Giải đáp: Thức uống có CỒN tồn tại trong cơ thể bao lâu?
Ngày cập nhật
Cơ thể chuyển hoá các chất cồn như thế nào?
Gan có lẽ là cơ quan nhận được “sự quan tâm” nhiều nhất khi nhắc đến việc chuyển hóa các chất, dĩ nhiên các chất cồn không phải ngoại lệ. Nhưng sự thật là gan không phải bánh răng duy nhất trong cỗ máy đang được vận hành trong cơ thể.
Vai trò của dạ dày
Tiến sĩ Wakim-Fleming đã giải thích như sau khi đề cập đến vai trò của dạ dày trong quá trình chuyển hóa các chất cồn: “Khi bạn uống một ly rượu, “trạm dừng chân” đầu tiên của nó trong cơ thể là dạ dày. Ở một số người, tồn tại các loại enzyme ở dạ dày để tiến hành quá trình “giải phẫu” các chất này tại đây. Các enzyme này thực hiện chuyển hóa cồn thành một số chất khác để bắt đầu đi vào máu.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là không phải ai cũng có những enzyme này, cụ thể là enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase (ALDH). Tiến sĩ Wakim-Fleming cũng cho biết: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng có mức ADH thấp hơn so với nam giới. Và những người thường xuyên tiêu thụ rượu có mức ADH thấp hơn so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng rượu”.
Nếu bạn không có đủ ADH hoặc ALDH, dạ dày sẽ đưa các chất này trực tiếp đến ruột non. Tại đây, chúng bắt đầu đi vào mạch máu và não, và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được các tác dụng dần xuất hiện.
Vai trò của gan
Gan là bộ phận đảm nhận một “khối lượng công việc” lớn khi chuyển hóa rượu. Sau khi rượu đi qua dạ dày, ruột non và bắt đầu đi vào máu, gan sẽ bắt đầu công việc “dọn dẹp” của mình. Gan sẽ loại bỏ khoảng 90% lượng cồn trong máu, phần còn lại sẽ được loại bỏ qua thận, phổi và da.
Quá trình chuyển hóa cồn diễn ra trong bao lâu?
Tiến sĩ Wakim-Fleming cho biết: “Thời gian chuyển hóa của các chất chứa cồn phụ thuộc vào lượng tiêu thụ và nồng độ cồn trong thức uống của bạn. Lượng cồn tiêu thụ càng nhiều, cơ thể càng mất nhiều thời gian hơn trong việc xử lý và đào thải. Và một điều bạn cần chú ý rằng: 60 ml rượu mạnh chứa nhiều cồn hơn 60 ml rượu vang”.
Một thức uống được coi là tiêu chuẩn khi thành phần của nó có chứa khoảng 14 gam ethanol (thành phần chính của rượu), đây là lượng được tìm thấy trong:
- 341 ml bia với 5% ethanol (khoảng một lon bia)
- 142 ml rượu với 12% ethanol (khoảng một ly rượu)
- 43 ml rượu mạnh với 40% ethanol.
Sau khi bạn bắt đầu sử dụng các thức uống có chứa cồn, mất khoảng 60 đến 90 phút để các chất này đạt được nồng độ cao nhất trong máu. Sau đó, cơ thể bắt đầu xử lý chúng.
Mất 4 đến 5 giờ để cơ thể loại bỏ được một nửa lượng cồn bạn đã uống. Tuy nhiên, để đào thải hoàn toàn chúng ra khỏi cơ thể, bạn phải mất những 25 giờ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các thức uống chứa cồn
Không có một khung thời gian cố định nào cho biết chính xác liệu các loại thức uống này sẽ tồn tại trong cơ thể trong vòng bao lâu. Nguyên nhân là do tốc độ đào thải còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Thuốc: Có rất nhiều loại thuốc có thể xảy ra “va chạm” nguy hiểm với rượu khi vào trong cơ thể. Khi được kê bất kì thuốc gì, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết chắc chắn rằng việc tiêu thụ cồn trong quá trình dùng thuốc liệu có an toàn hay không.
- Giới tính: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ mất nhiều thời gian để đào thải bia rượu hơn so với nam giới.
- Tuổi: Khi chúng ta già đi, tốc độ xử lý bia rượu sẽ chậm hơn.
- Trọng lượng cơ thể: Nếu bạn là một người “nhẹ cân”, bạn sẽ có lượng nước trong cơ thể ít hơn so với người có cân nặng lớn hơn mình. Và điều này có tác động đến nồng độ cồn trong máu của bạn (Blood Alcohol Concentration – BAC). Khi cơ thể của bạn có ít nước hơn, BAC của bạn sẽ cao hơn. Điều này lí giải cho việc vì sao cùng tiêu thụ một lượng bia rượu như nhau, nhưng người “nhẹ cân” lại có BAC cao hơn những người có trọng lượng cơ thể lớn hơn họ.
- Tình trạng sức khỏe: Khi bạn có những vấn đề ở gan, thận và dạ dày, cơ thể của bạn sẽ gặp vấn đề trong việc xử lý thức uống chứa cồn.
Vậy những “bài kiểm tra” về nồng độ cồn có thể phát hiện ra việc tiêu thụ cồn của bạn trong vòng bao lâu?
Thật ra, không có gì có thể đảm bảo rằng bạn có thể vượt qua “bài kiểm tra” về nồng độ cồn hay không. Điều này còn phụ thuộc vào loại xét nghiệm bạn được thực hiện, nếu bạn được thực hiện các xét nghiệm có độ nhạy hoặc chất lượng cao, chúng có khả năng phát hiện ra việc tiêu thụ cồn của bạn, dù chỉ với một lượng cồn nhỏ trong cơ thể. Ngoài ra, mỗi người có một tốc độ chuyển hóa cồn khác nhau, do đó một số người sẽ phải tốn thời gian hơn cho việc loại bỏ hoàn toàn những chất này ra khỏi cơ thể so với những người khác.
Nhìn chung, khoảng thời gian tối đa mà một số “bài kiểm tra” có thể phát hiện ra việc đã tiêu thụ rượu bia của bạn được liệt kê dưới đây:
- Xét nghiệm máu: 12 giờ
- Kiểm tra hơi thở: 24 giờ
- Kiểm tra nước bọt: 48 giờ
- Xét nghiệm nước tiểu: 5 ngày
- Kiểm tra tóc (đặc biệt là chân tóc): 90 ngày
Thức ăn và cà phê có thể giúp giải rượu không?
Rất tiếc, dùng thức ăn và uống cà phê chỉ làm thay đổi cách cơ thể xử lý bia rượu, đây không phải là một phương pháp “chữa trị thần kỳ” để giúp bạn tỉnh táo.
Thức ăn và cồn
Tiến sĩ Wakim-Fleming cho biết: “Khi dạ dày “trống không”, rượu sẽ di chuyển nhanh chóng đến ruột non và máu. Bạn có thể thấy mình say hơn bình thường và nhận thấy các tác dụng độc hại của bia rượu xảy ra nhiều hơn, chẳng hạn như cảm thấy nôn nao và đau bụng”.
Mặt khác, khi có thức ăn trong dạ dày, các chất cồn sẽ bị giữ chân ở đây trong một khoảng thời gian. “Dạ dày của bạn có thêm một khoảng thời gian để xử lý các chất cồn trước khi chúng di chuyển vào ruột non. Vì vậy, bạn có thể tránh được một số tác dụng không mong muốn của các chất cồn, nhưng nó không có nghĩa bạn mất ít thời gian hơn để loại bỏ các chất này ra khỏi cơ thể.
Caffein và cồn
Cồn là một chất ức chế thần kinh, vì vậy nó khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Ngược lại, caffein là một chất có khả năng kích thích, nó có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và “chống lại” một số tác dụng của các chất cồn.
Mặc dù thực sự tồn tại mối quan hệ “đối nghịch” giữa cồn và caffein, việc pha lẫn hai chất này để dùng chung không được khuyến khích. Tiến sĩ Wakim-Fleming nói rằng: “Sử dụng chung cà phê hoặc các loại nước uống tăng lực với các loại đồ uống chứa cồn có thể giúp bạn bớt say hơn. Nhưng chính vì vậy, bạn sẽ không nhận ra mình đã “quá chén” trong bữa tiệc. Và dĩ nhiên, việc kết hợp này cũng không có đóng góp gì trong việc giúp cơ thể đào thải cồn nhanh hơn.
Như vậy, bài viết đã cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về các đồ uống chứa cồn. Các khía cạnh được khai thác như như cách cơ thể chuyển hóa và đào thải cồn ra khỏi hệ thống, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này và quan điểm về việc kết hợp các chất này với cà phê hay thức ăn để mang lại sự tỉnh táo. Hy vọng bài viết giải đáp được các thắc mắc và phần nào đó có thể giúp độc giả “thấu hiểu cơ thể” của mình.
Nguồn tài liệu: Health Essentials
Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa
Đánh giá bài viết này
(5 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm