lcp

Sùi mào gà là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI Lê Công Thái

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Những nốt sùi nhỏ li ti trông giống như mào gà tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường bởi vì không chỉ lây lan nhanh chóng qua đường tình dục không an toàn mà còn có thể lây truyền cho thai nhi. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà thế nào? Hãy cùng Medigo tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu: Sùi mào gà là bệnh gì?

Sùi mào gà, mụn cóc sinh dục hay mụn cóc hoa liễu là những khối u nhỏ có hình dạng tương tự như súp lơ hay mào gà phát triển đơn lẻ hoặc mọc thành chùm xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn. Chúng thường có kích thước khoảng 5mm nhưng đôi khi phát triển thành những khối u lớn hơn với màu sắc tương tự như màu da hoặc sẫm màu hơn một chút. 

Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục với nguyên nhân phổ biến là do virus HPV (Human papilloma virus) gây ra. Sùi mào gà có thể bắt gặp ở cả nam và nữ, phổ biến hơn ở những người quan hệ tình dục không an toàn hay người có nhiều bạn tình(1)

bề mặt da của người bị sùi mào gà

Sùi mào gà là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới

2. Triệu chứng của sùi mào gà

Mụn cóc thường xuất hiện trên da, niêm mạc ở bộ phận sinh dục của nam giới hay nữ giới. Bên cạnh đó thì nốt sùi cũng có thể mọc lên ở môi, miệng, lưỡi hay cổ họng của người quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm bệnh.

>> Đây có phải là dấu hiệu của sùi mào gà? Giải đáp ngay!

Khi mới hình thành, các nốt sùi này thường nhỏ, có màu hồng, màu da hay hơi sẫm hơn màu da một chút, xuất hiện đơn lẻ và khó nhìn thấy bằng mắt thường. Về sau chúng sẽ phát triển và tập trung thành mảng giống như mào gà tạo cảm giác gồ ghề hay mịn nhẵn khi chạm vào. Một số người bị nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng, số khác thì tùy thuộc vào giới tính mà triệu chứng sùi mào gà có thể khác nhau, cụ thể là(2)

2.1. Triệu chứng sùi mào gà ở nam giới

Đối với nam giới, mụn cóc sinh dục thường xuất hiện trên da và niêm mạc ở dương vật, bìu, hậu môn, vùng háng, đùi hay xung quanh hậu môn. Khi phình to hay khi lan rộng chúng sẽ gây ra ngứa ngáy, đau đớn khó chịu và có thể kèm theo chảy máu.

2.2. Triệu chứng sùi mào gà ở nữ giới

Còn ở nữ giới, sùi mào gà thường phát triển trên âm hộ, mặt trong của âm đạo, cổ tử cunghậu môn. Cũng tương tự như nam giới, các nốt sùi này sẽ gây ra cảm giác ngứa rát, đau đớn, chảy máu khi đại tiện hay giao hợp và kèm theo tiết dịch âm đạo.

sùi mào gà gây ngứa bộ phận sinh dục ở nữ giới

Chị em có thể cảm thấy ngứa rát và đau đớn quanh bộ phận sinh dục khi bị mụn cóc sinh dục

3. Mụn cóc sinh dục phổ biến như thế nào? Kéo dài bao lâu?

Sùi mào gà được báo cáo là là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Ước tính rằng cứ khoảng 100 người trưởng thành có hoạt động tình dục ở Hoa Kỳ thì có sẽ 1 người bị mụn cóc sinh dục vào bất kỳ thời điểm nào. 

Vậy mụn cóc sinh dục sẽ kéo dài bao lâu? Trong khoảng 80% trường hợp, nhiễm virus HPV sẽ tự khỏi trong vòng 18 - 24 tháng, còn khoảng 10 - 20% người còn lại sẽ bị nhiễm trùng suốt đời mà không kèm bất cứ triệu chứng nào. Việc điều trị có thể làm giảm các triệu chứng trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, tuy nhiên không chắc chắn về khả năng làm giảm nguy cơ lây truyền.

>> Phân biệt giữa mụn sinh dục và mụn rộp sinh dục

4. Nguyên nhân gây ra sùi mào gà

Có khoảng hơn 100 chủng virus HPV, nhưng phần lớn sùi mào gà do chủng HPV 6 và 11 gây ra. Các chủng virus HPV khác nhau sẽ gây ra các nốt sùi ở các vị trí không giống nhau. Sùi mào gà có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau, cụ thể là(3)

  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hay bằng miệng với người nhiễm virus HPV hay người bị mụn cóc sinh dục. 
  • Lây nhiễm khi bạn chạm vào bộ phận sinh dục hay vùng da có nốt sùi của người nhiễm bệnh. 
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, quần áo, đồ chơi tình dục hay đồ vệ sinh cá nhân với người nhiễm mào gà. 
  • Ngoài ra, mụn cóc còn có thể lây lan từ mẹ sang con thông qua quá trình sinh nở nhưng khả năng rất thấp(4).  
Virus HPV chủng 6 và 11

Virus HPV chủng 6 và 11 là nguyên nhân chủ yếu gây nên các nốt sùi

5. Giải đáp: Sùi mào gà có nguy hiểm không? Biến chứng gì?

Sùi mào gà là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau: 

  • Tiến triển thành ung thư: một số chủng virus HPV có thể liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, hậu môn, dương vật hay vòm họng. 
  • Gây vô sinh: mụn cóc có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng hay làm tắc nghẽn ống dẫn tinh, từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh. 
  • Tác động đến thai kỳ: các nốt sùi có thể lan rộng, gây chảy máu kéo dài khi sinh, đồng thời ảnh hưởng đến sự co giãn của các mô âm đạo trong quá trình sinh sản. 
  • Tác động đến thai nhi: Trẻ sơ sinh có thể bị lây truyền virus HPV từ mẹ trong quá trình sinh nở, dẫn đến nhiễm bệnh sùi mào gà ở họng.

6. Chẩn đoán sùi mào gà

Thông qua việc hỏi thăm về thói quen quan hệ tình dục và qua quan sát các nốt sùi bằng mắt thường. Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp chẩn đoán sau đây để chắc chắn hơn trong việc xác nhận bệnh(3)

  • Xét nghiệm phết cổ tử cung (PAP): xét nghiệm này dùng để kiểm tra những thay đổi ở cổ tử cung do mụn cóc sinh dục gây ra. 
Xét nghiệm PAP

Xét nghiệm PAP dùng để kiểm tra những thay đổi ở khu vực cổ tử cung của chị em 

  • Khám hậu môn: bác sĩ thường sử dụng ống soi để quan sát phía bên trong hậu môn nhằm tìm nốt sùi. 
  • Sinh thiết: thường được dùng khi bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay để xác nhận chắc chắn về khả năng nhiễm sùi mào gà. 

7. Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ và cách điều trị sùi mào gà hiệu quả nhất

Bạn cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức nếu nổi một hay nhiều nốt sùi xung quanh bộ phận sinh dục và có kèm theo các triệu chứng sau(5)

  • Nóng rát, đau đớn hoặc chảy máu khi đi tiểu hay khi quan hệ tình dục. 
  • Xuất hiện dịch tiết bất thường từ âm đạo hay dương vật. 
  • Có bạn tình đang mắc bệnh hay có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. 
  • Có con cái bị mụn cóc sinh dục. 

Mụn cóc có thể tự biến mất mà không cần điều trị vì hệ thống miễn dịch có khả năng loại bỏ các loại virus gây bệnh. Tuy nhiên, chúng thường phát triển lớn hơn gây đau đớn cực kỳ khó chịu, do đó việc loại bỏ nốt sùi để ngăn ngừa khả năng lây lan virus là việc làm cần thiết. Một số loại thuốc và các phương pháp phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định như sau(3), (6)

  • Thuốc bôi: một số loại kem như Imiquimod, Podophyllin, Podofilox, Sinecatechin hay Axit tricloaxetic được bôi trực tiếp lên mụn cóc nhằm mục đích làm ngừng lưu thông máu tại các nốt mụn này. 
  • Đốt điện: sau khi gây tê cục bộ, bác sĩ sử dụng dòng điện để loại bỏ mụn cóc, tuy nhiên phương pháp này có thể gây sưng đau và để lại sẹo.
  • Liệu pháp áp lạnh: bác sĩ sẽ sử dụng nito lỏng để làm đông lạnh và khiến cho các vết phồng rộp hình thành xung quanh mụn cóc bị bong ra, từ đó hình thành nên lớp da mới. 
liệu pháp áp lạnh để loại bỏ các nốt sùi mào gà

Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp áp lạnh để loại bỏ các nốt sùi mào gà

  • Phẫu thuật cắt bỏ: người bệnh sẽ được gây tê cục bộ trước khi bác sĩ phẫu thuật thực hiện thủ thuật loại bỏ mụn cóc.
  • Điều trị bằng tia laser: sử dụng chùm ánh sáng cường độ cao để phá hủy các mạnh máu nhỏ bên trong mụn cóc, từ đó giúp loại bỏ các nốt sùi. 
  • Thủ thuật dùng dao LEEP: dùng 1 dây quai điện có điện thế thấp để loại bỏ mụn cóc tại biểu mô cổ tử cung. 

8. Cách phòng ngừa và chăm sóc người nhiễm sùi mào gà

Việc phòng ngừa và chăm sóc sau khi nhiễm sùi mào gà đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác:

  • Tuân thủ liều lượng và cách dùng thuốc, không tự ý dùng thuốc bôi ở các cơ quan khác so với hướng dẫn sử dụng. Nếu gặp các triệu chứng bất thường sau khi điều trị thì cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức để có hướng xử lý. 
  • Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo những người có độ tuổi dưới 45 nên tiêm vắc xin để phòng ngừa virus HPV
  • Hạn chế quan hệ tình dục khi đang điều trị bệnh, nếu có thì nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và chỉ quan hệ với một bạn tình hay chung thủy một vợ một chồng. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường trái cây, rau xanh, vitamin, khoáng chất, đồng thời tránh thực phẩm cay nóng cũng như các chất kích thích để ngăn ngừa tái nhiễm và tăng khả năng đẩy lùi virus. 
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách thay quần áo mỗi ngày, làm sạch vùng kín bằng dung dịch vệ sinh có thành phần dịu nhẹ, lành tính và an toàn, không thụt rửa sâu bên trong bộ phận sinh dục và đặc biệt là không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. 
  • Thăm khám phụ khoa hay nam khoa định kỳ tối thiểu mỗi 6 tháng để kịp thời kiểm tra và hạn chế các biến chứng nguy hiểm ở vùng kín. 
khám bác sĩ để phòng ngừa sùi mào gà

Bạn cần thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để hạn chế các biến chứng nguy hiểm ở vùng kín

Tổng kết

Như vậy bài viết trên của Medigo đã cung cấp thật nhiều kiến thức bổ ích về bệnh sùi mào gà. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường tình dục, do đó bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ cho chính bản thân mình và những người thân yêu. Và bạn hãy nhớ rằng mắc sùi mào gà không không đáng xấu hổ, hãy mạnh dạn tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế hay liên lạc bác sĩ online Medigo để được giải đáp ngay nhé! 

Đánh giá bài viết này

(11 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm


Nguồn tham khảo