lcp

Đơn Buốt


Đơn buốt hay còn gọi là Đơn kim, Quỷ trâm thảo, Manh tràng thảo,... thuộc họ Cúc (Asteraceae) có danh pháp khoa học là Bidens pilosa L.. Trong y học, Đơn buốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ…thường dùng trong các trường hợp nóng trong người, cơ thể đau nhức, có vết thương hở…

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Đơn buốt sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Đơn buốt cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Đơn buốt

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đơn kim, Quỷ trâm thảo, Manh tràng thảo, Tử tô hoang, Cúc áo, Xuyến chi, Song nha lông.
  • Tên khoa học: Bidens pilosa L.
  • Họ: họ Cúc (Asteraceae).
  • Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, sốt rét, đau đầu, chữa ghẻ lở, vết thương mau lành.

Mô tả cây Đơn buốt

Đơn buốt là một loai cây cỏ mọc hằng năm thành bụi với chiều cao ở khoảng 0,4 – 1m hoặc có thể hơn. Cả phần thân và cành đều có các rãnh chạy dọc và có lông.

Lá đơn, mọc đối nhau và có cuống dài. Lá chét có hình mác, cuống ngắn, mép lá có hình răng cưa to, phần đáy hơi tròn. Lá chét có thể có lông thưa hay không. Phần cành rậm và thường mọc theo nhóm.

Cụm hoa tựa hình đầu, màu vàng, có gai, mọc đơn độc hoặc nhiều hơn ở đầu cành hay nách lá. Hoa có 3 hay 5 cánh màu trắng bao xung quanh nhụy vàng.

Phần nhụy hoa sẽ phát triển thành hạt với dạng quả bế, phần đầu hạt có gai. Những gai này sẽ giúp cây nhân giống bằng cách di chuyển theo gió hoặc bám vào người hay động vật. Đơn buốt nở hoa vào 2 mùa là từ tháng 3 – 5 hoặc từ tháng 8 – 10.

Đơn buốt

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây đơn buốt được cho là có nguồn gốc ở Ấn Độ, ngoài ra còn phổ biến ở các nước Châu Phi và Châu Âu. Ở nước ta có thể tìm thấy dược liệu ở bất cứ đâu. Từ các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đến Tây Nguyên rồi cả các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thu hoạch: Để thu hái cây với hàm lượng dược chất cao nhất, nên tiến hành vào giữa mùa hoa, tức là khoảng tháng 4 hoặc tháng 9. 

Chế biến: Đem cắt toàn cây trừ phần rễ rồi tiến hành rửa sạch. Có thể dùng tươi hay phơi khô để bảo quản dùng dần. 

Bộ phận sử dụng của Đơn buốt

Toàn cây (trừ rễ) được sử dụng làm dược liệu.

Đơn buốt

Thành phần hóa học

Sau đây là một số thành phần được tìm thấy trong dược liệu đơn buốt: methanol, aceton, nước, magie, mangan, phốt pho, canxi, crom, kẽm

Tác dụng của Đơn buốt

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị đắng, tính bình

Tác dụng: Có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ.

Theo y học hiện đại

Lượng tinh dầu có trong lá đơn buốt là một chất chống oxy hóa mạnh với khả năng kháng khuẩn và kháng nấm.

Hoạt chất polyynes và flavoness được tìm thấy trong dược liệu có tác dụng ức chế sự phát triển khối u ở những người mắc bệnh ung thư.

Polyynes cùng với cytopoloyne được cho là có thể hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Liều lượng và cách dùng Đơn buốt

Dược liệu có thể được dùng cả ở dạng tươi hay đã sơ chế khô. Cách phổ biến nhất là sắc lấy nước uống hay giã nát để đắp ngoài da. Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể linh hoạt kết hợp với các vị thuốc khác.

Ở dạng khô dược liệu thường được dùng với liều 4 – 16g khi làm thuốc sắc. Còn dùng điều trị ngoài da thì sẽ không kể đến liều lượng.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đơn buốt

Chữa ghẻ lở: Rau đơn buốt giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương là da sẽ mau lành.

Trị sốt rét, đau đầu: Nghiền lá ra để đắp.

Trị đau bụng: Lấy dịch lá uống.

Trị bỏng da do lửa hay bị bỏng nước sôi: Rau đơn buốt vò nát đắp lên da.

Chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Dùng khoảng 15 đốt cành cây đơn buốt, cắt nhỏ từng đoạn 5mm, cho vào túi nilon đập nát rồi cho vào ấm có vòi với lượng nước vừa đủ, đun sôi, dùng giấy cuộn thành ống lắp vào đầu vòi, cho vào mũi để hít hơi nước, hơi thuốc vào mũi, thỉnh thoảng hít cả vào miệng. Thời gian xông 10 – 15 phút. Xông liên tục 3 – 5 ngày, bệnh nặng có thể xông 7 – 10 ngày. Cần chú ý không dùng cho phụ nữ có thai.

Chữa côn trùng, ong đốt, rắn cắn, bò cạp đốt: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, đắp lên các tổn thương.

Chữa chấn thương, đau nhức: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, băng đắp lên tổn thương ở cơ bắp, khi khô lại dùng rượu nhạt nhỏ thêm vào bã thuốc.

Chữa mụn cơm: Dùng nhựa mủ cây đơn buốt đắp lên mụn cơm.

Mẩn ngứa: Đơn buốt thường dùng nấu nước (100-200g nấu với 4-5 lít nước) tắm trong trường hợp bị mẩn ngứa, bã xát kỹ lên vết mẩn. Thường chỉ dùng 1-2 lần là thấy kết quả.

Chữa đau răng: Lá tươi giã nát dùng đắp lên mi mắt khi bị đau mắt. Một số nơi dùng hoa ngâm rượu để ngậm.

Lưu ý khi sử dụng Đơn buốt

Đơn buốt là loại cây hút độc rất mạnh. Chính vì thế không nên thu hái cây mọc ở vùng đất chứa nhiều kim loại nặng hay độc tố để làm vị thuốc.

Tránh dùng cho phụ nữ mang thai. Đồng thời cần lưu ý nếu dùng dược liệu đắp trên da cần tránh ánh nắng mặt trời. Bởi nó rất dễ gây ra tình trạng cháy sạm da, sưng tấy hay kích ứng.

Bảo quản Đơn buốt

Dược liệu nếu đã được sơ chế khô cần bảo quản trong túi kín ở nơi khô ráo, thông thoáng.

 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đơn buốt. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này đồng thời có cách sử dụng Đơn buốt hiệu quả và an toàn nhất cho sức khỏe

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.