lcp

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, chuẩn đoán và điều trị

5.0

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý mạn tính tim mạch thường gặp cùng nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ. Việc phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ theo để có mức huyết áp lý tưởng sẽ hạn chế tối đa việc xuất hiện các biến chứng có thể diễn ra với bệnh nhân. Cùng Medigo tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, chuẩn đoán và điều trị tăng huyết áp trong bài viết này nhé!

Định nghĩa và triệu chứng

Tăng huyết áp (hypertension) được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường và được chẩn đoán dựa vào hai chỉ số chính:

  • Huyết áp tâm thu (systolic pressure): Chỉ số đầu tiên, hay cao nhất chỉ mức áp lực thành mạch khi tim đập tống máu
  • Huyết áp tâm trương (diastolic pressure): Chỉ số thứ hai, hay thấp nhất chỉ mức áp lực thành mạch giữa các lần tim đập tống máu

tang-huyet-ap (1).jpg

Đa số người gặp phải tình trạng tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt, một số người có tăng huyết áp có thể sẽ có đau đầu, khó thở hay chảy máu mũi nhưng chúng không đặc trưng cho bệnh cũng như sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi mức huyết áp đã đạt đến mức báo động cần can thiệp khẩn.

Yếu tố nguy cơ

Bệnh lý tăng huyết áp dễ gặp phải ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ sau

  • Độ tuổi: Tăng huyết áp dễ gặp khi chúng ta càng có tuổi, độ tuổi dễ mắc phải ở nam giới khoảng từ 64 trở xuống và sau 65 tuổi ở nữ giới
  • Chủng tộc: Ở người gốc Phi, tình trạng tăng huyết áp sẽ dễ mắc phải hơn cùng các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay suy thận so với các chủng tộc khác
  • Tiền căn gia đình: Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ cao hơn khi người đó có người thân trong gia đình từng mắc bệnh này.
  • Thừa cân/béo phì: Càng thừa cân, cơ thể sẽ cần một lượng máu cung cấp oxy và dinh dưỡng nhiều hơn. Khi lượng máu đi qua các động/tĩnh mạch càng nhiều, áp lực lên thành mạch (tức huyết áp) sẽ càng cao.
  • Ít hoạt động thể chất: Người ít vận động thường sẽ có nhịp tim cao hơn so với người bình thường, đồng nghĩa với việc tim phải co bóp mạnh hơn. Vấn để ít vận động thể chất cũng dễ dẫn đến thừa cân/béo phì hơn.
  • Hút thuốc lá: Không chỉ làm tăng huyết áp tạm thời, thói quen hút thuốc còn khiến cấu trúc thành mạch máu của bạn tổn thương và trở nên hẹp hơn. Người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ tương tự.
  • Ăn thực phẩm chứa nhiều muối: Thức ăn chứa quá nhiều muối sẽ gây tích dịch cơ thể, kéo theo tình trạng tăng huyết áp.
  • Ăn quá ít thực phẩm chứa Kali: kali có nhiệm vụ cân bằng nồng độ muối trong tế bào, dung nạp quá ít Kali/mất nhiều Kali sẽ dẫn đến mất nước và tích tụ muối làm tăng huyết áp.
  • Sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên: Nếu uống nhiều hơn 1 ly (đối với nữ) và 2 ly (đối với nam) mỗi ngày thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
  • Stress/áp lực: Bị stress cường độ cao sẽ dẫn đến huyết áp tăng, kèm theo các thói quen không tốt liên quan đến stress như ăn uống mất kiểm soát, hút thuốc hay dùng đồ uống có cồn thường xuyên
  • Bệnh mạn tính đang mắc phải: Các bệnh lý thận, tiểu đường hay mất ngủ có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp thứ phát.
  • Phụ nữ trong thai kỳ cũng có thể gặp tình trạng tăng huyết áp hoặc trẻ em nếu có bệnh lý bẩm sinh về tim/thận.

Biến chứng

Áp lực tăng cao tác động không tốt sẽ dẫn đến tổn thương lòng mạch máu cũng như các cơ quan. Khi áp lực càng lớn, tổn thương sẽ càng trở nên trầm trọng

tang-huyet-ap (2).jpg

  • Đau tim/đột quỵ: Cứng và dày thành mạch máu là hệ quả của tình trạng tăng huyết áp kéo dài, dẫn đến đau tim hay đột quỵ khi lòng mạch trở nên quá hẹp.
  • Phình mạch: Tăng huyết áp làm mạch máu yếu và dễ thành phình động mạch, tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu chỗ phình bị rách.
  • Suy tim: Để chống lại áp lực thành mạch khi tăng huyết áp, tim phải hoạt động mạnh hơn để có sức tống máu đủ nuôi cơ quan. Sự quá tải kéo dài sẽ khiến tâm thất trái (nơi bơm máu đến các cơ quan) trở nên dày thành hơn, hệ quả sẽ khiến tim không bơm máu kịp và dẫn đến tình trạng suy tim.
  • Làm yếu và dày thành mạch máu tại thận
  • Làm dày, hẹp và rách mạch máu tại mắt: Gây mất thị lực
  • Hội chứng chuyển hoá: Gồm một loạt các thay đổi về vòng bụng, giảm lượng HDL (chất béo “tốt”), tăng huyết áp và tăng lượng Insulin trong cơ thể.
  • Có vấn đề về ghi nhớ và nhận thức: Huyết áp tăng không kiểm soát dễ khiến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học tập.
  • Mất trí nhớ: Mạch máu não bị thu hẹp do tăng huyết áp sẽ làm cản trở máu nuôi các tế bào não, gây nên tình trạng mất trí nhớ nếu đột quỵ xảy ra.

Chẩn đoán

Ngoài việc khám và hỏi thêm về bệnh sử, tiền căn gia đình của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra đo để phân loại tình trạng tăng huyết áp của bạn đang ở mức nào.

Các phân độ huyết áp bao gồm:

  • Bình thường: Nếu mức huyết áp dưới 120/80 mmHg
  • Tiền tăng huyết áp: Nếu huyết áp tâm thu trong khoảng 120-129 mmHg và tâm trương không dưới 80 mmHg. Tình trạng này có thể trở thành tăng huyết áp hơn nếu không được kiểm tra và theo dõi y tế kịp thời.
  • Tăng huyết áp độ 1: Khi huyết áp tâm thu trong khoảng 130-139 mmHg và huyết áp tâm trương trong khoảng 80-89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Khi huyết áp tâm thu bắt đầu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm thu từ 90 mmHg trở lên.
  • Tăng huyết áp khẩn cấp: Đây là tình trạng cấp cứu cần can thiệp khẩn, khi mức huyết áp lên đến 180/120mmHg. Nếu bạn đo huyết áp tại nhà và kết quả cho thấy mức chỉ số này, hãy nghỉ ngơi trong 5 phút rồi thử lại. Trong trường hợp huyết áp không có dấu hiệu giảm xuống, lập tức báo ngày đến bác sĩ điều trị và cơ sở cấp cứu nếu kèm thêm dấu hiệu đau ngực, mất thị lực, tê hay yếu người.

Ngoài việc đo huyết áp, một số xét nghiệm (cận lâm sàng) có thể được bác sĩ yêu cầu như:

  • Công thức máu/Tổng phân tích nước tiểu/Lipid máu
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim

Điều trị

Bao gồm điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc

tang-huyet-ap (4).jpg

Điều trị không dùng thuốc

Bao gồm việc thay đổi lối sống để giữ mức huyết áp trong chỉ số lý tưởng, chẳng hạn như:

  • Ăn các thực phẩm tốt cho sức khoẻ, không chứa nhiều chất béo và muối
  • Tập luyện thể thao/vận động thường xuyên
  • Giữ cân nặng lý tưởng hay giảm cân nếu bạn đang béo phì
  • Hạn chế dùng đồ uống có cồn quá mức cho phép

Điều trị dùng thuốc

Việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp điều chỉnh mức huyết áp của bạn về chỉ số an toàn. Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ do bác sĩ điều chỉnh và tư vấn nhằm mang lại kết quả tốt nhất.

Mức huyết áp lý tưởng dưới mức 130/80 mmHg áp dụng cho:

  • Người khoẻ mạnh từ độ tuổi 65 trở lên
  • Người dưới 65 tuổi và có trên 10% yếu tố nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong vòng 10 năm tới
  • Đang có bệnh thận, tiểu đường hay bệnh mạch vành

4 loại thuốc chính để điều trị bệnh tăng huyết áp gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Bao gồm lợi tiểu Thiazid, lợi tiểu quai hay lợi tiểu giữ Kali, thường là thuốc đầu tay để điều trị tăng huyết áp. Việc lựa chọn loại thuốc lợi tiểu nào sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa vào tình trạng sức khoẻ của bạn (có kèm các bệnh lý như thận hay suy tim không).
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEI): Gồm nhóm lisinopril, benazepril, captopril… giúp giãn mạch khi ức chế các hoạt chất gây co.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB): Giúp ngừa quá trình làm co mạch do tăng huyết áp gây ra, như losartan, candesartan.
  • Thuốc chẹn kênh Canxi: Có tác dụng làm giãn cơ vòng của mạch máu làm điều hoà huyết áp, gồm nhóm amlodipine hay diltiazem. Lưu ý không dùng các sản phẩm làm từ nho trước khi dùng loại thuốc này vì có thể gây nguy hiểm.

Ngoài ra, một số loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp có thể kể đến như Alpha blockers, Beta blockers, Alpha-Beta blockers, ức chế hệ Renin-Angiotensin…

tang-huyet-ap (3).jpg

Kê toa loại thuốc phù hợp và hiệu quả nhất với người có tăng huyết áp sẽ gồm nhiều bước:

  • Điều trị thử và lựa chọn loại/phối hợp hiệu quả nhất
  • Kiểm tra các loại thuốc đang dùng xem có tương tác thuốc hay không
  • Theo dõi huyết áp định kỳ ở nhà và kiểm tra lại xem có phải bạn bị tăng huyết áp chỉ khi đến gặp bác sĩ hay không (hiệu ứng áo choàng trắng)
  • Duy trì lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên, chế độ ăn ít muối/chất béo, hạn chế cồn

Việc dùng thuốc đối với người có tình trạng tăng huyết áp sẽ kéo dài đến suốt đời, vì thế hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cùng rèn luyện lối sống lành mạnh để giúp sức khoẻ bạn được cải thiện và luôn trong thể trạng tốt nhất.


Nguồn tài liệu: Mayo Clinic Health Letter

Dịch thuật: Bác sĩ Đặng Nghiêm

Đánh giá bài viết này

(7 lượt đánh giá).
5.0
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm