Các nhóm thuốc kháng sinh sử dụng an toàn cho trẻ em
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Khi nào nên sử dụng kháng sinh cho trẻ?
Hình ảnh: Khi nào nên sử dụng kháng sinh cho trẻ?
Kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh lý nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn và không có tác dụng với bệnh do virus gây ra. Nguyên nhân chính khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi,... thường là do virus gây ra, vậy nên không thể dùng kháng sinh trong trường hợp này. Vậy khi nào nên sử dụng kháng sinh cho trẻ?
Dùng kháng sinh cho trẻ khi con mắc các bệnh như:
- Trẻ bị cảm lạnh thông thường, có thể mắc kèm sốt, dịch mũi màu vàng hoặc xanh không cần dùng kháng sinh. Hãy đưa con đi khám nếu con sốt quá 10 ngày không khỏi và chỉ dùng kháng sinh khi có chẩn đoán của bác sĩ trẻ bị nhiễm khuẩn xoang.
- Virus thường là nguyên nhân chính gây đau họng nhưng nếu con bị “viêm họng liên cầu khuẩn” thì nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Bệnh chỉ có thể được xác định sau khi bác sĩ thực hiện các xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn từ dịch họng. Trong trường hợp này, trẻ cần dùng kháng sinh điều trị.
- Khi trẻ bị viêm họng, ho quá 2 tuần, cha mẹ nên đưa con đi khám phổi để được chẩn đoán chính xác. Nếu trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn, cần dùng kháng sinh để điều trị.
- Trẻ bị viêm tai giữa với các biểu hiện sốt cao 39 độ không giảm, đau nhức đầu, kéo vành tai rồi khóc,... Cho trẻ dùng kháng sinh khi bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn.
2. Các nhóm thuốc kháng sinh cho trẻ em
Hiện nay có rất nhiều loại kháng sinh khác nhau nhưng không phải loại nào cũng dùng được cho trẻ. Một số nhóm kháng sinh dùng cho trẻ hiện nay bao gồm:
2.1 Kháng sinh nhóm Beta-lactam
Hình ảnh: Kháng sinh nhóm Beta-lactam
Đây là nhóm kháng sinh diệt khuẩn bằng cơ chế ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Hai kháng sinh nhóm Beta-lactam được dùng phổ biến nhất hiện nay là Penicillin và Amoxicillin. Kháng sinh nhóm Beta-lactam được dùng trong điều trị các bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên,.... cho trẻ.
2.2 Kháng sinh nhóm Cephalosporin
Hình ảnh: Kháng sinh nhóm Cephalosporin
Giống với Beta-lactam, Cephalosporin là nhóm kháng sinh diệt khuẩn. Cephalosporin sẽ ức chế giai đoạn cuối tổng hợp vách tế bào vi khuẩn, khiến vi khuẩn mất đi lá chắn và bị tiêu diệt. Đại diện tiêu biểu của nhóm này là Cefuroxime và Ceftibuten. Nhóm này được dùng khi trẻ mắc các bệnh viêm phổi, viêm xoang do vi khuẩn, bệnh viêm tai giữa tái phát,... Ngoài ra, do có cơ chế gần giống với Beta-lactam nên Cephalosporin là lựa chọn thay thế cho các bệnh nhân dị ứng với Beta-lactam.
2.3 Kháng sinh nhóm Macrolid
Khác với 2 nhóm trên, Macrolid là nhóm kháng sinh kìm khuẩn. Nhóm này không làm chết vi khuẩn mà nó sẽ kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, qua đó làm giảm tình trạng viêm nhiễm của bệnh. Cơ chế của nhóm Macrolid là ngăn cản quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn khiến chúng không thế phát triển. Nhóm này thường được dùng cho trẻ bị viêm tai giữa, viêm phổi thể nhẹ. Macrolid cũng là nhóm kháng sinh thay thế cho bệnh nhân dị ứng với Penicillin.
Các Macrolid hay dùng gồm Erythromycin, Clarithromycin và Azithromycin.
2.4 Kháng sinh nhóm Sulfamid
Đây là một trong những nhóm kháng sinh được kê đơn rộng rãi trên thế giới. Sulfamid là nhóm kháng sinh kìm khuẩn, được dùng cho trẻ mắc bệnh viêm tai giữa do vi khuẩn, viêm xoang, viêm da,..
Các Sulfamid thường gặp gồm Sulfamethoxazole, Co-trimoxazol, Sulfadiazin.
3. Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh cho bé
Khi dùng kháng sinh cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý một số điều sau:
- Chỉ cho con dùng kháng sinh khi có sự chỉ định từ bác sĩ. Nghiêm cấm hành vi tự ý mua kháng sinh cho con dùng tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn như phát ban, chóng mặt, nhức đầu,... thậm chí là sốc phản vệ. Các bác sĩ cũng cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Việc này sẽ khiến trẻ không còn đáp ứng điều trị với nhiều loại kháng sinh thông thường, gây khó khăn cho việc trị bệnh mai sau.
- Dùng đúng, đủ liều lượng. Liều dùng kháng sinh còn phụ thuộc vào cân nặng, mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của trẻ. Liều dùng sẽ được bác sĩ ghi cụ thể trong đơn thuốc. Cha mẹ hãy cho trẻ dùng đúng liều để đảm bảo an toàn cho con.
- Dùng đúng cách và đủ thời gian. Tác dụng điều trị của kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đường dùng, liều dùng, khoảng cách giữa các lần dùng,... Chính vì vậy, cha mẹ nên cho con dùng thuốc đều đặn, tăng/giảm liều từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp tình trạng bệnh của trẻ thuyên giảm, gần như khỏi hẳn nhưng vẫn chưa dùng hết số kháng sinh được kê, cha mẹ không nên dừng thuốc mà hãy cho con dùng đủ số liều còn lại. Để tránh tình trạng còn sót lại số ít vi khuẩn chưa bị tiêu diệt tăng sinh mạnh trở lại khiến bệnh của trẻ tái phát.
- Theo dõi cẩn thận. Trong 2 ngày đầu trẻ dùng kháng sinh, cha mẹ cần phải theo dõi tình trạng của trẻ. Nếu con xuất hiện bất kỳ tình trạng bất thường nào như phát ban, nôn, nguy hiểm hơn là sốc phản vệ, hãy đưa con đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trên đây là thông tin về các loại kháng sinh dùng cho trẻ an toàn và những lưu ý khi cho trẻ dùng kháng sinh tại nhà. Nếu bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với Medigo app để được giải đáp trong thời gian sớm nhất.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(13 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm