Thuốc phá thai: Những điều cần biết về phương pháp phá thai bằng thuốc
Ngày cập nhật
1. Thuốc phá thai là gì? Những loại thuốc phá thai hiện nay
Thuốc phá thai là tên gọi chung của hai loại thuốc dùng để chấm dứt thai kỳ, gồm: mifepristone và misoprostol.
Phá thai bằng thuốc là một phương pháp nội khoa sử dụng đồng thời hai loại thuốc kể trên theo thứ tự nhất định để gây chấm dứt thai kỳ sớm.
Thuốc phá thai gồm 2 loại thuốc được sử dụng đồng thời (Ảnh minh họa)
Cách uống thuốc phá thai theo thứ tự như sau:
- Mifepristone: Bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ cho bạn uống viên thuốc chứa Mifepristone 200mg trước. Hoạt chất này ngăn chặn hoạt động của progesterone, một chất cần thiết cho thai kỳ từ đó làm ngưng quá trình phát triển của thai nhi.
- Misoprostol: Viên tiếp theo được sử dụng tối thiểu từ 24h - 48h kể từ viên đầu tiên, hoạt chất này có tác dụng giúp co bóp tử cung, gây chảy máu và đẩy phôi thai ra ngoài. Nếu sau 24h kể từ khi uống viên misoprostol mà không có dấu hiệu chảy máu, thì bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ ngay lập tức.
Mifepristone cũng là một hoạt chất có mặt trong thuốc tránh thai khẩn cấp, tuy nhiên chỉ ở hàm lượng 10mg. Việc hàm lượng cao dùng để phá thai còn hàm lượng thấp để tránh thai khiến nhiều chị em hiểu lầm rằng có thể uống nhiều viên Mifepristone 10mg để phá thai, điều này là không được khuyến cáo và chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc uống cộng dồn này là đúng.
Uống quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp còn khiến bạn có nguy cơ gặp nhiều tác dụng phụ như trễ kinh, xuất huyết, buồn nôn, đau bụng dưới, sốt, tiêu chảy,...
2. Sử dụng thuốc phá thai an toàn hiệu quả
Việc đình chỉ thai bằng thuốc trong trường hợp bắt buộc phải ngừng thai sớm đang dần phổ biến hiện nay. Vậy phá thai bằng thuốc có nguy hiểm không?
Câu trả lời còn phụ thuộc vào việc bạn có tuân thủ đúng quy trình phá thai và có sự giám sát của nhân viên y tế hay không.
Hãy nhớ rằng đừng tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ, đặc biệt là loại thuốc phá thai.
Một số đối tượng có thể gặp nguy hiểm khi sử dụng loại thuốc phá thai này và nằm trong danh sách chống chỉ định như:
- Người nghi ngờ/xác nhận mang thai ngoài tử cung,
- Người bị suy thượng thận mãn tính
- Người phải sử dụng corticosteroid dài ngày
- Người rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông
- Người bị tăng sản nội mạc tử cung hay bị ung thư tử cung
- Người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc
Phương pháp này có ưu điểm đó là tiện lợi, thực hiện nhanh chóng, an toàn nếu có sự chỉ dẫn của bác sĩ, tỷ lệ gây sảy thai cao mà hạn chế phải nhập viện hay can thiệp thủ thuật y tế.
Tuy nhiên, bạn cần phải đi tái khám nhiều lần để theo dõi quá trình túi thai được đẩy ra ngoài. Việc co bóp cho thai ra ngoài có thể khiến cho bạn đau bụng hoặc ra máu dài ngày. Nếu phá thai nội khoa không thành công, bạn có thể sẽ phải áp dụng thêm một liệu trình dùng thuốc hoặc phải nhập viện để dùng thủ thuật lấy thai ra ngoài.
3. Những đối tượng nào có thể sử dụng thuốc phá thai tại nhà?
Trường hợp mang thai ngoài ý muốn và phát hiện thai sớm có thể sử dụng phương pháp đình chỉ thai bằng thuốc (Ảnh minh họa)
Những trường hợp uống thuốc bỏ thai tại nhà thường là mang thai ngoài ý muốn và phát hiện khi thai còn nhỏ. Việc sử dụng thuốc phá thai nội khoa tại nhà được Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng khi thai được xác định nằm trong tử cung dưới 8 tuần tuổi. Sau 8 tuần tuổi thai việc sử dụng thuốc phá thai vẫn có thể được áp dụng nhưng bạn nên được theo dõi quá trình sảy thai tại bệnh viện vì nhiều nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Hiệu quả của việc phá thai sẽ phụ thuộc vào tuổi thai ở thời điểm uống thuốc.
- Uống thuốc khi thai kỳ 8 tuần hoặc nhỏ hơn, hiệu quả là 94 - 98%.
- Uống thuốc khi thai kỳ 8 - 9 tuần, hiệu quả là 94 - 96%.
- Uống thuốc khi thai kỳ 9 - 10 tuần, hiệu quả là 91 - 93%.
- Uống thuốc khi thai kỳ 10 - 11 tuần, hiệu quả là 87%.
4. Nên chuẩn bị gì trước khi phá thai bằng thuốc?
Để có được hiệu quả mong muốn cũng như đem lại sự an toàn cho bản thân, trước khi quyết định sử dụng thuốc phá thai, bạn cần chuẩn bị tốt những việc sau đây:
- Đặt lịch và đi khám ở bệnh viện hoặc phòng khám uy tín. Biết được chính xác tuổi thai và vị trí thai bám sẽ quyết định được phương pháp loại bỏ thai phù hợp với bản thân. Việc đi thăm khám còn giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về biện pháp này, bác sĩ sẽ giải thích về quá trình phá thai, tác dụng phụ cũng như những lưu ý khi bỏ thai tại nhà.
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Một số xét nghiệm liên quan về bệnh lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm máu hay xét nghiệm liên quan đến bệnh lý đang mắc phải để đảm bảo mình đủ an toàn khi sử dụng thuốc.
- Xác định mong muốn của bản thân và gia đình. Hãy chắc chắn rằng việc bỏ thai là tự nguyện và bạn sẽ không có cách nào để giữ lại thai nếu việc phá thai bằng thuốc thất bại. Nghĩa là nếu sau khi thuốc phá thai viên đầu tiên hoặc sử dụng cả 1 liệu trình thuốc nhưng phôi thai vẫn phát triển thì bác sĩ sẽ phải can thiệp để hút thai ra.
Gặp bác sĩ tư vấn trước khi phá thai bằng thuốc tại nhà để đảm bảo an toàn hiệu quả (Ảnh minh họa)
5. Uống thuốc phá thai gây ảnh hưởng gì lên cơ thể bạn?
Không phải ai cũng sẽ gặp tác dụng phụ giống nhau sau khi uống thuốc phá thai.
Một số biểu hiện sau đây được xem như bình thường và bạn không nhất thiết phải đến gặp bác sĩ trong các trường hợp như: có cảm giác ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy thoáng qua.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy bầu ngực trở nên mềm và tiết ra dịch trắng đục. Tuy nhiên không cần quá lo lắng vì chúng có thể dừng lại trong một vài ngày.
Một số bạn nếu như dị ứng với thành phần thuốc phá thai có thể gặp một số biểu hiện như nổi mề đay, mẩn ngứa, mệt mỏi,... Tình trạng nặng có thể bị choáng váng, phù hoặc khó thở. Hãy lập tức liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình có dấu hiệu bị dị ứng thuốc.
Nếu bạn ra máu quá nhiều sau khi uống liều thuốc tại nhà, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Điều này thường xảy ra trong vài giờ đầu tiên sau khi dùng thuốc. Vì vậy, hãy cẩn thận khi dùng thuốc vào ban đêm, thời điểm mà bạn không thể theo dõi lượng máu chảy ra.
Khi mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạm thời không xảy ra. Đồng nghĩa với việc sau khi phá thai thì kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại sau khoảng từ 4 đến 8 tuần. Nhiều bác sĩ khuyên nên sử dụng băng vệ sinh trong thời kỳ này thay vì tampon hay cốc nguyệt san để đảm bảo an toàn cho cơ thể.
6. Sau khi uống thuốc phá thai, trường hợp nào cần đến gặp bác sĩ?
Tuy việc phá thai bằng thuốc khá an toàn nhưng bạn vẫn cần phải có sự tư vấn của bác sĩ nếu như gặp một số vấn đề sau đây:
- Không bị chảy máu sau 24h, kể từ khi uống viên Misoprostol.
- Chảy máu và đau bụng dữ dội liên tục nhiều ngày, mà không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Sốt cao và kéo dài sau 1 ngày uống Misoprostol, đây có thể là dấu hiệu bạn đang bị nhiễm trùng.
- Ra máu quá nhiều và ướt đẫm 2 băng vệ sinh, trong 1 giờ đồng hồ và kéo dài trong 2 giờ.
7. Chế độ sinh hoạt phù hợp sau khi phá thai bằng thuốc
Có thể thấy thuốc phá thai ít nhiều cũng sẽ để lại ảnh hưởng lên cơ thể bạn. Vì vậy, bạn cần chú ý điều dưỡng cơ thể sau khi phá thai thành công.
- Lên kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Việc thả lỏng bản thân, giải tỏa căng thẳng rất quan trọng để hồi phục cơ thể cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng; ăn nhiều rau xanh và hoa quả; hạn chế các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, cay nóng là cần thiết để tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể sau khi mất nhiều máu do tác dụng của thuốc phá thai.
- Tránh làm việc nặng. Tập thể dụng cường độ cao trong vài ngày sau khi uống thuốc phá thai cũng không được khuyến khích.
- Đến gặp bác sĩ sau 1 - 2 tuần. Bạn cần sự tư vấn của bác sĩ để chắc chắn rằng phương pháp loại bỏ thai này đã thực hiện thành công.
- Lưu ý nếu không có kinh nguyệt trở lại sau 1 hoặc 2 tháng loại bỏ thai. Bạn cũng cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng cơ thể trong trường hợp không bắt đầu chu kì kinh dù đã phá thai thành công.
Điều dưỡng cơ thể phục hồi sau ảnh hưởng của việc uống thuốc phá thai (Ảnh minh họa)
8. Những câu hỏi thường gặp khi đình chỉ thai bằng thuốc
8.1. Uống thuốc phá thai bao lâu thì chảy máu?
Việc chảy máu chỉ diễn ra sau khi bạn đã uống viên thuốc thứ 2, viên misoprostol.
Thông thường quá trình loại bỏ phôi thai sẽ diễn ra từ 2h đến 24h giờ sau khi dùng thuốc.
Bạn có thể cảm thấy bị đau bụng do quá trình co thắt đẩy túi thai ra ngoài kèm theo đó là chảy máu.
Hiện tượng chảy máu xảy ra từ 2 - 24 giờ sau khi uống viên thứ hai misoprostol (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên vẫn có trường hợp không bị chảy máu sau 24h uống thuốc, lúc này bạn cần phải đi gặp bác sĩ để biết được quá trình phá thai có thành công hay không.
Nếu việc đau bụng và chảy máu diễn ra dữ dội trong vòng 2h, bạn cũng cần phải đi gặp bác sĩ.
8.2. Phá thai bằng thuốc bao lâu thì quan hệ được?
Chắc hẳn nhiều bạn đều có chung 1 thắc mắc đó là: Uống thuốc phá thai bao lâu thì quan hệ được? Câu trả lời là tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của mỗi người.
Bạn có thể quan hệ khi cảm thấy bản thân mình đã sẵn sàng. Tuy nhiên, nên quan hệ khi đã ngừng chảy máu và chắc chắn phôi thai đã được đẩy hết ra ngoài. Điều này giúp bảo vệ cơ thể bạn tránh khỏi nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. Đồng thời hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn cho mình phương pháp ngừa thai phù hợp ngay sau khi bạn có ý định quan hệ trở lại.
Kết luận
Sử dụng thuốc phá thai tuy khá an toàn, hiệu quả và tiện lợi nhưng bạn cần phải hiểu rõ về tình trạng của bản thân cũng như nên có sự hướng dẫn kỹ lưỡng từ nhân viên y tế để có được kết quả như mong muốn. Và hãy suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi quyết định đình chỉ thai kỳ sớm bạn nhé!
Bài viết này được biên soạn dựa trên nguồn thông tin tham khảo đáng tin cậy nhưng vẫn không thể thay thế cho tư vấn y tế chính xác từ bác sĩ.
Hãy đặt câu hỏi với các bác sĩ chuyên Sản Phụ Khoa tận tâm với nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi để nhận được thông tin y tế chuyên nghiệp, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân.
Medigo cam kết đồng hành cùng các chị em phụ nữ trên hành trình chăm sóc sức khỏe tại những giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm