Collagen là gì? Tác dụng của collagen và cách bổ sung collagen
Ngày cập nhật
1. Collagen là chất gì?
Collagen là một loại protein tự nhiên được tìm thấy nhiều nhất trong cơ thể. Nó chiếm đến một phần ba lượng protein của cơ thể và chiếm ba phần tư thành phần của da. Các bộ phận có chứa nhiều collagen gồm da, gân, cơ, dây chằng, xương,... Collagen giúp cho xương khớp khỏe mạnh, tạo sự đàn hồi co giãn cho làn da.
Cơ thể tạo ra collagen bằng cách kết hợp các loại acid amin lại với nhau tạo thành các khối rồi hình thành collagen. Thành phần của collagen gồm proline, glycine và hydroxyproline. Đó là lý do cơ thể cần các thành phần sau đây để tạo nên chúng:
- Proline: Loại Acid amin này có nhiều trong lòng trắng trứng, bắp cải, sữa, nấm và măng tây.
- Glycine: glycine có mặt trong các loại da gà, da heo, gelatin và thực phẩm giàu protein.
- Vitamin C: Chất này có nhiều trong các loại trái cây họ cam quýt, họ ớt chuông.
- Kẽm: Có trong thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, đậu xanh, đậu lăng, sữa, phô mai và các loại hạt.
- Đồng: Đây là chất có nhiều trong nội tạng, hạt vừng, hạt điều, bột ca cao,...
2. Collagen có mấy loại?
Collagen gồm collagen nội sinh và collagen ngoại sinh trong đó collagen nội sinh do cơ thể tự tổng hợp còn ngoại sinh được bổ sung từ các nguồn khác nhau.
Khoa học đã khám phá ra có khoảng 28 loại collagen trong cơ thể, được chia thành 5 loại khác nhau:
- Collagen type 1: Đây là loại collagen phổ biến nhất chiếm 90%, có nhiều ở các mô liên kết.
- Collagen type 2: Loại này được tìm thấy nhiều ở các khớp hoặc đĩa đệm trong cơ thể.
- Collagen type 3: Xuất hiện nhiều ở da, mạch máu, cơ, là thành phần chính của các sợi lưới.
- Collagen type 4: Tìm thấy nhiều ở thận, màng tai trong hay thủy tinh thể của mắt.
- Collagen type 5: Có ở bề mặt tế bào, nhau thai hoặc tóc.
3. Collagen có tác dụng gì?
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy làn da sẽ trở nên nhăn nheo, mất sự đàn hồi, xương khớp cũng không còn linh hoạt khi tuổi tác đã cao. Người ta giải thích rằng một phần do cơ thể đã không duy trì được mức collagen tự nhiên cần thiết nữa. Vậy collagen có tác dụng gì? Tại sao phải bổ sung collagen? Cùng điểm qua một số tác dụng của collagen nhé:
3.1. Tăng cường sức khỏe cho làn da
Như đã nói, collagen chiếm đến ba phần tư thành phần có trong da với khoảng 85 - 90% là collagen type 1 và 10 - 15% là collagen type 3. Khi cơ thể sản xuất không đủ collagen, da sẽ trở nên khô sạm và nhăn nheo. Bổ sung collagen giúp tăng cường sự khỏe mạnh của làn da, giúp da trở nên đàn hồi, giảm nếp nhăn, đẩy lùi lão hóa làn da.
Tác dụng làm chậm quá trình lão hóa da, giảm nếp nhăn khi bổ sung collagen đã được chứng minh qua một vài nghiên cứu. Một nghiên cứu chủ yếu trên đối tượng là nữ giới cho thấy khi dùng từ 1 - 12 gram collagen mỗi ngày trong vòng từ 4 đến 12 tuần có tác dụng giúp cải thiện độ ẩm cũng như độ đàn hồi làn da.
3.2. Giảm đau xương khớp
Collagen cũng là một thành phần quan trọng có trong các khớp, đĩa đệm, xương. Do đó khi cơ thể già đi, lượng collagen giảm cũng khiến bạn rất dễ gặp các vấn đề về xương khớp. Đã có nghiên cứu cho thấy bổ sung collagen giúp cải thiện triệu chứng viêm khớp, từ đó giảm đau nhức xương khớp. Người ta lý giải điều này có thể collagen được bổ sung tích tụ trong sụn, kích thích mô sản sinh thêm collagen, từ đó giảm viêm.
3.3. Ngăn ngừa hủy xương, mất xương
Tình trạng loãng xương cũng dễ gặp hơn khi tuổi tác cao, mật độ xương thấp tăng nguy cơ gãy xương cũng là một hệ lụy khi collagen tự nhiên cần thiết cho cơ thể không đủ, bởi collagen cũng có mặt trong xương.
Có một vài nghiên cứu cho rằng bổ sung collagen khi cần thiết có thể giúp ức chế sự phân hủy xương, giảm nguy cơ loãng xương.
Nghiên cứu trên phụ nữ sau mãn kinh, trong vòng 12 tháng, được chia ra nhóm người bổ sung canxi và vitamin D cùng 5g collagen với nhóm chỉ dùng canxi và vitamin D không có collagen cho kết quả thu được là: Người dùng kết hợp cả canxi, vitamin d và collagen có nồng độ protein thúc đẩy quá trình hủy xương ít hơn đáng kể so với nhóm người còn lại.
Tương tự có nghiên cứu trên 66 đối tượng nữ sau mãn kinh khi sử dụng 5 gram mỗi ngày trong 12 tháng, cho kết quả mật độ khoáng chất trong xương tăng tới 7%.
Tất nhiên tác dụng này của collagen vẫn cần nhiều hơn nghiên cứu trên cơ thể người để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
3.4. Tăng cơ bắp
Collagen là loại protein tìm thấy nhiều nhất trong cơ thể do đó chúng cũng là một thành phần quan trọng của cơ, xương.
Nghiên cứu trên 26 người đàn ông bị thiểu cơ trong vòng 12 tuần sử dụng 15 gram mỗi khi tập thể dục so sánh với những người chỉ tập thể dục không bổ sung collagen cũng chỉ ra người có uống thêm collagen có khối lượng cơ nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Đây cũng là một công dụng của collagen cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa.
3.5. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Các loại collagen, dầu cá, dầu omega,... từ lâu đã được cho rằng có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch, liệu có thật sự đúng như vậy?
Collagen có trong thành phần của mạch máu, giúp chúng có tính đàn hồi, chắc khỏe, do đó người ta cho rằng bổ sung collagen có khả năng giúp làm giảm nguy cơ các bệnh về tim. Khi không đủ collagen thì động mạch có thể bị yếu đi, kém đàn hồi, dễ bị xơ vữa từ đó gây nên những bệnh về tim, đau tim hay đột quỵ.
Một nghiên cứu đã được thực hiện trên 30 người khỏe mạnh, uống 16 gram collagen mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Mốc thời gian cuối nghiên cứu cho thấy độ cứng của động mạch giảm hơn so với ban đầu, mức high-density lipoprotein (HDL) cholesterol tốt cũng tăng lên khoảng 6%. Tác dụng này cũng cần phải được nghiên cứu thêm.
4. Uống collagen có tác dụng phụ gì không?
Nhiều chị em trước khi bổ sung collagen cũng thắc mắc rằng không biết collagen có tác dụng gì không?
Collagen là một loại protein tự nhiên do đó nếu bạn bổ sung lượng vừa phải thì cơ thể sẽ ít gặp các tác dụng phụ.
Một số tác dụng phụ khi bổ sung collagen ở liều cao bạn có thể gặp chủ yếu ở đường tiêu hóa như tiêu chảy nhẹ, nặng bụng, có thể bị phát ban,...
Những đối tượng sau cần cẩn thận khi sử dụng collagen và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Chưa có nghiên cứu nào kết luận là collagen an toàn cho thai nhi, cũng chưa có trường hợp thai phụ gặp nguy hiểm khi sử dụng collagen. Tốt nhất bạn nên tư vấn với bác sĩ sản khoa để biết rằng có nên sử dụng hay không.
- Người bị dị ứng với các loại thực phẩm như cá, động vật có vỏ, trứng,...
- Người bị bệnh thận: Collagen bản chất là một loại protein do đó những người bị thận có yêu cầu hạn chế protein cũng cần hết sức cẩn thận.
5. Các nguồn bổ sung collagen cho cơ thể
Đến một độ tuổi nhất định, khi cơ thể không còn hấp thu đủ chất dinh dưỡng để sản sinh ra collagen tự nhiên, thì bạn có thể bổ sung thêm collagen ngoại sinh thông qua một số nguồn sau đây:
Thực phẩm tự nhiên có collagen: Collagen có nhiều trong các loại thực phẩm như nước hầm xương, thịt gà, da cá, cá, gelatin, động vật có vỏ, lòng trắng trứng,...
Collagen dạng bột: Không khó bắt gặp các chế phẩm collagen dạng bột trên thị trường hiện nay, có thể được đóng gói dưới dạng viên nang hoặc gói bột. Tùy thuộc vào hàm lượng và quy cách mà giá cả cũng khác nhau. Người sử dụng có thể cân nhắc sử dụng dạng viên hay dạng bột tùy thuộc vào sở thích và túi tiền của bản thân.
Collagen peptide: Hay có tên gọi khác là collagen thủy phân, tức là collagen được chia thành nhiều mảng khác nhau, kích thước nhỏ giúp cơ thể dễ hấp thu hơn, hiệu quả cao hơn. Collagen peptide còn là thành phần có mặt trong các loại kem collagen, sữa rửa mặt collagen,...
Collagen dạng nước: Nước uống collagen cũng không còn xa lạ với chị em hiện nay, ngoài việc lựa chọn viên uống, dạng bột, chị em cũng có thể thoải mái lựa chọn loại collagen dạng nước phù hợp với bản thân.
6. Một số thắc mắc liên quan đến collagen
6.1. Bổ sung collagen cho cơ thể có cần thiết không?
Theo thời gian, khả năng sản sinh ra collagen tự nhiên của cơ thể giảm đi cộng thêm sự hấp thu các chất dinh dưỡng không còn được như ban đầu khiến nồng độ collagen trở nên giảm sút. Cũng có thể thấy collagen có mặt ở rất nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, điều này làm cho làn da, xương khớp trở nên yếu đi. Vì vậy bạn có thể bổ sung collagen cho cơ thể khi cảm thấy cơ thể thiếu collagen, khi tuổi tác cao.
6.2. Bổ sung collagen vào độ tuổi nào thích hợp?
Tác dụng tuyệt vời của collagen không còn quá xa lạ, nhưng không phải ai cũng biết thời điểm thích hợp cần bổ sung collagen. Nghiên cứu cho thấy, cơ thể giảm dần sản xuất collagen tự nhiên khi tuổi tác tăng. Từ tuổi 20 trở đi, cơ thể mất khoảng 1-1,7% collagen mỗi năm. Vì thế, bắt đầu uống collagen từ tuổi 20 sẽ giúp cung cấp đầy đủ lượng collagen thiếu hụt. Dù làn da chưa có dấu hiệu lão hóa ở tuổi thanh xuân, bổ sung thời điểm này duy trì sự cân đối collagen. Đến tuổi 30, sự khác biệt sức khỏe rõ rệt giữa các đối tượng sử dụng và không sử dụng collagen. Vì vậy, đừng chờ nếp nhăn hiện rõ trên da mới bắt đầu bổ sung collagen.
Thực tế đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng collagen từ khi nào là tốt nhất. Dù vậy, bổ sung collagen giúp hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen tự nhiên và ngăn ngừa lão hóa.
6.3. Nên uống bao nhiêu collagen một ngày là đủ?
Lượng collagen uống một ngày của mỗi người là khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng cơ thể mà bổ sung lượng collagen tương ứng. Lượng collagen nên giao động trong khoảng từ 2,5 - 15 gram mỗi ngày.
6.4. Bổ sung bằng kem collagen có hiệu quả không?
Như đã nói kem collagen phần lớn chứa collagen peptide, một dạng collagen thủy phân với kích thước nhỏ giúp tăng hấp thu từ đó tăng hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, collagen peptide có hiệu quả hơn collagen khi sử dụng bằng đường uống, còn tác dụng tại chỗ có thật sự hiệu quả không thì còn cần phải có rất nhiều nghiên cứu mới có thể khẳng định được. Người ta cho rằng kem collagen chỉ giúp tạo lớp màng bảo vệ da và giúp ngăn chặn tình trạng mất nước của da.
Kết luận
Collagen đang dần trở thành bí quyết làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ, giúp làn da lúc nào cũng hồng hào căng bóng. Khi sử dụng collagen nói riêng và các loại thực phẩm bổ sung nói chung, bạn phải thật sự hiểu rõ về công dụng, phân loại, tác dụng phụ cũng như những đối tượng cần cẩn thận khi sử dụng để có được hiệu quả như mong muốn và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Với sự tham khảo thông tin từ các nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyên môn của Bác sĩ, Medigo hy vọng giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về collagen.
Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia và tìm mua sản phẩm ở các nhà thuốc uy tín, chất lượng trước khi quyết định bổ sung collagen một cách đúng đắn bạn nhé!
Đánh giá bài viết này
(8 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm