lcp

Đái tháo đường tuýp 1: Một số điều cần biết

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Tiểu đường tuýp 1 là một loại bệnh lý của bệnh đái tháo đường Tuy ít phổ biến hơn đái tháo đường loại 2 nhưng vẫn rất nguy hiểm nên không phát hiện và chửa trị

1. Thông tin chung về bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid, đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do giảm tương đối hoặc tuyệt đối tiết insulin, hiệu quả hoạt động Insulin hoặc cả hai. Khi tăng đường huyết vượt quá ngưỡng thận sẽ xuất hiện đường niệu (glucose trong nước tiểu).

tiểu đường tuýp 1

Đái tháo đường gắn liền với nguy cơ phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. Bệnh đái tháo đường có thể điều trị và kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc để hạn chế biến chứng, đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Theo WHO, hiện nay có khoảng 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980. Chỉ tính riêng năm 2019, đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong.  Sự gia tăng của đái tháo đường một phần là do sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.

2. Đái tháo đường tuýp 1 là gì?

Đái tháo đường tuýp 1 còn được xem là đái tháo đường phụ thuộc vào insulin hay bệnh đái tháo đường tự miễn, có nghĩa là cơ thể tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin của chính mình. Đây là bệnh lý mạn tính xảy ra do tuyến tụy sản xuất ít hoặc không tiết ra insulin – hormone rất quan trọng giúp cho glucose (đường) có thể đi vào và tạo ra năng lượng cho các tế bào. Nếu không có insulin, quá nhiều glucose sẽ tích tụ trong máu dẫn đến bệnh đái tháo đường.

tiểu đường tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 thường phát triển ở trẻ em hoặc thiếu niên và gần đây dạng phổ biến được chẩn đoán trước 30 tuổi; tuy nhiên cũng có thể phát triển ở người lớn. Một số trường hợp bệnh đái tháo đường tuýp 1 không xuất hiện yếu tố tự miễn và thường được cho là vô căn, chiếm khoảng < 10% tổng số các trường hợp đái tháo đường.

3. Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 thường khởi phát nhanh, rầm rộ với các triệu chứng điển hình, bao gồm:

  • Ăn nhiều
  • Uống nhiều (hay khát nước)
  • Tiểu nhiều (do đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu)
  • Sút cân nhanh chóng
tiểu đường tuýp 1

4. Các biến chứng thường gặp của đái tháo đường tuýp 1

4.1 Bệnh tim và mạch máu

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về tim và mạch máu, bao gồm bệnh động mạch vành với tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và cao huyết áp.

4.2 Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh)

Lượng đường tăng cao trong máu lâu ngày có thể làm tổn thương thành mạch (thường là các mao mạch) nuôi các dây thần kinh. Điều này đặc biệt hay xảy ra ở chân với biểu hiện ngứa ran, tê, rát hoặc đau. Biểu hiện thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và lan dần lên trên. Đường huyết kiểm soát kém có thể khiến người bệnh mất dần cảm giác ở các chi và tăng ảnh hưởng theo thời gian.

Tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Ở nam giới có thể dẫn đến rối loạn cương.

4.3 Tổn thương mắt

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 có thể làm tổn thương các mạch máu trong võng mạc hay bệnh võng mạc đái tháo đường, có thể dẫn đến mù lòa. Bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.

tiểu đường tuýp 1

4.4 Nhiễm trùng da và miệng

Người bệnh đái tháo đường có thể dễ bị nhiễm trùng da và miệng hơn so với người không mắc bệnh. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra do nhiễm vi khuẩn và nấm. Bệnh nướu răng và khô miệng cũng có thể xảy ra.

4.5 Bàn chân đái tháo đường

Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc giảm lưu lượng máu nuôi đến chân do hẹp mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng ở chân. Nếu không được điều trị đúng, các vết cắt và mụn nước có thể trở thành nhiễm trùng nặng, thậm chí dẫn đến cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc chân (cắt cụt chi).

tiểu đường tuýp 1

4.6 Các biến chứng khi mang thai

Lượng đường trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nguy cơ sảy thai, thai lưu và dị tật bẩm sinh tăng lên khi đường huyết không được kiểm soát tốt. Đối với thai phụ, đái tháo đường làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton, các vấn đề về mắt do tiểu đường (bệnh võng mạc) cũng thường nặng hơn trong thai kỳ, huyết áp cao do mang thai và tiền sản giật.

5. Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 1

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường rất phức tạp. Trong số các nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn (còn được gọi là type 1A) và 5% không rõ nguyên nhân (gọi là type 1B). Ở type 1A do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy. Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.

Nhiều virus (gồm coxsackievirus, rubella virus, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus và retroviruses) có mối liên kết với khởi phát đái tháo đường tuýp 1. Các virus có thể trực tiếp gây nhiễm trùng và phá hủy tế bào beta hoặc có thể gây phá hủy tế bào beta gián tiếp qua tiếp xúc tự kháng nguyên, kích thích phản ứng tự động của lympho bào, giống hệt phân tử tự kháng nguyên, dẫn đến kích thích đáp ứng miễn dịch, hoặc thông qua các cơ chế khác.

Chế độ ăn có thể là một yếu tố. Phơi nhiễm của trẻ sơ sinh với sản phẩm hàng ngày (cụ thể sữa bò và sữa protein beta casein), nitrate cao trong nước uống, và hấp thụ vitamin d thấp có liên quan tới tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1. Tiếp xúc sớm (< 4 tháng) hoặc muộn (> 7 tháng) với gluten và ngũ cốc tăng sản xuất tự kháng thể đảo tụy. Cơ chế cho những liên quan này chưa rõ ràng.

6. Những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1

Hiện tại vẫn chưa xác định được các nguy cơ rõ ràng của bệnh đái tháo đường tuýp 1. Những yếu cố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này là:

  • Tiền sử gia đình: bất cứ người nào có anh chị em hoặc cha hoặc mẹ bị bệnh đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Di truyền: một số loại gen có thể làm nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn.
  • Tuổi tác: mặc dù bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng nó thường xuất hiện ở hai thời điểm đáng chú ý nhất. Thời điểm đầu tiên xuất hiện ở trẻ em từ 4–7 tuổi và thời điểm thứ hai là ở trẻ em từ 10–14 tuổi.
tiểu đường tuýp 1

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm:

  • Tiếp xúc với một số virus, chẳng hạn như virus Epstein-Barr, virus Coxsackie, virus rubella và cytomegalovirus có thể gây hủy hoại hệ thống tự miễn dịch của các tế bào tiểu đảo, hoặc virus lây nhiễm trực tiếp sang các tế bào này
  • Sớm uống sữa bò
  • Nồng độ vitamin D thấp
  • Uống nước có chứa nhiều nitrat
  • Cho em bé tập ăn ngũ cốc và gluten sớm (trước 4 tháng) hoặc trễ (sau 7 tháng)
  • Có mẹ bị tiền sản giật trong giai đoạn mang thai
  • Bệnh vàng da bẩm sinh.

7. Kiểm soát và theo dõi vì đái tháo đường type 1

Phần lớn mọi người có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh với những lưu ý dưới đây: 

  • Theo chế độ ăn uống đặc biệt (giảm đường, tinh bột, các thực phẩm có chất tạo vị ngọt) và ăn nhẹ tại cùng một thời điểm vào mỗi ngày.
  • Tập thể dục và ngủ đầy đủ.
  • Đo đường huyết thường xuyên tại nhà. Hãy gọi cho bác sĩ nếu lượng đường huyết lên quá cao hoặc có các dấu hiệu của tăng đường huyết ( uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều, sụt cân)
  • Hãy gọi bác sĩ nếu bạn bị sốt, buồn nôn, nôn mửa
  • Đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn bị co giật, không thể đứng dậy hoặc bất tỉnh.
  • Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng insulin.
tiểu đường tuýp 1

8. Điều trị đái tháo đường tuýp 1

Ở thể bệnh này, bệnh có thể diễn biến xấu đi rất nhanh cho nên người được chẩn đoán mắc bệnh có thể cần được chữa trị tại bệnh viện. Bạn có thể cần phải kiểm tra lượng đường huyết mỗi tuần cho đến khi kiểm soát hoàn toàn.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 1, những phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 thông thường bao gồm:

8.1 Insulin

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1. Do đó, việc tiêm insulin là cách tốt nhất để kiểm soát nhanh chóng lượng đường trong máu của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể tự tiêm insulin ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, thường 2–3 lần mỗi ngày.

8.2 Chế độ dinh dưỡng đặc biệt

Cần có kiến thức về các thực phẩm và ảnh hưởng của mỗi loại lên đường huyết. Từ đó có thể xây dựng được kế hoạch ăn uống lành mạnh để giúp ổn định đường huyết. Hãy đến khám để được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa về đái tháo đường và chuyên gia dinh dưỡng.

Sử dụng các sản phẩm dành cho người tiểu đường như: Sữa cho người tiểu đườngbánh cho người tiểu đườngtrái cây tốt cho tiểu đường,...

8.3 Thay đổi lối sống

Các stress (căng thẳng) có thể khiến việc kiểm soát bệnh đái tháo đường trở nên khó khăn hơn, trong đó có vấn đề kiểm soát lượng đường trong máu và chăm sóc người bệnh mỗi ngày.

Hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc, duy trì các bài tập để thư giãn, tư vấn bởi bác sĩ là cách khắc phục để kiểm soát căng thẳng. Việc tập thể dục đều đặn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết, cần cân bằng liều lượng insulin, bữa ăn và cường độ tập luyện cho phù hợp.

Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO

Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.

Đánh giá bài viết này

(7 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm