lcp

Hạt Lanh


Lanh thuộc họ Lanh (Linaceae) có danh pháp khoa học là Linum usitatissimum L.. Trong y học, Lanh có công dụng chữa đau mắt, ho, hen suyễn, cảm lạnh. Ngoài ra, Lanh còn có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết, phong hủi và đau dạ dày rất tốt.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Lanh sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Lanh cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Hạt Lanh

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Lanh
  • Tên khoa học: Linum usitatissimum L.
  • Họ:  họ Lanh (Linaceae).
  • Công dụng: Đau mắt, ho, hen suyễn, cảm lạnh, cầm máu, chữa băng huyết, phong hủi, đau dạ dày (hạt).

Mô tả cây Lanh

Cây thảo sống hằng năm, cao 40-70cm, nhẵn, chỉ phân nhánh ở phần trên. Lá mọc so le, hình ngọn giáo, dài 1-3cm, rộng 0,3cm, có ba gân. Hoa thường mọc riêng lẻ, mẫu 5; cánh hoa dài gấp ba lần lá đài, màu xanh lam. Quả nang có vách nhẵn, chia 10 ô chứa mỗi ô một hạt, hình trái xoan, dài, dẹp nhọn, bóng, màu nâu.

Hạt Lanh

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Các loài thuộc chi Linum L. hầu hết là cây thảo sống một năm hoặc cây bụi nhỏ, phân bố ở một số vùng thuộc khu vực ôn đới ấm, cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Một số loài được trồng làm cảnh như Linum bienne Mill. (L. angustifolium Huds.); L. grandiflorum Desf. hoặc được trồng để lấy dầu hạt như L. usitatissimum L. (cây lanh).

Thu hoạch: Người ta thường gieo trồng lanh vào tháng 10-11 và thu hoạch hạt vào tháng 2-4.

Chế biến: hạt lanh: rang chín rồi ăn, rang chín rồi xay nát thành bột để pha uống hoặc rang chín rồi xay sinh tố, xay hạt sống rồi cho vào bánh nướng cho chín đều, xay nát rồi nấu súp…

Bộ phận sử dụng của Lanh

Hạt - Semen Lini, thường gọi là á ma tử.

Hạt Lanh

Thành phần hóa học

Hạt lanh:

Hạt lanh chứa nước 6,6%, protein 20,3%, dầu béo 37,1%, carbohydrate 28,8%, chất xơ 4,8%, chất vô cơ 2,4%, Ca 0,17%, P 0,37%, Fe 2,7% mg/100g, carotene (tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế (100g), thiamin, riboflavin, niacin, acid pantothenic, cholin.

Hạt chứa nhiều glutelin, không có albumin. Các chất có N gồm proteose và pepton. Có nhiều arginine và acid glutamic. Các acid amin chính trong protein của hạt (tính theo g/16gN) là arginine 8,4g, histidine 1,5g, lysin 2,5g, tryptophan 1,5g, phenylalanine 5,6g, methionine 2,3g, threonine 5,1g, leucine 7g, isoleucine 4g và valin 7g. Các carbohydrate có trong hạt chủ yếu là đường (sucrose và raffinose), cellulose và chất nhầy. Chất nhầy là muối Ca.

Hạt còn chứa phytin 6,4% so với nguyên liệu đã loại chất béo, lecithin 0,88% so với toàn hạt, sáp, chất nhựa, các sắc tố, acid malic và các enzyme lipase, protease và diastase.

Hạt được sản xuất chủ yếu để ép dầu. Dầu ép nguội có màu vàng nhạt, dầu ép nóng có màu vàng nâu, đôi khi bị đục. Dầu hạt lanh chứa acid palmitic 8,2%, acid stearic 6,8%, acid arachidic 0,5%, acid oleic 13,9%, acid linoleic 14,4%, acid linolenic 56,2%.

Dầu hạt lanh:

Dầu hạt lanh chứa 25% phosphatide gồm lecithin và cephalin. Các acid béo trong phosphatid gồm lecithin và caphalin. Các acid béo trong các phosphatid toàn phần là acid palmitic 11%, acid stearic 11%, acid hexadecenoic 4%, acid oleic 34%, acid linoleic 20%, acid linolenic 17%.

Dầu hạt lanh còn chứa các chất sáp gồm acid stearic 18,7%, acid cerotic 32,5%, acol cerylic 43,1% và hydrocarbon. Các protein chính trong hạt là các globulin: linin và colinin.

Dầu lanh có chỉ số iod 190 cao hơn được coi là có chất lượng cao. Chỉ số iod trong dầu lanh cao hơn các dầu béo khác.

Hạt sau khi loại chất béo được dùng để chiết xuất chất nhầy với hiệu suất 3-10% được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm và ngành dược.

Lá, thân, rễ và hoa cũng có linamarin.

Tác dụng của Lanh

Theo y học cổ truyền

Hạt lanh có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận táo, khứ phong, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Là loại hạt giàu năng lượng (100g hạt này cung cấp hơn 500kcal).

Chứa nhiều omega 3 (bổ sung cho những người ăn chay hoặc không ăn được cá).

Là nguồn cung cấp protein lành mạnh từ thực vật.

Chứa nhiều vitamin (như vitamin B1, B6, E…) và khoáng chất (như Fe, K, Cu, Zn, Mn, Mg, P… và Folate).

Hàm lượng chất xơ dạng gel cao nên hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả hơn, đồng thời cũng giúp bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.

Giúp giảm cảm giác thèm ăn đường và hỗ trợ giảm cân.

Giúp da mịn và tóc khỏe mạnh (giảm khô da, xơ tóc).

Giúp cân bằng hooc môn.

Giảm lượng mỡ xấu trong cơ thể.

Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và giảm nguy cơ loãng xương.

Tốt cho phụ nữ mãn kinh.

Giúp giảm viêm, hạ huyết áp.

Hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường (khi ăn cần hỏi bác sĩ để được gia giảm lượng thuốc điều trị phù hợp).

Liều lượng và cách dùng Lanh

Hạt này không thể ăn sống mà cần chế biến chín trước khi ăn (nếu dùng sống sẽ gây độc cho cơ thể).

Có nhiều cách chế biến hạt lanh như: rang chín rồi ăn, rang chín rồi xay nát thành bột để pha uống hoặc rang chín rồi xay sinh tố, xay hạt sống rồi cho vào bánh nướng cho chín đều, xay nát rồi nấu súp…

Liều dùng: Mỗi ngày, mỗi người chỉ nên dùng khoảng 50 hạt trở xuống. Ngoài ra, với một số trường hợp cụ thể thì liều dùng có thể khác hơn, chẳng hạn như:

Với người tiểu đường type II thì mỗi ngày dùng 10 – 20 g bột hạt lanh (dùng liên tục 1 tháng thì giảm từ 8 – 20 % đường huyết).

Với người muốn giảm huyết áp thì ăn 30g hạt mỗi ngày và ăn trong 6 tháng thì mới thấy hiệu quả (trong quá trình ăn cần tuân thủ kết hợp dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ).

Lưu ý khi sử dụng Lanh

Các bà bầu không nên dùng.

Người đang gặp các vấn đề về đông máu không nên dùng.

Người đang bị viêm ruột, tắc ruột không nên dùng.

Người bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đường tiết niệu… cũng không nên dùng hoặc nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ.

Nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt cũng cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Người đang uống thuốc tiểu đường, thuốc tránh thai hoặc thuốc làm lỏng máu… cũng cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ để tránh tương tác thuốc.

Những người bị bệnh rối loạn lưỡng cực và rối loạn đông máu không nên dùng.

Bảo quản Lanh

Bảo quản hạt nơi khô thoáng. Với dầu hạt, nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Lanh. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm