lcp

Cây Quýt


Quýt hay còn gọi là Thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì (vỏ quýt chín), quyết, hoàng quyết thuộc họ Cam với danh pháp khoa học là Rutaceae. Loại thực phẩm này không chỉ là nguyên liệu dùng để chế nên các món ăn ngon và hấp dẫn mà còn là một vị thuốc Đông y khá độc đáo. Trong y học, Quýt có tác dụng kiện tỳ, điều hòa khí huyết và tiêu đờm, thường được dùng chữa đầy bụng, tiêu chảy, nôn mửa,.. và nhiều triệu chứng bệnh lý khác.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Quýt sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Quýt cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
 

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Quýt, Thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì (vỏ quýt chín), quyết, hoàng quyết.
  • Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco.
  • Họ: Cam (Rutaceae)
  • Công dụng: Quýt có tác dụng kiện tỳ, điều hòa khí huyết và tiêu đờm, thường được dùng chữa đầy bụng, tiêu chảy, nôn mửa,.. và nhiều triệu chứng bệnh lý khác.

Mô tả cây Quýt

Cây nhỡ, cao khoảng 3 m. Cành cứng, tiết diện gần tròn, dai, nhẵn, thỉnh thoảng có gai nhọn dài khoảng 8 mm. Lá mọc so le, hình xoan, dài 7-10 cm, rộng 3,5- 4,5 cm, gốc thuôn, đầu tù hoặc có khuyết lõm. Bìa lá nguyên ở nửa dưới, có khía cạn ở nửa trên, mặt trên nhẵn bóng, khoảng 6-7 gân phụ rõ ở mặt dưới, thịt lá có nhiều đốm nhỏ nhìn rõ qua ánh sáng. Cuống lá khoảng 1-1,5 cm, có cánh khá ngắn. Quả gần hình cầu, dẹt, kích thước khoảng 6x8 cm, vỏ quả mỏng và đáy quả hơi lõm xuống, khi non màu xanh bóng, chín màu vàng sẫm, vỏ quả có nhiều đốm tròn nhỏ (do sự có mặt của túi tiết rất lớn), cơm quả ngọt, chua và thơm.

Cây Quýt

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây có nguồn gốc ở Ấn Ðộ và Trung Quốc, được trồng khắp nơi để lấy quả. Ở Việt Nam được trồng nhiều nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Giang…

Thu hái quả chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm Trần bì, Trần bì để càng lâu càng tốt; để lấy vỏ quả ngoài gọt hết lớp vỏ trong; quả còn xanh bóc lấy vỏ phơi khô dùng làm Thanh bì. Hạt Quýt lấy ở quả chín phơi khô làm Quất hạch.

Cây Quýt

Bộ phận sử dụng của Quýt

Vỏ quả (Pericarpium Citri reticulatae). Trần bì: vỏ quả chín đã phơi hoặc sấy khô và để lâu năm, thanh bì: vỏ quả xanh, quất hồng: vỏ ngoài của quả.

Nhiều loài khác như quýt giấy, quýt tàu, quýt hôi và vỏ cam cũng được dùng.

Vỏ quả sau khi sấy khô cuốn lại hoặc quăn, dày 1-1,5 mm, có mảnh còn vết tích của cuống quả. Mặt ngoài màu vàng nâu hay nâu nhạt, có nhiều chấm màu sẫm hơn và lõm xuống (túi tiết). Mặt trong xốp, màu trắng ngà hoặc hồng nhạt, thường lộn ra ngoài. Vỏ nhẹ, giòn, dễ bẻ gãy. Mùi thơm, vị hơi đắng, cay.

Cây Quýt

Thành phần hóa học

Trong vỏ có 2 loại dầu, loại dầu cam 0,50% và loại dầu cam rụng 0,50%.

Thành phần chính trong dầu là d và dl-limonen 78,5%, d và dl-limonene 2,5% tương ứng với 2 loại dầu và linalool 15,4%. Còn có một ít citrale, các aldehyde nonylic và decylic và chừng 1% methyl anthranilate methyl.

Dịch của quả chứa đường và acid amin tự do, acid citric, vitamin C, caroten. Lá cũng chứa 0,5% tinh dầu.

Hạt cũng có tinh dầu.

Tác dụng của Quýt

Theo y học cổ truyền

Tính vị

Vị đắng, cay và tính ấm

Quy kinh

Phế và Tỳ

Theo Trung Dược Học, tinh dầu trần bì có công dụng kích thích đường tiêu hóa, giúp ruột bài khí tích trệ ra ngoài một cách dễ dàng. Đồng thời giúp tăng tiết dịch vị và làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột.

Theo y học hiện đại

Tác dụng ức chế mạnh cơ trơn của ruột nên chống co thắt, tác dụng của thuốc là trực tiếp lên cơ trơn. So sánh với Trần bì thì Thanh bì làm giãn cơ trơn của ruột mạnh hơn. Tinh dầu của thuốc có tác dụng kích thích ôn hòa lên ruột làm tăng tiết dịch tiêu hóa và bài khí tích trệ trong ruột.

Chích tĩnh mạch dịch Thanh bì hoặc nước sắc thuốc bơm vào tá tràng làm tăng tiết mật rõ rệt ở chuột cống, chứng minh thuốc có tác dụng lợi mật.

Tinh dầu của Thanh bì có tác dụng hóa đàm. Thanh bì có tác dụng kháng Histamin, chống co thắt khí quản làm giảm cơn suyễn.

Thanh bì chích tĩnh mạch cho súc vật thực nghiệm làm tăng nhanh huyết áp và duy trì thời gian dài, nhờ vậy mà thuốc có tác dụng chống choáng. Thuốc còn có tác dụng cải thiện nhịp nhanh trên thất.

Liều lượng và cách dùng Quýt

Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm trà uống. Liều lượng tối đa mỗi ngày 4 – 12 gram.

Bài thuốc chữa bệnh từ Quýt

Chữa nôn mửa, ợ hơi, đau bụng, kém tiêu hoặc buồn nôn: Trần bì, Hoắc hương đều 8g Gừng sống 3 miếng, sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Chữa ho mất tiếng: Trần bì 12g sắc với 200ml nước, còn 100ml; thêm đường để vừa ngọt, uống dần trong ngày (Dược liệu Việt Nam).

Chữa ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, đi lỏng: Củ Sả 12g, Trần bì 16g, Sơn tra (sao cháy) 12g, sắc với 500ml nước, còn 200ml. Người lớn chia 2 lần uống trong ngày, trẻ em tuỳ tuổi chia 3-4 lần uống (Dược liệu Việt Nam).

Chữa đau sưng tinh hoàn: Hạt Quýt 12-20g sắc lên, pha thêm chút rượu vào uống (Nam dược thần hiệu).

Chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa: Hột Quýt 16g sắc uống (Lê Trần Ðức).

Chữa hông sườn đau tức hay vú sưng đau: Thanh bì tán nhỏ, uống mỗi lần 4g, ngày uống 2-3 lần, hoặc sắc lá Quýt 20g, dùng uống (Lê Trần Ðức).

Sốt rét: Vỏ Quýt đốt thành than tán nhỏ, uống với rượu hâm nóng mỗi lần 4g, uống trong 5-7 ngày (Sổ tay cây thuốc).

Chữa ngoại thương, nội thương, tứ mùa cảm mạo, ho nóng, sốt rét, rối loạn tiêu hoá, trúng thực, ỉa chảy: Vỏ Quýt để lâu năm (sao) 25%, lá và búp ổi (sao) 25%, Gừng khô (sao) 25%, củ Bồ bồ nướng 15%, Hậu phác 10%, các vị hoà chung, tán bột nhuyễn, mỗi lần uống một muỗng cà phê, ngày uống 2-3 lần (Kinh nghiệm tâm đắc ở An Giang).

Lưu ý khi sử dụng Quýt

Có rất ít tài liệu ghi chép về tác dụng phụ của trần bì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng vị thuốc thiên nhiên này với liều lượng lớn và thời gian dài có thể gây tổn hại đến nguyên khí. Vì vậy, trong quá trình sử dụng trần bì điều trị bệnh, người bệnh nên thông báo ngay cho thầy thuốc nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường. Một số trường hợp sau đây nên thận trọng khi sử dụng trần bì chữa bệnh:

  • Người thực nhiệt
  • Khí hư
  • Ho khan
  • Thổ huyết
  • Âm hư

Bảo quản Quýt

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Quýt. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm