loại dược liệu làm từ thân rễ của cây thổ phục linh, còn có nhiều tên gọi khác là củ kim cang, củ khúc khắc… Tên khoa học của dược liệu là (Smilax glabra Roxb.), thuộc họ khúc khắc (Smilacaceae).
Tại Việt Nam, cây thổ phục linh mọc hoang ở nhiều nơi và được tìm thấy trên khắp các tỉnh trung du, miền núi, thung lũng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt là ở Khánh Hòa, Nghệ An, Lạng Sơn… Ngoài ra, cây cũng phân bố ở các nước khí hậu cận nhiệt đới hoặc nhiệt đới của Châu Á, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…
Thổ phục linh là loại dược liệu làm từ thân rễ của cây thổ phục linh
Đặc điểm sinh thái
Cây thổ phục linh là loài cây lâu năm và có một số đặc điểm nhận dạng sau đây:
- Thân cây: Dạng dây leo, thân mềm, không gai.
- Lá: Mọc so le nhau, hình bầu dục hoặc hình trứng, có đầu nhọn, dưới cuống lá hình tim và có tua. Lá cây màu xanh, nhẵn bóng ở mặt trên, mặt dưới có màu xanh nhạt hơn với lớp màu trắng như được phủ phấn.
- Hoa: Mọc ra từ kẽ lá tạo thành cụm, nở từ tháng 5 – 6, hoa hình táng, có cuống dài nối với thân, màu hồng, một vài bông có chấm đỏ điểm xuyết.
- Quả: Mùa ra quả của thổ phục linh là từ tháng 7 – 10. Quả nhỏ hình tròn, khi mọc tạo thành từng chùm. Quả non có màu xanh và dần chuyển sang đỏ, tím, cuối cùng có màu đen khi quả chín.
- Hạt: Bên trong quả, mỗi quả có từ 2 – 4 hạt hình trứng.
- Thân rễ: Hình khối hoặc hình trụ dẹt, có tính cứng, kích thước dài ngắn khác nhau. Củ có vỏ ngoài màu nâu, có thể có vảy, bề mặt lồi lõm không đồng đều.
Bộ phận dùng của thổ phục linh
Thân rễ chính là bộ phận dùng làm dược liệu của cây thổ phục linh.
Thu hái, sơ chế và bảo quản
Thân rễ thổ phục linh được thu hoạch quanh năm, tuy nhiên mùa hè là thời điểm tốt nhất để cây đạt dược tính cao. Sau khi thu hoạch, thân rễ cây được sơ chế theo các cách sau:
- Rửa sạch và để ráo nước, loại bỏ rễ con, sau đó thái phiến rồi sấy hoặc phơi khô, sao vàng trước khi sử dụng.
- Ngâm nước và ủ mềm, cắt thành từng phiến dày từ 2 – 3mm, sao đến khi vàng.
- Dược liệu cần được bảo quản nơi thoáng gió, cao ráo, tránh ẩm mốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Cách thu hoạch, sơ chế và bảo quản thổ phục linh
Thành phần hóa học
Trong thổ phục linh người ta tìm thấy các thành phần hóa học như:
- Chất nhựa, Tamin, tinh dầu, Sitosterol, Bêta-sitosterol, tinh bột…
- Các dẫn xuất flavonoid gồm có isoengeletin, engeletin, isoastilbin, neoastilbin, astilbin…
Tác dụng của thổ phục linh
Theo y học cổ truyền
- Thổ phục linh có vị hơi ngọt, tính bình, quy vào kinh Can và Vị.
- Công dụng: Giải độc, làm mạnh gân cốt, trừ phong thấp
- Chủ trị: Mày đay, ngộ độc thủy ngân, đau bụng kinh, mẩn ngứa, mụn nhọt, nhức mỏi cơ, gân cơ co rút, chứng cước khí (tay chân đau nhức phù nề), phong thấp, đau nhức xương khớp…
Theo y học hiện đại
Kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch: Khi thử nghiệm trên chuột cống trắng bị phù bàn chân, thổ phục linh cho thấy công dụng kháng viêm đáng kể, đồng thời giúp nâng cao miễn dịch, tăng tỉ lệ sống sót của chuột trước cơn phản vệ. Ngoài ra một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dược liệu này có đặc tính của các hoạt chất chống viêm. Trong đó chất astilbin giúp ngăn ngừa tích tụ acid uric và sự xâm nhập vào màng hoạt dịch khớp của các tế bào. Từ đó giảm tình trạng viêm đối với người bị gout.
Vị thuốc thổ phục linh hỗ trợ điều trị bệnh gout
Một số vị thuốc từ thổ phục linh
- Trị đau nhức xương khớp, phong thấp: 100g thịt lợn hầm cùng 40g thổ phục linh, ăn cả nước và cái.
- Trị mẩn ngứa, mụn nhọt, mày đay: 15g thương nhĩ tử, 20g nhẫn đông hoa, 30g thổ phục linh. Sắc uống trong ngày, chia làm 3 lần. Dùng 1 thang/ngày trong 3 – 5 ngày liên tục.
- Trị phù thũng, tiểu khó: 10 – 20g thổ phục linh, sắc uống hàng ngày có công dụng lợi niệu.
- Trị nổi hạch bẹn, cơ thể đau nhức: 20g rễ cây quýt rừng, 20g rễ cây bươm bướm, 20g thổ phục linh. Sắc lấy nước chia làm 3 phần, uống 1 thang/ngày.
- Trị rôm sảy: Sắc lấy nước đặc từ 30g thổ phục linh và thoa trực tiếp và chỗ rôm sảy, kết hợp tắm bằng nước thuốc pha loãng, dùng liên tục 3 – 5 lần/ngày.
- Điều trị chàm (eczema): Nghiền thành bột mịn 50g thổ phục linh, trộn với một chút nước và đắp trực tiếp lên chỗ bị chàm, thực hiện liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Bồi bổ cơ thể, giải độc: 1 ít trần bì, 20g sinh địa hoàng, 160g thịt lợn, 80g thổ phục linh. Cắt miếng nhỏ thịt heo và hầm cùng các dược liệu nói trên trong khoảng 2 tiếng. Nêm nếm gia vị vừa miệng và dùng khi còn nóng.
- Trị viêm khớp dạng thấp: 12g bạch thược, 20g ngạnh mễ, 16g ngân hoa đều, tỳ giải, 20g hy thiêm, 1g phòng phong đều, tang chi, 8g quế chi, 12g đan sâm, 20g ké đầu ngựa, 6g cam thảo, 12g hoàng bá đều, tri mẫu, 16g kê huyết đằng, 20g thổ phục linh, 12g liên kiều, 8g thương truật, 20g thạch cao, 12g ý dĩ.
- Chữa đau bụng kinh: Dã thiên ma 15g, mạt dược, hương thảo, hạt phần, tiểu hồi hương, xuyên quy mỗi vị 10g, mã kế 15g, thổ phục linh 30g. Sắc lấy nước uống trước kỳ kinh khoảng 3 ngày, dùng trong 7 ngày liên tiếp, mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc trị đau nhức xương khớp từ thổ phục linh
Lưu ý khi sử dụng thổ phục linh
- Liều dùng tham khảo là từ 12 – 30g tùy bài thuốc, dùng dưới dạng viên hoàn, dạng bột hoặc nước sắc
- Không phù hợp với bệnh nhân tỳ vị hư hàn, can thận âm hư
- Dùng quá liều lượng có thể dẫn đến dị ứng, kích ứng dạ dày
- Thận trong nếu dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; người mắc thận mạn, hen suyễn; người đang sử dụng các loại thuốc tân dược khác
- Kiêng kỵ dùng chung với nước trà
- Không dùng chung với các loại thuốc như Lithium, Digoxin
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về vị thuốc thổ phục linh. Đừng quên Medigo luôn sẵn sàng giải đáp bất cứ thắc mắc nào của bạn đọc, cung cấp cho bạn thêm thông tin hữu ích về dược liệu.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm