Thuốc trị giang mai Penicillin G: Những điều cần biết
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Khi nào điều trị giang mai?
Để điều trị giang mai hiệu quả, bác sĩ điều trị sẽ kiểm qua tổng quát qua lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trước khi đưa ra chẩn đoán chính xác, cũng như liệu trình điều trị thích hợp. Với hai loại giang mai bao gồm bẩm sinh và mắc phải, đối tượng cần điều trị sẽ có thay đổi, dựa trên tình trạng bệnh của bệnh nhân và yếu tố nguy cơ.
Với giang mai mắc phải: Khi bệnh nhân được chẩn đoán xác định giang mai, dù ở bất kỳ giai đoạn nào (sơ cấp, thứ phát, tiềm ẩn hay muộn) sẽ được chỉ định điều trị theo phác đồ.
Trong trường hợp bạn tình của người nhiễm giang mai, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khi:
- Có quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 90 ngày trước khi họ được chẩn đoán giang mai giai đoạn nguyên phát, ngay cả khi kết quả xét nghiệm âm tính.
- Trong trường hợp có quan hệ tình dục với bệnh nhân trên 90 ngày, không cần điều trị nếu kết quả xét nghiệm âm tính. Trong trường hợp dương tính, họ sẽ cần điều trị và phân loại theo giai đoạn của bệnh.
Với giang mai bẩm sinh:
Phụ nữ mang thai: Chỉ định điều trị sau khi được xác định chẩn đoán giang mai. Việc tiến hành điều trị nên được thực hiện sớm khi tỷ lệ điều trị thành công và ngừa lây truyền giang mai cho thai nhi sẽ giảm ở những tháng cuối.
Trẻ sơ sinh: Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ CDC, trẻ cần được sàng lọc và điều trị khi rơi vào các trường hợp sau:
- Không điều trị (dù đã được chẩn đoán)
- Có điều trị nhưng không theo phác đồ
- Điều trị trước khi chuyển dạ dưới 4 tuần
- Điều trị không sử dụng penicillin
- Cận lâm sàng cho thấy mẹ tái nhiễm giang mai(hiệu giá kháng thể tăng gấp 4 lần)
2. Biến chứng của giang mai
Giang mai không điều trị sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm
Thần kinh
Bệnh giang mai có thể gây ra một số vấn đề với hệ thần kinh, bao gồm:
- Đau đầu
- Đột quỵ
- Viêm màng não
- Mất thính lực
- Các vấn đề về thị giác, bao gồm mù lòa
- Sa sút trí tuệ
- Rối loạn cảm giác đau và nhiệt độ
- Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới
- Tiểu không tự chủ do bàng quang
Vấn đề về tim mạch
- Phình động mạch chủ
- Vấn đề valve tim
HIV
Người lớn mắc bệnh giang mai lây truyền qua đường tình dục hoặc các vết loét sinh dục khác ước tính có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hai đến năm lần. Vết loét giang mai có thể dễ chảy máu, tạo điều kiện dễ dàng cho HIV xâm nhập vào máu trong khi sinh hoạt tình dục.
3. Penicillin G - Thuốc đầu tay điều trị giang mai
Kháng sinh Benzathine penicillin G sẽ được chỉ định là thuốc điều trị để điều trị cho đa số các trường hợp chẩn đoán giang mai, bao gồm cả giang mai mắc phải và giang mai bẩm sinh.
Giang mai mắc phải
Liều điều trị với giang mai là 2,4 triệu đơn vị tiêm bắp (có thể chia liều đôi liều tiêm 2 bên để tránh phản ứng tại chỗ của thuốc). Liều bổ sung Benzathine penicillin G sau 7 đến 14 ngày sẽ được chỉ định nếu bạn đang ở giang mai giai đoạn tiềm ẩn (>1 năm) hoặc không xác định được thời gian.
Với trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin G (shock phản vệ từ độ II trở lên), kháng sinh thay thế thường là Doxycycline hoặc azithromycin (trường hợp bệnh nhân không mang thai).
Ở giang mai giai đoạn tiềm ẩn muộn có thể được điều trị bằng benzathine penicillin G 7,2 triệu đơn vị, chia làm 3 liều tiêm bắp (mỗi liều chứa thay đổi 2,4 triệu đơn vị), cách nhau 1 tuần.
Đối với biến chứng từ giang mai như mắt, tai hoặc thần kinh, một trong những phác đồ sau đây được cân nhắc:
- Điều trị bằng penicillin 3 đến 4 triệu đơn vị đường truyền tĩnh mạch mỗi 4 giờ (
- Procaine penicillin G 2.4 triệu đơn vị tiêm bắp một lần mỗi ngày cộng với 500 mg probenecid uống 4 lần mỗi ngày.
Cả hai loại thuốc đều được dùng trong 10 đến 14 ngày, tiếp theo là benzathine penicillin 2.4 triệu đơn vị tiêm bắp mỗi tuần một lần trong 1 đến 3 tuần sau khi hoàn tất các phác đồ điều trị bệnh giang mai thần kinh này để có tổng thời gian điều trị tương đương với thời gian điều trị bệnh giang mai giai đoạn muộn tiềm ẩn.
Giang mai bẩm sinh
Phụ nữ mang thai: Điều trị bằng benzathine penicillin G (2.4 triệu đơn vị), 1 liều duy nhất. Sau điều trị, kết quả VDRL và RPR giảm 4 lần trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, âm tính sau 2 năm ở hầu hết các bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ tiến hành giải mẫn trước khi tiến hành điều trị. Erythromycin và Tetracyclin không được sử dụng cho việc điều trị giang mai ở phụ nữ mang thai.
Đối với trẻ sơ sinh, liều điều trị cho trẻ sơ sinh khuyến cáo bởi CDC là penicillin kết tinh dạng nước (50.000 đơn vị/kg) truyền tĩnh mạch 2 liều/ngày trong 7 ngày đầu đời và 3 liều/ngày sau đó với tổng số 10 ngày HOẶC procaine penicillin G (50.000 đơn vị/kg) tiêm bắp một lần/ngày liên tục 10 ngày. Trong trường hợp trẻ bỏ trị từ 1 ngày trở đi, liều điều trị sẽ bắt đầu lại từ đầu.
Đối với trẻ sau sơ sinh và lớn hơn, chọc dò não tuỷ sẽ được chỉ định trước khi tiến hành điều trị. Liều điều trị trị sẽ là penicillin G (50.000 đơn vị/kg) truyền tình mạch 4 đến 6 giờ một lần trong 10 ngày. Sau 10 ngày, 1 liều duy nhất benzathine penicillin G (50.000 đơn vị/kg) có thể được chỉ định sau khi kết thúc 10 ngày truyền tĩnh mạch.
Ở trẻ có triệu chứng giác mạc, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng corticosteroid và atropine; kết hợp với tham vấn của bác sĩ nhãn khoa. Ở trẻ có triệu chứng thính lực, điều trị có thể phối hợp c penicillin và corticosteroid như prednisone 0,5 mg/kg một lần/ngày trong 7 ngày đầu, tiếp theo là 0,3 mg/kg một lần/ngày ở 4 tuần tiếp theo.
4. Theo dõi sau điều trị
Sau thời gian điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân qua đánh giá lâm sàng và huyết học định kỳ sau 3, 6 và 12 tháng đến khi xét nghiệm huyết thanh âm tính hoàn toàn; đánh giá định kỳ phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh khác nhau.
Với bệnh nhân đã từng có triệu chứng thần kinh do giang mai, xét nghiệm chọc dò dịch não tuỷ sẽ được đánh giá lại, để xem rằng hiệu quả điều trị bằng Penicillin thành công hay chưa.
Bên cạnh giang mai, bệnh nhân sẽ được sàng lọc về tình trạng nhiễm HIV nếu cần thiết; đặc biệt ở trường hợp đã điều trị sau 1 năm nhưng các chỉ số cận lâm sàng chưa đáp ứng đủ.
Nhìn chung, giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục điều trị được với kháng sinh Penicillin G cùng sự tầm soát và phòng ngừa chặt chẽ. Điều trị cho giang mai bẩm sinh và mắc phải không chỉ ở người bệnh mà còn ở người thân (hoặc bạn tình đã có quan hệ tình dục trước đó với họ). Cho đến nay, biện pháp hiệu quả nhất vẫn nằm ở phòng ngừa giang mai qua quan hệ tình dục an toàn, kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện kịp thời cùng tham vấn với bác sĩ nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ lây nhiễm nào.
Nguồn tham khảo: MSD, CDC, WHO
Đánh giá bài viết này
(9 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm