Nhân tuyến giáp là gì? Bị nhân tuyến giáp nguy hiểm không?
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Nhân tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, hình dạng như con bướm, nằm phía trước cổ, trên xương ức. Tuyến giáp có vai trò trong việc giải phóng hormone tuyến giáp, hormone này điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất.
Nhân tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tạo thành các khối u ở tuyến này. Nhân tuyến giáp rất phổ biến ở người lớn, nhưng hầu hết các nhân này là lành tính (không phải ung thư). Bệnh này thường không phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, nếu những đối tượng này có xuất hiện các nhân tuyến giáp, nhiều khả năng đây là nhân giáp ác tính (ung thư).
Có một số loại nhân tuyến giáp:
- Keo nang tuyến giáp: là sự tích tụ lành tính của các tế bào tuyến giáp, gây phì đại không kèm theo rối loạn chức năng tuyến giáp.
- U tuyến giáp: thường là lành tính.
- Nang tuyến giáp: là những khối u chứa dịch lỏng, thường là lành tính
- Ung thư tuyến giáp: xuất hiện tương tự như các loại nhân tuyến giáp khác, phát hiện bằng siêu âm và sinh thiết.
Một số nhân tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormon giáp, gây ra các triệu chứng cường giáp hoặc suy giáp.
2. Các triệu chứng hay gặp của ở nhân tuyến giáp
Nhân tuyến giáp thường không có dấu hiệu hay triệu chứng, hình thành lặng lẽ và bệnh nhân khó phát hiện được những bất thường. Tuy nhiên, khi nhân tuyến giáp quá lớn, có thể nhìn và sờ thấy, đôi khi sẽ có các triệu chứng chèn ép vào khí quản và thực quản, như khó thở, khó nuốt, đau, khàn giọng…
Trong một số trường hợp, các nhân giáp sản xuất thêm hormon thyroxin - một loại hormon do tuyến giáp tiết ra. Thyroxine dư thừa có thể gây ra các triệu chứng cường giáp như: sụt cân không rõ nguyên do, tăng tiết mồ hôi, run tay, tim nhanh hoặc không đều.
3. Làm sao để phát hiện nhân tuyến giáp
Bác sĩ sẽ thăm khám và có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá tình trạng của nhân giáp, cũng như loại trừ khả năng ung thư.
- Khám thực thể: Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện hành động nuốt để phát hiện nhân giáp do nhân này thường di chuyển lên xuống trong quá trình nuốt. Ngoài ra, bác sĩ có thể tìm các triệu chứng cường giáp như run, phản xạ quá mức, tim nhanh hoặc không đều, hoặc các đôi khi là các triệu chứng suy giáp như tim chậm, da khô và phù mặt.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Xét nghiệm TSH và hormone tuyến giáp có thể thể cho biết tình trạng cường giáp hay suy giáp.
- Siêu âm: Xét nghiệm này cung cấp những hình ảnh về hình dạng và cấu trúc của nhân giáp, phân biệt được bướu nhân đặc hay có dịch, cũng như xác định số lượng nhân giáp.
- Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ: Xét nghiệm này thường được thực hiện để loại trừ khả năng bị ung thư tuyến giáp bằng cách lấy mẫu tế bào từ nhân giáp để phân tích.
- CT-scan tuyến giáp: Xét nghiệm này có thể được đề nghị nếu cần đánh giá thêm về tình trạng nhân giáp.
4. Nhân tuyến giáp có nguy hiểm hay không?
Tin tốt là hầu như (95%) nhân tuyến giáp là lành tính. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính rằng có khoảng một nửa người dân Hoa Kỳ sẽ có một nhân tuyến khi họ 60 tuổi. Nhiều nhân giáp không có triệu chứng nên thậm chí chúng không bị phát hiện cho đến khi bệnh nhân có một cuộc thăm khám sức khỏe ở tuyến giáp vì một vấn đề khác. Trong trường hợp có lo ngại về khả năng ung thư, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi nhân giáp thông qua việc tái khám để đánh giá sự phát triển của chúng.
Tuy nhiên, sự phát triển bất thường của nhân giáp có thể liên quan đến các tình trạng khác của tuyến giáp, vì vậy, ngay cả khi không có ung thư tuyến giáp, việc kiểm tra và đánh giá vẫn cần được thực hiện.
5. Điều trị nhân tuyến giáp như thế nào?
Việc điều trị nhân giáp như thế nào phụ thuộc vào tình trạng và loại nhân giáp, đối với các nhân giáp lành tính, bác sĩ thường đề nghị theo dõi mà không cần thực hiện biện pháp điều trị nào thêm. Điều này đồng nghĩa bệnh nhân cần khám sức khỏe và kiểm tra chức năng tuyến giáp đều đặn.
Đôi khi có thể cần phẫu thuật trong trường hợp nhân giáp quá lớn gây khó thở hoặc khó nuốt. Bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật ở bệnh nhân có bướu cổ đa nhân lớn, đặc biệt khi bướu cổ gây chèn ép đường thở, thực quản hoặc mạch máu. Ngoài ra các nhân giáp nghi ngờ ung thư hoặc không xác định được bằng sinh thiết cũng cần được phẫu thuật cắt bỏ để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Một phương pháp thay thế gần đây có thể thực hiện để điều trị nhân giáp lành tính là đốt sóng cao tầng (RFA - radiofrequency ablation), sử dụng dòng điện và nhiệt để làm khối u nhỏ lại mà không cần xâm lấn. Hầu hết bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này có thể trở lại hoạt động bình thường vào ngày hôm sau mà không gặp vấn đề gì.
Trong một số trường hợp, khi các nhân giáp gây ra các triệu chứng cường giáp, bác sĩ có thể đề nghị điều trị cường giáp bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ, sử dụng thuốc kháng giáp hoặc đôi khi phẫu thuật tùy theo tình trạng của ca bệnh cụ thể.
Đối với các nhân giáp được xác định là ác tính, bệnh nhân thường được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ. Việc cắt bỏ một nửa hay toàn bộ nhân giáp sẽ phụ thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, bệnh nhân cần điều trị suốt đời bằng levothyroxine để cung cấp hormon tuyến giáp cho cơ thể.
Ngoài ra, có một lựa chọn khác để điều trị nhân giáp là tiêm cồn qua da.
Tài liệu tham khảo
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/thyroid-nodules
Thyroid Nodules: Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)
Thyroid nodules - Diagnosis and treatment - Mayo Clinic
When Should you Worry About Thyroid Nodules? 6 Signs to Know (restartmed.com)
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm