Stress là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua stress
Ngày cập nhật
1. Stress là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, stress được định nghĩa là một trạng thái lo lắng hay căng thẳng tinh thần quá mức do một tình huống khó khăn nào đó gây ra, chẳng hạn như áp lực về công việc, vấn đề tài chính, sức khỏe hay mối quan hệ(1).
Lúc này, cơ thể sẽ tăng tiết ra các hormone như cortisol, epinephrine hay norepinephrine, từ đó gây ra các phản ứng vật lý như tăng huyết áp, đổ mồ hôi hay tăng cường khả năng hoạt động của cơ bắp.
>> Lo lắng không biết bản thân có đang bị stress hay không? Giải tỏa ngay với chuyên gia tâm lý!
Stress là trạng thái lo lắng hay căng thẳng do một hay kết hợp nhiều nguyên nhân gây ra
Phản ứng căng thẳng giúp cơ thể bạn thích nghi với những tình huống mới, tạo động lực cũng như tăng độ tỉnh táo. Tuy nhiên, nếu chúng diễn ra liên tục mà không có sự thuyên giảm thì có thể gây các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm(2).
Bất kỳ ai cũng có thể bị stress, đặc biệt là những người cầu toàn thường dễ bị stress hơn người bình thường. Trong đó, stress được phân thành 3 nhóm chính:
- Cấp tính: tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian ngắn, đến và đi một cách nhanh chóng.
- Cấp tính kéo dài: các triệu chứng tương tự như stress cấp tính, tuy nhiên chúng diễn ra thường xuyên theo từng giai đoạn và biến mất sau vài ngày.
- Mãn tính: đây là loại căng thẳng kéo dài, lặp đi lặp lại hàng tuần hay hàng tháng.
2. Nguyên nhân stress
Biết được nguyên nhân gây stress là bước đầu tiên để kiểm soát và phòng ngừa stress hiệu quả. Căng thẳng có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể là(3):
- Do vấn đề trong công việc: bạn rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng nếu khối lượng công việc quá lớn, làm công việc không yêu thích, bất đồng quan điểm với cấp trên, mâu thuẫn với đồng nghiệp, lo lắng về cơ hội thăng tiến hay nguy cơ bị sa thải.
- Do vấn đề tình cảm: các sự kiện đau buồn như mất người thân, chia tay, ly hôn hay kết hôn đều có thể tác động đến tâm lý của con người.
- Do bản thân: căng thẳng có thể xuất phát từ những nguyên nhân bên trong con người như sự kỳ vọng quá mức vào bản thân, sợ hãi khi phải đi đối mặt với vấn đề khó khăn nào đó. Ngoài ra, bạn rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng khi gặp chấn thương, mắc bệnh mãn tính hay khi bước vào độ tuổi dậy thì, tiền mãn kinh.
- Do các vấn đề khác trong cuộc sống: sự thay đổi về chỗ ở, tắc nghẽn giao thông, thiên tai, ô nhiễm không khí hay trộm cướp cũng là những nguyên nhân dẫn đến stress.
Sự thay đổi đột ngột về chỗ ở dễ khiến cho bạn rơi vào trạng thái căng thẳng
3. Dấu hiệu của stress
Người bị stress thường thấy xuất hiện các dấu hiệu về thể chất, tâm lý và hành vi, cụ thể là(4):
- Triệu chứng thực thể: nhức đầu, chóng mặt, run rẩy, tăng nhịp tim, khó thở, kiệt sức, khó ngủ, căng cơ, nghiến chặt hàm, rối loạn tiêu hóa hay tăng huyết áp,...
- Triệu chứng nhận thức: không có khả năng tập trung, lú lẫn, sa sút trí tuệ, thiếu quyết đoán trong học tập và công việc.
- Triệu chứng hành vi: khóc lóc, cắn móng tay, không ăn hay ăn quá nhiều, dùng nhiều rượu, thuốc lá, thậm chí là ma túy để giải tỏa căng thẳng.
- Triệu chứng cảm xúc: bồn chồn, lo lắng, sợ hãi quá mức, dễ tức giận, kích động, hoảng loạn hay u sầu.
Trong đó, các dấu hiệu bạn bị stress nghiêm trọng được chuyên gia cho rằng là cắn móng tay, đau cơ, nghiến răng thường xuyên, phát ban, đãng trí, chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4. Hậu quả của stress
Căng thẳng ở mức độ nhẹ giúp cho bạn có thêm động lực để cố gắng hơn nữa, thế nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khỏe(5):
- Bệnh tim mạch: stress diễn ra thường xuyên hoặc ở trạng thái mãn tính sẽ khiến cho tim của bạn làm việc quá sức, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim hay đột quỵ.
Stress diễn ra thường xuyên và kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Tăng đường huyết: thông qua việc kích thích gan giải phóng nhiều đường glucose vào máu hơn mức bình thường, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
- Trầm cảm: stress mãn tính sẽ khiến cho bạn suy sụp về mặt cảm xúc và dễ dẫn đến trầm cảm.
- Suy yếu hệ miễn dịch: những người cảm thấy căng thẳng thường xuyên được đánh giá là dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường.
- Rối loạn tiêu hóa: stress làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn H. pylori, đồng thời làm nặng thêm vết loét. Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của thức ăn trong cơ thể, gây ra hiện tượng đau bụng, buồn nôn, ợ chua, tiêu chảy hay táo bón.
- Mất ngủ: cảm giác bồn chồn, lo lắng khiến cho bạn khó đi vào giấc ngủ cũng như ngủ không đủ giấc hay sâu giấc.
- Đau cơ: để đối phó lại với tình trạng căng thẳng, các cơ có xu hướng căng lên hơn mức bình thường gây đau lưng, đau nhức vai gáy hay đau đầu.
- Mất kinh hay rối loạn cương dương: phụ nữ có khả năng bi rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí là mất kinh do stress gây ra. Còn nam giới có thể bị rối loạn cương dương hay liệt dương.
5. Hướng dẫn cách phòng ngừa và điều trị căng thẳng hiệu quả
5.1. Điều trị stress
Tùy thuộc vào biểu hiện và mức độ căng thẳng mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị dưới đây(6):
- Tâm lý trị liệu: liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) hay phương pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) sẽ giúp bạn hướng đến những suy nghĩ tích cực hơn, từ đó làm giảm mức độ căng thẳng.
- Dùng thuốc: các loại thuốc như thuốc hỗ trợ giấc ngủ, thuốc chống trầm cảm, lo âu, thuốc kháng axit thường được bác sĩ kê đơn đẻ kiểm soát các triệu chứng do stress gây ra.
- Thuốc bổ sung: một số phương pháp bổ sung hữu ích để giảm stress như châm cứu, xoa bóp, yoga, trị liệu bằng dầu thơm hay thiền định.
Các biện pháp như ngồi thiền hay yoga giúp giảm stress hiệu quả
5.2. Phòng ngừa và làm giảm stress hiệu quả
Để phòng ngừa căng thẳng cũng như giúp có một cuộc sống an nhiên và hạnh phúc, bạn hãy chủ động áp dụng các biện pháp bên dưới:
- Bạn cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung chất xơ, rau xanh và các loại thực phẩm hỗ trợ giảm căng thẳng hiệu quả như socola, kiwi, cá hồi, bột yến mạch, trà xanh,... và hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá.
- Hoạt động thể chất có tác dụng rất tốt trong việc giảm căng thẳng do giúp sản sinh ra nhiều hormone vui vẻ dopamine và serotonin, chính vì vậy bạn nên thực hiện các hoạt động vận động nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ, chơi cầu lông hay đơn giản là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn.
- Bạn có thể thực hành các bài tập hít thở sâu, luyện tập yoga hay thiền định để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tuần hoàn máu cũng như để giải tỏa những căng thẳng.
- Trò chuyện, chia sẻ với người thân hay bạn bè về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cũng là một cách để giảm bớt lo lắng, căng thẳng.
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ bằng các tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đồng thời sắp xếp thời gian làm việc cũng như nghỉ ngơi hợp lý.
Tổng kết
Hy vọng bài viết trên của Medigo đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích về tình trạng phổ biến hiện nay là stress. Stress diễn ra trong thời gian ngắn không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu chúng kéo dài thì rất dẫn đến những hệ lụy không tốt cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng căng thẳng ảnh hưởng quá mức đến sinh hoạt hằng ngày thì bạn cần thăm khám ngay lập tức hay bạn có thể liên hệ với bác sĩ Medigo để được tư vấn trực tuyến nhanh nhất.
>> Xem ngay review về các app tư vấn bác sĩ online phổ biến hiện nay
Tốt nghiệp khoa dược tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược. Hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung tại ứng dụng MEDIGO.
Đánh giá bài viết này
(6 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm