lcp

Tocopherol là gì? Công dụng, liều dùng và cách dùng


Tocotrienol là những hợp chất liên quan, cũng có hoạt tính vitamin E. Tất cả các dẫn xuất khác nhau có hoạt tính vitamin này có thể được gọi chính xác là " vitamin E ". Tocopherols và tocotrienols là chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo nhưng dường như cũng có nhiều chức năng khác trong cơ thể.

Chỉ định của Tocopherol

Điều trị và phòng thiếu vitamin E (chủ yếu là do bệnh lý: trẻ em bị xơ nang tuyến tụy hoặc kém hấp thu mỡ do teo đường dẫn mật hoặc thiếu betalipoprotein huyết, trẻ sơ sinh thiếu tháng rất nhẹ cân khi đẻ hoặc do chế độ ăn thiếu vitamin E).

Chống chỉ định Tocopherol

Mẫn cảm với alpha tocopherol hoặc với các thành phần khác của thuốc.

Thận trọng khi dùng Tocopherol

Liều cao alpha tocopherol được báo cáo là có khuynh hướng gây chảy máu ở bệnh nhân thiếu hụt vitamin K hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu. Hội chứng giảm tiểu cầu, chứng gan to, lách to, cổ chướng và gây độc cho gan, thận, phổi xuất hiện ở một số trẻ sơ sinh thiếu tháng khi tiêm tĩnh mạch thuốc tiêm dl-alpha tocopheryl acetat trong dung dịch polysorbat 20 và 80.

Cần thận trọng khi điều trị và cần lưu ý liều cao alpha tocopherol trên 400 đvqt/ngày hoặc cao hơn ở những người bị bệnh mãn tính.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Trong thời kỳ mang thai, thiếu hoặc thừa alpha tocopherol đều không gây biến chứng cho mẹ hoặc thai nhi. Nhu cầu alpha tocopherol ở phụ nữ có thai và phụ nữ bình thường không khác nhau.

Ở người mẹ được dinh dưỡng tốt, lượng alpha tocopherol có trong thức ăn là đủ và không cần bổ sung. Nếu chế độ ăn kém, nên bổ sung cho đủ nhu cầu hàng ngày khi có thai.

Thời kỳ cho con bú

Alpha tocopherol vào sữa. Sữa người có lượng alpha tocopherol cao gấp 5 lần sữa bò và có hiệu quả hơn trong việc duy trì đủ lượng alpha tocopherol trong huyết thanh cho trẻ đến 1 năm tuổi.

Nhu cầu alpha tocopherol hàng ngày trong khi cho con bú là 19 mg. Chỉ cần bổ sung cho mẹ khi thực đơn không cung cấp đủ lượng alpha tocopherol cần cho nhu cầu hàng ngày.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Alpha tocopherol thường dung nạp tốt, tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng liều cao kéo dài, tiêm tĩnh mạch, nhất là dùng cho trẻ sinh non, nhẹ cân lúc mới sinh.

Thường gặp

Tiêu chảy

Ít gặp

Rụng tóc, ngứa, phát ban, suy nhược, đau đầu, natri, kali máu bất thường, tăng transaminase.

Hiếm gặp

Không có báo cáo.

Không xác định tần suất

Đau bụng.

Liều lượng và cách dùng Tocopherol

Liều dùng Tocopherol

Người lớn

Điều trị thiếu hụt vitamin E: 60 - 70 đvqt/ngày.

Phòng thiếu hụt vitamin E: 30 đvqt/ngày.

Xơ nang tuyến tụy: 100 - 200 mg dl-alpha tocopheryl acetat hoặc khoảng 67 - 135 mg d-alpha tocopherol.

Bệnh thiếu betalipoprotein - máu: 50 - 100 mg dl-alpha tocopheryl acetat/kg hoặc 33 - 67 mg d-alpha tocopherol/kg.

Bệnh thiếu máu beta-thalassemia: Uống: 750 đvqt/ngày.

Bệnh tế bào hồng cầu hình liềm: Uống: 450 đvqt/ngày.

Trẻ em

Điều trị thiếu hụt vitamin E

Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng nhẹ cân: 25 - 50 đvqt/ngày, đạt được nồng độ bình thường trong vòng 1 tuần.

Ở trẻ em thiếu hụt vitamin E do hội chứng kém hấp thu: Uống alpha tocopheroldạng phân tán trong nước với liều 1 đvqt/kg hàng ngày đến khi nồng độ tocopherol huyết tương tăng lên đến giới hạn bình thường và duy trì nồng độ bình thường trong vòng 2 tháng.

Phòng thiếu hụt vitamin E

Ở trẻ sơ sinh nhẹ cân: Liều alpha tocopherol là 5 đvqt/ngày trong vài tuần đầu sau khi sinh. Nồng độ tocopherol huyết tương nên được kiểm soát.

Dự phòng bệnh võng mạc mắt ở trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc loạn sản phế quản phổi thứ phát sau liệu pháp oxy: 15 - 30 đvqt/kg (10 - 20 mg alpha tocopherol/kg) mỗi ngày để duy trì nồng độ tocopherol huyết tương giữa 1,5 - 2 microgam/ml (không khuyến cáo).

Cách dùng

Alpha tocopherol nên dùng qua đường uống. Nếu không uống được, hoặc nghi ngờ hấp thu kém, có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Quá liều và xử trí quá liều

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng của quá liều alpha tocopherol: gây ra các hiện tượng chảy máu nghiêm trọng, nguy cơ xuất huyết nội sọ.

Cách xử lý khi quá liều

Ngừng bổ sung alpha tocopherol ngoại sinh và điều trị triệu chứng.

Nếu chảy máu cân nhắc bổ sung vitamin K.

Tương tác với các thuốc khác

Alpha tocopherol hoặc dạng chuyển hoá làm giảm hiệu quả của vitamin K và làm tăng hiệu quả của thuốc chống đông máu.

Dùng đồng thời alpha tocopherol và acid acetylsalicylic có nguy cơ gây chảy máu.

Alpha tocopherol có thể làm tăng hấp thu, sử dụng và dự trữ vitamin A. Alpha tocopherol bảo vệ vitamin A khỏi bị thoái hóa do oxy hóa làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên; alpha tocopherol cũng bảo vệ chống lại tác dụng của chứng thừa vitamin A. Tuy nhiên, các tác dụng này còn đang tranh luận.

Alpha tocopherol liều trên 10 đvqt/kg có thể làm chậm đáp ứng của việc điều trị sắt ở trẻ em thiếu máu do thiếu sắt. Trẻ sơ sinh nhẹ cân được bổ sung sắt có thể làm tăng thiếu máu tan máu do thiếu hụt alpha tocopherol.

Sử dụng quá thừa dầu khoáng có thể làm giảm hấp thu alpha tocopherol. Colestyramin, colestipol, orlistat có thể cản trở hấp thu alpha tocopherol. Sử dụng cách nhau ít nhất 2 giờ.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

Dược lý

Dược lực học

Vitamin E là một thuật ngữ chung để chỉ một số các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp. Nhóm chất quan trọng nhất là tocopherol, trong đó alpha tocopherol có hoạt tính mạnh nhất, được phân bố rộng rãi trong tự nhiên và chủ yếu được sử dụng trong điều trị; các chất khác của nhóm tocopherol gồm beta, gamma và delta tocopherol, nhưng những chất này không dùng trong điều trị. Nhóm hợp chất khác có hoạt tính vitamin E là các tocotrienol.

Alpha tocopherol có trong tự nhiên dưới dạng đồng phân d (d-alpha tocopherol) có hoạt tính mạnh hơn dạng đồng phân dl (dl-alpha tocopherol) của alpha tocopherol tổng hợp.

Vitamin E là một vitamin tan trong dầu mỡ, phân bố rộng rãi trong thức ăn. Lượng vitamin E trong thức ăn bị mất đi là do quá trình bảo quản và nấu nướng. Nhu cầu hàng ngày về vitamin E khoảng 4 - 15 mg.

Vitamin E được coi là một chất chống oxy hoá. Vitamin E ngăn chặn sự oxy hoá các acid béo cao phân tử chưa bão hoà (các acid này là thành phần của màng tế bào, phospholipid và lipoprotein huyết tương) cũng như các chất nhạy cảm với oxy khác như vitamin A và acid ascorbic (vitamin C).

Các gốc tự do sinh ra do nhiều quá trình phản ứng trong tế bào có khả năng gây tác hại cho màng tế bào, protein và acid nucleic, dẫn đến rối loạn chức năng và gây bệnh cho tế bào.

Vitamin E phản ứng với các gốc tự do, làm mất các gốc peroxyl (gốc peroxyl phản ứng với vitamin E nhanh gấp 1000 lần so với các acid béo cao phân tử chưa bão hoà). Trong quá trình phản ứng, vitamin E không tạo thêm gốc tự do khác.

Dược động học

Hấp thu

10-33% alpha tocopherol được hấp thu ở ruột non.

Ở người bệnh bị hội chứng hấp thu kém và trẻ sinh non nhẹ cân, hấp thu vitamin E có thể giảm đi rất nhiều. Chế phẩm dạng phân tán trong nước có thể hấp thu qua ruột tốt hơn so với chế phẩm dạng dầu.

Thời gian đạt đến nồng độ đỉnh của alpha tocopherol là 9,7 giờ.

Phân bố

Alpha tocopherol liên kết với lipoprotein trong máu.

Alpha tocopherol được phân bố rộng rãi vào tất cả các mô và dự trữ ở mô mỡ.

Alpha tocopherol phân bố vào mắt, đạt được nồng độ cao hơn ở vùng giác mạc so với màng mạch hoặc thủy tinh thể.

Alpha tocopherol vào sữa, nhưng rất ít qua nhau thai. Nồng độ tocopherol trong huyết tương trẻ sơ sinh bằng 20 - 30% nồng độ ở người mẹ, trẻ sơ sinh nhẹ cân có nồng độ thấp hơn.

Chuyển hóa

Alpha tocopherol chuyển hóa ở gan thành các glucuronid của acid tocopheronic và gamma-lacton.

Thải trừ

Thời gian bán thải là 44 giờ ở trẻ sinh non tiêm bắp 20mg /kg, 12 phút tiêm tĩnh mạch bạch huyết ruột

Hầu hết liều dùng thải trừ chậm vào mật. Một số thải trừ qua nước tiểu.

Nguồn tham khảo

  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Tocopherol 
  • https://nhathuoclongchau.com/thanh-phan/tocopherol 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.