Top 5 thuốc giảm sưng nưới răng được bác sĩ nha khoa sử dụng
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Tìm hiểu về tình trạng sưng nướu răng
Nướu hay còn gọi là lợi, là lớp mô mềm bao phủ xương hàm và nâng đỡ bảo vệ chân răng khỏi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, kéo dài từ cổ răng đến đáy của hành lang miệng. Sưng nướu răng là tình trạng phần mô nướu quanh chân răng bị tổn thương, sưng đỏ và đau nhức. Khi bị sưng, phần mô mềm thường bị nhạy cảm, kích ứng dễ chảy máu hơn khi chạm vào hoặc khi đánh răng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh khi ăn uống và nói chuyện.
Hiện tượng sưng nướu răng xuất hiện khi các mảng bám bẩn ở răng có thể bao gồm thức ăn, nước bọt, vi khuẩn và nhiều cặn bẩn khác bám vào chân răng. Những mảng bám này xuất hiện nhiều, tích tụ dần và lâu ngày tạo thành độc tố gây hai và dẫn đến gây hiện tượng sưng viêm nướu răng.
Khi bị sưng. ở nướu sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Nướu sưng, đỏ, tấy, viêm
- Nướu không bám chắc vào chân răng
- Chảy máu ở nướu răng: khi đụng vào nướu sau khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa…
- Hơi thở có mùi
2. Top 5 thuốc giảm sưng nướu răng hiệu quả
2.1 Thuốc giảm đau, sưng nướu Ibuprofen
Bệnh nhân khi bị sưng nướu răng, điều đầu tiên nghĩ đến là có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau nào để kiểm soát và giảm cơn đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Ibuprofen là hoạt chất nổi trội hơn cả.
Ibuprofen là hoạt chất thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs) với cơ chế làm giảm tổng hợp PGE2 (Prostaglandin E2α), làm giảm khả năng cảm thụ với các tác nhân gây đau của ngọn các sợi thần kinh cảm giác, từ đó giảm đau hiệu quả.
Ibuprofen thường được sử dụng trong các trường hợp đau với cường độ nhẹ và vừa, đặc biệt đối với tình trạng sưng nướu răng gây cảm giác đau nhức, khó chịu. Ngoài ra, Ibuprofen có thêm tác dụng kháng viêm, do đó cũng được sử dụng để giảm các triệu chứng viêm, nên giảm tình trạng viêm đáng kể.
Điều chế Ibuprofen ở dạng viên nén, viên con nhộng, viên sủi hay ở dạng gel bôi ngoài da cũng phổ biến trên thị trường hiện nay.
Ở người lớn, liều dùng thuốc Ibuprofen khuyến cáo: 1 viên hàm lượng 400mg mỗi lần uống và lưu ý mỗi lần uống, uống cách nhau 6 giờ.
Liều sử dụng được tính theo cân nặng của trẻ và được bào chế ở dạng siro, cốm ngọt phù hợp và được các bé yêu thích, hợp tác uống thuốc..
Ưu điểm:
- Giảm sưng, viêm nướu răng hiệu quả, nhiều dạng bào chế phù hợp với nhiều đối tượng
- Sử dụng cho trường hợp bệnh nhân không dung nạp Paracetamol
- Sử dụng được cho người lớn và trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên
- Thuốc sử dụng khá an toàn và hiếm khi gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng
Nhược điểm:
- Trong lúc dùng thuốc hay gặp các tác dụng phụ chung của nhóm kháng viêm không Steroid (NSAIDs), do đó lưu ý khi sử dụng cho bệnh nhân suy thận, tiền sử loét dạ dày tá tràng, hen phế quản…
- Ibuprofen chú ý đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 3 tháng tuổi không được sử dụng ibuprofen để giảm tình trạng sưng nướu răng
2.2. Thuốc chống viêm điều trị sưng, viêm nướu răng Methylprednisolon
Thuốc chống viêm Corticoid được bác sĩ/nha sĩ chỉ định để làm giảm cảm giác sưng tấy, nhức răng gây khó chịu cho người bệnh và được kê đơn sử dụng trong một thời gian ngắn với liều dùng thích hợp.
Methylprednisolon được dùng trong trường hợp sưng viêm nướu răng với cường độ đau vừa đến nặng. Thuốc thường sử dụng dạng bào chế đường uống.
Liều sử dụng Methylprednisolon ở người lớn: liều khởi đầu 4mg/lần x 2 lần/ngày, sử dụng tối đa 3 ngày.
Tuyệt đối tuân theo chỉ định liều dùng của bác sĩ, bệnh nhân không tự ý tăng liều, tự ý ngưng thuốc. Nếu dùng sai cách thì tình trạng bệnh có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân dùng Methylprednisolon nên được giảm liều dần trước khi dừng hẳn.
Ưu điểm:
- Giảm sưng viêm nướu răng hiệu quả
Nhược điểm:
- Tác dụng phụ xảy ra khi sử dụng nhóm thuốc này: suy tuyến thượng thận, loãng xương hoặc tăng đường huyết, nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều, các dấu hiệu xuất huyết dạ dày ruột…
- Lưu ý không dùng cho đối tượng là phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi có tiền sử loãng xương, đường huyết…
- Làm chậm sự phát triển của trẻ, ức chế miễn dịch nếu sử dụng Methylprednisolon trong thời gian ngắn
2.3 Thuốc kháng sinh Rodogyl
Khi bị các tác nhân là vi khuẩn gây hại xâm nhập vào răng miệng gây sưng tấy, đau, viêm nướu răng, nha sĩ có thể kê đơn kháng sinh. Một trong số kháng sinh điều trị tình trạng trên là hoạt chất metronidazol kết hợp Spiramycin với biệt dược nổi tiếng trên thịthịt trường là Rodogyl.
Liều dùng phụ thuộc vào đối tượng và độ tuổi:
Người lớn: Uống 2 viên/lần x 2-3 lần/ngày và uống trong bữa ăn để phát huy hiệu quả điều trị
Trẻ em:
- Từ 6 - 10 tuổi: tổng liều uống 2 viên/ngày
- Từ 10 - 15 tuổi: tổng liều uống 3 viên/ ngày
Ưu điểm:
- Kháng sinh diệt khuẩn và nhiễm khuẩn trong điều trị giảm sưng nướu răng
- Hiệu quả điều trị cao
Nhược điểm:
- Các tác dụng phụ của cả 2 hoạt chất thường gặp như buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy
2.4 Nước súc miệng có tính sát trùng
Nước súc miệng có tính sát trùng sẽ hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây hại, làm giảm số lượng vi khuẩn tích tụ trong miệng, cải thiện tình trạng sưng, viêm ở nướu răng. chlorhexidine là hoạt chất phổ biến trong các loại nước súc miệng, được sử dụng trong điều trị sưng nướu, viêm nướu và chảy máu chân răng nhờ vào tác dụng giảm sưng nướu và viêm (đỏ), đồng thời giảm tình trạng chảy máu ở nướu.
Liều dùng: súc một lượng khoảng 15ml trong khoảng thời gian 30 giây, sử dụng 2 lần/ngày, chú ý không được nuốt.
Ưu điểm:
- Hoạt chất có tính sát trùng, tiêu diệt vi khuẩn
- Giảm sưng nướu, viêm nướu, chảy máu chân răng hiệu quả
- Hoạt chất an toàn cho đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú
Nhược điểm:
- Chlorhexidine có thể gây ố răng, tăng nguy cơ tạo thành mảng bám trên răng, nhận thức vị giác thay đổi, nhưng sẽ ngừng khi không sử dụng sản phẩm
- Thuốc sử dụng trong thời gian ngắn
- Đối tượng sử dụng bị hạn chế: người lớn và trẻ em > 12 tuổi
2.5 Thuốc gây tê tại chỗ Gel Kamistad để giảm các giác đau trong điều trị sưng nướu răng
Hoạt chất gây tê như lidocain và dịch chiết hoa cúc được sử dụng như một loại thuốc điều trị sưng nướu răng giúp gây tê tại chỗ, giảm cảm giác đau, triệu chứng sưng nướu, cải thiện vấn đề ăn uống cho người bệnh. Là thành phần có tác dụng gây tê cục bộ, tác động lên dây thần kinh trong nướu và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ nha khoa.
Liều dùng được xác định dựa trên tình trạng diễn biến của bệnh và đối tượng bệnh nhân, cụ thể:
- Người lớn: bôi 3 lần / ngày, mỗi lần lấy lượng khoảng kích thước hạt đậu. Sử dụng trong 5 – 7 ngày;
- Trẻ em: bôi thuốc bằng 1/2 liều dùng của người lớn, bôi 3 lần/ngày.
Ưu điểm:
- Hoạt chất gây tê tại chỗ kết hợp với dịch chiết hoa cúc có khả năng chống viêm
- Giảm sưng nướu hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng vết sưng ở nướu
Nhược điểm:
- Có cảm giác hơi bỏng rát hoặc tê nhẹ tại vị trí bôi thuốc
- Có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng: phù mặt, môi, lưỡi hoặc họng, phát ban, ngứa…
3. Lưu ý khi dùng thuốc giảm sưng nướu răng
Khi sử dụng bất kì nhóm thuốc nào, với mong muốn thuốc phát huy tối đa hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người sử dụng cũng cần lưu ý:
- Dùng thuốc tuyệt đối tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc, đổi thuốc, hay tăng giảm liều lượng sử dụng trong ngày, tự ý ngưng thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng một thời điểm trong ngày để tránh quên liều và tuân theo đúng liệu trình phác đồ đơn thuốc của bác sĩ
- Tuân thủ lịch khám nha sĩ (nếu có) để thực hiện điều trị triệt để
- Đối với các trường hợp có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, béo phì,...bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được tham khảo tư vấn trước khi dùng thuốc
- Trong quá trình dùng thuốc, không dùng các hoạt chất thuốc với các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, caffeine…
- Bệnh nhân theo dõi tình trạng sưng đau của mình xem hiệu quả điều trị như thế nào trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào hay tình trạng sưng không thuyên giảm, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ và xử trí kịp thời
4. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị khác
Việc sử dụng thuốc điều trị giảm sưng nướu răng là điều cần thiết để nhanh chóng giảm đau sưng, giảm viêm cho người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp thêm một số biện pháp hỗ trợ điều khác để tăng hiệu quả điều trị như:
- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng: đánh răng 2 lần/ngày, sử dụng nước súc miệng/nước muối sinh lý và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để loại bỏ các mảng bám gây hại răng.
- Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng: bổ sung thêm các loại trái cây và rau xanh, đặc biệt, các loại thực phẩm bổ sung các vitamin C, K để tăng cường hệ miễn dịch, tránh sử dụng nước uống có màu, nước ngọt có ga trong lúc điều trị bằng thuốc
- Nên tránh các yếu tố gây kích ứng nướu có thể gây sưng, viêm: không nên sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng chứa cồn gây kích ứng miệng, hoặc các loại thức ăn chua cay, dầu mỡ, có đường, rượu bia, thuốc lá cũng có thể làm cho tình trạng sưng tấy nghiêm trọng hơn
- Nên có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Nếu tình trạng sưng viêm nướu không thuyên giảm, hãy đến gặp nha sĩ để có phương án điều trị.
Trên đây Medigo đã chia sẻ các thông tin giúp người bệnh có thêm các kiến thức về thuốc giảm sưng nướu răng hiệu quả. bên cạnh đó, người bệnh nên đến nha sĩ để được kiểm tra răng miệng và có phương án dùng thuốc đảm bảo hiệu quả và an toàn phù hợp với mỗi người. Hy vọng bạn sẽ có nụ cười tự tin và rạng ngời!
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm