Điều trị HPV: Khi đã nhiễm có thể điều trị dứt điểm?
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Chẩn đoán nhiễm HPV qua xét nghiệm nào?
Các bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán HPV nếu người bệnh đã có sang thương mụn cơm (warts) ở bộ phận sinh dục hay các bộ phận khác.
Trong trường hợp người nhiễm HPV chưa có triệu chứng sang thương, bác sĩ sẽ chỉ định nhóm cận lâm sàng sau để chẩn đoán, bao gồm:
- Pap’s smear: Phết tế bào cổ tử cung là xét nghiệm phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung, cũng như tình trạng loạn sản tế bào tử cung (cervical dysplasia) do HPV gây ra.
- Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm tìm sự hiện diện của HPV nguy cơ cao dẫn đến Ung thư cổ tử cung (UTCTC) nhằm theo dõi và can thiệp kịp thời.
- Test xét nghiệm cổ tử cung với Acid acetic (VIA): Giúp bác sĩ quan sát sang thương vùng cổ tử cung sau phết acid acetic, từ đó đưa ra kết luận và điều trị.
- Thủ thuật soi cổ tử cung (Colposcopy): Trong trường hợp kết quả Pap’s smear cho thấy dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi cổ tử cung để quan sát, lấy mẫu sinh thiết và gửi giải phẫu bệnh nhằm đánh giá bản chất của sang thương.
Các phương pháp điều trị HPV
Điều trị mụn cơm do HPV
Sang thương mụn cơm do HPV gây nên có thể tự lành mà không cần can thiệp, nhất là với nhóm đối tượng trẻ em. Để điều trị triệu chứng, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc bôi trực tiếp sau, bao gồm:
- Acid salicylic: Hoạt chất acid salicylic có tác dụng giúp các lớp tế bào của mụn cóc thông thường bong dần theo thời gian. Hạn chế không sử dụng trên vùng mặt.
- Imiquimod: Hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus HPV, từ đó đẩy lùi triệu chứng trên da. Tác dụng phụ của hoạt chất này sẽ gây đỏ hoặc sưng vùng sang thương sau khi bôi. Thuốc cần có đơn kê toa của bác sĩ.
- Podofilox: Hoạt chất có tác dụng phá huỷ tế bào của sang thương mụn cơm, do đó dễ gây châm chích và nóng rát. Thuốc cần có đơn kê toa của bác sĩ.
- Acid trichloroacetic: Phương pháp này gây đốt và tiêu biến mụn cơm ở vùng bàn tay, do đó có thể gây châm chích vùng điều trị.
Phẫu trị
Trong trường hợp thất bại khi điều trị sang thương HPV bằng thuốc, bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định 1 số thủ thuật sau để loại bỏ chúng:
- Phương pháp áp lạnh (Cryotherapy)
- Phương pháp đốt điện (Electrocautery)
- Phẫu thuật cắt bỏ
- Phương pháp đốt điện bằng tia laser
Đối với bệnh nhân nữ có kết quả HPV hay Pap’s smear test bất thường, các bác sĩ sẽ tiến hành soi cổ tử cung (colposcopy) và sinh thiết lấy mẫu để tầm soát thêm.
Từ giai đoạn tổn thương tiền ung thư (precancerous), bác sĩ điều trị sẽ chỉ định phẫu thuật dựa vào giai đoạn và mức độ di căn, các phương pháp bao gồm:
- Thủ thuật khoét chóp (LEEP): Dành cho dạng tổn thương tiền ung
- Phẫu thuật cắt tử cung toàn phần: Dành cho tổn thương tiền ung hoặc di căn giai đoạn sớm
- Phẫu thuật tiêu chuẩn: Dành cho các giai đoạn xâm lấn sớm, bao gồm phẫu thuật cắt tử cung kèm cắt rộng chu vi và mô cạnh âm đạo, nạo vét hạch chậu 2 bên.
Bên cạnh phẫu trị, xạ trị có thể chỉ định đơn lẻ hay kết hợp chung, dành cho các trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn. Riêng về hoá trị đã được chứng minh vai trò giảm tỷ lệ tái phát, tăng sống còn cho bệnh nhân giai đoạn tiến xa khi phối hợp cùng 2 phương pháp trên.
Sau điều trị, bệnh nhân sẽ tái khám mỗi 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng lần trong 3 năm tiếp theo và mỗi năm 1 lần sau 5 năm.
Khi nào đã điều trị dứt điểm HPV?
Là một bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc da-kề-da (skin-to-skin contact), HPV khi lây truyền từ người bệnh có thể tồn tại rất lâu trong trong cơ thể. Với người lành mang bệnh, bạn có thể không có triệu chứng và không cần điều trị.
Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng hoặc kết quả cận lâm sàng cho thấy bất thường ở cổ tử cung, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định các phương pháp đã đề cập, kết hợp tầm soát sau đó định kỳ.
Sau khi điều trị các tổn thương do HPV gây ra, nếu trong vòng 1 đến 2 năm không tái phát triệu chứng, người bệnh được xem như đã đào thải HPV hoàn toàn. Tuy nhiên, những trường hợp tái phát sau đó vẫn xảy ra dù không ghi nhận tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Chính vì lý do này, tuân thủ điều trì kèm duy trì sức đề kháng sẽ tiên quyết giúp hạn chế khả năng tái phát tối đa.
Lưu ý gì người có nguy cơ cao nhiễm HPV
Phòng ngừa là cách hữu hiệu nhất để tránh lây nhiễm HPV, khi chưa có phương pháp điều trị triệt để.
Có hai biện pháp phòng ngừa:
- Phòng ngừa nguyên phát là tiêm ngừa vaccine HPV (Gardasil 9) được FDA khuyến cáo cho trẻ nam và nữ ở độ tuổi 11-12, mỗi mũi cách nhau khoảng 6 tháng.
- Phòng ngừa thứ phát là tầm soát bằng xét nghiệm đối với phụ nữ từ 21 tuổi đến hết 65 tuổi (nếu có 2 lần phết tế bào cổ tử cung Pap’s hay co-testing âm tính, hoặc đã phẫu thuật cắt tử cung do bệnh lành).
Bên cạnh đó, quan hệ tình dục an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn tránh được các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HPV lẫn phát hiện, điều trị kịp thời.
Nguồn bài viết:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hpv-infection/diagnosis-treatment/drc-20351602
- https://www.webmd.com/sexual-conditions/hpv-genital-warts/hpv-treatment-is-there-hpv-cure
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11901-hpv-human-papilloma-virus
- Điều trị Ung thư Cổ tử cung - Bài giảng ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm