lcp

Mướp đắng: Tác dụng, cách dùng và lưu ý


Mướp đắng hay còn gọi là Khổ qua, Mướp mủ, Lương qua, Chưa rao (Mường), Cẩm lệ chi, Mác khấy (Tày) thuộc họ Bầu bí với danh pháp khoa học là Cucurbitaceae. Mướp đắng không đơn thuần là một loại thực phẩm thông thường mà còn có nhiều đặc tính dược lý. Với vị đắng, tính lạnh, công dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền, tiêu khát, minh mục, mướp đắng được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, đau mắt đỏ, viêm họng, cảm cúm, nóng trong người.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Mướp đắng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Mướp đắng cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Khổ qua, Mướp mủ, Lương qua, Chưa rao (Mường), Cẩm lệ chi, Mác khấy (Tày).
  • Tên khoa học: Momordica charantia L.
  • Họ:  Cucurbitaceae ( Bầu bí).
  • Công dụng: Chữa ho, tả, lỵ, giun, dễ tiêu, tê thấp (Quả). Lòi dom (Lá giã đắp). Rôm sảy (Quả nấu nước tắm). Bệnh về gan và lá lách. Ở Ấn Độ, quả và lá chữa trẻ, hủi, vàng da và tẩy giun.

Mô tả cây Mướp đắng

Mướp đắng là một loại dây leo, thân có góc cạnh, ở ngọn hơi có lông tơ. Lá mọc so le, dài 5- 10cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia 5-7 thuỳ hình trứng, mép có răng cưa đều, mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, trên gân lá có lông ngắn.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, đực cái cùng gốc, có cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt, đường kính của hoa chừng 2cm.

Quả hình thoi dài 8-15cm, trên mặt có nhiều u nổi lên, quả chưa chín có màu vàng xanh, khi chín có màu vàng hồng, trong quả có hạt dẹt dài 13-15mm, rộng 7-8mm, trông gần giống hạt bí ngô, quanh hạt có màng màu đỏ máu như màng gấc.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Mướp đắng được trồng ở khắp các tỉnh trong nước ta, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Thường người ta trồng để lấy quả nấu ăn cho mát (giải nhiệt). Mùa quả ở miền Bắc các tháng 5-6-1.

Còn thấy mọc ở miền nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô, Triết Giang). Tại một số nước Đông Nam Châu Á như Ấn Độ, Malaixia, Philippin cũng thấy có.

Loài cổ nhiệt đới, được trồng phổ biến để lấy quả làm rau ăn. Nếu dùng làm thuốc thì chọn quả vàng lục, dùng tươi. Nếu cần hạt thì lấy ở những quả chín, phơi khô. Lá, rễ thường dùng tươi.

Bộ phận sử dụng của Mướp đắng

Thường người ta dùng quả tươi. Hạt phơi khô và lá làm thuốc.

Thành phần hóa học

Quả có chứa một chất glucozit đắng gọi là momordicoside. Ngoài ra còn có vitamin B, C, betain, protein (0,6%).

Hạt có chất dầu và một chất đắng chưa xác định. Năm 1950, Airan J. w. và N. D. Gatge (Ấn Độ) có nghiên cứu dầu và khô dầu hạt mướp đắng (Chemical examination of Korlaplants- Chrrent Sci. India, 10.1950).

Tác dụng của Mướp đắng

Theo y học cổ truyền

Vị đắng, tính lạnh. Quy vào kinh Tâm, Can, Tỳ, Vị.

Công dụng: Giải lao, minh mục, trừ nhiệt, giải phiền, thanh tâm, ích khí, chỉ khát, trừ độc khí đơn hỏa.

Chủ trị: Chứng phong nhiệt, hạ lỵ, tiêu khát, phiền nhiệt, viêm đường tiết niệu cấp, sỏi đường tiết niệu, đau mắt đỏ, sốt cao, bệnh tiểu đường,…

Theo y học hiện đại

Thực nghiệm trên thỏ nuôi nhận thấy nước cốt từ dược liệu có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt.

Nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy cơ chế hạ đường huyết của khổ qua bằng cách cải thiện khả năng dung nạp đường và hạn chế lượng đường tích tụ trong máu.

Ngoài ra, mướp đắng còn có khả năng làm chậm tiến triển và ngăn chặn các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật trong mướp đắng có tác dụng kích thích vị giác và tăng cường chức năng tiêu hóa.

Vitamin C trong dược liệu có tác dụng chống các chất oxy hóa như superoxyd, 1-diphenyl-2-picrylhydrazyl,…, bảo vệ màng tế bào và nâng cao khả năng miễn dịch.

Hạt và quả khổ qua có khả năng hoạt tính guanylate cyclase của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Các glucoside trong mướp đắng có tác dụng chống tế bào ung thư đang phát triển, ức chế vi khuẩn và một số loại virus gây nhiễm trùng.

Tiêu trừ các gốc tự do giúp ngăn ngừa lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh như rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao và một số bệnh tim mạch khác.

Dùng mặt nạ từ mướp đắng có tác dụng dưỡng ẩm da, kháng viêm và giảm mụn trứng cá.

Hợp chất thực vật và chất xơ trong dược liệu có tác dụng hạn chế tích trữ chất béo và hỗ trợ quá trình thải độc của gan.

Hàm lượng vitamin A trong mướp đắng có tác dụng cải thiện thị lực và tăng tốc độ hồi phục tổn thương.

Cao từ lá và rễ của dược liệu có khả năng ức chế siêu vi bại liệt, virus HIV, vi khuẩn Pseudomonas, Herpes simplex I,…

Protein trong cây có hoạt tính chống sinh sản và giảm khả năng thụ thai ở chuột đực thực nghiệm. Chó đực dùng 1.7g cao khổ qua/ ngày có thể làm tổn thương tinh hoàn và giảm khả năng sản sinh tinh trùng.

Quả mướp đắng chín có tác dụng sinh kinh nguyệt.

Thực nghiệm trên chuột có thai cho thấy, chuột uống nước sắc mướp đắng với liều 6ml/ kg trọng lượng bị chảy máu tử cung và chết sau đó khoảng vài giờ. Tuy nhiên tình trạng này không xảy với động vật không có thai.

Liều lượng và cách dùng Mướp đắng

Ở nước ta, ngoài công dụng làm thức ăn (nấu với thịt làm canh), mướp đắng còn được dùng làm một vị thuốc mát chữa ho, tắm cho trẻ trừ rôm sẩy, chữa sốt.

Theo sách cổ đông y mướp đắng có vị đắng (khổ), tính hàn, không có độc. Ngày dùng chừng 2 quả bỏ hết hạt, nấu mà ăn.

Hạt dùng với liều 3g hạt khô, dưới dạng thuốc sắc. Tại nhiều nước khác cũng dùng mướp đắng làm thuốc. Ví dụ tại Poocto-Ricô (một nước gần Cuba, Châu Mỹ), mướp đắng được dùng chữa bệnh đái đường (Rivera c., 1941. Preliminary Chemical and pharmacological studies cundeamer Momordica charantia Linn-Amer, J.

Tại Ấn Độ, nước ép của lá dùng làm thuốc gây nôn, thuốc tẩy trong những bệnh về đường mật, nó có tác dụng chữa giun.

Bài thuốc chữa bệnh từ Mướp đắng

1. Nước tắm cho trẻ con nhiều rôm sẩy:

Mướp đắng 2-3 quả nấu với nước để tắm cho trẻ em. Ngày 1 lần.

2. Chữa ho:

Mướp đắng 1-2 quả, nấu với nước mà uống làm 1 hay 2 lần trong ngày.

3. Chữa đái tháo đường không phụ thuộc insulin:

Quả mướp đắng còn xanh, thái mỏng, phơi khô tán bột. Ngày uống 12-20g, chia làm 2-3 lần, uống sau bữa ăn với nước

4. Chữa chốc đầu trẻ em:

Dùng lá đào nấu nước gội, rồi giã nát quả và hạt mướp đắng bôi

5. Chữa thấp khớp:

Dây lá mướp đắng, dây đau xương (sao rượu), cây xấu hổ (sao), rễ nhàu, cỏ xước, vòi voi (sao), cối xay mỗi vị 8g, rễ ngũ trảo 5g, quế chi 4g, gừng sống 3g, dây thần thông 2g. Sắc uống ngày 1 thang

Lưu ý khi sử dụng Mướp đắng

Quả mướp đắng thường được sử dụng làm thực phẩm và hầu như không có độc tính. Dùng cao khổ qua ở liều điều trị 50ml/ ngày thường không làm phát sinh bất cứ phản ứng có hại nào.

Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra tác hại trong một số trường hợp sau:

  • Hạn chế dùng món ăn từ mướp đắng cho người có đường huyết thấp. Nếu bổ sung mướp đắng thường xuyên, nên uống trà mật ong kèm theo để tránh hạ đường huyết quá mức.
  • Không dùng khổ qua cho phụ nữ mang thai vì có nguy cơ gây hư thai và xuất huyết.
  • Khổ qua có tính lạnh, dùng cho người Tỳ Vị hư hàn dễ bị đau bụng và thổ tả.

Hạt khổ qua chứa nhiều đặc tính dược lý. Tuy nhiên các nghiên cứu về dược liệu này còn hạn chế, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.

Bảo quản Mướp đắng

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh để bị ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Mướp đắng. Mướp đắng là dược liệu đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên trước khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được cân chỉnh về liều lượng và tần suất sử dụng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm