lcp

Cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc hiệu quả

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Thuốc hạ mỡ máu ra đời được coi là một bước ngoặt của Y học hiện đại, với những tác dụng hạ mỡ máu, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch mà thuốc nam không có được. Tuy nhiên do một số tác dụng phụ có thể gặp, người bệnh không nên lạm dụng thuốc hạ mỡ máu. Vậy cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc như thế nào? Cùng Medigo tìm hiểu qua bài viết này.

1. Hiểu được nguyên nhân gây mỡ máu cao 

Mỡ máu hay còn được gọi là lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, quan trọng nhất là Cholesterol, giúp cơ thể phát triển, sinh hoạt khỏe mạnh. Cholesterol trở nên có hại khi cơ thể xảy ra sự rối loạn Cholesterol, thành phần này cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Mỡ máu cao là tình trạng tăng Triglycerid hoặc Cholesterol xấu (LDL - C) hoặc cả hai trong máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể gây tắc nghẽn mạch máu và các biến chứng tim mạch nguy hiểm (đột quỵ, nhồi máu cơ tim). Có nhiều nguyên nhất khác nhau dẫn tới chỉ số mỡ máu cao, được phân loại thành nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

cách giảm mỡ máu không dùng thuốc

Mỡ máu có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân nguyên phát:

Bệnh nhân có tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em bị mỡ máu cao, tình trạng sức khỏe liên quan tới Cholesterol

Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ hoặc mắc bệnh mạch vành sớm: bố hoặc anh trai dưới 55 tuổi, mẹ hoặc chị gái dưới 65 tuổi mắc bệnh đột quỵ hoặc bệnh mạch vành.

Nguyên nhân thứ phát: do lối sống không lành mạnh hoặc người bệnh đã mắc các bệnh lý từ trước.

Lối sống không lành mạnh:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều chất béo no, nạp nhiều sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa: thịt đỏ, kem, bơ, các sản phẩm từ sữa, đồ uống có ga, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ,...
  • Thường xuyên uống rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá
  • Lười tập thể dục thể thao
  • Bị thừa cân

Yếu tố sức khỏe:

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang,.. có nguy cơ mỡ máu tăng cao hơn người bình thường.

2. Tại sao không nên lạm dụng thuốc hạ mỡ máu?

Lạm dụng thuốc hạ mỡ máu, sử dụng không đúng cách sẽ gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể, tùy mức độ sử dụng có thể gặp như:

  • Rối loạn chức năng gan
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu
  • Đối với da, xương khớp: vàng da, đau nhức xương khớp, chuột rút
  • Suy giảm trí nhớ
cách giảm mỡ máu không dùng thuốc

3. Cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc

Người bệnh chưa cần sử dụng thuốc hạ mỡ máu khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, bị máu nhiễm mỡ nhẹ, chưa mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp,..chưa gây biến chứng tim mạch. Một số cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc cần được người bệnh thực hiện đồng thời như sau:

3.1 Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Thực hiện chế độ ăn uống tốt sẽ góp phần làm giảm Cholesterol máu, góp phần đưa các chỉ số mỡ máu về mức an toàn:

  • Bỏ chất béo chuyển hóa: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm sử dụng thành phần này. Chất béo chuyển hóa hay còn gọi là chất béo trans, làm tăng chỉ số Cholesterol toàn phần. Thành phần này thường được sử dụng để làm bánh quy, bơ thực vật, có đôi lúc được ghi trên nhãn mác là “dầu thực vật hydro hóa một phần”. 
cách giảm mỡ máu không dùng thuốc

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh góp phần giảm mỡ máu

  • Giảm chất béo no: Chất béo no hay còn gọi là chất béo bão hòa, chứa nhiều trong thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt ngựa,..) và các sản phẩm từ sữa. Loại chất béo này sẽ làm tăng Cholesterol trong máu theo thời gian, tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, cao huyết áp. Giảm chất béo no khi ăn có thể giảm được LDL - C (Cholesterol xấu).
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, chất xơ hòa tan: có thể làm giảm sự hấp thu Cholesterol. Một số loại rau củ được khuyến nghị sử dụng là rau cần tây, rau diếp cá, mướp đắng, súp lơ, táo. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong ngũ cốc: yến mạch, gạo lứt, táo, lê,...
  • Ăn thực phẩm giàu Omega - 3: Omega - 3: thành phần này có tác dụng giảm Triglyceride, tăng HDL - C (Cholesterol tốt), giảm tốc độ gan sản xuất chất béo trung tính. Omega-3 còn có lợi ích tốt với tim mạch, giảm các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa, cải thiện huyết áp. Một số thực phẩm giàu acid béo Omega - 3 nhất là cá thu, cá hồi, cá trích, cá chẽm Nhật Bản, hạt chia, quả óc chó, hạt hạnh nhân, rau bina,...

3.2. Tập thể dục thể thao điều độ, thường xuyên

Hoạt động thể chất điều độ có thể cải thiện chỉ số Cholesterol, tăng HDL - C (Cholesterol tốt). Các chuyên gia khuyên mọi người nên tập thể dục ít nhất 30p/ngày, 5 ngày/tuần với những bài tập phổ biến như chạy bộ. Hoặc có thể tập Aerobic 20 phút/ngày và ba ngày/tuần. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể chất cũng có thể giúp giảm cân lành mạnh, giảm căng thẳng lo âu trong công việc, cải thiện một số bệnh lý.

3.3 Bỏ thuốc lá

Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện chỉ số HDL-C (Cholesterol tốt), từ đó cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu. Ngoài ra, bỏ thuốc lá còn có nhiều tác dụng tốt như sau:

  • Bảo vệ người thân, bảo vệ môi trường
  • Ăn ngon miệng
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh nan y, bệnh tim mạch
  • Giảm nguy cơ bị vô sinh

3.4 Giảm cân lành mạnh

Béo phì, thừa cân cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn tới rối loạn lipid máu. Những thay đổi nhỏ của hình thể cũng tạo ra sự thay đổi tích cực cho sức khỏe. Nên chú ý chế độ giảm cân lành mạnh để tránh cơ thể bị suy nhược, stress hay tụt đường huyết vì năng lượng hằng ngày không được đảm bảo.  

Đổi nước ngọt thành nước lọc, tăng cường tập luyện thể dục thể thao, ăn kiêng hợp lý,.. sẽ đưa cân nặng của bạn về mức an toàn, cải thiện sức khỏe cũng như chỉ số mỡ máu.

3.5 Uống rượu bia điều độ

Uống quá nhiều rượu sẽ xảy đến nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe như mỡ máu cao, suy tim, cao huyết áp. Cần sử dụng rượu bia điều độ để đảm bảo sức khỏe. 

Bài viết này, Medigo đưa ra những cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc. Tuy nhiên đôi khi việc thay đổi lối sống không đủ để làm hạ mỡ máu. Vì vậy, cần đi khám định kỳ để xét nghiệm mỡ máu, đánh giá hiệu quả quá trình thay đổi lối sống, nghe tư vấn của bác sĩ. Khi đó bạn có thể cần dùng thuốc và kết hợp với lối sống lành mạnh như trên. Hy vọng bài viết hữu ích đối với mọi người. 

Đánh giá bài viết này

(7 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm