lcp

Tổng quan về bệnh đái tháo đường

4.5

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI NGUYỄN BỬU VÂN

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội khoa-Nội tiết-Tim mạch

Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính xảy ra khi: tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hoóc môn - insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Bệnh đái tháo đường lâu ngày sẽ dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Định nghĩa đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính xảy ra khi: tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hoóc môn - Insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Bệnh đái tháo đường lâu ngày sẽ dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Phân loại đái tháo đường

Phân loại đái tháo đường gồm:

Đái tháo đường type 1: do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.

Đái tháo đường type 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền cơ thể đề kháng insulin.

Đái tháo đường thai kỳ: là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó)

Ngoài ra, đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như:Đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, đái tháo đường do bệnh lý tự miễn ở thanh thiếu niên, đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, thuốc điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô,....

Chẩn đoán đái tháo đường

Các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cảm thấy rất khát
  • Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn, thèm ngọt, thèm đường.
  • Mệt mỏi nhiều
  • Nhìn mờ
  • Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:
  • Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1)
  • Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2)

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ - ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

a) Đường huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ), hoặc:

b) Đường huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

d) Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết và mức đường huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng đưuòng huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán đái tháo đường.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường

Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

  • Rối loạn đường huyết đói : Lượng đường huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc
  • Rối loạn dung nạp đường: Đường huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc
  • HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này dù chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường (pre-diabetes).

Các đối tượng cần tầm soát đái tháo đường

  • Thừa cân, ít vận động thể lực.
  • Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột)
  • Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp) -Rối loạn mỡ máu.
  • Phụ nữ bị buồng trứng đa nang
  • Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ
  • Người có tiền sử được chẩn đoán tiền đái tháo đường (rối loạn đường huyết đói, rối loạn dung nạp đường, HbA1C dao động từ 5.7-6.4%). Xét nghiệm tầm soát nên được lập lại mỗi năm trên nhóm đối tượng này
  • Người có các triệu chứng đái tháo đường.
  • Ở bệnh nhân không có các dấu hiệu/triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở người ≥ 35 tuổi. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1- 3 năm.

Điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính có thể kiểm soát được, hậu quả của nó có thể được tránh hoặc trì hoãn bằng chế độ ăn uống, hoạt động thể lực, dùng thuốc, đồng thời thường xuyên sàng lọc và điều trị sớm- kịp thời các biến chứng.

Điều trị không dùng thuốc

Chế độ ăn uống lành mạnh:

  • Nên ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt. Nên giảm bớt tinh bột, các thức ăn có nguồn gốc động vật và thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, hạ
  • Nên kiêng các thức ăn cung cấp đường nhanh (là các thức ăn có vị ngọt như bánh kẹo, trái cây ngọt như mít, xoài, dứa).

Cần chú ý làm giảm cân nếu có béo phì , duy trì cân nặng lý tưởng. Bệnh nhân dù ăn kiêng để giảm cân nhưng vẫn phải đảm bảo các vitamin, nhất vitamin nhóm B.

Vận động thể dục thể thao duy trì mỗi ngày nhằm tăng nhạy cảm Insulin.

Tránh lạm dụng thuốc lá, rượu bia

Vệ sinh cơ thể, đặc biệt chú ý các vị trí tì đè như lòng bàn chân, kẽ ngón, gót chân.

Điều trị dùng thuốc

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc đái tháo đường được công nhận trên thế giới nhằm: bổ sung hooc môn Insulin, tăng sản xuất hooc môn Insulin, tăng nhạy cảm Insulin,...Tùy vào độ nặng của bệnh đái tháo đường, mức độ gia tăng đường huyết, các bệnh lý đi kèm, hiệu quả kinh tế, mà các chuyên gia sức khỏe sẽ có lựa chọn tốt nhất cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, cá thể hóa điều trị nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết tốt nhất và tránh các biến chứng mạn tính của đái tháo đường.

Kết luận

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt độ tuổi mắc đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa dần. Tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ giúp chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lý. Từ đó giúp người bệnh sớm kiểm soát được đường huyết và giảm được tối đa các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường là căn bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Nhận biết được tầm quan trọng đó, chúng tôi triển khai các gói tầm soát, tư vấn và hỗ trợ điều trị đái tháo đường qua hệ thống App Medigo bác sĩ. Hãy tải app ngay và liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất từ các Bác sĩ, các chuyên gia, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tài liệu tham khảo:

  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 được ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế
  • Tổng quan Đái tháo đường (diabetes overview) của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ ( ADA: American Diabetes Association).
  • Quản lý bệnh Đái tháo đường của Cục Y Tế Dự phòng- Bộ Y Tế

Đánh giá bài viết này

(4 lượt đánh giá).
4.5
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm