Bán hạ là gì? Tác dụng và vị thuốc từ cây bán hạ
Bán hạ là một trong những loại thảo dược vô cùng quen thuộc được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc y học cổ truyền. Nếu bạn đang quan tâm đến công dụng và cách sử dụng vị thuốc bán hạ thì đừng bỏ qua bài viết sau đây của Medigo nhé.
Bán hạ là cây gì?
Bán hạ còn được gọi với nhiều cái tên khác như chưởng diệp bán hạ, cây chóc chuột, lá ha chìa, củ chóc… Loại thảo dược này thuộc họ Ráy (Araceae) và thường được chia thành 2 loại gồm:
- Bán hạ Việt Nam: Typhonium trilobatum (Schott), Typhonium divaricatum Decne (Arum divaricatum L., Arum trilobatum Lour)
- Bán hạ Trung Quốc: Pinellia tuberifera Tenore hay Pinellia ternata (Thunb) Breiter
Đặc điểm sinh thái
Bán hạ Việt Nam thuộc loài cỏ không có thân, cây có phần củ hình cầu đường kính khoảng 2cm. Lá cây có nhiều hình dạng như hình tim, hình mác hay chia thành nhiều thùy, chiều rộng 3,5 – 9cm và chiều dài 4 – 15cm. Hoa bán hạ còn có tên là bông mo, mọc thành từng cụm, phần hoa đực dài từ 5 – 9mm, màu sắc hoa là xanh pha lẫn đỏ tím, hoa cái nằm dưới, hoa đực nằm trên. Quả bán hạ là loại quả mọng dài khoảng 6mm, có hình trứng.
Khác với bán hạ Việt Nam, bán hạ Trung Quốc có thùy xẻ rõ và sâu hơn. Dù có tên gọi là bán hạ Trung Quốc, tuy nhiên một số nguồn cho rằng loại dược liệu này cũng được tìm thấy ở Lào Cai.
Ngoài ra còn có cây chưởng diệp bán hạ (Pinellia pedatisecta Schott) với điểm khác biệt so với những loài bán hạ trên đó là lá cây chia thành 9 thùy với đường khía sâu.
Bán hạ thuộc loài cỏ không có thân, củ hình cầu
Các loại cây bán hạ
Như đã nói ở trên, bán hạ được chia thành 2 nhóm chính là bán hạ bắc và bán hạ nam. Bán hạ bắc còn gọi là bán hạ Trung Quốc, là loài cây bản địa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện cây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ.
Còn bán hạ nam là loài bán hạ của Việt Nam, cây mọc hoang ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Đặc biệt là những khu vực ẩm thấp, trong các khu vườn hoặc dưới tán của các loài cây khác.
Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản
Cây thuốc bán hạ có bộ phận sử dụng chủ yếu là phần củ. Người ta thường thu hoạch củ bán hạ khi cây đã lụi, tức là vào giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9. Củ được đào lên, loại bỏ hết rễ và rửa sạch. Củ nhỏ được đặt tên là bán hạ, củ to được gọi là nam tinh, thường được dùng tươi thay vì chế biến khô, đặc biệt là khi dùng để đắp lên vết cắn của rắn độc.
Có một số phương pháp chế biến bán hạ như sau:
- Pháp bán hạ: Củ được thu hoạch và ngâm trong nước sạch 10 ngày, vớt ra khi thấy bột trắng nổi lên. Ngâm cùng bạch phàn với tỉ lệ 1kg bạch phàn cho 50kg củ bán hạ. Sau 1 ngày thì nếm thử bán hạ nếu không thấy cảm giác tê cay thì vớt ra. Phơi củ dưới bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Khương bán hạ: Sau khi chế biến thành công pháp bán hạ, bổ sung thêm bạch phàn và gừng tươi rồi đun tới khi thấm đều. Vớt dược liệu ra để ráo nước, sau đó cắt miếng nhỏ và mang đi phơi khô.
- Thanh bán hạ: Sau khi bào chế xong pháp bán hạ, bổ sung thêm nước sạch và bạch phàn rồi đun kỹ. Tiếp đó phơi ráo nước, ủ ấm và cắt thành từng miếng nhỏ. Cuối cùng phơi dưới bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Bán hạ khúc: Đun sôi củ bán hạ tươi trong nước sạch pha với phèn chua. Ngâm trong hỗn hợp qua đêm, hôm sau thay nước cũ bằng nước mới để ngâm tiếp. Đun đi đun lại trong 7 ngày 7 đêm liên tiếp, cuối cùng phơi khô và tán bột mịn.
Phương pháp chế biến cây thuốc bán hạ
Thành phần hóa học
Mỗi loại bán hạ nam và bán hạ bắc lại có những thành phần hóa học khác nhau:
- Bán hạ nam chứa các axit amin, axit hữu cơ, saponin, coumarin…
- Bán hạ bắc chứa phytosterol, alcaloid, alcol, chất nhầy, tinh bột, tinh dầu, chất cay…
Tác dụng của cây bán hạ
Theo y học cổ truyền
Bán hạ có độc, có vị cay và tính ấm, quy kinh phế, tỳ, vị. Loại dược liệu này có tác dụng táo thấp hòa đàm, tiêu bỉ tán kết, giáng nghịch cầm nôn. Do đó, người ta sử dụng bán hạ để điều trị các chứng như vị nhiệt ẩu thổ , ung thư thũng độc, hàn đàm thượng xung gây động phong, đàm hàn ẩm ẩu thổ, thấp đàm…
Theo y học hiện đại
Củ bán hạ sống có độc tính tuy nhiên một khi đã được chế biến kỹ càng thì mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thành phần gây độc tính của dược liệu không tan trong nước, không bị triệt tiêu bởi nước gừng đơn độc nhưng có thể dùng bạch phàn để triệt tiêu. Ngoài ra, các thành phần có khả năng giảm ho, chống nôn thì dễ hòa tan khi gặp nước ấm. Sau đây là một số công dụng của bán hạ theo y học hiện đại:
- Cầm nôn, chống nôn: Bán hạ nam được chế biến dạng nước cao lỏng, bột mịn, nước sắc ở nhiệt độ cao có tác dụng chống nôn và cấm nôn hiệu quả. Mặc dù vậy nếu dùng bán hạ sống thì lại gây ra buồn nôn và nôn.
- Chống nhiễm độc: Khi bị nhiễm độc strychnin hay acetylcholin có thể dùng bán hạ nam để giải độc.
- Ngăn ngừa và chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư: Ngâm Chưởng diệp lá ha chìa với nước hoặc cồn loãng có thể ngăn chặn sự sinh sôi của các tế bào ung thư. Nghiên cứu này đã được thử nghiệm trên động vật.
- Giảm ho: Sau khi dùng nước sắc từ bán hạ, tình trạng ho ở mèo được gây ho nhân tạo đã được cải thiện. Mặc dù vậy hiệu quả so với codein vẫn kém hơn.
Công dụng của bán hạ theo y học cổ truyền và hiện đại
Một số bài thuốc từ cây bán hạ
Điều trị mạch huyền, da mặt xanh xao, phong đàm, nấc cụt: Thiên nam tinh sống, hàn thủy mạch nướng và bán hạ sống mỗi loại 40g. Tán bột mịn các vị thuốc trên và trộn với nước, sau đó đem nấu đến khi vị thuốc nổi lên trên thì mang ra giã nát, hoàn thành viên cỡ bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 50 viên, có thể dùng với nước gừng để gia tăng công hiệu.
Điều trị hen suyễn do phong đàm gây buồn nôn, chóng mặt: Chuẩn bị 12g hùng hoàng, 40g bán hạ. Tiếp đó mang đi giã nhuyễn và trộn với nước gừng, vo thành từng viên nhỏ. Dùng 30 viên/lần, uống với nước gừng sẽ giúp gia tăng công hiệu của bài thuốc.
Điều trị ngực đầy, nhiều đờm: Nhuyễn thần sa, bán hạ mỗi vị 40g. Tán nhuyễn các vị thuốc trên và trộn cùng nước gừng, vo thành từng viên nhỏ. Dùng 1 muỗng canh thuốc/lần cùng với nước gừng.
Điều trị ong đốt, bọ cạp cắn: Tán bột mịn bán hạ và hòa với nước rồi thoa trực tiếp lên vết cắn.
Điều trị nhức đầu: 4g đinh hương, 280g bán hạ pha trộn với nước đến khi hỗn hợp đạt được độ nhớt vừa phải. Bọc hỗn hợp trên bằng giấy bạc rồi nướng chín. Tiếp đó trộn hỗn hợp đã nướng chín với nước gừng rồi tạo thành các viên nhỏ bằng cỡ hạt mè. Dùng 25 – 30 viên/lần, uống với trần bì.
Trị chứng nôn ọe, hồi hộp, chán ăn: 120g phục linh, 0,5kg gừng tươi, 0,5kg bán hạ, sắc lấy nước chia thành 3 phần. Uống khi nóng và uống hết trong ngày.
Lưu ý khi dùng bán hạ
- Sử dụng thuốc với liều lượng vừa đủ theo chỉ dẫn của thầy thuốc, mỗi lần uống nên dùng dạng thuốc tán, dạng viên hoặc dạng nước sắc từ 5 – 10g bán hạ.
- Dùng bán hạ phù hợp với tình trạng bệnh:
- Thanh bán hạ: Chuyên hóa đờm, bớt táo cay, dành cho trẻ em thực tích đàm trệ hoặc người suy nhược đờm nhiều.
- Pháp bán hạ: Tác dụng táo thấp hòa vị, phù hợp với người tỳ vị bất hòa hoặc tỳ hư thấp trệ.
- Bán hạ khúc: Có tính ôn táo, dùng cho người phế nhiệt, nôn do vị nhiệt, người mắc tiêu thực chỉ tả, hóa thấp kiện tỳ.
- Dùng bán hạ cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có thể gây chứng táo nhiệt.
- Bán hạ tăng khắc với ô đầu, không nên dùng chung
- Hạn chế dùng cho người bị âm hư, ho khan, khạc ra máu bởi có thể bị kích ứng với các thành phần của bán hạ.
- Ngâm bán hạ trong nước nóng đến khi loại bỏ hết nhớt để giảm độc tố
Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc bán hạ
Mặc dù có nhiều công dụng tuyệt vời song bán hạ là loại dược liệu có tồn tại độc tính. Vì vậy quy trình chế biến cần được thực hiện kỹ càng. Mong rằng bài viết trên đây của Medigo đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm